Vương Gia Vệ là đạo diễn Trung Hoa nổi tiếng với những bộ phim tình cảm mang chủ đề tình yêu bị cấm đoán, nỗi cô đơn, hoài niệm và hoài hương.
Vương Gia Vệ
Quentin tarantino từng nói “Vương Gia Vệ là một trong những đạo diễn thú vị nhất mà tôi được biết kể từ khi theo đuổi nghiệp làm phim. Phim của ông, cũng như nhiều phim Hồng Kông khác, mang đến một sự hứng thú mà phim Mỹ không có. Nhưng cái độc đáo của phim Vương Gia Vệ là nó có tính thẩm mỹ nghệ thuật cao, không giống với phim của Ngô Vũ Sâm hay Thành Long. Tôi nghĩ nó rất thu hút và đầy hứng khởi.”
Rất dễ để nhớ đạo diễn họ Vương vì ông ta lúc nào cũng mang kính râm - dù là ở phim trường, phòng thu, hay khi trả lời phỏng vấn, thậm chí cả khi nhận giải thưởng nữa. Vương Gia Vệ đã làm rất nhiều phim, từ phim điện ảnh, phim truyền hình, phim ngắn cho đến phim quảng cáo. Nhưng những bộ phim điện ảnh gắn liền với tên tuổi của ông ấy thì có khoảng 10 bộ.

Đọc thêm:

Vượng giác ca môn (As tears go by, 1988) là phim đầu tay của Vương. Thời gian này, sau Bản sắc anh hùng (A better tomorrow, 1986) của Ngô Vũ Sâm, phim xã hội đen trở nên thịnh hành ở Hồng Kông. Phim này của Vương Gia Vệ tuy cũng lấy bối cảnh tranh đấu của các băng đảng xã hội đen, nhưng ông để lại dấu ấn của riêng mình bằng cách tập trung vào nhân vật chính, một gã gangster hạng trung yêu em họ mình và sau đó bị giằng xé giữa một bên là tình yêu, một bên là đời sống giang hồ đầy hung hiểm.

Đọc thêm:

A Phi chính truyện (Days of being wild, 1990) kể về một anh chàng đẹp trai phóng đãng được nuôi lớn bởi một người mẹ nuôi là gái bán hoa. Anh chàng này dính dáng tình cảm với hai cô gái khiến hai cô yêu anh đến phát cuồng. Tuy vậy, điều anh ta thực sự quan tâm và không ngừng tìm kiếm đó là danh tính người mẹ ruột của mình.
Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express, 1994):“Lần đầy xem Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express, 1994) là lúc tôi tham dự một liên hoan phim ở Stockhelm với tác phẩm Pulp Fiction của mình. Trước đó tôi có xem A Phi Chính truyện của Vương và thực sự rất thích nên tôi muốn xem tác phẩm mới của ông ấy như thế nào. Và quả thật khi tôi xem nó, trời ạ, nó khiến tôi thích đến điên lên được. Tôi vốn thích phim tình cảm và phim này của Vương có một thứ gia vị hài hước lãng mạn tuyệt vời và lại được đặt trong một bối cảnh điên rồ một cách thú vị của Hồng Kông. Một khi một người Mỹ đến Hồng Kông rồi thì họ sẽ không thấy nó điên rồ nữa, bởi vì nó thực sự là những gì diễn ra trên đường phố Hồng Kông. Và bộ phim này khắc họa rất chân thực điều đó.” Quentin Tarantino chia sẻ.
Cảnh trong phim Chungking Express (1994)
Đông Tà Tây Độc (Ashes of time, 1994) lúc mới ra mắt đã là một phim kiếm hiệptình cảm đình đám bởi nó quy tụ dàn sao hạng A của Hồng Kông thời bấy giờ. Nó vốn được bấm máy trước Trùng Khánh Sâm Lâm, nhưng vì Trùng Khánh Sâm Lâm quá nhọc sức nên Vươnh phải tạm ngưng Đông Tà Tây Độc rồi trở lại sau. Bộ phim này có nhiều câu thoại sâu sắc và đầy quyến rũ về ý nghĩa cuộc đời, niềm đau, nỗi buồn và hạnh phúc, cũng như có nhiều hiệu ứng đầy mãn nhãn. Bạn thực sự sẽ thấy được sức nặng của đề tài được truyền tải.
Đọa lạc thiên sứ (Fallen Angels, 1995) gần giống với Vượng giác tạp môn, nói về một sát thủ phải vượt qua tình cảm với người đồng sự nữ sinh đẹp (Lý Gia Hân đóng). Bộ phim này có vẻ có liên hệ với Trùng Khánh Sâm Lâm, vì có nhiều nhân vật, địa điểm và câu thoại tương tự.
Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together, 1997) kể về mối quan hệ của hai anh chàng nhập cư người Trung Quốc ở Argentina. Đây là một bộ phim rất cấp tiến vì thời điểm này không những trong điện ảnh mà cả nhiều loại hình nghệ thuật khác, đồng tính luyến ái là một đề tài ít được thể hiện. Và bộ phim này truyền tải được niềm hoài hương sâu sắc của những nhân vật xa quê ở một nơi mà họ không hề cảm thấy hòa hợp.
Cảnh trong phim Happy Together (1997)

Đọc thêm:

Tâm trạng để yêu (In the mood for love, 2000) có lẽ là bộ phim nổi tiếng nhất của Vương Gia Vệ. Bộ phim này nhận được nhiều ngợi khen từ giới phê bình. Phim nói về hai người hàng xóm, đều đã kết hôn, nảy sinh tình cảm với nhau. Nói đơn giản, là phim về một mối tình vụng trộm. Bộ phim này có hình ảnh và cảnh quay rất đẹp. Nếu thử tìm hiểu xếp hạng phim của BFI, bạn sẽ thấy In the mood for love nằm trong top 30 phim hay nhất mọi thời đại.
“2046”(2004) cùng một chuỗi với Tâm trạng để yêu và A Phi chính truyện, bao gồm nhiều yếu tố khoa học giả tưởng, chưa từng có trong những bộ phim trước đó của Vương Gia Vệ. Nó nói về một nhà văn viết về tương lai nhưng đó thực ra lại là quá khứ, và mô tả cái khao khát được tái hiện quá khứ và những kỷ niệm đã mất của con người.
Cảnh trong phim In the mood for love (2000)

Đọc thêm:

Say tình (My Blurberry nights, 2007) là phim duy nhất của Vương Gia Vệ có sự tham gia của các ngôi sao Hollywood – Norah Jones, Jude Law và Natalie Portman. Nó nói về thức ăn, những trái tim tan vỡ, và việc tìm kiếm chính mình – nó không được giới phê bình đánh giá cao vì những câu thoại sâu sắc và tình cảm mang dấu ấn Vương Gia Vệ không được truyền tải một cách đầy đủ trong một ngôn ngữ khác.
Nhất đại tôn sư (The Grandmaster, 2013) là phim gần đây nhất của đạo diễn Vương, thuộc thể loại võ thuật. Nó là câu chuyện về Diệp Vấn, sư phụ của Lý Tiểu Long, và mối quan hệ với một nữ võ sư hùng mạnh, do Chương Tử Di thủ vai. Bộ phim có nhiều cảnh đấu võ thuật kinh điển đẹp mắt và cũng lần nữa truyền tải thông điệp về tình yêu đầy cấm đoán. Bạn hẳn sẽ để ý thấy những gương mặt diễn viên quen thuộc đã xuất hiện trong nhiều phim trước đây của ông, và đúng vậy.

Cảnh trong phim The Grandmaster (2013)
Vương Gia Vệ đã làm việc với nhiều diễn viên như Lương Triều Vỹ, Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa, Lâm Thanh Hà, và Trương Mạn Ngọc nhiều lần và họ vẫn là những diễn viên ưa thích của ông. Những tên tuổi lớn này cũng không bao giờ từ chối lời mời đóng phim từ Vương vì họ biết phim của ông là độc nhất.
Vậy điều gì khiến phim của Vương Gia Vệ đặc biệt đến vậy? Thực ra có rất nhiều yếu tố đặc trưng về phong cách cũng như chủ đề khiến cho phim của Vương trở nên đặc biệt. Những yếu tố này có thể tìm thấy ở nhiều phim của ông và ở đây chúng ta sẽ xác định một số trong chúng.
Trước hết là thuốc lá, bạn có thể thấy cảnh hút thuốc trong rất nhiều phim của Vương Gia Vệ, cả với diễn viên nam cũng như diễn viên nữ - luôn có cảnh quay người ta hút thuốc trong lúc nói chuyện, lái xe, và ngay cả khi họ không thể sử dụng đôi tay của mình. Trong phim của Vương Gia Vệ, ai cũng hút thuốc. Những cảnh như vậy có tác động rất mạnh, chúng tạo ra khoảng trống của im lặng và cảm giác cô đơn.
Một cảnh trong phim Thiên sứ đọa lạc (Fallen Angels, 1995)
Nỗi cô đơn cũng là đặc trưng thứ hai của phim Vương Gia Vệ. Nhiều nhân vật được khắc họa trong phim là những người lao động phổ thông, cảnh sát, người phục vụ ở cửa hàng thức ăn nhanh, hoặc là những người lao động bình dân khác. Những nhân vật này sống ở Hồng Kông, một thành phố tất bật giống New York, và họ đều cô đơn. Họ không có nhiều bạn bè hay người tình – họ sống trong những không gian chật hẹp và thậm chí khi họ yêu ai đó, họ cũng không biết phải bày tỏ thế nào. Nên thay vào đó, họ đốt thuốc, nhìn mông lung, họ nghĩ về tình yêu đã mất. Thứ khoảng cách tình cảm giữa những kẻ cô đơn này được Vương Gia Vệ ghi lại bằng nhiều cách khác nhau trong phim của mình.
Thêm vào đó, những nhân vật của Vương Gia Vệ thường có lời độc thoại của riêng mìnhHọ nói điều gì đó, hoặc bày tỏ cảm xúc nào đó với khán giả chứ không phải là với những nhân vật khác trong phim. Chẳng hạn, trong phần đầu A Phi chính truyện, người xem đã thấy màn độc thoại của nhân vật nữ chính nói về tình yêu của cô ta dành cho một chàng trai trẻ. Sau đó, ta lại thấy màn độc thoại của chàng trai về nỗi buồn của riêng mình. Bọn họ nói với người xem chứ không hề nói với nhau. Hơn nữa, khi mối quan hệ này kết thúc, một diễn viên phụ là một người cảnh sát đến an ủi nhân vật nữ bằng cách cho cô một ít tiền và ở bên cạnh cô ấy khi cô không còn nơi nào để đi. Và cuối cùng anh ta cũng thú nhận tình cảm của mình dành cho cô, nhưng lại qua màn độc thoại. Chúng ta có thể thấy mặc dù những nhân vật này gặp nhau, yêu nhau nhưng họ vẫn là những cá nhân riêng biệt cô đơn với những suy tư tình cảm kì lạ và những bí mật ẩn giấu mà vì một lí do nào đó họ ngần ngại nói ra.
Cảnh trong phim Happy Together (1997)
Vương Gia Vệ còn dùng nhiều cách thức khác để thể hiện cảm giác xa cách và buồn bã này. Như là luôn luôn có mưa, và những chuyển động kì ảo của những chiếc gương soi. Những lựa chọn biểu tượng và phong cách này khiến chúng ta tự hỏi phải chăng thứ tình cảm mà mình đang có cũng có hạn sử dụng? Mặc dù có nhiều bạn bè và người yêu, vẫn luôn có một sự trống trải vẫn luôn ám ảnh mình và khiến mình cảm thấy cô đơn khi quan sát một cơn mưa buổi đêm? Những thứ mơ hồ ấy tuy không thể sờ chạm hay cắt nghĩa được nhưng có chắc là chúng không tồn tại? Những ký ức mà tôi có liệu chúng có vẫn vẹn nguyên và không bao giờ biến mất dẫu thời gian trôi qua?
Nếu bạn cảm giác rằng Vương Gia Vệ là một triết gia bi quan luôn không ngừng truy vấn chúng ta về trạng thái đơn độc của mình, bạn cảm thấy đúng rồi đấy. Cũng như ông ấy có lần trả lời phỏng vấn như sau: “Nhiều người làm phim để đưa ra một lời giải đáp. Còn cách tôi làm phim giống như là đặt câu hỏi nhiều hơn.”