In The Mood For Love - "Ta muốn say cánh bướm với tình yêu"
Một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất của Hồng Kông là Vương Gia Vệ . Tiêu biểu có thể kể đến trong số những phim của ông là Chungking...
Một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất của Hồng Kông là Vương Gia Vệ. Tiêu biểu có thể kể đến trong số những phim của ông là Chungking Express (Trùng Khánh Sâm Lâm) với âm hưởng của Làn sóng mới Pháp (French New Wave) mà được “ông vua của kịch bản” Quentin Tarantino nêu tên trong số những phim hay nhất trong 20 năm trở lại, hay Tâm Trạng Khi Yêu, được Tạp chí TIME đánh giá là bộ phim hay nhất của thập niên 2000.
Tình tiết trong phim của ông, nếu không muốn nói là chẳng đi về đâu mà cũng thoạt thật đơn giản, khó có thể được lột tả hết chỉ bằng lời văn hay những dòng kịch bản. Nói ngắn gọn, phim của Vương Gia Vệ thiên về tình cảm hơn là lý trí. Ở Hồng Kông thập niên 1960, hai con người không quen biết song chung nơi chốn (ông Chu do Lương Triều Vĩ và bà Trương do Trương Mạn Ngọc thủ vai) đã đưa họ đến một mối quan hệ bất đắc dĩ. Ngày qua ngày họ kiếm cớ để gặp nhau, biết rất rõ tình cảm dành cho nhau nhưng không hẳn. Một ngày hẹn gặp nhau tại quán ăn để bộc bạch những nghi vấn của hoàn cảnh mỗi người. Chồng bà Trương ngoại tình với vợ ông Chu. Trong hoàn cảnh ấy, họ càng đến với nhau gần hơn, gần hơn và gần hơn song cũng vẫn luôn bị giới hạn bởi luân thường đạo lý xã hội. Họ càng đến với nhau thì họ lại càng xa rời nhau.
Đọc thêm:
Thế nhưng cái hay trong phim của Vương Gia Vệ không nằm ở phần cốt truyện. Cốt truyện chỉ là một phương tiện để ông đưa người xem từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Và đó cũng chính là cái cốt yếu tạo nên cái đẹp của phim: Những cảnh tĩnh lặng.
Ngôn ngữ trong phim của Vương Gia Vệ được bộc tả bằng cách quay phim chịu nhiều âm hưởng của điện ảnh phương Tây trong một bộ phim đậm chất tình cảm Đông phương. Cách phối cảnh của phim là lời tri ân tới những nhân vật vĩ đại trong lịch sử điện ảnh mà tiêu biểu nhất có thể kể đến bộ phim kinh dị tâm lý Vertigo của Alfred Hitchcock. Với màu sắc chủ đạo của phim là màu đỏ nhạt khát tình, pha lẫn trong đó là bóng tối của sự thật có phần cay đắng và nghiệt ngã.
Đọc thêm:
Vertigo và In The Mood For Love là một bộ phim khác nhau mà giống nhau. Một bộ phim kinh dị tâm lý, một bộ phim về hai con người yêu nhau, thế nhưng nét chung trong tâm lý của nhân vật cả hai bộ phim là nỗi ám ảnh bao trùm. Thật vậy, mỗi cảnh quay trong Tâm Trạng Khi Yêu đều là một bức tranh tĩnh phóng túng mà đầy phong vị của tâm trạng con người trong cơn say tình bị kìm hãm. Nhẹ nhàng mà tinh tế, đơn giản mà trong đó chứa chan những cảm xúc thuần khiết nhất của con người.
Sau những cuộc gặp gỡ, Chu phải lên đường đến Singapore. Nhiều năm trôi qua, mỗi người một ngả và chỉ còn dư âm những buổi trò chuyện khi xưa trong ký ức từng người. Cuối phim, Chu đến Campuchia để thăm đền Angkor để thì thầm trao gửi nỗi niềm của mình cho tượng đá để có thể lưu giữ ngàn năm. Không thiết tha với những lời dẫn dài dòng, Vương Gia Vệ đưa người xem vào một thế giới đậm chất thơ chứa đựng sự cay đắng. Thơ mộng nhưng không thiếu hụt về vị nhân sinh, hàm chứa đằng sau mối quan hệ tưởng chừng như “chưa đủ sâu” trong phim còn là ẩn dụ cho chính quan điểm chính trị của đạo diễn về sự kiện lịch sử lúc bấy giờ. In The Mood For Love được sản xuất trước thềm thiên niên kỷ mới.
Năm 1997, Anh Quốc trao trả thuộc địa Hồng Kông cho Trung Quốc. Cũng như Chu và Trương, Hồng Kông và Anh Quốc không thể “đến với nhau” dù Hồng Kông đã là thuộc địa của Anh suốt 156 năm. Và cứ như vậy, cuộc sống vẫn mãi trôi, cái gì đáng-lẽ-đã-có-thể luôn bị ngăn chặn bằng cách này hay cách khác.
Nhà cố bình luận phim huyền thoại Roger Ebert đã nhắc đến khái niệm “pillow shot” (cảnh tĩnh) khi ông nhắc đến vị đạo diễn Nhật Bản Yasujiro Ozu. “Pillow shot”, như “pillow words” trong thơ haiku; đó là những cảnh quay, như từng khoảnh khắc trong cuộc sống, tồn tại không vì mục đích cao cả và vĩ đại hơn; nó tồn tại chỉ để ta chiêm nghiệm hết cái đẹp mà đồng thời trong kiếp nhân sinh quá đỗi mong manh ngắn ngủi, mang lại ý nghĩa để kéo dài cảm xúc để một tích tắc mà như một thiên niên kỷ.
Những cảnh “pillow shot” trong In The Mood For Love tựa như những bức tranh sơn dầu thấm đẫm xúc cảm khi yêu. Cách biểu đạt trong phim của Vương Gia Vệ không xuất phát từ trí tuệ mà là từ tâm hồn.
Không có cảnh quay nào là thừa trong “In The Mood For Love”. Mỗi cảnh quay đều rất “người”, rất cảm xúc, mà ta không thể nào không liên tưởng đến những tác phẩm như “Mùi Đu Đủ Xanh” của Trần Anh Hùng hay Lost in Translation của Sofia Coppola. Ước vọng của các nhân vật được yêu thương và sống trọn từng giây phút tưởng xa mà không thể gần hơn những ý tưởng của Xuân Diệu trong Vội Vàng:
“Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
-- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Xuân Diệu
Minh Tu Le
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất