Tôi xem Tâm trạng khi yêu (In the mood for love) rồi mới xem đến Vượng giác ca môn (As tears go by). Giữa hai bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ là khoảng cách hơn một thập kỉ, Tâm trạng khi yêu ra mắt năm 2000 còn Vượng giác ca môn là 1988. Bộ phim năm 2000 được đánh giá là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của vị đạo diễn họ Vương, còn bộ phim năm 1988 chính là tác phẩm đầu tay của ông.

Đọc thêm:

Như rất nhiều tác phẩm đầu tay, Vượng giác ca môn có một vẻ ngây thơ, đơn thuần của những người mới bước chân vào con đường nghệ thuật. Tôi nghĩ những người mới bắt đầu sáng tạo đều như vậy: rất nhiệt tình, thuần khiết, mơ mộng và cũng rất ngây thơ, có phần bồng bột. Cũng giống như tuổi trẻ trong Vượng giác ca môn vậy.
Nội dung phim cũng không quá phức tạp, xoay quanh chuỗi ngày quẩn quanh đòi nợ - vay nợ - trả hộ nợ - đánh nhau – thôi không đánh nhau của hai anh em xã hội đen trẻ tuổi Hoa (Lưu Đức Hoa) và Fly (Trương Học Hữu), cùng mối tình giữa Hoa và Nga - cô em họ của anh (Trương Mạn Ngọc). Chỉ vậy thôi mà tôi lại thích phim rất nhiều. Có thể vì Trương Mạn Ngọc của phim này còn quá trẻ, đôi mắt trong sáng chưa trải qua thời gian như những bộ phim sau. Cũng có thể vì những khung hình đẹp như cắt ra từ những bức tranh.

Đọc thêm:

Một trong những khung hình đọng lại thật lâu trong kí ức của tôi về bộ phim là cảnh những tán cây xanh mướt xào xạc trong gió. Những nhân vật trong phim cứ giải quyết các ân oán (vặt vãnh) chốn giang hồ, mải yêu đương rồi lại chia tay, còn những chuyến xe bus màu vàng vẫn cứ đều đều lướt qua nhau, người đi rồi về, hoặc đi rồi không bao giờ quay trở lại, và cây lá cứ xanh rì, vi vu. Xanh như tuổi trẻ bốc đồng và khờ dại.

Có lẽ chỉ khi còn trẻ người ta mới bất chấp mọi lý lẽ để yêu một người mà mình biết là khó có tương lai. Khi A Nga bỏ anh bác sỹ lại để chạy đi tìm Hoa, hẳn cô cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản là không muốn trốn chạy tình cảm của mình thêm một chút nào nữa. Khi cô vừa khóc vừa tiễn Hoa ở bến xe, có lẽ cô cũng bất an về một ngày anh sẽ không bao giờ trở lại. Cô biết hết, biết hết chứ, về kết cục không mấy tươi sáng cho mối quan hệ của hai người. Chính A Nga đã chứng kiến cuộc sống lộn xộn, nguy hiểm của Hoa, cũng chính cô lại mua cho anh những chiếc cốc mới để thay cho những chiếc cốc anh đã làm vỡ.
“Em có mua thêm vài chiếc cốc. Em biết rằng sớm hay muộn chúng cũng sẽ vỡ hết cả thôi. Thế nên em giấu đi một chiếc. Một ngày nào đó nếu anh cần, gọi cho em, em sẽ chỉ chỗ em giấu nó cho anh.”  


Tuổi 30, 40, bạn có thể thôi gật gù theo những bản nhạc pop vào một sáng đẹp trời, cất những bộ quần áo thùng thình vào xó tủ. Nhưng tuổi 20, bạn đủ điên cuồng để yêu mà không nghĩ đến ngày mai, để lên một chuyến xe mà chưa rõ điểm đến.

Tuổi 20, có đôi lúc bạn muốn làm anh hùng, thấy cảnh sống đời tẻ nhạt sao mà chán chết. Fly (Trương Học Hữu) cứ muốn phải trở thành một cái gì đó khác với con người hắn hiện tại. Hắn cứ ăn nói bạt mạng, đánh nhau tơi bời, lắm lúc gây ra toàn chuyện phiền phức cho đàn anh A Hoa, cũng chỉ vì hắn không biết phải làm gì với đời mình. Những màn trừng phạt, gây hấn liều mạng trong phim giữa hai anh em A Hoa – Fly và băng đảng của anh áo sọc nhiều lần khiến tôi nghĩ rằng, hay là tất cả xã hội đen trẻ tuổi trong phim này đều vậy, đều không biết phải làm gì với đời họ nên cứ đi đấm, đá, thụi, bịch chỉ vì những lý do hết sức cỏn con?
“Những người như chúng ta làm gì có ngày mai”

Nhân vật Fly trong Vượng giác ca môn khiến tôi nghĩ tới Betty Blue trong bộ phim cùng tên của điện ảnh Pháp. Cả hai đều hành động bột phát, không ai biết sắp tới họ sẽ làm gì, và buồn thay, hành động nào cũng chỉ dẫn tới sự tự hủy hoại mình. Betty rạch luôn chiếc lược sắt vào mặt gã biên tập đã buông lời miệt thị tác phẩm của người đàn ông cô yêu, còn Fly nổi khùng khi đám lâu la của kẻ thù châm chọc việc anh đứng bán cá viên ở lề đường, để rồi nhận lấy những trận đòn nhừ tử. Bán cá viên à? Bán cá viên thì có gì là oách, tôi đây muốn làm anh hùng cơ, muốn làm một người có vị thế cơ, Fly nghĩ vậy, nên anh ta tung hứng cái kéo cắt cá viên rồi để kéo rớt luôn vào nồi nước, khi cảnh sát hỏi đến thì đốp chát lại, dùng kéo cắt… lông mũi, rồi kết cục cũng bỏ luôn xe bán cá. Khi Fly mang điều hòa về cho mẹ, mẹ anh ta từ chối không nhận, anh ta cũng vứt luôn cái điều hòa xuống sông.

Đọc thêm:

Thằng nhóc Holden Caufield trong Bắt trẻ đồng xanh cũng chẳng từng muốn đến làm việc ở trạm xăng, rồi giả câm giả điếc để không phải trò chuyện với ai đấy thôi. Tuổi trẻ có thừa những lúc bơ vơ và cô đơn đến như thế. Khi tuổi trẻ qua đi, những cô gái như A Nga rất có thể sẽ quay về với anh bác sỹ hiền lành, công việc ổn định, bỏ lại sau lưng mối tình chớp nhoáng và say đắm thời mắt còn biếc, ánh nhìn còn thơ ngây. Những kẻ lạc lõng, không có nổi một mái nhà để tìm về như A Hoa hay Fly hoặc là tự hủy hoại mình, hoặc là sẽ tìm một công việc bình lặng, đàng hoàng hơn để bắt đầu lại. Họ có thể sẽ ổn, hoặc không ổn, nhưng dù gì đi nữa, thì cái màu xanh rì mướt mắt của những tán cây ngày hôm ấy, tuổi trẻ ngốc nghếch một thời ấy, sẽ không còn bao giờ quay trở lại nữa.  
Việt Anh