In the mood for love - Khi tình yêu là một thứ gì đó day dứt
"Anh ấy nhớ những ngày tháng đã qua ấy, như nhìn qua ô kính cửa sổ bám bụi. Quá khứ là thứ có thể nhìn thấy nhưng lại không thể chạm...
"Anh ấy nhớ những ngày tháng đã qua ấy, như nhìn qua ô kính cửa sổ bám bụi. Quá khứ là thứ có thể nhìn thấy nhưng lại không thể chạm vào. Và mọi thứ anh ấy nhìn đều mờ và hoen ố."
Hong Kong năm 1962, ở một khu tái định cư của người Thượng Hải có hai cặp vợ chồng cùng chuyển đến sát nhà nhau trong cùng một ngày. Đó là gia đình của ông Chu và bà Trần. Ông Chu là một phóng viên, sống cùng 1 người vợ thường xuyên đi làm về khuya. Bà Trần làm thư ký cho một công ty hàng hải, cũng có chồng là một người chuyên đi công tác xa nhà. Cuộc sống hôn nhân giữa 2 cặp vợ chồng mỗi người một giờ sinh hoạt như vậy đã đẩy ông Chu và bà Trần vào tình cảnh cô đơn, lẻ loi khi phải thường xuyên ở nhà 1 mình, phải đi ăn cơm 1 mình. Do nhà ở ngay sát cạnh nhau nên hai người thỉnh thoảng cũng giáp mặt, cũng nói chuyện dăm ba câu.
Thế rồi một lần, khi họ đã trở nên cởi mở với nhau hơn, cả hai đã cùng bộc bạch chân thật về vị hôn phu của mình, để rồi lộ ra rằng bản thân đã luôn biết thừa ngay từ đầu rằng nửa kia của họ đã lừa dối họ, đã đi ngoại tình. Và trớ trêu hơn nữa, vợ ông Chu lại ngoại tình với chính chồng bà Trần. Có lẽ, việc hai gia đình chuyển đến ngay sát cạnh nhau không phải là một sự tình cờ, trùng hợp chăng?Ông Chu và bà Trần bắt đầu mở lòng hơn khi họ nhận ra rằng cả hai đều đang đồng cảnh ngộ. Và rồi, như một điều tất yếu khi con người cô đơn sẽ dễ ngã lòng trước những cử chỉ ân cần, lo lắng từ người khác, hai người họ cũng đã phải lòng nhau như vậy đó.
Họ đến với nhau nhiều hơn, những bữa dạo phố, những bữa đi ăn hàng, thậm chí một tô mì khi đói bụng hay một bát chè lúc ốm đau cũng chứa đựng rất nhiều quan tâm lo lắng, họ giúp nhau viết sách, tập cách đối phó với người kia... nhưng tất cả đều có khoảng cách. Họ đến khách sạn nhưng để làm việc, để giúp nhau viết sách và... để suy tư sự đời chứ không hề có chuyện "mèo mả gà đồng" và cũng chẳng một lần "trên bộc trong dâu". Họ không hề muốn "giống như những người kia", giống như những kẻ đã và đang lừa dối họ.
Chẳng phải rằng họ làm hay có điều gì xấu xa khi luôn che giấu mối quan hệ của mình như vậy nhưng luân thường đạo lý, gia phong nếp nhà, quan niệm xã hội cùng cả trăm thứ khác tạo nên một bức thành đồng vô hình mà hiện hữu ngăn cách họ. Có những lúc người này buồn, người nọ dỗi nhưng chẳng bao giờ to chuyện. Họ lại nhớ nhau ngay đấy, ước ao gặp mặt nhau ngay để nói chuyện trên trời dưới biển, để thỏa lòng yêu thầm kín, và chỉ cần có thế, chẳng mong đợi gì hơn...
Câu chuyện thật lạ mà phải không? Ngày nay, chúng ta xem khá nhiều bộ phim có chủ đề gần tương tự như vậy thì luôn thấy rằng kiểu gì hai nhân vật chính cũng sẽ đến với nhau, sẽ lao vào yêu nhau điên cuồng ngay từ lúc họ nhận ra tình cảm của mình. Tuy nhiên, bộ phim này lại không như vậy. Những lề thói xã hội, những dị nghị có thể xuất hiện từ hàng xóm và chính cả những chuẩn mực trong lương tâm đã khiến cho hai con người yêu nhau một cách vô cùng thuần khiết đã không thể đến được với nhau. Họ bị mắc kẹt lại giữa tình cảm thật tâm thật lòng của chính bản thân mình với cái cảm giác tội lỗi trong lòng vì đã đi ngược lại chuẩn mực của xã hội. Thậm chí có những khoảnh khắc khi hai người họ thật sự rung động và muốn bày tỏ một cử chỉ thân mật gần gũi, cả hai đều để lỡ chỉ vì không dám tiến qua cái vạch mà họ đã tự vạch ra ấy.
Cảnh mà mình thích nhất chính là cảnh mà ông Chu giả làm ông Trần để diễn vai ông chồng bị bà Trần tra hỏi chuyện có người tình bên ngoài. Cái cảnh ấy xem sao mà thấy đau xót. Chính bản thân họ còn không biết phải làm gì khi đối mặt với sự thật ấy, khi trả hỏi người chồng/vợ mình chuyện đi ngoại tình. Họ diễn cảnh để rồi thấy bản thân mình bất lực đến thế nào khi không biết phải làm gì, để rồi cay đắng thốt lên câu "Em không biết nên phản ứng như thế nào nếu đối diện thật sự" với người kia và rồi quay sang ôm nhau khóc nức lên trong sự đau đớn cho cuộc đời ngang trái của mình.Làm nên thành công cho bộ phim này đầu tiên phải kể đến tài năng của đạo diễn Vương Gia Vệ. Ông là một đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất nổi tiếng mà khi nhắc đến nền điện ảnh của Hồng Kông, người ta không thể không nhắc đến tên ông. Khi làm những bộ phim về tình yêu như này, Vương Gia Vệ từng chia sẻ rằng ông luôn quan niệm rằng "Tình yêu mà hoàn hảo thì rất nhàm chán" nên luôn muốn làm những bộ phim tình cảm mà nó khác với thông thường. Có lẽ bộ phim "Tâm trạng khi yêu" thành công một phần cũng là vì thế. Nó khai thác một khía cạnh khác của tình yêu mà không phải ai cũng thể hiện điều đó ra được.Tuy nhiên, để bộ phim đạt được những thành công và những giải thưởng từ những liên hoan phim quốc tế thì không thể không kể đến hai nhân vật chính trong phim. Nữ diễn viên Trương Mạn Ngọc thủ vai Tô Lệ Trân (hay còn gọi là bà Trần, theo họ của chồng). Có thể nói, cô là lựa chọn duy nhất của Vương Gia Vệ cho vai diễn vì theo ông, ở cô hội tụ được tất cả những yếu tố của một phụ nữ của giai đoạn những năm 1960 từ dáng vẻ, cử chỉ cho tới vẻ bề ngoài.
Đọc thêm:
Nam diễn viên Lương Triều Vỹ thủ vai Chu Mộ Văn (ông Chu). Có thể nói, tên tuổi của anh gần như không ai là không biết đến khi nhắc đến điện ảnh Hồng Kông. Thậm chí chỉ cần anh đảm nhận vai chính trong bộ phim nào thôi cũng đủ để người ta cảm thấy muốn xem thử rồi. Hai diễn viên nổi tiếng của Hồng Kông cùng hội tụ trong cùng một bộ phim tình cảm. Và cả hai người họ đã thể hiện rất xuất sắc vai diễn của mình. Từng lời nói, hành động, cử chỉ của họ đều mang lại cảm xúc, suy tư cho người xem. Đặc biệt phải kể đến ánh mắt của họ, vừa buồn mà lại vừa da diết. Bộ phim không có nhiều lời thoại nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt của họ thôi cũng đủ để làm trong lòng người xem dấy lên những xúc cảm khó tả rồi. Có thể nói, Lương Triều Vĩ cùng Trương Mạn Ngọc là hai diễn viên hợp tác lâu dài và thành công nhất của Vương Gia Vệ.
Đọc thêm:
Một thành công nữa của phim phải kể đến âm nhạc của nó. Âm nhạc là yếu tố rất quan trọng trong phim của Vương Gia Vệ. Ông thường cho quay phim và các diễn viên nghe trước nhạc nền của phân đoạn tiếp theo sẽ quay để họ có được cái khái niệm về nhịp độ và màu sắc của cảnh quay. Trong "Tâm trạng khi yêu", nhạc phim được Vương lựa chọn rất kĩ lưỡng vì theo ông, nó vừa đóng vai trò tạo nhịp độ cho phim, vừa thể hiện nội dung phim. Mình đặc biệt thích cái nhạc nền "Yumeji's Theme" bởi nó mang lại cảm giác buồn bã, day dứt, rất phù hợp với nội dung phim này. (Bên dưới mình có để link nhạc bài này cho các bạn nghe thử nếu thích)
Một điểm trừ của bộ phim và cũng phải nói luôn nếu bạn nào có ý định xem thử là nó không hề có cao trào hay xung đột gì cả. Tất cả đều bình lặng nên khiến cho bộ phim hơn 2 tiếng đồng hồ có phần nhàm chán. Nếu bạn đang tìm một bộ phim sôi động để xem thì tiếc là bộ phim này không dành cho bạn.Như tiêu đề của bài viết "Khi tình yêu là một thứ gì đó day dứt", đến tận phút cuối của bộ phim, ta vẫn cảm nhận được cái sự day dứt về tình cảm giữa hai người là ông Chu và bà Trần. Đó là một tình yêu đẹp, một tình yêu khắc cốt ghi tâm, một tình yêu mà "sống để dạ, chết mang theo". Nhưng nó cũng là một tình yêu nhuốm màu buồn bã, day dứt không chỉ người xem mà còn cho chính hai nhân vật cho đến tận cuối đời.
P.s: Mình share phim cho các bạn xem thử nếu thích (Xem xong nên đi search thêm mấy đoạn deleted/cut scene nữa để hiểu hơn nữa về ý nghĩ của phim nhé)
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất