Về yếu tố đồng tính trong Xuân quang xạ tiết (1997) của Vương Gia Vệ
Hãy ngừng nói về Xuân quang xạ tiết (1997) của Vương Gia Vệ bằng cụm từ 'phim đam mỹ'. Rất nhiều người gọi Xuân quang xạ tiết...
Hãy ngừng nói về Xuân quang xạ tiết (1997) của Vương Gia Vệ bằng cụm từ 'phim đam mỹ'.
Rất nhiều người gọi Xuân quang xạ tiết là phim đam mỹ hoặc phim BL (Boys Love). Một số bài bình phim thậm chí có kiểu mở đầu y chang nhau như từ một khuôn đúc ra: "Trước giờ tôi không xem phim đam mỹ, nhưng tôi đã xem hết bộ phim này bởi vì...".
Nhưng thực sự thì thế nào mới là phim đam mỹ hay phim đồng tính? Hai nhân vật chính trong Xuân quang xạ tiết quả là có mối quan hệ tình cảm đồng giới; nhưng điều này có biến bộ phim thành phim đồng tính hay không?
Ta có thể xem Xuân quang xạ tiết là một phim có yếu tố đồng tính. Tuy nhiên, yếu tố này không phải là yếu tố chủ đạo.
Một phim có yếu tố đồng tính nam làm chủ đạo, theo tôi, có thể tạm phân thành hai loại:
Phim đam mỹ: hướng đến việc khơi gợi xúc cảm tình dục và những mơ mộng tình cảm của người đồng tính nam và hủ nữ. Nó chú trọng mô tả những tình huống mà tình yêu/tình dục đồng giới được biểu lộ.
Phim phê bình xã hội: hướng đến việc phê bình xã hội, dành cho mọi đối tượng khán giả. Nó đặt đồng tính trong bối cảnh văn hóa, xã hội có tính áp chế, phân biệt đối xử nhằm đặt vấn đề thảo luận về quyền của người đồng tính, như một bộ phận của cộng đồng thiểu số tính dục.
Tuy nhiên, Xuân quang xạ tiết không hề rơi vào bất cứ loại nào trong hai loại kể trên.
Trước hết, nó không phải là phim đam mỹ bởi vì hai nhân vật chính không phải là mỹ nam. Hình thể của họ cũng không được thể hiện với nhãn quan hủ nữ hay nhãn quan đồng tính (fujoshi’s gaze và gay gaze, hai khái niệm tôi đề xuất trong sự tương quan với khái niệm male gaze của Laura Mulvey). Phim cũng không hướng đến đối tượng khán giả là người đồng tính và hủ nữ.
Xuân quang xạ tiết cũng không phải phim phê bình xã hội do nó không đặt mối quan hệ đồng tính trong bất cứ bối cảnh văn hóa, xã hội nào nhằm làm nổi bật đối tượng cần phê bình. Nó không biện minh cho tình yêu đồng giới. Nó không bình phẩm, thảo luận. Nó không đối xử với tình yêu đồng giới theo một cách đặc biệt nào cả.
Một điểm đáng nói khác là, yếu tố đồng tính trong phim cũng không được thể hiện như bất cứ khuôn mẫu nào từng thấy. Hai nhân vật chính trong phim không hề tuân thủ theo một motif nào về người đồng tính trong những bộ phim từ trước đến nay.
Motif thể hiện người đồng tính thường thấy là những gã trai với gương mặt thanh tú, ưa chải chuốt, mê thời trang, giọng cao và cách nói chuyện luyến thoắng. Một cặp đôi đồng giới thường cũng được nhìn nhận với vai vế trên - dưới như một cặp đôi dị tính. Những tái trình hiện (representation) này đã xuất hiện quá nhiều trong điện ảnh và sân khấu, củng cố nét nghĩa thống soát vốn rất thiên kiến về người đồng tính và tạo ra những khuôn mẫu xa lạ cho chính những người đồng tính.
Xuân quang xạ tiết có một cách khắc họa người đồng tính hoàn toàn khác. Tình huống phim có yếu tố đồng tính, nhưng tính cách nhân vật không có yếu tố đồng tính. Tôi cho rằng Vương Gia Vệ dường như không đạo diễn rằng Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh phải thể hiện người đồng tính như thế này hay thế kia. Ông ta chỉ đơn giản bảo họ rằng, trong cảnh này hai người phải làm tình, trong cảnh kia hai người phải thể hiện sự ghen tuông. Và đó là biểu hiện của việc không xem đồng tính là một yếu tố cần nhấn mạnh. Đây là một điểm vô cùng cấp tiến mà tôi nhận thấy ở Xuân quang xạ tiết.
Sở dĩ tôi phải bàn về vấn đề này là vì tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phê bình nghiêm túc cách thể hiện các yếu tố về giới và tính dục trên phim. Và xa hơn nữa, là đặt nghi vấn về những ý niệm nam tính, nữ tính hay đồng tính.
Bởi vì đồng tính như một giống loài (species) có lẽ chỉ là một sản phẩm của diễn ngôn thế kỷ 19 mà thôi. Và chúng ta đang tiếp nhận nó một cách không hoài nghi.
Tóm lại, Xuân quang xạ tiết không phải là một phim đồng tính, cũng không phải phim đam mỹ. Nó là phim về một mối quan hệ, và tình cờ mối quan hệ đó là mối quan hệ giữa hai người đàn ông.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ Vương Gia Vệ, khi ông cho biết:
Đây không phải là một phim đồng tính. Nó là một câu chuyện tình cảm với trọng tâm là cảm giác cô đơn khi bên cạnh người mình yêu; Còn “hạnh phúc cùng nhau” ở đây cũng có thể hiểu là hạnh phúc với chính mình, với quá khứ của mình.
Trịnh Nhật Tuân
Đọc thêm:
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất