Chị đẹp chị có toàn quyền
Tài tử giai nhân với tri âm tri kỷ, cùng một chữ "duyên" nhưng cũng khác ở chữ "duyên", cùng một cái "tình" mà cũng khác ở cái "tình". Nó là một cái thứ rất thú vị trong văn học cổ kim.
Nói tri âm, tri kỷ, người đời nhớ đến Tử Kỳ, Bá Nha, gần hơn thì có Dương Khuê, Nguyễn Khuyến. Duyên của tri âm, tri kỷ giống như anh giai Bá Nha học rộng đàn hay giữa sông gặp anh Tử Kỳ tiều phu chân đất mắt toét mà khúc nào mình đàn nó cũng vanh vách như đọc ra tâm can mình vậy. Hoặc giả như cái duyên từ bé của Nguyễn Khuyến, Dương Khuê lại đồng đạo, nên thành tri âm tri kỷ của nhau, đến khi một ông qua đời thì ông còn lại làm bài thơ thảm thiết còn hơn cha chết. "Hữu duyên" của tri âm tri kỷ, thường trở thành những thứ tình bạn dài lâu như thế.
Còn nói đến tài tử, giai nhân, người đời nhớ đến cũ hơn thì có Kim, Kiều, mới hơn thì lại Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh. Duyên của tài tử, giai nhân, như Kiều gặp Kim đối đáp có vài câu mà Kiều đã "xăm xăm" muốn ăn tươi nuốt sống con nhà người ta để rồi sau này chia lìa thì thằng kia quay sang nhảy con em. Hay cô Nhậm chỉ vì tiếng tiêu cùng bản nhạc anh Lệnh Hồ tặng cho mà sau này sẵn sàng chịu tội ngồi trên cái chùa chán nhất mẹ truyện Kim Dung mang tên Thiếu Lâm Tự. "Hữu duyên" của tài tử, giai nhân, lắm khi lại trở thành cái nghiệt duyên như thế.
"Tình" của tri âm, tri kỷ là thứ tình bằng hữu, ngang hàng, đó là sự thấu hiểu, trao đổi, thán phục, tôn trọng. "Tình" của tài tử, giai nhân, giống hết, chỉ thêm vào một chữ khiến cho anh hùng cứ gọi là long sòng sọc, đó chính là "sắc". Đồ rằng nếu Kiều mà mặt mày cỡ Chung Vô Diệm, có xăm xăm sang thì anh Kim cũng chạy mất dép, hay cô Nhậm mà xinh kém họ Nhạc một tí thôi thì chắc anh Lệnh Hồ cũng chẳng đắm đắm đuối đuối đến thế. Các ông cứ ra rả tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng ngồi viết có mấy ông không có giai nhân đâu, nhưng đấy là một chuyện khác.
________________________________________________________________________________
Ví dụ về chuyện khác:
Cái thứ sắc đấy từ giai nhân là chủ yếu, đi kèm với tài của tài tử khiến tài tử và giai nhân nổi lên một thứ cảm xúc không có ở hai thằng bạn thân, đó là chiếm hữu. Tất nhiên ở đây loại trừ tất cả những thứ liên quan đến cờ bảy màu hay giới tính thứ ba, tư, năm gì đó. Và con người ta, khi nổi lên dục tâm, thường chẳng còn nghĩ thông được cái gì hết nữa. Bây giờ thì người ta giải thích là có hoóc môn này nọ, chứ còn trước kia thì cứ thấy phừng phừng đêm nằm thao thiết, ngày buồn nhớ nhung thôi chứ có biết cái mẹ gì đâu. Chỉ một giọng nói, chỉ một nụ cười, chỉ một cử chỉ hào hoa phong nhã, rồi, rằng thì là mà theo văn chương ngôn tình, đôi con ngươi dán chặt vào nhau đi kèm với tiếng sét ngang trời cùng "bỏ mẹ rồi", và thế là có chuyện.
Tài tử nhìn thấy giai nhân, hay giai nhân gặp tài tử, hay có cái thứ tình cảm bùng cháy như vậy. Mà tình cảm bùng cháy thì thường sau đó chỉ có ra tro, chứ khó mà được tiêu dao tự tại như anh Lệnh Hồ với chị Nhậm đâu, hơn nữa là Kim Dung rất khôn khi chuyện tình toàn ở chỗ hai người dắt tay nhau tung tẩy, chứ cấm có đến đoạn lập gia đình và có con, khoản đấy mới khốn nạn. Bỏ tạm Tàu qua một bên, mà Tàu thì khoản tài tử giai nhân cứ Hồng Lâu Mộng mà phang là hiểu, sẽ nói đến lần khác, nếu mà lật lại cái cảnh tài tử giai nhân trong văn học cổ của ta, thì thường, theo ngôn ngữ hiện đại, là chả ra cái đéo gì.
Như cụ Dương Khuê:
Tích ngã lãng du quân thượng thiếu
Kim quân hứa giá ngã thành ông
(Xưa ta chơi bời lãng mạn, nàng hãy còn bé.
Nay nàng đến tuổi lấy chồng thì ta đã già.)
Gặp nhau, và bén duyên với nhau đấy, nhưng chẳng ra cái gì cả. Bởi tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Thêm nữa là chưa đủ tuổi lúc cái duyên nó bén. Mười lăm năm gặp lại thì cảnh bạch phát (tóc bạc) với hồng nhan (má phấn) rồi. Để tài tử ngao ngán, bồi hồi, mà rằng:
Cười cười nói nói thẹn thùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại,
Riêng một thú Thanh, Sơn đi lại
Khéo ngây ngây dại dại vì tình,
Đàn ai một tiếng dương tranh?
Thực ra, may cho cụ Dương là cụ mới chỉ nhìn thôi chứ không có sơ múi. Sơ múi một phát là thành Oan nghiệt ngay lập tức.
Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ Sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận
Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
(Oan nghiệt - Nguyễn Bính)

Thường thì tài tử giải nhân trong thực tế văn chương, là chơi bời, là qua đường, là thứ mà ngày nay ta gọi là tình một đêm đó. Tài tử là kẻ lãng mạn, sống bằng cảm xúc, bằng thứ hưng phấn mãnh liệt, ít ai nghĩ đến hậu quả, còn giai nhân đôi khi cũng chỉ muốn chiều lòng người quân tử một đêm mà thôi. Mà đến cái mức có con rồi, thì chẳng phải cần phải vào cái thời phong kiến cổ hủ, lạc hậu trước kia, đến ngay như ngày nay còn lắm chuyện dở khóc dở cười. Cái chuyện tình tài tử giai nhân của Nguyễn Bính rồi cũng kết thúc trong nước mắt như thế:
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu, môi chớ son
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệt
"Bảy nổi ba chìm với nước non"
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm, con ơi! Bạc lắm con!
Ở đây, cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn..
Còn chẳng muốn con đẹp, con tài, bởi con đẹp, con tài, con lại rơi vào cái thằng tài tử. Đọc mà ngậm ngùi cho cái phận hồng nhan. Mắt sắc như dao lưu cầu, môi đỏ như son, thì rồi cũng vào cái phận truân chuyên bạc mệnh. Mà lắm lúc là do các ông tài tử gây ra chứ đâu. Cái thứ thuộc về nhau đôi khi nó nguy hiểm như thế. Chẳng thà như Quỳnh với Điểm:
Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long.
Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử tí thì thử.
Đôi câu đối cắt duyên cái phựt. Cũng là lần duy nhất Quỳnh đối nổi Điểm. Nhưng chẳng thế lại hay. Bởi Điểm không chịu được cái thói lông bông, cái tính ngạo mạn của Quỳnh. Mà sau Quỳnh nhờ Điểm đối xứ Tàu "Giai do thử đồ xuất", Điểm đồng ý ngay chứ có làm sao đâu. Chính ra như Điểm với Quỳnh lại thành sáng suốt vậy.
Còn có nên duyên vợ chồng đi chăng nữa, lại cũng chẳng đến đầu bạc răng long. Có khi là do "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen", mà khiến cho bên nhau chẳng được bao lâu đã phải chia lìa. Như Ngọc Hân Công Chúa, một vị quốc sắc thiên hương, thơ ca tuyệt đỉnh, với Quang Trung Nguyễn Huệ anh hùng uy dũng, vốn chẳng thể nào đẹp đôi hơn được, thì chẳng bấy lâu sao nàng phải chịu cảnh quạnh hiu do chồng mất, để phải tự thán rằng:
Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan hoa héo ron ron
Cầu Tiên khói tỏa đinh non
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu
Mà đôi khi cái buồn của bậc nữ hậu, thêm cái cảnh hậu cung thăm thẳm, đã buồn lại càng sầu thảm hơn.
Sáng sớm ngồi nghĩ nghĩ, nảy ra ý hay hay, nên đành viết, gọi là lạm bàn giải trí. Hơ, tự dưng kiếm cái ảnh đụng phải Trần Hảo trước đóng A Tử, lại thêm cái chuyện Tiêu Phong, A Châu, A Tử cũng không kém phần lâm li bi đát. Nhưng mà đọc vui thôi, đừng nghĩ ngợi nhiều quá.
Dăm ba bài linh tinh vô thưởng vô phạt khác đọc cho vui: