Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng như thế này: Có cả một “quãng đời" nhiều “thành tích”, như là luôn nằm trong top của lớp, thi vào khoa cao điểm nhất của trường Đại học hot hòn họt, giật vài cái học bổng “trang trí", Chủ tịch CLB sinh viên… nghe rất rực rỡ và nhiều màu sắc...
Thế rồi bạn bất thình lình rơi bụp xuống mặt đất. Một ngày bạn nhận ra khi chúng bạn xung quanh đứa đã là senior ở công ty lớn nọ, đứa có lương vài ngàn đô ở tập đoàn khủng kia, thì bạn lại vừa thất bại trong startup đầu đời và phải nói lời chia tay với đồng đội của mình vì không đủ tiền trả lương.
Đấy là mình, phiên bản 2017. 
Startup thất bại năm đó là Spiderum—nền tảng chia sẻ nội dung mà ngày hôm nay lúc bạn đang đọc được những dòng này thì đã có khoảng 1.5 triệu lượt xem trang hàng tháng, khoảng 100 ngàn người dùng và hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên các kênh social media.

Không sai không về

Cũng giống như rất nhiều startup khác khi mới ra đời, team sáng lập bọn mình vẽ ra một sứ mệnh đầy hoài bão với Spiderum: trở thành một nền tảng chia sẻ những ý tưởng và quan điểm thú vị nhất ở Việt Nam, nơi mọi người có thể trao đổi và thảo luận văn minh. 
Nhưng làm cách nào để hiện thực hoá được ý tưởng đó thì bọn mình không biết. Chính xác là làm cách nào để Spiderum đến được vị trí cần đạt được của nó trong khi khoản vốn đầu tư thiên thần bọn mình nhận được chỉ có giới hạn, thì bọn mình không biết. “Cứ có nhiều người dùng ắt sẽ có tiền" hẳn là một lời nói dối vô cùng ngọt ngào mà ở đâu đó người ta đã nhen nhóm vào trong đầu bạn. Bọn mình, những sinh viên sáng láng trong và ngoài nước, tụ họp nhau lại những tưởng sẽ tạo ra một điều kỳ diệu. Nhưng việc bạn làm ra một thứ gì đó “hay" không có nghĩa là mọi người sẵn sàng trả tiền cho nó, và Spiderum khi đó cũng vậy. 
Đến một ngày thì bọn mình tiêu hết khoản đầu tư ban đầu. Văn phòng to đẹp phải chuyển về nhà của bạn founder, vì bố mẹ bạn hàng tháng không thu tiền nhà mà chỉ lấy tiền điện nước. Buổi trưa thay vì gọi cơm, đi ăn thì anh em bắt đầu mì gói “tàu nhanh". Người dùng vẫn tăng đều đặn, bọn mình nhận được nhiều sự yêu mến từ các cây viết, lượng content thú vị ùn ùn kéo về, chỉ duy có doanh thu là chưa thấy đâu.
Sau nhiều tháng trời thử nghiệm các mô hình kinh doanh khác nhau từ content production cho đến agency “sân sau" nhưng tiền về vẫn chẳng là bao, bọn mình bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Và nản. Một ngày nọ mình và bạn founder đi tới một sự kiện dành cho startup, tụi mình gặp được anh T., Phó chủ tịch một quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng chuyên rót vốn vào các startup thành công đời đầu của Việt Nam. Mình không nhớ chính xác anh nói gì, nhưng anh từ chối giúp đỡ bằng một câu rất khéo léo: Bao giờ có 1 triệu người dùng thì hẵng gặp anh
Chưa bao giờ trong hai mươi mấy năm cuộc đời, bọn mình lại cảm thấy hoài nghi về bản thân đến thế. Thế là quyết định tách team được đưa ra cuối năm 2017, bọn mình mỗi đứa một ngả đi xin việc ở các công ty khác nhau. Điều đáng nói là trong hơn 1 năm tách nhau đi làm ấy, team sáng lập bọn mình vẫn luôn canh cánh trong lòng về việc “come back" với Spiderum nhưng chưa rõ phải làm sao? 
Bây giờ nghĩ lại, ước gì lúc đó người mà tụi mình đi gặp là Reapra—đơn vị đã đầu tư vào Spiderum sau này để có thể chia sẻ những bế tắc không lối thoát ấy. Bài học mà tụi mình nhận được từ lần thất bại đầu tiên này, là nhà đầu tư không nên chỉ là người cho bạn tiền, bởi vì tiền thì sẽ ra đi rất nhanh nếu không kèm theo “hướng dẫn sử dụng". Nhà đầu tư, hơn nữa, cần phải là một người bạn đồng hành theo đúng nghĩa đen, hay theo ngôn ngữ của Reapra, một institutional co-founder(*), để lắng nghe tâm tư tình cảm của bạn, theo sát hỗ trợ những thăng trầm của bạn, và là điểm tựa cho bạn trong lúc khó khăn nhất. 
Đối với cá nhân mình, có lẽ sự hoài nghi bản thân là một thách thức cực lớn mà bất cứ startup founder nào cũng phải đối mặt. Ý tưởng này có đủ tốt không? Và cho dù tốt và được yêu thích đi chăng nữa (như trường hợp của Spiderum), thì có gì đảm bảo rằng nó sẽ thành công? Trong vòng hơn một năm tách nhau ra đi làm, bản thân mình luôn trong trạng thái dằng xé và day dứt. Một mặt, mình tự hỏi hơn hai năm dành cho Spiderum vừa qua có phải là đã lãng phí không, phải chăng mình đã ảo tưởng về bản thân? Mặt khác, mình vẫn trăn trở liệu có cách nào để tiếp tục phát triển những ý tưởng về Spiderum, và liệu bọn mình có cơ may nào để “come back"?

“Co-learn” và bản chất của nó

Nếu có một điều kỳ diệu nào đó đã xảy ra trong khoảng thời gian hơn 1 năm bọn mình tạm chia tay Spiderum để đi làm bên ngoài, thì đó là việc nền tảng vẫn tiếp tục tăng trưởng và nhận được sự yêu thích từ cộng đồng ngày càng lớn hơn, dẫu cho công sức của bọn mình để duy trì chỉ ở mức tối thiểu. Spiderum x2 tất cả các chỉ số của nó.
Trong khoảng thời gian đó, bọn mình đã học cách để “co-learn"—cùng nhau học, cùng nhau trưởng thành, và cùng nhau nhận ra đâu là những giá trị cốt lõi bọn mình muốn theo đuổi. Bọn mình nhận ra chính trị chốn công sở là những thứ khiến bọn mình mệt mỏi. Bọn mình nhận ra bản thân khao khát tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời ở Spiderum, nơi mọi người có thể được phát huy hết khả năng của mình mà không cần “pha ke". 
Bọn mình bắt đầu đi nói chuyện với rất nhiều người để có thêm những góc nhìn đa chiều, từ các bậc cha chú, đàn anh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà đầu tư, bạn bè startup, và chính những người dùng của Spiderum... để nhận ra rằng Spiderum có rất nhiều tiềm năng—chỉ có điều bọn mình không thể có doanh thu trực tiếp từ nền tảng ngay lập tức được. Bọn mình cũng học được rằng hoá ra trước đây mình đã ở quá lâu trong những “vỏ ốc” giả định của bản thân mà không bước ra ngoài để mở rộng thế giới quan và đánh giá những cơ hội khác. 
Khi bắt đầu làm Spiderum, bọn mình tưởng rằng đã “teamwork" rất tốt, nhưng hoá ra “cùng nhau học" không nhất thiết là bạn phải kè kè ngồi cùng một văn phòng, không có nghĩa là phải luôn đồng ý với nhau, mà còn là phản biện những ý kiến của nhau. Giai đoạn tạm chia xa này là khoảng thời gian mà team mình học được rất nhiều. 
Cuối năm 2018 - đầu 2019, mình và founder Việt Anh quay trở lại Spiderum. Có rất nhiều thứ đã xảy ra nhưng bọn mình rút ra hai kết luận:
- Bọn mình sẽ làm sách dựa trên những thế mạnh của cộng đồng Spiderum, và;
- Bọn mình sẽ làm theo cách khác với những đơn vị xuất bản/phát hành trên thị trường đang thực hiện.
Hành trình co-learn này vẫn tiếp tục, và cho đến khi gặp được Reapra, nó càng được củng cố hơn. Bọn mình đã cùng nhau giải quyết những vấn đề hóc búa.
Nhưng thế nào là các vấn đề hóc búa? Chúng thường không dễ để đưa ra lời giải ngay lập tức, và thường là những vấn đề ảnh hưởng sống còn tới công việc của công ty. Ví dụ như, thời điểm bọn mình bắt đầu làm sách, vì chưa hiểu luật nên thiếu giấy tờ hợp lệ và bị sàn Tiki (lúc đó là kênh bán duy nhất) không cho phép đăng bán. Hay khi bắt đầu xây dựng kênh Youtube, bọn mình hoàn toàn không có kinh nghiệm gì cả.
Nhờ có những trải nghiệm của bản thân team qua thời gian, đặc biệt là có sự tư vấn của các anh chị Reapra về kỹ năng Complexity management, bọn mình đã đúc rút được vài nguyên tắc khi đối đầu với những vấn đề phức tạp.
Thứ nhất, vì vấn đề là rất phức tạp, nên bạn phải chấp nhận rằng nó không dễ dàng giải quyết trong một sớm một chiều (nếu nó dễ thì đã có ai đó giải quyết rồi). Việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh trước những biến cố đó chứ không nhặng xị lên. Keep calm. Ở giai đoạn đầu bọn mình thường xuyên "down mood" vì gặp những bài toán khó. Nhưng dần dần, bọn mình trở nên mạnh mẽ và lì lợm hơn vì biết rằng: Cứ cố gắng hết sức và có định hướng đúng thì rồi đâu sẽ có đó.
Thứ hai, bắt đầu khoanh vùng quy mô (scope) của vấn đề. Việc này ảnh hưởng tới những ai (nhân sự trong team, đối tác, khách hàng, người đọc/người nghe), những mảng gì trong công ty (doanh số, kênh bán, hay sự tăng trưởng người dùng)? Mối quan hệ của những đối tượng đó bị thay đổi như thế nào khi vấn đề nảy sinh? 
Ví dụ là với trường hợp của Tiki nêu trên, bọn mình nhận định rằng Tiki là kênh bán chính lúc bấy giờ nên nếu không thể tìm cách xử lý thì doanh số của mảng sách sẽ ảnh hưởng rất lớn. Như vậy bọn mình đã tư duy rằng: (1) phải tìm cách có được giấy phép hợp lệ càng sớm càng tốt và (2) không thể chỉ phụ thuộc vào một kênh bán duy nhất là Tiki được.
Thứ ba, mổ xẻ vấn đề sâu hơn. Chúng ta có thể thu thập thêm thông tin hữu ích từ những nguồn nào để có thêm dữ kiện cho bài toán? Viễn cảnh tốt đẹp nhất/tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Ví dụ như với câu chuyện làm kênh Youtube Spiderum, hiện giờ đã thu hút hơn 200k sub nhưng khi khởi đầu chúng mình không hề có một xu kiến thức. Cách nhanh nhất để tìm hiểu, là đi hỏi những người đã từng có kinh nghiệm: làm sao để có những người theo dõi đầu tiên, độ dài clip bao nhiêu là đủ, thumbnail cần có keyword gì, đặt title như thế nào cho chuẩn SEO... và sau đó, thử nghiệm các hướng đi để xác minh dữ liệu. Vào thời điểm bắt đầu kênh Youtube, bọn mình nhận thấy trong trường hợp xấu nhất thì team Youtube vẫn có thể tự nuôi chính mình trong vòng 3-6 tháng, nên bọn mình quyết định làm thôi!
Thứ tư, nhìn sự việc từ một "vũ trụ" khác, hay nói đơn giản là đánh giá vấn đề từ một góc nhìn khác đi. Nhiều lúc chúng ta bị loanh quanh ở cái "máng lợn" của bản thân quá lâu nên tư duy bị tù túng, hãy thử đứng ở một vai trò khác để suy nghĩ. 
Như đã nói ở trên bọn mình phải đi gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều người, nhiều đối tác. Khi nói chuyện với Reapra và nhận thấy sự đánh giá cao của họ đối với mục tiêu và sứ mệnh của Spiderum, bọn mình như được tiếp thêm động lực & hiểu ra rằng không phải tất cả "nhà đầu tư" trên đời đều chỉ quan tâm đến việc bạn phải có lãi ngay lập tức. Cũng có những "venture builder" như Reapra—những nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển bền vững, tự lực tài chính, chậm mà chắc cùng phong cách với Nhà Nhện. 
Thứ năm, tổng hợp và rút kinh nghiệm từ những bài học đã có, để mài sắc kinh nghiệm và đưa ra các "công thức". Trong folder dữ liệu của bọn mình của dự án sách có riêng 1 file gọi là Red Book, nơi bọn mình ghi lại rất chi tiết những lỗi từng mắc phải trong quy trình sản xuất, biên tập, phát hành... để cho tất cả những ai vào sau có thể đọc và hiểu ngay được. 
Khi tư duy theo cách này, có lẽ mọi bài toán hóc búa cũng sẽ không còn quá khó nữa. Chính xác là khi suy nghĩ với một framework rõ ràng hơn, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ rối rắm dần dần sáng tỏ. Bản thân mình cũng áp dụng những cách suy nghĩ này không chỉ trong công việc mà còn cả trong cuộc sống. 

Thay lời kết

Đến giờ thì team Spiderum bọn mình đang ở trong giai đoạn sung sức nhất khi đã trải qua vô số lần “sấp mặt". Bọn mình đã từng tự hoài nghi chính mình. Bọn mình đã từng mắc phải rất nhiều sai lầm, từ cách sử dụng vốn đầu tư, cho đến việc vẽ ra mô hình kinh doanh, rồi xây dựng đội nhóm,... nhưng có lẽ những vấp ngã này lại tạo nên nguồn “tư liệu" sinh động nhất để bọn mình học hỏi, cùng-nhau, như-một-đội. Đích đến ra sao thì có thể chưa rõ, nhưng một điều chắc chắn là bọn mình rất vui vì đã có một hành trình học hỏi, cùng “grow up" và “grow old”.
Nếu bạn là một ai đó đang có ý định khởi nghiệp, hoang mang trước khả năng của bản thân thì mình sẽ... không khuyên gì bạn cả. Mình chỉ nói với bạn một điều:
Đôi khi hãy cho phép bạn được sai. 


(*) Nhà đồng sáng lập với tư cách là một tổ chức
Nếu đã, đang hoặc sắp là một startup founder, còn hoang mang hay đã rất chắc chắn về ý tưởng khởi nghiệp của mình, bạn đều có thể đăng ký vòng tuyển chọn vào chương trình Build 80 của REAPRA để được xem xét đầu tư và đồng hành trong cả quá trình từ giai đoạn ý tưởng nhé: https://reapra.com/the-build-80/