Phân tích “Trao duyên” trích “Truyện Kiều” (Nguyễn Du)
Đoạn trích "Trao duyên” nằm ở câu thơ 723 đến câu 756 trong phần “Gia biến và lưu lạc” bắt đầu từ việc Kim, Kiều tạm chia tay và Kim về quê chịu tang chú...
Trong suốt quá trình lịch sử văn học có rất nhiều những thành tựu văn học rực rỡ thời kì trung đại của những tác giả Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương…Đóng góp vào trong dòng chảy văn học ấy, ta không thể không nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du. Ông là một danh nhân văn hoá lớn, là một nhà văn, nhà thơ vĩ đại mệnh danh là “Đại thi hào dân tộc”. Với sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, tiêu biểu là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh – Truyện Kiều”. Đoạn trích “Trao duyên” – đoạn trích tiêu biểu thấy được tài năng và tư tưởng nhân đạo của ông.
Đọc thêm:
Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng với sự sáng tạo của người nghệ sĩ, Nguyễn Du đã biến một cốt truyện bình thường thành một kiệt tác. Nếu như Kim Vân Kiều truyện là một câu chuyện “tình khổ” thì Truyện Kiều của Nguyễn Du lại là một khúc ca đau lòng thương người bạc mệnh, nói lên những điều trông thấy trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Đoạn trích "Trao duyên” nằm ở câu thơ 723 đến câu 756 trong phần “Gia biến và lưu lạc” mở đầu cho nỗi đau khổ dằng dặc của Kiều trong suốt 15 năm lưu lạc. Sau khi tạm chia tay Kiều, Kim Trọng trở về quê để chịu tang chú. Thế nhưng trong thời gian đó, gia đình của Kiều có biến, cha và em bị bắt. Với lòng hiếu thảo, Thúy Kiều đã quyết định bán mình để chuộc cha và cũng vì thế mà nàng không thể giữ trọn lời thề thủy chung với chàng Kim. Kiều một mình chịu đựng nỗi đau.
Đọc thêm:
Với ngổn ngang bao nỗi băn khoăn, trăn trở và cuối cùng, Kiều quyết định nhờ Thúy Vân – em mình chắp mối tơ duyên với Kim Trọng mặc dù vô cùng đau khổ và dằn vặt. Vượt qua tất cả, Kiều đã quyết định trao duyên cho em cùng muôn vàn đau khổ, rơi vào mối mâu thuẫn. Kiều đã mở lời nhờ cậy em một cách từ tốn, trang trọng nhưng cũng vô cùng khéo léo, tinh tế và sắc sảo:
“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
Từ “em” được lặp hai lần đi liền với từ “cậy”, “chịu” và hành động “ngồi lên”, “lạy”, “thưa” khiến cho lời nhờ cậy trở nên tha thiết, đưa Thúy Vân đến với không gian trang trọng, thiêng liêng của buổi trao duyên. Trong lời của Kiều đã dùng chữ “cậy” thay cho chữ “nhờ” khiến cho lời lẽ càng tha thiết, có sức nặng hơn giúp người đọc thấy được sự tin tưởng tuyệt đối của nàng dành cho em. Kiều muốn Vân biết rằng em chính là chỗ bấu víu, trông cậy duy nhất của chị. Hơn thế nữa, Kiều cũng hiểu rằng việc Vân nhận lời giúp mình cũng là một sự san sẻ. Vì thế, thay bằng lối giao tiếp thông thường, Kiều quỳ xuống lạy em như lạy một ân nhân cứu mạng của cuộc đời mình. Ngay từ những lời lẽ đầu tiên, với từng lời nói và cử chỉ, ta thấy được tấm lòng tha thiết của Kiều nhưng vô cùng sắc sảo, mặn mà.
Đọc thêm:
Sau đó, Kiều đã tâm sự với Vân về mối tình của mình với “chàng Kim”:
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”
Kiều đã kể cho em sự dang dở của mình trong mối tình với Kim Trọng. Bằng cách nói tượng trưng, câu thơ thể hiện sự đau khổ của nàng Kiều về mối tình đầu dang dở với chàng Kim, là “mối tơ thừa” bởi nàng hiểu với mình, mối tình ấy là tất cả thế nhưng đối với Thúy Vân thì đó lại là điều trói buộc, trái ngang. Tuy không muốn Thúy Vân phải bận lòng, băn khoăn quá nhiều nên nàng cũng muốn tùy em xử trí qua cụm từ “mặc em”. Lời nói của Kiều tưởng như vô cùng dứt khoát và mạnh mẽ nhưng sâu bên trong là nỗi đau đến đứt ruột bởi mối tình đầu sâu đậm của nàng và chàng Kim không dễ nguôi ngoai. Kể lại cho em về buổi gặp gỡ, thề nguyền đính ước, nàng Kiều đã gọi Kim Trọng một cách rất trân trọng với sự nối tiếp của các hình ảnh “quạt ước”, “chén thề” gợi nên những kỉ niệm giữa hai người. Qua đó, nàng muốn khẳng định một cách chắc chắn với Thúy Vân rằng mối tình của mình với Kim Trọng là mối tình sâu sắc chứ không phải trăng gió vật vờ, đã hồi tưởng lại mối tình xưa bằng tình cảm tha thiết và đầy nuối tiếc mà tất cả hiện lên như vừa mới hôm qua.
Kiều còn nói về cảnh ngộ hiện tại của mình:
“Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”
Nàng muốn Vân hiểu những bất hạnh bất ngờ ập tới khiến cho Kiều vô cùng rối bời, muốn em hiểu rằng mình đang làm tròn chữ “Hiếu” và mong em giúp mình làm trọn chữ tình. Qua đó, ta còn thấy một Thúy Kiều muốn sống khao khát sống trọn tình trọn nghĩa nhưng vì cuộc đời đầy đau khổ bất hạnh lại không cho phép nàng.
Không những thế, Kiều còn nhắc đến hoàn cảnh hiện tại của Vân để rồi cất lời nhờ em:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non.”
Nhắc đến “tình máu mủ” để nàng nhờ cậy em thực hiện mối duyên của mình cũng là hợp với đạo lí, cũng nói đến “lời nước non” chứng minh rằng tình cảm của mình với Kim Trọng là tình cảm thiên liêng rất xứng đáng với em, nàng còn nói với em những lời rất tội nghiệp để thuyết phục hoàn toàn Thúy Vân:
“Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
Dù có ở thế giới khác thì Kiều cũng cảm thấy mãn nguyện khi đã trao duyên được cho em nhưng hai chữ “thơm lây” khiến cho nàng Kiều như trở thành một người ngoài cuộc bởi hạnh phúc đã trao lại cho Vân. Ta cũng sẽ thấy được thân phận và số phận của Kiều qua những lời thơ đó. Nếu như không có sóng gió bất ngờ xảy ra thì Kiều đã được hưởng những hạnh phúc ấy khiến lời nói của nàng thật xót xa, hạnh phúc mới chớm nở thì đã tàn ngay trước mắt.
Sau lời nhờ cậy em, Kiều trao lại cho em những kỉ vật đính ước và tha thiết tâm sự với em:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”
Nàng trao lại cho em những kỉ vật “chiếc vành”, “bức tờ mây”, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền”, là những tín vật của tình yêu gợi lại mối tình đầu. Nhìn thấy những kỉ vật, nàng Kiều như được sống lại với kỉ niệm tình yêu của mình. Trong khi chàng Kim đang ở nơi xa thì những kỉ vật ấy là chỗ bấu víu duy nhất của Thúy Kiều nên không dễ dàng gì để trao lại cho em nên nàng đã thốt lên: “Duyên này thì giữ vật này của chung”. Chính sự không rõ ràng trong hai từ “của chung” ấy đã thể hiện sự lúng túng và ngập ngừng của Kiều cho thấy tâm trạng của nàng khi trao lại kỉ vật cho em là lí trí mách bảo phải trao nhưng tình cảm thì lại không thể nguôi ngoai.
“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin chén nước cho người thác oan.”
Nàng tự nhận mình là “người mệnh bạc”, coi mình như đã chết. Những hình ảnh trong câu thơ gợi ra một Thúy Kiều đang ở thế giới bên kia, không thể trở lại hòa nhập với cuộc sống và số phận của nàng vô cùng mong manh. Ngay cả khi ở thế giới bên kia thì nàng cũng thể thanh thản mà còn nặng lòng với tình duyên, cuộc sống và coi mình là người thác oan, nỗi đau tức tưởi nhưng vô cùng bất lực.
Trong tận cùng đau khổ, Kiều hướng về Kim Trọng với những tâm sự tha thiết:
“Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng”
Thúy Kiều tâm sự với chàng Kim nhưng Kim Trọng đang ở phương xa và thực chất đây là những lời độc thoại, thể hiện sự tự ý thức sâu sắc của Thúy Kiều về nỗi đau thân phận mình. Hình ảnh “gương gãy”, “trâm tan” diễn tả một cách cảm động và xót xa về bi kịch của nàng, sau đó ta thấy một Thúy Kiều nặng tình nặng nghĩ với chàng Kim đi liền với nỗi đau về tình yêu còn là nỗi đau về thân phận bạc bẽo. Thành ngữ “bạc như vôi” như oán trách đi liền với nó là tâm trạng gần như bất lực “Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng”.
Kết thúc đoạn thơ, Thúy Kiều cất lên tiếng gọi Kim Trọng tha thiết khiến cho lời than như một tiếng nấc được thốt ra nghẹn ngào:
“Ơi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.”
Trong lời than ấy, nàng đã gọi Kim Trọng là “Kim lang”, coi Kim Trọng giống như chồng của mình. Điều này tưởng như phi lí bởi đã trao duyên cho em nhưng bởi nàng đã thể hiện tình cảm chân thật của mình như bao con người mất đi mối tình sâu nặng, quên đi tất cả mọi thứ xung quanh. Nàng mặc cảm vì đã phụ tình Kim Trọng. Người đau khổ nhất lúc này chính nàng nhưng đã quên đi những đau khổ ấy để chỉ nghĩ cho Kim Trọng. Nàng không chỉ nặng tình mà còn nặng nghĩa, câu cảm thán cuối cùng khiến cho đoạn thơ như những tiếng than đứt ruột. Bi kịch, đau khổ và cả tình yêu nồng nàn của Kiều lên đến đỉnh điểm bộc lộ được những nét đẹp trong tâm hồn của nàng.
Qua đoạn trích “Trao duyên”, người đọc cũng đã thấy được bi kịch đau khổ của nàng Kiều là bi kịch về tình yêu tan vỡ, bi kịch cuộc đời đau khổ, thân phận mỏng manh của nàng cũng như những người phụ nữ nhỏ bé trong xã hội xưa. Nguyễn Du đã làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều là thủy chung da diết nhưng cũng sắc sảo mặn mà, một lần nữa khẳng định được tài năng miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng sống động, chân thực và phong phú của ông. Nguyễn Du như hóa thân nhân vật để tự thốt ra những lời thơ từ tận đáy lòng mình. Bằng thể thơ lục bát kết hợp với ngôn ngữ uyển chuyển, mềm mại, tinh tế, Nguyễn Du miêu tả được những rung động, đau khổ trong lòng nhân vật. Người đọc có thể cảm nhận đằng sau tất cả những điều đó là một tấm lòng nhân hậu, tinh thần nhân đạo và con mắt nhìn thấu cuộc đời của Nguyễn Du.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất