KIM DUNG: NGƯỜI ĐƯA LỊCH SỬ VÀO TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP
Bài viết về tác giả Kim Dung, người được coi là Võ Lâm Minh Chủ của dòng tiểu thuyết kiếm hiệp
Nhắc đến những nhà văn có ảnh hưởng nhất Trung Quốc trong thế kỷ 20, không thể không nhắc đến cái tên Kim Dung. Với 14 bộ tiểu thuyết trường thiên, ông đã đóng dấu mốc của mình ở địa hạt tiểu thuyết võ hiệp, trở thành một Minh chủ võ lâm của dòng văn học này. Ở một góc độ khác, cách thức đưa lịch sử vào những tác phẩm của ông rất đáng để những người cầm bút viết về lịch sử tham khảo.
1.“Alexandre Dumas của châu Á”
Tháng 2 năm 2006, trong một cuộc bình chọn những nhà văn Trung Quốc được yêu thích nhất thế kỷ 20, Kim Dung được trân trọng xếp ở vị trí thứ 4, sánh ngang cùng với những tên tuổi lừng danh khác như Lỗ Tấn, Ba Kim, Lão Xá v.v… Ông cũng là một trong những nhà văn Trung Quốc được dư luận quốc tế rộng rãi thừa nhận với huân chương Bắc đẩu bội tinh, trở thành Giáo sư danh dự của trường Đại học British Columbia, Tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge.
Từ thập kỷ 90 và đặc biệt sau khi Hồng Công được trả về Đại lục, những nhìn nhận đánh giá của giới phê bình văn học Trung Quốc về Kim Dung có sự biến chuyển lớn. Nếu như trước đó, những tác phẩm của ông từng bị cấm lưu hành thì giờ đây vai trò của ông ngày càng được đánh giá cao. Tác phẩm của ông đã được đưa vào sách giáo khoa, được giảng dạy ở bậc đại học. Bộ môn nghiên cứu Kim học - Jinology thu hút được nhiều người tham gia trong đó có những học giả nổi tiếng Trần Mặc, Nghê Khuông v.v… Những tác phẩm nghiên cứu về ông đã được tập hợp lại thành một bộ lưu trữ độ sộ mang tên Kim học nghiên cứu tùng thư. Từ đó, người ta chỉ ra văn chương của Kim Dung không những khiến người đọc phiêu lưu trong thế giới giang hồ đầy quyến rũ mà còn có thêm những kiến sức đa dạng về lịch sử, văn hóa, ẩm thực, thư pháp, tôn giáo v.v… của Trung Quốc.
Về số lượng, Kim Dung viết tổng cộng 14 bộ tiểu thuyết, đa số là trường thiên tiểu thuyết. Đây là con số không lớn so với những tác gia võ hiệp khác như Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh, Ôn Thụy An v.v… Tuy nhiên, độ bề thế, chất lượng nghệ thuật của những tác phẩm đó lại vượt trội, trở thành mẫu mực cho dòng văn học võ hiệp. Với sức sáng tạo đáng nể, Kim Dung thực sự đã tạo ra một thế giới giang hồ đầy sống động, đưa văn học võ hiệp từ một dòng văn học thông tục tiến gần đến những dòng văn học chủ lưu khác.
Những tác phẩm của Kim Dung có ảnh hưởng sâu rộng. Người hâm mộ gọi ông là “Alexander Dumas của châu Á”. Bản thân Kim Dung cũng thừa nhận: “Tôi thích đọc những tiểu thuyết võ hiệp phương Tây như Ivanhoe, Ba người lính ngự lâm, Robin Hood, Bá tước Montes Cristo v.v… Trong số đó, tác giả tôi yêu thích nhất là Alexandre Dumas”. Sự khai thác lịch sử và tiểu thuyết giữa Kim Dung và Alexandre Dumas cũng có những điểm tương đồng nhất định. Đó là quan điểm nổi tiếng của nhà văn Pháp: “Lịch sử là một bức tường, còn tiểu thuyết là những bức tranh treo trên tường”. Kim Dung không hổ danh là Alexandre Dumas của châu Á bằng cách vẽ nên bức tường lịch sử của Trung Quốc những bức bích họa đồ sộ với những tác phẩm văn chương của mình…
2.Kim Dung và võ hiệp dã sử
Điểm lại quá trình sáng tác của Kim Dung, người ta thường nhắc lại đôi câu đối liễn, ghép từ những chữ đầu tiên trong số 14 bộ tiểu thuyết của Kim Dung: “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc - Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”. Nhìn lại 14 tác phẩm kể trên, có đến 80% trong số đó đều có thể được coi là những tiểu thuyết võ hiệp – dã sử. Nghĩa là yếu tố lịch sử xuất hiện khá phổ biến trong những tác phẩm của Kim Dung. Đây là một đặc điểm cần được nhấn mạnh.
Ta đã biết, không phải nhà văn võ hiệp nào cũng lấy lịch sử làm nền. Tiểu thuyết võ hiệp có thể chỉ có “hiệp” mà không có “sử”. Có thể kể ra ở đây khá nhiều tác phẩm từ thời điểm khai mở dòng văn học võ hiệp như Thục Sơn kỳ hiệp (Hoàn Châu Lâu Chủ), Giang Hồ Kỳ Hiệp (Nhất Tiếu Sinh), Ngọa Hổ Tàng Long (Vương Độ Lư), Kiếm Thần truyện (Tư Mã Linh) v.v… hầu như đều không có yếu tố lịch sử trong tác phẩm. Thậm chí cho đến sau này, những tác phẩm võ hiệp nổi tiếng khác như Lục Tiểu Phụng truyền kỳ, Sở Lưu Hương truyền kỳ (Cổ Long) hay những tác phẩm võ hiệp đình đám đương đại như Tru Tiên (Tiêu Đĩnh), Tu La Đạo (Bộ Yên Phi), Thất Dạ Tuyết (Thương Nguyệt) v.v… đều không có yếu tố lịch sử. Nhưng Kim Dung là trường hợp đặc biệt. Ông không những là người đưa lịch sử vào võ hiệp một cách khéo léo mà còn là người tạo nên những đỉnh cao của văn học võ hiệp dã sử, nâng tầm dòng văn học này lên một đẳng cấp mới.
Việc đưa lịch sử vào võ hiệp của Kim Dung là một trong những yếu tố khiến Kim Dung được đánh giá cao hơn hẳn so với những nhà tiểu thuyết võ hiệp, tạo cho ông một vị thế như là một gạch nối của dòng văn học thông tục này với văn chương hàn lâm. Những tác phẩm của Kim Dung đã phản ánh một thời kỳ dài của lịch sử Trung Quốc. Xếp theo trục thời gian, ta có thể thấy nhiều triều đại được đưa lên trang giấy một cách sinh động: Thiên Long Bát Bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp (Tống – Kim – Nguyên), Ỷ thiên Đồ long ký (Nguyên – Minh), Bích huyết kiếm, Tuyết sơn phi hồ (Minh mạt), Phi hồ ngoại truyện, Thư kiếm ân cừu lục, Lộc Đỉnh Ký (Thanh). Trong đó, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều nhân vật lịch sử đã được Kim Dung khéo léo đưa vào tác phẩm của mình. Lồng vào sự thật lịch sử là một thế giới giang hồ đầy sắc mầu quyến rũ. Đương nhiên, Kim Dung không phải là người duy nhất đưa lịch sử vào võ hiệp. Nhưng có thể nói ông là một trong những người đưa lịch sử vào võ hiệp một cách thành công nhất.
3.Những phương thức đưa lịch sử vào võ hiệp
Kim Dung thích đưa lịch sử vào tác phẩm của mình. Nhưng cách thức đưa lịch sử vào văn chương của Kim Dung có điểm đặc sắc. Ở đây, mức độ sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết của ông không nhiều. Nói cách khác, lịch sử chỉ là khung nền phụ, trong đó, khung nền chính của tác phẩm vẫn là thế giới giang hồ phong phú và rộng lớn với những luật lệ dị biệt. Một đặc điểm nữa cũng phải kể đến, đó là Kim Dung không chọn nhân vật lịch sử làm nhân vật chính cho tiểu thuyết của mình. Những nhân vật lịch sử có thật thường chỉ là vai phụ, đóng một vai trò mờ nhạt, chỉ là những bức phác họa mang tính chất “điểm nhãn” chứ không phải là những yếu tố chính yếu trong tác phẩm…
Tuy nhiên, tại sao lịch sử trong tác phẩm của Kim Dung lại thu hút người đọc đến vậy? Người viết xin đưa ra một số nhận định như sau.
Thứ nhất, ta có thể thấy việc đưa một dung lượng kiến thức lịch sử tương đối mỏng vào tác phẩm của mình giúp Kim Dung có thể tập trung chính hơn vào đường dây câu truyện mà không quá bị những sự kiện lịch sử gò bó. Hơn nữa, những độc giả không quá hiểu về lịch sử cũng cảm thấy thú vị (đương nhiên độc giả càng biết nhiều về lịch sử sẽ càng thấy thích thú hơn). Tiểu thuyết của Kim Dung là võ hiệp dã sử, người đọc mong muốn ở tác phẩm của ông những màn đối đầu long trời lở đất, những âm mưu rúng động giang hồ, những mối tình lãng mạn… nên đễ hiểu tại sao lịch sử lại được đẩy xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên, không vì thế mà Kim Dung mất đi chất sử trong tác phẩm.
Thứ hai, dung lượng lịch sử trong tác phẩm không nhiều nhưng cách chọn dữ kiện lịch sử để đưa vào tác phẩm của Kim Dung rất đắt. Ông thường chọn những thời điểm chuyển giao vương quyền, những thời khắc thay đổi thời đại để những nhân vật của ông tung hoành trong một vũ đài lịch sử rộng lớn. Đó chính là “thời thế tạo anh hùng”, đưa con người vào tình huống phải thể hiện cá tính mạnh mẽ, làm nổi bật của những hình tượng lịch sử.
Thứ ba, những nhân vật lịch sử của Kim Dung thường không đóng vai trò chính yếu. Đây là sự lựa chọn khá khôn ngoan của Kim Dung. Như đã nói, một phần bởi dòng văn học của ông là Võ hiệp dã sử. Tiểu thuyết lịch sử thường bị bó buộc bởi những sự kiện, về hình tượng đã được định hình nên người đọc có thể biết trước được phát ngôn của những nhân vật lịch sử đó ra sao, số phận họ như thế nào, điều này làm mất đi tính bất ngờ của câu chuyện.
Đọc đến đây, không ít người băn khoăn, tại sao những tác giả khác không theo mô thức này mà sáng tạo ra những tác phẩm văn học võ hiệp dã sử khác? Tại sao Kim Dung vẫn là một cột mốc lớn nhất của văn học võ hiệp?
4.Những cách tân táo bạo của Kim Dung
Để trả lời câu hỏi trên, thiết nghĩ có hai yếu tố chính. Thứ nhất, Kim Dung quả thực là một văn tài hiếm có. Nhiều người không phải không nhìn ra cách thức Kim Dung đưa lịch sử vào tiểu thuyết của ông nhưng không thể viết ra được những tác phẩm tương tự do tài năng khó có thể sánh bằng Kim gia. Thứ hai, Kim Dung thực sự là một nhà cách tân tiểu thuyết võ hiệp lịch sử, đây là điều chính yếu tạo nên sức hút mạnh mẽ từ những hình tượng lịch sử được ông mô tả.
Trước tiên, lịch sử trong tiểu thuyết Kim Dung thu hút được người đọc bởi nó vượt qua được tính minh họa mà rất nhiều tác phẩm văn học sử mắc phải. Đọc nhiều tiểu thuyết lịch sử, ta cứ ngỡ nhân vật ăn nói phát biểu như bước từ sách giáo khoa bước ra. Nghĩa là khô khan, cứng nhắc, hình tượng nhân vật bị lặp lại đến mức nhàm chám. Trong khi đó, Kim Dung một phần nào đó đã “giải thiêng” cho nhiều nhân vật lịch sử. Ví dụ như một trường đoạn rất ngắn trong Ỷ Thiên Đồ Long ký. Khi cậu bé Trương Vô Kỵ gặp Chu Nguyên Chương, người sau này sẽ trở thành Minh Thái Tổ, tạo lập ra Minh triều, Kim Dung không mô tả tính cách của họ Chu mà thể hiện bằng hành động của y. Đó là việc Chu Nguyên Chương cùng đám lâu la ăn trộm bò của nhà Trương viên ngoại. Người nhà Trương viên ngoại tìm đến và phát hiện ra cả đám đang ăn thịt bò định chạy về báo quan. Họ Chu thấy thế liền đè đám người nhà viên ngoại ra, cho nhét lông bò vào mồm chúng để vu oan cho chúng tội đồng phạm. Một chi tiết rất nhỏ nhưng rất đắt, thể hiện tính cách quyền biến nhưng rất gian giảo của Chu Nguyên Chương. Quả nhiên sau này khi lên ngôi, họ Chu liên tiếp đổ họa cho các đại thần rồi trừ khử họ dần dần nhằm củng cố ngôi Hoàng đế.
Những hình tượng lịch sử khác bị Kim Dung “bôi đen” khá nhiều. Như Khang Hy Hoàng đế bị nhiễm thói du côn đầu đường xó chợ của Vi Tiểu Bảo thành ra ông cũng cũng thích chửi bậy, thích đái bậy… Một mặt khác, Khang Hy do tiếp xúc với thế giới thật sự bỗng hiểu rằng những câu xưng tụng trang trọng trong triều đình như: “Thánh thượng vạn tuế”, “Thánh thượng vạn thọ vô cương” chỉ là trò nịnh bợ láo toét, lừa bịp… Hay như nhân vật Thành Cát Tư Hãn nghe Quách Tĩnh nói: “Đại hãn một mình oai phong hiển hách, nhưng thiên hạ lại không biết có bao nhiêu đống xương trắng chồng chất, làm chảy không biết bao nhiêu nước mắt của cô nhi quả phụ… Xưa nay bậc anh hùng khiến cho đương thời kính ngưỡng, đời sau nhớ tiếc ắt là kẻ tạo phúc cho dân, thương yêu bách tính. Giết nhiều người cũng chưa chắc đã đáng gọi là anh hùng!” Kết truyện là hình tượng Thành Cát Tư Hãn chết trong doanh trại, miệng lẩm bẩm: “Anh hùng, anh hùng…”. Ta có thể nhận thấy vô số nhân vật lịch sử đã được Kim Dung đưa vào tác phẩm của mình với một thần thái hết sức con người, điều này khiến tác giả cảm thấy nhân vật lịch sử rất gần gũi và rất “thật”.
Một cách tân nữa của Kim Dung trong việc khai thách lịch sử, đó là ông đã lật lại nhiều vấn đề lịch sử, đặt ra những giả thiết táo bạo Ngay ở tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục, Kim Dung đã dựa vào truyền thuyết ở Triết Giang quê ông mà đặt ra “nghi án” vua Càn Long không phải nguồn gốc Mãn Thanh. Theo đó, Càn Long là con trai của Trần Các Lão, thành viên của Hồng Hoa Hội, một tổ chức phản Thanh phục Minh. Từ đó, nhà văn khéo léo dựng nên câu chuyện về một Càn Long biến chất vì quyền lực, âm mưu thủ đoạn, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để xóa đi gốc gác của mình. Kim Dung còn lồng ghép vào đó mối tình tay ba giữa Càn Long - Hương Hương Công Chúa - Trần Gia Lạc. Từ đó, đặt ra những vấn đề lớn hơn về sự tha hóa của con người do quyền lực, tình cảm huynh đệ, tình yêu nam nữ, mâu thuẫn dân tộc. Hay trong Ỷ thiên Đồ long ký, tác giả đã mạnh dạn đặt ra giả thiết về sự đóng góp mạnh mẽ của Minh giáo vào việc lật đổ nhà Nguyên, dựng nên triều Minh, đồng thời hàm ý Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đặt tên triều đại của mình là Minh triều vốn để nhớ về gốc gác Minh giáo của mình.
Lịch sử trong tiểu thuyết của Kim Dung dường như không chỉ là lịch sử. Nó còn là tấm gương phản chiếu những vấn đề lớn hơn của xã hội đương thời. Ta biết Kim Dung là một nhà văn, nhưng ông cũng đồng thời là một người làm báo (ông là Sáng lập viên, đồng thời là Tổng biên tập đầu tiên của tờ Minh Báo ở Hồng Công). Chính vì thế, tính báo chí phản ánh vào trong tiểu thuyết Kim Dung khá mạnh mẽ. Người đọc có thể thấy ở thế giới giang hồ kia thấp thoáng hình bóng xã hội của mình đang sống. Ta có thể thấy sự chia rẽ sắc tộc trong Thiên Long Bát Bộ không chỉ là câu chuyện thân phận của Tiêu Phong mà còn là câu chuyện của thời đại. Ta có thể thấy rào cản những đạo lý cũ kỹ ngăn cản mối tình Dương Quá – Tiểu Long Nữ cũng không thiếu trong xã hội ngày nay. Vượt lên trên những câu chuyện lịch sử là những câu chuyện nhân văn, những câu chuyện về thân phận con người, về lý tưởng chống chiến tranh, yêu hòa bình, ca ngợi tự do, xa rời bạo lực v.v… Đó chính là những yếu tố tạo nên giá trị trường tồn đối với tác phẩm của Kim Dung, đưa ông lên hàng những nhà văn đương yêu quý bậc nhất Trung Quốc.
Kể từ khi “phong bút” sau khi viết nên những dòng cuối cùng của cuốn tiểu thuyết kỳ vĩ Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã dồn toàn lực vào chỉnh sửa những tác phẩm của mình, đưa chúng trở thành những đỉnh cao của dòng văn học võ hiệp. Thiết nghĩ, những cách thức ông đưa lịch sử vào những trang viết của mình xứng đáng để cho hậu thế nghiên cứu và học tập.
HOÀNG TÙNG
#HoangTung #KiemHiep
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất