Review Hồng Lâu Mộng, không phải dâm thư, mà là Thiên Thư
Hồng Lâu Mộng, là một tác phẩm thuộc tứ đại kỳ thư của văn học Trung Hoa. Tác phẩm được chắp bút bởi tác giả Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc...
Hồng Lâu Mộng, là một tác phẩm thuộc tứ đại kỳ thư của văn học Trung Hoa. Tác phẩm được chắp bút bởi tác giả Tào Tuyết Cần và Cao Ngạc nói về cuộc sống của gia đình nhà họ Giả dưới thời nhà Minh, là quá trình thịnh và suy của cả một gia tộc bề thế bậc nhất thời kỳ phong kiến lúc bấy giờ. Đan xen với bối cảnh ấy thì ta có mạch truyện chính nói về mối tình của nhân vật Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, tức là Thần Anh và Cây Giáng Châu ở tiên cảnh, Thần Anh là viên đá mà Nữ Oa vá trời bị thừa ra không dùng đến nên được đưa về chăm sóc cây tiên Giáng Châu. Sau này khi Thần Anh đòi giáng trần để hưởng kiếp người thì tiên Giáng Châu vì mang ơn nên cũng tái sinh để "lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại cho chàng". Vì thế mà xuyên suốt tiểu thuyết, Lâm Đại Ngọc là cô gái “mít ướt” nhất cốt truyện, 80% thời gian nàng xuất hiện đều đẫm lệ, nhưng những giọt nước mắt của nàng đại diện cho tình yêu trong sáng mà nàng dành cho Bảo Ngọc, đại diện cho nỗi đau thương mất mát của người con gái trẻ xa quê nhà, xa cha, mất mẹ.
Đọc Hồng Lâu Mộng cho ta thấy được một bối cảnh Trung Hoa thời phong kiến vào lúc cực thịnh của cả một triều đại nói chung và gia tộc họ Giả nói riêng. Hồng Lâu Mộng thể hiện một tinh thần khoa học tiên tiến của tác giả khi dám mạnh dạn bác bỏ sự mê tín, dị đoan, dùng các phương pháp chứng minh khoa học để bác bỏ đi các giáo điều cũ rích đang ăn mòn trí tưởng tượng của người dân và phá hoại xã hội. Xuyên suốt tác phẩm tác giả cũng cho ta thấy những tư tưởng thanh cao, tiên tiến của mình thông qua nhân vật Giả Bảo Ngọc, các nhân vật trong tiểu thuyết thường cho là Bảo Ngọc bị điên ,tinh thần không ổn định nên nói những câu điên dại không phải điều mà người thường nên nói nhưng họ đâu biết được những câu mà Bảo Ngọc nói chính là sự đón đầu của thời đại, là tư tưởng, quan điểm tiến bộ bậc nhất. Nhiều người cho rằng Bảo Ngọc hám sắc, u mê nhục dục nhưng với tôi điều đó chưa hẵn đã đúng. Tình cảm mà Bảo Ngọc dành cho những cô gái xung quanh mình là tình cảm chân thành, chung thuỷ và thấu hiểu một cách tinh tế. Bảo Ngọc luôn có tư tưởng muốn đùm bọc, che chở và làm cho các chị em quanh mình luôn được hạnh phúc, vui vẻ, ,đây là một tư tưởng, một quan niệm vô cùng mới mẻ và tiến bộ trong thời kì mà người phụ nữ phong kiến bị đàn áp và xem nhẹ sinh mệnh, nhiều nữ nhân trong tác phẩm thường trách phận mình sinh ra khổ đau nhất là mang phận đàn bà con gái, vì thế mà họ cố tích đức, tu hành cầu mong kiếp sau được đầu thai làm con trai để không phải mang khổ đau, sầu muộn. Tình cảm mà Bảo Ngọc dành cho các cô gái trong tác phẩm như Tình Văn, Uyên Ương, Tập Nhân... có đôi phần thiên về tình nghĩa nhiều hơn là tình yêu, tình yêu của Bảo Ngọc cốt chỉ dành phần cho Đại Ngọc mà thôi.
Giả Bảo Ngọc là một mối dây tơ vò của khát khao tự do và sự áp đặt của gia đình
Bảo Ngọc muốn vươn lên để giành lấy người mình yêu, để chọn lấy Lâm Đại Ngọc làm vợ nhưng anh chàng lại không làm gì cả, chỉ phó mặc cho gia đình, mọi chuyện mà Bảo Ngọc làm chỉ là khát khao nhưng không thực hiện, mãi đến khi Đại Ngọc mất đi vào đúng cái giờ mà Bảo Ngọc kết hôn với người khác thì chàng dần dần mới tỉnh ngộ và xuống tóc đi tu để hoá kiếp. Hồng Lâu Mộng là một tác phẩm lớn của văn học Trung Hoa và theo tôi, xứng đáng là một tác phẩm tiêu biểu của cả nhân loại, là tác phẩm văn học được truyền tải bằng khoa học ngôn ngữ, bằng thần học, bằng triết học, bằng phật giáo và đạo giáo, bằng các tư tưởng lớn của thời đại lúc bấy giờ.
So sánh tác phẩm với 2 bộ kỳ thư mà tôi đã đọc qua như Thuỷ Hử và Tam Quốc Chí thì quả thật có một sự khác biệt rất lớn ở đây. Ở Hồng Lâu Mộng, người đọc có thể cảm nhận được và thấu hiểu được nội tâm của nhân vật cụ thể hơn từ đó sinh lòng đồng cảm và yêu quý cũng như căm ghét nhân vật một cách rõ ràng hơn so với 2 tác phẩm còn lại. Ở Thuỷ Hử và Tam Quốc Chí được viết theo lối miêu tả, kể chuyện hành động liên tục mà thường không chú tâm đến diễn biến nội tâm, suy nghĩ của các nhân vật trong tiểu thuyết. Vì vậy mà khó để người đọc có thể đánh giá được đâu là anh hùng đâu là tiểu nhân mà chỉ có thể đoán được điều đó thông qua mô tả của tác giả và hành động của nhân vật trong câu chuyện, cụ thể là nhân vật yêu thích của tôi : Tào Tháo, qua tác phẩm của La Quán Trung, Tào Tháo được khắc hoạ chẳng khác gì một tên ác nhân hại nước hại dân nhưng người đọc đâu biết rằng theo dòng lịch sử Tào Tháo từng là anh hùng cứu dân cứu nước, nhiều lần trừng trị tham quan khi còn trẻ, được người dân yêu mến. Sau này vì thời thế đổi thay, Hoàng Đế vì lo sợ mà mất đi lòng tin ở ông mới khiến cho ông dần dần thay đổi để giữ lấy tính mạng của mình nên mở trở thành gian hùng, nhưng suy cho cùng vẫn là anh hùng mà là anh hùng gian, nếu tính ra trong 3 vị minh chủ thì Tào Tháo chính là người có tài thao lược, có tố chất anh hùng bật nhất so với Tôn Quyền và Lưu Bị. Như vậy chúng ta mới thấy việc miêu tả nội tâm nhân vật khiến cho người đọc có được những trải nghiệm, những cảm xúc đặc biệt như thế nào đối với môt tác phẩm lớn. Lỗ Tấn đã bình luận về phương pháp miêu tả nội tâm của tác phẩm như sau :
"Điểm khác biệt của Hồng lâu mộng với các cuốn tiểu thuyết trước đây là dám tả thật không che đậy. Bởi vậy, các nhân vật được miêu tả ở đây đều là những con người thật. Nói chung sau khi Hồng lâu mộng ra đời, cách viết và cách tư duy truyền thống đã hoàn toàn bị phá vỡ"
Trong Hồng Lâu Mộng có những tư tưởng mà tôi thật sự rất thích, như khi bàn về tình ở Thái Hư Ảo Cảnh, nàng tiên Cảnh Ảo cho rằng :
"Người đời đều cho việc dâm dục là tình, vì thế mà gây ra chuyện thương phong bại tục, lại còn tự cho là trăng gió đa tình, không quan hệ gì. Họ không hiểu mừng, giận, buồn, vui chưa lộ ra thì đó là tính. Mà lúc lộ ra rồi thì đó là tình. Đến như tình của tôi và chị, chính là cái tình chưa lộ ra. Cái tình như bông hoa còn đang nụ. Nếu chờ phát tiết ra rồi, thì cái tình ấy không phải là chân tình nữa"
Hay bàn về sự dâm dục, tiên cô trong giấc mơ về Thái hư ảo cảnh của Bảo Ngọc cũng nói :
“Ta thích anh vì anh là người dâm nhất trong thiên hạ. Dâm có nhiều kiểu dâm, anh sinh ra đã có mối si tình với nữ nhi, nên ta gọi anh là “ý dâm”, chỉ có thể hiểu trong lòng chứ không nói ra được.”
Hồng Lâu Mộng là tác phẩm nên đọc đi đọc lại nhiều lần trong đời để định vị lại mình là ai trong cuộc đời theo đúng câu hỏi lớn mà tác giả ngụ ý cho bạn đọc xuyên suốt tiểu thuyết. Tác phẩm và tác giả quả thật đã làm rất tốt vai trò của một tác phẩm văn học thời đại và xứng đáng là một bộ truyện tiêu biểu của văn học Trung Hoa và nhân loại.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất