6 bài học từ nghề bán hàng ở cửa hàng tiện lợi
Mình có một khoảng thời gian từng làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Đó là một thời gian vô cùng mệt mỏi với những...
Mình có một khoảng thời gian từng làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Đó là một thời gian vô cùng mệt mỏi với những ngày làm việc 8h và hơn 8h mỗi ngày không được ngồi vào chiếc ghế một cách tử tế. Tại sao mình gọi là “ngồi tử tế”? Vì cả cửa hàng chỉ có duy nhất một cái ghế, chiếc ghế này để dành cho cửa hàng trưởng ngồi. Đó không phải là chiếc ghế cho một nhân viên bình thường.
Nhân viên phải đứng suốt thời gian làm việc, thời gian được ngồi thực sự là lúc đi vệ sinh. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật. Và hầu như nhân viên bán hàng trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng nào cũng vậy. Sẽ chẳng có một khách hàng nào đánh giá cao cửa hàng, siêu thị khi bước vào họ nhìn thấy nhân viên ngồi bệt dưới sàn nhà.
Những ngày đầu mới làm mình chưa quen nên bị nhức chân và rất đau lưng, tất cả sức nặng cơ thể dồn qua đốt sống lưng dần dần tới chân. Đôi chân ấy lẳng lặng chống đỡ mấy chục cân thịt mà chẳng dám kêu ca.
Làm việc lúc nào cũng mong tới giờ về, khi được ngồi lên xe đi về nhà mình mới có cảm giác đang được sống lại. Còn nhớ thời gian đó, mỗi khi về đến nhà việc đầu tiên mình làm là cởi dày và nằm dài trên giường chẳng muốn nhúc nhích đi đâu. Ám ảnh hơn cả đó là những ngày phải làm liền ca, ngày hôm nay làm ca chiều, ngày mai làm ca sáng.
Làm hai ca liền nhau như vậy đối với mình là một cơn ác mộng. Ca làm việc tối kết thúc lúc 22h, chưa kịp hồi sức đã đến 6h sáng ngày hôm sau lại phải tiếp tục đứng, tiếp tục làm việc. Chuông báo thức reo lên mọi sự mệt mỏi ùa về, cái lưng ấy không muốn rời xa giường. Lăn qua lăn lại mấy vòng mới đủ tỉnh táo để ngồi dậy rồi đứng dậy chuẩn bị tiếp tục một ngày làm việc mệt nhọc.
Đó là thời gian thử thách khả năng chịu đựng của mình. Dù làm toàn bộ là những công việc chân tay, tưởng rằng nó không có gì giúp ích cho sự phát triển của mình. Nhưng cho tới nay khi đã nghỉ việc rồi mình mới nhận ra thời gian làm việc tại cửa hàng tiện lợi cho mình rất nhiều bài học làm thay đổi con người mình.
Sau đây là 6 điều mình học được từ thời gian làm việc tại cửa hàng Vinmart+:
1. Nói xin chào và cảm ơn mỗi ngày
Nghe có vẻ dễ nhưng để tạo thành một thói quen thì không phải là chuyện đơn giản. Trước khi làm tại Vinmart+ câu nói “cảm ơn” mình vẫn thường dùng khi nhận được sự giúp đỡ từ ai đó, dù việc người khác giúp đỡ là rất nhỏ chỉ như đưa cho mình một cây bút chì. Tuy nhiên lời nói “xin chào” mình thường ít khi sử dụng.
Mình chỉ mở lời chào khi gặp người lớn tuổi hoặc người có vai vế lớn hơn. Mình dường như bỏ qua lời chào khi gặp người ít tuổi hơn hoặc để họ chào trước rồi mình mới chào lại vì mình cho rằng người ta nên chào mình trước mới đúng.
Vào làm tại Vinmart+ mình được đào tạo bắt buộc phải nói câu “Vinmart+ xin chào” mỗi khi có khách mở cửa bước vào cửa hàng cho dù họ có mua hàng hay không. Nói câu “Cảm ơn” khi khách ra khỏi cửa hàng hoặc đã thanh toán xong. Mình nhận thấy rõ đây là cách thể hiện sự tôn trọng dành cho khách hàng, để lại ấn tượng cho những lần mua hàng tiếp theo.
Nếu đặt vị trí mình là một người mua hàng mình sẽ không thích những cửa hàng họ không niềm nở chào hỏi, và không có lấy một lời cảm ơn khi mình đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua hàng cho họ.
Câu nói xin chào và cảm ơn mình sử dụng hàng ngày và nó trở thành một thói quen. Mình sẽ “xin chào” khi mình về đến phòng để chào mọi người dù mình là thành viên lớn tuổi nhất phòng, nói câu “cảm ơn” mỗi khi các em giúp đỡ mình.
Mặc dù đây là câu nói rất ngắn gọn nhưng nó đã giúp mình trở thành một người biết phép lịch sự, hòa đồng với mọi người hơn.
2. Không chỉ tay bằng một ngón
Dùng một ngón tay để chỉ về phía nào đó, bất kể là người hay đồ vật,… đây có lẽ là tật xấu lớn nhất của mình. Có lần đi uống nước, bạn của mình từng dặn mình chỉ cần đưa mắt nhìn về ai đó mà mình đang nói tới khi họ có mặt ở quán nước là nó biết mình đang nói về người đó, không cần phải dùng tay để chỉ vào người ta.
Dùng một ngón tay để chỉ hàng cho khách là điều cấm kỵ không chỉ ở Vinmart+ mà ở bất cứ cửa hàng nào cũng vậy. Mình được dạy phải dùng cả bàn tay để chỉ hàng cho khách khi khách hỏi. Các ngón tay phải khép lại khi mình đưa tay ra. Đó là một hành động rất nhỏ nhưng nó thể hiện phép lịch sự khi giúp đỡ khách hàng.
Tuy tới nay mình chưa bỏ hẳn được thói quen chỉ tay bằng một ngón, thỉnh thoảng mình vẫn dùng một ngón tay để chỉ nhưng là chỉ vào đồ vật. Mình đã bỏ hẳn thói quen chỉ tay vào một người nào đó. Mình nhận ra rằng chỉ một ngón tay về phía ai đó là một con người kém lịch sự vì thế mà mình đã cố gắng để bỏ thói quen này.
3. Packaging thực phẩm khéo hơn
Mình là một người vô cùng vụng về khi làm công việc nhà như rửa bát, nấu ăn,… Thời gian làm ở Vinmart+ mình đã học được cách bọc thực phẩm nhanh và khéo hơn rất nhiều.
Những ngày làm ở đó, mình phải packaging rau, gà, đóng hoa quả vào khay để cân. Thời gian đầu mình làm rất chậm và rất xấu. Nhớ có lần mình và chị cửa hàng trường cùng packaging nho, chị ý kéo căng màng thực phẩm nên nhìn đĩa nho không có vết nhăn rất đẹp. Còn mình xếp nho đã không khéo lại packaging không chuyên nghiệp nên màng thực phẩm dúm dó, trông đĩa nho của mình nó mới xấu làm sao. Chị nói nếu packaging đẹp khách nhìn đã ưng là sẽ mua luôn và chị hướng dẫn lại mình.
Sau nhiều lần, ngày qua ngày đứng packaging mình đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Cứ khi nhà có cỗ, hay đi giúp cỗ hàng xóm mình đều nhận công việc bọc thức ăn và mình nhận được sự công nhận từ người lớn. Bọc thức ăn không có gì là to tát nhưng cách mình làm nó nhanh và đẹp bỗng nhiên giúp mình ghi điểm trong mắt người lớn trở thành một cô gái khéo tay.
4. Kiểm date hàng hóa nhanh hơn
Kiểm date hàng hóa là công việc rất quan trọng của một nhân viên quản lý quầy trong siêu thị. Nếu có hàng hết date xuất hiện trên quầy, nhân viên phụ trách quầy đó sẽ phải mua lại mặt hàng với giá niêm yết. Sẽ thật phí tiền nếu như mình phải bỏ ra một khoản tiền để mua về món hàng hết date chẳng thể dùng được. Vì vậy mình kiểm date hàng hóa rất cẩn thận.
Bánh mì là hàng hóa phải kiểm tra date hàng ngày vì thời hạn sử dụng của bánh mì rất ngắn, có những loại chỉ có date 2-3 ngày. Kiểm date hàng hóa nghe có vẻ đơn giản, chỉ cần tìm đến vị trí ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì là có thể biết còn hạn dùng hay không. Tuy nhiên để kiểm nhanh và chính xác không phải là điều dễ dàng. Mình phải làm nhanh và chính xác để còn làm những công việc khác.
Mình từng đứng cả giờ ở một kệ bánh mì để kiểm date tới nỗi hoa cả mắt. Mỗi một hãng bánh thường có quy tắc riêng và vị trí xác định trên bao bì để đóng dấu ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng cũng khác nhau. Công việc kiểm date hàng ngày này giúp mình biết loại bánh đó thường sử dụng bao nhiêu ngày và vị trí in date là chỗ nào. Mình đã kiểm date nhanh và chính xác hơn sau thời gian làm việc ở cửa hàng.
Giờ khi đi mua hàng trong các siêu thị mình hình thành được thói quen kiểm date hàng hóa và tìm được vị trí in date nhanh hơn. Tất nhiên mình biết các bạn nhân viên trong siêu thị đã kiểm date rất kỹ, nhưng mình vẫn muốn chắc chắn món hàng mình mua đảm bảo chưa hết hạn.
5. Sắp xếp hàng hóa gọn gàng hơn
Khi nhìn các kệ hàng trong siêu thị bạn sẽ thấy chúng được sắp xếp rất ngăn nắp và rất dễ nhận biết hàng hóa. Sắp xếp hàng hóa lên kệ cũng có quy tắc, cùng nhãn hàng, công dụng, vị giác mặn ngọt.
Nhớ lần mình được giao đi xếp lại tủ sữa chua, tủ xúc xích. Xếp sữa chua thì dễ chứ xếp xúc xích thật sự là một ác mộng vì sữa chua được đóng hộp vuông vắn còn xúc xích thì rất gồ ghề.
Mỗi khi nhà cung cấp giao thêm hàng hóa cần để vào tủ mát, chúng mình phải đi xếp lại tủ để có chỗ cho hàng mới vào. Nếu không đảm bảo nhiệt độ cho phép hàng hóa sẽ bị hỏng nên việc phải xếp hàng hóa trong tủ ngăn nắp để có thể xếp thêm hàng mới vào là việc làm rất quan trọng.
Cả vài thùng sữa chua chất đầy đến lưng người mình và cả những sọt xúc xích đầy ự, tưởng rằng mình không thể xếp hết chúng vào trong tủ. Nhưng rồi với mọi sự tính toán căn chia khoảng cách, cùng với khả năng khéo léo rút ra từ công việc packaging mình đã xếp gọn gàng tủ sữa chua và tủ xúc xích đảm bảo chất lượng.
6. Biết cách thanh toán bằng máy POS
Ngày nay khi việc sử dụng thẻ ngân hàng ngày càng phổ biến hơn, đa số mọi người không thích cầm tiền mặt khi đi đường nên việc thanh toán bằng thẻ cũng ngày một nhiều hơn. Thẻ ngân hàng có loại có gắn chíp có loại thì không. Hai loại thẻ này có vị trí đặt khác nhau trên máy POS.
Tình cờ một ngày khi mình mua hàng tại siêu thị Go! Mình thanh toán bằng thẻ, thẻ của mình là thẻ gắn chíp, tuy nhiên anh thu ngân lại cà thẻ ở vị trí thanh toán thẻ không gắn chíp trên máy POS. Vì cũng từng đứng thu ngân nên mình biết cách thanh toán bằng thẻ, mình đã đứng luyên thuyên một hồi và chỉ anh ý cách thanh toán thẻ chíp.
Cũng chẳng có gì là quá cao sang nhưng ít nhất mình đã giúp một người phân biệt được thẻ gắn chíp và không. Chỉ cho họ thấy sự khác biệt khi dùng máy POS để thanh toán hai loại thẻ này.
Bài học đúc rút: Thời gian mình làm ở cửa hàng Vinmart+ mình nhận thấy không có một công việc nào là vô nghĩa và xấu. Công việc chỉ xấu khi bạn làm những điều vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội. Tất cả mọi công việc dù dễ hay khó, dù lao động chân tay hay trí óc đều có giá trị nhất định cho sự phát triển của một con người. Quan trọng là ở cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá về công việc đó.
Mỗi cá nhân sẽ học được những điều khác nhau từ cùng một công việc. Chỉ khi chúng ta hiểu rõ bản thân mình đang thiếu sót, đang kém ở điểm nào mới biết qua công việc vừa làm có giúp chúng ta khắc phục được nhược điểm đó không. Cho dù chỉ khắc phục được một nhược điểm cũng đã làm thay đổi được một con người trở nên tốt hơn.
Vì vậy, hãy trân trọng tất cả những công việc bạn đã làm. Chỉ cần nó không phải là một công việc xấu thì bạn nên cảm ơn nó đã giúp bạn tích lũy những kinh nghiệm để trở thành một con người toàn diện hơn.
--Ánh Dương--
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất