“Coffee is the Think Drink” là khẩu hiệu được Hiệp hội Cà phê Quốc tế đưa ra vào những năm 1960 để kêu gọi thanh thiếu niên trở thành một người thông minh. Những người thông minh và biết suy nghĩ là những người uống cà phê.
Bạn có tin vào điều đó không?
FWA-FWA-FWA-BWOM. As you do.

Tại sao chúng ta nên tránh mắc phải những lỗi ngụy biện khi tranh luận?
Ngụy biện trong lập luận sẽ đưa ra những kết luận sai lầm. Vì thế, khi các lập luận của bạn mắc lỗi ngụy biện, nó có thể làm bạn trở nên cả tin hoặc thiếu hiểu biết. Tệ hơn nữa, có thể khiến bạn trông có vẻ chém gió, thiếu trung thực trong mắt người khác. Khả năng nhận dạng các lỗi ngụy biện trong lập luận là một kỹ năng quan trọng. Đây là một phần của tư duy phản biện và nó có thể giúp thoát khỏi nanh vuốt của fake new, quảng cáo và những kẻ dẫn dắt dư luận.
Tiếp nối với Phần 1, hãy cùng xem xét các kiểu ngụy biện phổ biến nhất, để dễ dàng nhận ra và biết cách tránh chúng nếu bạn bắt gặp những lỗi ngụy biện này trong cuộc sống của mình.
Lưu ý: Mục đích của bài viết này không phải đưa ra cách giúp bạn có thể chiến thắng bất kỳ cuộc tranh luận nào, nó chỉ đơn giản đưa ra đâu là những suy luận yếu kém để bạn tránh giẫm vào. Những ví dụ kèm theo chỉ là những ví dụ minh hoạ chưa được nghiên cứu chính thống, bạn cũng không nên sử dụng chúng làm bằng chứng cho bất kì văn bản nào.

1) Ngụy biện trượt dốc 

Người lập luận đưa ra tuyên bố rằng sẽ xảy ra hàng loạt những sự kiện có kết quả thảm khốc, thế nhưng thực sự họ lại chẳng có đủ bằng chứng để chứng minh cho giả định đó.
Nói nôm na, nếu ta đứng trên con dốc, dù chỉ trượt một bước thì chắc chắn cuối cùng ta sẽ trượt một mạch xuống chân dốc, họ cho rằng chúng ta không dừng lại.  
Ví dụ: “Tiến hành các thí nghiệm trên động vật đồng nghĩa với việc chúng ta đánh mất dần sự tôn trọng đối với sự sống. Nếu chúng ta không tôn trọng sự sống, điều đó sẽ tạo cơ hội cho chúng ta dần trở nên khoan dung đối với những hành vi bạo lực như chiến tranh hay giết người. 
Và nếu những hành động đó tiếp tục xảy ra thì chẳng bao lâu nữa, xã hội của chúng ta sẽ trở thành một chiến trường mà ở đó con người sẽ không thôi lo sợ cho vận mệnh của chính mình. Đây chính là cột mốc đánh dấu cho sự kết thúc của một nền văn minh. Do đó, chúng ta phải hành động để ngăn chặn kết cục khủng khiếp này. Bắt đầu bằng việc chuyển đổi các hành động thí nghiệm trên động vật thành bất hợp pháp ngay từ bây giờ.” 
Phân tích một chút về ví dụ này. Thực tế các thí nghiệm trên động vật đã xảy ra và hợp pháp trong khoảng thời gian dài. Và nền văn minh này vẫn chưa kết thúc. Có thể nói dường như chuỗi những sự kiện trong lập luận trên có thể sẽ không xảy ra. Ngay cả khi ta tin rằng việc thí nghiệm trên động vật sẽ dần đánh mất sự tôn trọng của ta đối với sự sống và điều đó làm cho chúng ta dễ chịu đựng bạo lực hơn thì tất cả chỉ dừng lại ở đó, nơi điểm đầu của sườn đồi. Chúng ra sẽ không thể trượt xuống dốc của nền văn minh này.
Vì thế, lập luận này vẫn chưa đủ thuyết phục để ta chấp nhận kết quả của người tranh luận là phải chuyển đổi ngay lập tức hành động thí nghiệm trên động vật thành bất hợp pháp. 
Cũng giống như post hoc, ngụy biện trượt dốc khó xác định, bởi vì một chuỗi sự kiện xảy ra có thể dự đoán được khi một hành động xảy ra. Chẳng hạn, nếu tôi đạt điểm liệt tốt nghiệp môn Tiếng anh, tôi sẽ không thể tốt nghiệp. Nếu tôi không tốt nghiệp thì tôi sẽ không có một công việc tốt và rất có thể tôi sẽ đi làm công việc thời vụ hoặc buôn bán gì đó trong thời gian tới.
Bí kíp để bớt “trượt dốc” là gì? Hãy xem xét lập luận của bạn để xác định được chuỗi sự kiện xảy ra, từ nguyên nhân đến kết quả phải hợp lý.  Ví dụ, nếu A, gây ra B và nếu B, gây ra C, v.v

2) Nguỵ biện so sánh ẩu

Lập luận đưa ra dựa trên sự tương đồng giữa hai hoặc nhiều đối tượng hay tình huống. Nếu hai điều đang được so sánh không thực sự giống nhau về các khía cạnh có liên quan, thì phép so sánh này yếu và lập luận đó sẽ mắc lỗi ngụy biện so sánh ẩu.  
Ví dụ: “Súng cũng giống như dao. Cả hai đều là công cụ và có các bộ phận bằng kim loại có thể gây sát thương cho người khác. Không ai cấm mua dao cả, do đó, việc cấm mua súng thật vô lý.”
Cùng phân tích ví dụ này một tí. Dù rằng súng và dao đều có vài điểm tương đồng như đều là công cụ, có các bộ phận bằng kim loại, gây sát thương cho người khác, thế nhưng những điểm giống nhau đó không phải là yếu tố để quyết định xem có nên cấm việc mua bán súng hay không. Việc cấm mua bán súng là vì súng có thể dễ dàng gây sát thương hàng hoạt với số lượng người lớn ở khoảng cách xa. Điểm này thì dao không có, rất khó để giết một đám đông bằng một con dao. Do đó, phép so sánh này rất ẩu và lập luận này ngụy biện. 
Hay ví dụ, quả dư thuộc họ cà, ăn cà chua rất tốt cho sức khỏe, chắc chắn quả dư ăn cũng tốt. Thực tế, quả dư có chứa độc tính chết người.
Do đó, dù bạn có thể rút ra được sự tương đồng giữa hai sự vật hiện tượng nhưng thực tế nó chả chứng minh được điều gì.
Một ví dụ nữa hay được đưa ra so sánh đó là về nạn phá thai. Người lập luận thường so sánh thai nhi với người trưởng thành, sau đó đưa ra lập luận rằng những hành động vi phạm đến quyền con người cũng có thể dùng cho thai nhi. 
Lập luận này đúng hay sai phụ thuộc vào sự vững chắc của phép so sánh: người trưởng thành và thai nhi có cùng những đặc điểm đem lại quyền con người hay không? Nếu xét đến việc cả hai đều có mã di truyền và tương lai thai nhi sẽ có một cuộc sống như con người thì chúng ta có thể đồng ý đặc điểm này và lập luận này vững chắc. Nếu xét về mặt nhận thức hoặc khả năng tự tồn tại thì người trưởng thành và thai nhi không có chung đặc điểm này, và lập luận này yếu. 
Mẹo là, khi bạn so sánh giữa hai hay nhiều đối tượng với nhau, bạn phải xác định được thuộc tính nào cần so sánh để  hỗ trợ cho kết luận và xem xét những đối tượng bạn so sánh có cùng những thuộc tính đó không.

3) Ngụy biện viện dẫn thẩm quyền

Khi đưa ra bất kì tuyên bố nào, ta thường hay tham khảo một số nguồn hoặc cơ quan có thẩm quyền và mượn những lập luận của họ để làm tăng thêm sức thuyết phục cho lập luận của ta. 
Thế nhưng nếu ta cố gắng thuyết phục người khác bằng cách đưa vào một cái tên nổi tiếng mà họ không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó, thì ta sẽ mắc phải lỗi ngụy biện thẩm quyền.
Chẳng hạn, lập luận “Ta nên bãi bỏ án tử hình. Bởi vì nam diễn viên nổi tiếng A Bờ Cờ đã tuyên bố phản đối án tử hình.” Trong lập luận này, dù rằng nam diễn viên A Bờ Cờ có thể có thẩm quyền để phán xét các vấn đề liên quan đến diễn xuất vì đó là chuyên môn của anh ta, nhưng không có lý do, ta phải tin và bị thuyết phục bởi tuyên bố liên quan đến án tử hình của anh ta.  
Vậy làm thế nào để đưa dẫn chứng thẩm quyền hợp lý?  
Thứ nhất, nghiên cứu xem cơ quan thẩm quyền mà bạn viện dẫn có phải là chuyên gia trong chủ đề mà bạn thảo luận hay không.
Thứ hai, thay vì chỉ nói ông Tiến sĩ Zét tin vào điều X, nên chúng ta cũng nên tin vào đó.” , bạn hãy đưa ra những bằng chứng mà cơ quan có thẩm quyền đó sử dụng để đưa ra kết luận.
Có như vậy thì người đọc mới thấy được nhiều bằng chứng xác thực để tin vào kết luận của bạn thay vì chỉ nghe về danh tiếng của người nào đó. 
NGUỒN: LUCKY PONY

Đọc thêm:

4) Ngụy biện lạm dụng số đông

Người tranh luận lợi dụng sự quen thuộc, mong muốn của hầu hết mọi người và sử dụng chúng để cố gắng thuyết phục mọi người chấp nhận lập luận của mình. Nói cho đơn giản, vì rất nhiều người tin vào điều đó nên điều đó đáng tin.
Ví dụ điển hình: “Ăn thịt chó là trái với đạo đức. 65% người dân VN nghĩ vậy! ” Thực tế, mặc dù ý kiến của hầu hết mọi người có thể liên quan đến việc ban hành luật hay không. Nhưng nó không xác định được thế nào là đạo đức hay trái với đạo đức. Người tranh luận đang cố gắng khiến chúng ta đồng ý với kết luận đó bằng cách khơi gợi mong muốn hoà nhập vào số đông của ta. 
Vậy nên, khi tranh luận, tuyệt đối không đưa ra bất kỳ lời kêu gọi nào kiểu như mọi người đều tin vào điều này nên bạn hãy tin vào nó đi hay tất cả người tốt trên Trái Đất này đều tin vào điều đó hết trơn, mọi người sẽ thích bạn lắm nếu bạn tin vào điều này đó, vân vân và mây mây. Hãy luôn nhớ rằng, ý kiến phổ biến không phải lúc nào cũng đúng.

5) Ngụy biện công kích cá nhân

Cũng giống như ngụy biện viện dẫn thẩm quyền và ngụy biện lạm dụng số đông, ngụy biện công kích cá nhân cũng lái sự chú ý của ta vào người nào đó, thay vì đưa ra những lý lẽ và bằng chứng để thuyết phục ta. Câu then chốt để nhận biết được lỗi ngụy biện này là “Bạn không nên tin vào thằng A". Lý do để không nên tin vào lời thằng A, đơn giản là, vì nó là thằng A, vì nhan sắc nó không cho phép ta tin hoặc nó là thằng thảo mai, đạo đức giả. Như vậy, người tranh luận tấn công đối thủ của mình thay vì tấn công vào lập luận của họ. 
Xét một ví dụ sau đây, “Blogger Văn X rao giảng trên mạng là xem phim Sex gây hại cho đàn ông. Nhưng nhìn xem, ông ấy vừa xấu tính, vừa xấu nết lại nghèo thế kia thì tại sao tôi phải tin nhỉ?”
Ngoại hình, tính cách hay gia cảnh của blogger kia chẳng liên quan gì đến những lập luận của ông ấy. Do đó, khi sử dụng chúng để bẻ gãy lập luận của Văn X thì người tranh luận mắc phải lỗi ngụy biện. 
Một lỗi ngụy biện khác cũng liên quan đến công kích cá nhân là ngụy biện “bạn cũng vậy". Người tranh luận chỉ ra rằng đối phương đã từng làm những thứ mà giờ đây chính anh ta lại tranh luận để chống lại nó. Vì thế, lập luận của đối phương chẳng có chút trọng lượng nào. Ví dụ, cha mẹ của B đang giải thích cho B tại sao không nên hút thuốc, họ đưa ra những bằng chứng xác đáng: gây hại cho sức khỏe, chi phí cao,... Sau đó, B phản biện rằng: “Con không đồng ý với những lập luận của cha, hồi bằng tuổi con, cha cũng hút thuốc mà, sao giờ con lại không làm được.”
Việc cha B đã từng hút thuốc không liên quan đến những lập luận mà họ đưa ra về tác hại của thuốc (tác hại đến sức khỏe, chi phí cao). Vậy nên, lập luận của B là ngụy biện.  
Nhưng nếu chủ đề tranh luận của bạn về tính cách của ai đó, vì dụ như giám đốc A là người không đáng tin, thì tiền đề về những hành vi không đáng tin của giám đốc A là phù hợp chứ không ngụy biện. 
Thực tế trong cuộc sống, khi tranh luận, nhiều người rất hay sử dụng chiêu công kích vào trình độ học thức, tính cách, gia cảnh của người khác để làm vững chãi thêm lập luận của mình. Đấy là tranh luận không văn minh, hãy tập trung vào lý lẽ của đối thủ.

6) Ngụy biện lợi dụng lòng thương hại 

Ngụy biện “câu nước mắt" lộ mặt khi người tranh luận cố gắng khiến mọi người chấp nhận kết luận bằng cách khiến họ cảm thấy có lỗi với ai đó.
Ví dụ,”Em biết xếp loại của em dựa trên thành tích của em trong suốt quá trình học, nhưng thầy nên cho em loại A vì em hay bị ốm nên khả năng tiếp thu của em không được tốt. 
Kết luận ở đây là “Thầy nên cho em loại A."
Nhưng tiêu chí để đạt được loại A là gì? Nó liên quan đến việc học, thành tích trong quá trình học. Nguyên tắc mà người tranh luận đưa ra: người hay bị ốm có khả năng tiếp thu không được tốt thì nên xếp loại A, rõ ràng là không thể chấp nhận được. Mặc dù thông tin mà người tranh luận đưa ra có vẻ phù hợp, thậm chí có thể khiến người nghe xem xét lại kết luận của mình. Nhưng về mặt logic thì những bằng chứng đưa ra chả liên quan. Do đó, lập luận này là ngụy biện. 
Hoặc một ví dụ khác, ngôn tình hơn: “Tôi biết rằng em chẳng yêu tôi, nhưng nếu chúng ta không kết hôn thì mẹ em sẽ rất đau lòng. Em biết bà ấy dễ tổn thương đến thế nào rồi. Em thực sự muốn bà ấy như thế sao?” Bạn nghĩ sao?
Vậy nên, đừng cố gắng khiến người nghe đồng ý với bạn chỉ bằng cách khiến họ cảm thấy có lỗi với ai đó.
Còn nữa...
*Các bạn có thể thảo luận thêm với mình tại đây!
*Bài viết có tham khảo một số tài liệu của
Groarke, L.A. & Tindale, C.W. (2008). Good Reasoning Matters!: A constructive approach to critical thinking. London: Oxford University Press
2009.H. L. Meacock, A. Skene, Communication Café, English Language Development, Centre for Teaching and Learning, University of Toronto, Scarborough
UVU Writing Center
UNC  Writing Center
Critical Reading and Writing for Postgraduates

Đọc thêm: