Bản chất của stress

Stress thực sự là gì. Đi làm căng thẳng, gặp khó khăn, đồng nghiệp không hoà hợp, học hành không tiến bộ, các bạn cùng trang lứa quá giỏi khiến bản thân cảm thấy thua kém và áp lực,… hay trong lòng cảm thấy buồn phiền giận hờn, có khúc mắc nào đó nhưng xử lý không được. Những thứ này có vẻ như là stress, nhưng nó chỉ là sự khơi mào, là cái vỏ bên ngoài, thực chất stress không đến từ làm việc căng thẳng, work hard, hay bất cứ khúc mắc và trở ngại tâm lý nào.
Stress đến từ việc có một vấn đề nào đó xảy ra, nhưng bạn nằm im, không xách cái mông lên và đi xử lý
Khi có vấn đề cần giải quyết, khó khăn, áp lực kề cận cần phải tiến bước, hay bất cập, bất công mà chính bạn cảm nhận được,… lúc này não sẽ gửi tín hiệu bằng cách tiết ra các loại hormone gây ra căng thẳng, ức chế nhẹ, một phần nó là cortisol, nó thúc đẩy bạn phải hành động. Nhưng không, bạn chần chừ và thường thì bạn chỉ ngồi một chỗ và bắt đầu suy tưởng về sự lo lắng, sợ hãi đang nhen nhóm trong lòng. Thay vì nghĩ kĩ phương án nào là khả thi, bạn nghĩ về sự đau khổ khi thất bại, bạn lo sợ về cái giá phải trả khi hành động,… bạn sợ bạn không làm được,…
Bạn càng lo lắng và sợ hãi bao nhiêu, não bộ sẽ nhầm tưởng bạn đang gặp nguy hiểm và sẽ càng tiết ra nhiều hormone để đưa cơ thể vào trạng thái chiến đấu. Nếu bạn không hành động, bạn sẽ không thể trung hoà nó, vì thế bạn ngập chìm trong hormone và các chất khác đang liên tục được bơm vào máu, bạn rơi vào stress. 
Bạn càng chìm trong suy tưởng, càng miên man trong các cảm xúc bao nhiêu thì bạn sẽ rơi vào stress bấy nhiêu.
Giống như căn chung cư của bạn có hoả hoạn, còi báo cháy hú liên hồi, nhưng thay vì chạy ra thì bạn ngồi co ro một chỗ vì ngập chìm trong sợ hãi. Đơn giản bạn chỉ cần đứng dậy và thoát ra thôi, nhưng bạn không chọn cách đó. Stress là vậy, bạn cần hành động để thoát khỏi trạng thái này, nhưng bạn chọn ngồi im một chỗ. 

Nghiện Dopamine

Stresss là khi bạn biết có thể làm gì đó để thoát ra khỏi sự tồi tệ hiện tại, nhưng bạn không làm. Tại sao vậy, vì nó khó, và cần phải hi sinh. Khi hành động, bản sẽ phải từ bỏ sự thoải mái hiện tại, bạn phải bước chân ra khỏi vùng an toàn của mình, bạn cũng phải chọn đối mặt với những hậu quả, rủi ro mà hiện giờ khi mỗi khi nghĩ đến thì lo lắng ngập tràn.
Khi khó khăn, có hai lựa chọn, một là hành động, hai là ngồi im. Chọn cách thứ nhất thì quá khó, còn cách thứ hai thì bản thân cảm thấy có lỗi với chính mình, vì bạn biết có thể làm gì đó ngay lúc này. Vậy nên để hợp thức hoá sự lựa chọn thứ hai, để từ chối khó khăn thì hãy xem như khó khăn ấy vốn không dành cho mình, bạn đơn giản là trói tay, trói chân mình lại, tự cắt đứt năng lực của mình nhằm thuyết phục với chính bạn rằng bạn không thể làm được, không thể đạt được mục tiêu đó đâu, và rằng sự buông xuôi này là hợp lý.
Thế là bạn ngừng học tập, ngừng làm việc, không phải là ngừng bặt hoàn toàn, mà là làm chỉ cho đủ số lượng, chỉ cho chính mình cảm thấy không tội lỗi và vô trách nhiệm, tuy nhiên tâm trí bạn đã không còn nằm trong việc học và việc làm nữa. Bạn cũng ngừng gặp gỡ những người bạn mới để trao đổi về sự phát triển bản thân để tránh cảm giác thua thiệt, bạn bắt đầu hoài niệm quá khứ, gặm nhấm những mẩu chuyện cũ, chìm đắm trong giải trí, cô lập mình trong thứ gọi là sự thoải mái.
Bạn nằm im và chơi bời thư giãn, bạn lảng tránh stress nhưng thực chất, trong thâm tâm bạn chưa quên những ước mơ và khao khát, thế nên não vẫn tiết ra cortisol, bạn đang stress hơn và sắp rơi vào trầm cảm. Chỉ là bạn từ chối nhận thức về việc này.
Lúc bạn cảm thấy áp lực khi cố gắng hoàn thành mục tiêu đã định, não bắt đầu tiết ra cortisol để thúc đẩy bạn tiến về phía trước. Do đó, có sự căng thẳng diễn ra, vì não bộ đang bật chế độ hoạt động hết công suất. Lúc này bạn lại muốn thoái lui, rõ ràng là đang phản bội lại mục tiêu của mình, sẽ có khó chịu và ức chế xảy ra. Khi này có một liều thuốc an thần, đó là dopamine, một loại chất gây nghiện để bạn quên đi đống cortisol đang sôi sục kia theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bản chất dopamine cũng không xấu, nó là gốc rễ của mọi động lực, nhưng khi nó được dùng quá nhiều cho những niềm vui ngắn hạn, nó trở nên rất tai hại.
Nếu bạn không có thói quen hành động, bạn đã chiều hư chính mình bằng cách dạy cho nó rằng, sự thoả mãn của bảo toàn năng lượng đem lại niềm vui lớn hơn là sự hạnh phúc khi bỏ ra năng lượng rồi sau đó hoàn thành mục tiêu.
Khi bạn ngồi im một chỗ và thư giãn bằng cách lướt điện thoại, khi đó não bạn sẽ tiết ra dopamine tức thì, nó sẽ được thưởng ngay. Thế thì rõ là sung sướng và tiện lợi hơn nhiều hơn so với phải làm việc để rồi khi xong việc mới được thưởng.
Nhưng càng làm như vậy nhiều, bạn sẽ càng nghiện dopamine, đến một giới hạn khi đạt tới độ bão hoà, tế bào não bắt đầu chai lì vì lượng dopamine tiết ra quá nhiều, nó cũng tự có cơ chế trung hoà riêng để chính nó không chết chìm trong chất này. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy không có động lực để làm bất cứ việc gì, kể cả giải trí và chiều chuộng bản thân bây giờ cũng thật sự rất tẻ nhạt, bởi động lực của mọi hành động là dopamine. Và kể từ đây, sự tuột đốc của bạn là không phanh. Bạn sẽ càng chìm sâu hơn vào stress khi nhìn bạn bè tiến lên, nhìn mình càng trì trệ đi mà không có cảm hứng để mở mắt dậy mỗi sáng chứ đừng nói làm bất cứ thứ gì.

Stress và áp lực là dấu hiệu bạn đang tiến bộ

Tôi thường chạy bộ ở công viên, khoảng 3,5km mỗi ngày. Trong quá trình cải thiện thành tích của mình, tôi tăng dần quãng đường và tốc độ lên, có hôm tăng gấp đôi quãng đường và giữ nguyên vận tốc tối đa, khi đó sẽ cảm thấy đau mỏi chân hơn, thở dốc, tức ngực, đôi khi là nhức đầu, mờ mắt choáng váng vì oxy không đủ lên não. 
Nhưng tôi nhận ra một điều rằng, khi quen với áp lực, chúng ta sẽ ở trạng thái bình thường, hạnh phúc và điều khiển được mọi thứ. Chỉ cần một lần vượt qua giới hạn của bản thân, cái chân đau chứ gì, “mặc kệ mày”, cổ họng khô rát, bụng và ngực bị tức vì hít thở khó khăn chứ gì, “shut the fuk up và để im cho tao chạy”, cứ làm như thế, lần sau cảm giác khó nhọc đó không còn là thứ gì to tát nữa.
Thực chất ở đây tôi đang phân tán sự chú ý của mình, tôi càng chú ý vào cơn đau và khó nhọc, tôi sẽ rơi vào đau khổ và stress nhiều hơn. Như tôi đã nói ở đầu bài viết, stress quá độ đến từ việc suy tư và ngập chìm trong cảm xúc. Tôi vẫn ý thức về sự đau đớn, nhưng tôi không suy tư thêm về nó, bởi vì tôi hiểu rằng, đau là bình thường, là chuyện đương nhiên phải đau. Mà nếu nó đã là một sự thật không thể né tránh, thì cứ chấp nhận nó đi, không suy tư, không phản kháng, chỉ nhận biết mà thôi. Và khi này tôi có thể tập trung vào bước chạy và con đường phía trước.
Đó là cách chúng ta vượt qua áp lực. Hay nói cách khác là nắm vững được cảm giác quen thuộc với áp lực và căng thẳng. Một khi đã vượt qua được khó khăn, những khó khăn gây ra sự căng thẳng tương tự sẽ không còn là vấn đề nữa.
Còn nếu buông xuôi giữa chừng, chúng ta sẽ sợ hãi với khó khăn và nếu tệ hơn, ta sẽ bị nghiện sự thoải mái khi quá trình nghỉ ngơi bắt đầu và cứ để lùi dần về số không.
Tôi muốn nói điều này bởi vì thực chất stress, áp lực là một điều tất yếu của quá trình tiến bộ.
Không có một ai trở nên giỏi hơn mà không phải trải qua khó khăn, thử thách.
Tư duy sai khi giải quyết stress đó là cố gắng làm cho chính mình hết stress.
Một khi các bạn đã xác định là phải tiến bộ, phải phát triển, thì hết stress này sẽ có stress khác, đương nhiên là vậy vì chúng ta đang tiến lên. Khi xác định rõ mục tiêu và tầm nhìn, chúng ta sẽ chung sống, làm chủ và kiểm soát được stress. Như cách tôi đối xử với cơn đau ở trên vậy.
Giống như khi tập gym, cơ bắp của bạn bị phá vỡ và phục hồi, khi này sẽ có đau đớn. Tương tự như thế, não sẽ cần chịu áp lực để có thể trở nên mạnh mẽ hơn, đó là stress. Cortisol là một hormone tuyệt vời bởi vì nó thúc đẩy bạn. Vì vậy đừng hoảng sợ và né tránh áp lực, đó là một điều tốt, vì nó cho thấy rằng bạn đang tiến bộ.

Cách duy nhất thoát khỏi stress là tập trung vào hành động

Cứ hành động đi, có thể nó sai và không đem lại hiệu quả, nhưng sự sợ hãi, lo lắng và thôi thúc trong lòng sẽ biến mất, và chỉ có thông qua hành động thì mới tìm được hướng đi tiếp theo
Khi ta vượt qua nỗi sợ, thực chất ta xem nó như một tín hiệu thông báo cơ thể đang trong trạng thái chiến đấu đơn thuần mà không suy tư thêm gì, khi này stress sẽ không gia tăng. Khi ta tập trung vào công việc và thứ cần xử lý, khi đó không còn thì giờ để tâm đến những cảm xúc kia nữa và cảm giác khó chịu cũng biến mất.
Thực chất, khi bạn có một ước mơ, ý tưởng, khi này tiềm thức đã chuẩn bị sẵn cho bạn một con đường để thực hiện nó rồi. Có phải bạn luôn biết rằng, nếu mình làm thế này, thế kia, cố gắng ở mức này, từ bỏ những thói hư tật xấu này, hi sinh một số thứ này thì sẽ đạt được thành công hay không. Thế nhưng bạn không thực hiện. Vì không thực hiện nên bạn stress. Đừng lo ngại về thất bại, vì nó không thể xảy ra đối với những người luôn hành động và thay đổi phương cách linh hoạt. 

Một số lưu ý

Vậy đối với trường hợp đã hành động, đã làm nhiều thứ nhưng stress dường như nhiều hơn thì sao. Có 2 trường hợp phổ biến sau đây.
Thứ nhất là các bạn không bị stress, các bạn chỉ tự tạo ra stress bằng ảo tưởng. Có nhiều vấn đề bản chất nó không phải vấn đề, chỉ là do cách đặt vấn đề của các bạn bị sai, do vậy bạn bị khó chịu, cũng nhận thấy muốn thay đổi đối tượng đó nên rơi vào stress. Ví dụ như thời tiết làm bạn khó chịu, người khác làm bạn khó chịu, làm việc nhóm, các thành viên khác không có tinh thần hợp tác khiến bạn khó chịu, khách hàng khó tính, sếp khó ưa,…. Tất cả những thứ này không phải vấn đề. Nếu bạn cố gắng thay đổi thứ gì ngoài bản thân, đó là cách làm sai, nên càng làm càng không hiệu quả và stress. Thứ duy nhất bạn có thể thay đổi là tư duy của chính mình, kéo theo đó là năng lực, từ đó sẽ tác động lên những thứ khác bên ngoài bạn.
Tuy nhiên, việc bạn cố gắng làm 1 thứ gì đó ngoài năng khiếu của mình nên không đạt hiệu quả, ví dụ như Chipu đi làm ca sĩ, con cá leo cây,…. Điều này cũng dẫn đến stress, vì làm một thứ không có khả năng thành công. Vậy bạn cần cân nhắc kĩ, liệu vấn đề mình gặp có phải vấn đề không, hay chỉ là tự mình ảo hoá ra vấn đề.
Thứ hai là các bạn liên tục gặp stress trong suốt quá trình làm việc, học tập, cố gắng cải thiện bản thân, cũng thấy mình tiến lên nhưng sau một thời gian thì mệt mỏi và mất động lực. Khi này chúng ta cần nói đến một thứ quan trọng hơn giải quyết stress, đó chính là nhận thức về mục tiêu và ý nghĩa sống. Một khi các bạn nắm rõ ý nghĩa của cuộc sống bản thân, biết mình làm việc gì cái gì, tại sao mình phải làm việc này việc kia, biết rõ rằng sự hi sinh nào là cần thiết, đương nhiên bạn sẽ chấp nhận stress như một chuyện sự thật hiển nhiên, và hoàn toàn bình thản với nó, thậm chí còn thích thú vì nó cho thấy rằng bạn đang gần đến mục tiêu hơn. Chuyện xác định rõ mục tiêu và tầm nhìn cũng khiến các bạn đỡ đi lòng vòng, và tránh cho việc bị stress rất nhiều, sau đó thấy chán nản và tự hỏi, mình liệu đang đâm đầu vào cái gì, tại sao phải để bản thân stress nhiều như thế này.
Nếu chỉ mong sự thảnh thơi, muốn thoát khỏi stress hiện thời thì tốt nhất là buông bỏ, còn nếu đã quyết tâm tiến bước, hãy chuẩn bị tâm thế phải hi sinh, khi này bạn sẽ thấy chẳng có chút stress nào.
Cuối cùng, stress là tốt hay xấu. Nó phụ thuộc vào cách bạn nghĩ. Nếu bạn muốn chill chill, stress là xấu, cơ thể bạn cũng sinh ra phản ứng né tránh nó. Nên mỗi lần bị stress thì các bạn rất mệt mỏi và buồn phiền, bực bội. Nếu bạn hiểu việc phát triển phải đi đôi với stress, bạn nắm rõ mục tiêu của mình, cũng thấy vui khi bản thân tiến bộ, bạn sẽ bắt đầu bình thường, rồi đến hiểu và làm chủ sự stress, nhiều khi thiếu vắng nó bạn sẽ thấy nhàm chán.
Chúc các bạn tiến bước vững vàng.