Để không "ấu trĩ" khi tranh luận!
Khi viết hay thảo luận bất cứ một vấn đề nào, chúng ta phải nắm chắc một quy tắc bất di bất dịch đó là phải đặt lập luận lên hàng đầu,...
Khi viết hay thảo luận bất cứ một vấn đề nào, chúng ta phải nắm chắc một quy tắc bất di bất dịch đó là phải đặt lập luận lên hàng đầu, chứ không phải ngôn từ hoa mĩ dẫn dắt người đọc hay người nghe.
Lập luận là trình bày hoặc giải thích những lý do mà bạn đưa ra một tuyên bố nào đó. Chắc hẳn bạn cũng biết rằng khi đưa ra một lập luận, chúng ta phải làm sao cho nó cực kỳ mạnh mẽ và thuyết phục. Nhưng bạn lo ngại rằng mình chẳng phải là một người có tư duy logic? Thế thì làm sao chúng ta có thể đưa ra lập luận chặt chẽ được? Đúng, học được cách đưa ra lập luận tốt là một quá trình dài hơi và liên tục, nhưng không phải là không thể. Và tất nhiên bất kì ai cũng có thể “trở nên logic hơn" nếu chịu khó luyện tập.
Một lập luận bao gồm các tiền đề được sắp xếp hợp lý để hỗ trợ một kết luận.
Có 4 cách để bạn có thể “nâng tầm" lập luận của mình mạnh mẽ như “Thần Thor":
1. sử dụng các tiền đề tốt. Một tiền đề tốt là tiền đề có lý do chính đáng để bạn tin, nó vừa đúng vừa có liên quan đến vấn đề đang bàn.
2. đảm bảo rằng các tiền đề này tập trung và hỗ trợ mạnh mẽ cho kết luận.
3. xem xét liệu bạn đã giải quyết các khía cạnh quan trọng, liên quan nhất của vấn đề hay chưa.
(nghĩa là tiền đề và kết luận của bạn tập trung vào những gì thực sự quan trọng đối với chủ đề hay chưa),
và
4. tuyệt đối không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào mạnh mẽ hay sâu đến mức bạn không thể chứng minh hay ủng hộ chúng.
Ngoài ra, bạn cũng nên trình bày tất cả các ý tưởng của mình một cách có trật tự để người đọc có thể hiểu. Nếu bạn gặp khó khăn khi phát triển lập luận của mình, hãy kiểm tra xem liệu bạn có mắc phải lỗi ngụy biện nào không. Nhiều lúc, bạn cảm thấy một lập luận nào đó có vẻ như hiển nhiên đối với bạn nhưng về bản chất thì chưa chắc nó đúng.
Nói trước với bạn, mục đích của bài viết này không phải đưa ra cách giúp bạn có thể chiến thắng bất kỳ cuộc tranh luận nào, nó chỉ đơn giản đưa ra đâu là những suy luận yếu kém để bạn tránh giẫm vào. Những ví dụ này chỉ là hình ảnh minh hoạ được tạo ra nhằm phục vụ bài viết - chúng chưa được nghiên cứu chính thống, bạn cũng không nên sử dụng chúng làm bằng chứng cho bất kì văn bản nào.
Vậy ngụy biện là gì?
Ngụy biện là những lỗ hỏng làm suy yếu các lập luận hay nói cách khác ngụy biện là một lập luận thiếu chặt chẽ hay giả định sai lầm không chứng minh được bất cứ điều gì. Chúng ta có thể học cách tìm kiếm những lỗi ngụy biện bằng cách tìm kiếm chúng trong các bài viết của chính mình hoặc của người khác. Dần dà, nó sẽ giúp bạn củng cố khả năng đánh giá lập luận qua kênh nhìn và nghe. Chúng ta cần lưu ý và nhận ra 2 điểm quan trọng của ngụy biện:
Thứ nhất, các lập luận mắc lỗi ngụy biện thường rất phổ biến và có thể khá thuyết phục, ít nhất là đối với người đọc hoặc người nghe bình thường. Bạn có thể tìm thấy hàng tá những ví dụ về lý luận ngụy biện trên báo chí, quảng cáo và nhiều nguồn khác nữa.
Thứ hai, thực tế, đôi khi chúng ta rất khó để đánh giá liệu một lập luận có ngụy biện hay không. Một số thì biểu hiện ra rõ ràng, nhất quán trắng trợn, một số thì mơ hồ và khó khăn trong việc nhận định vì vốn hiểu biết chưa đủ sâu để đánh giá. Vì thế, nhắc lại lần nữa, mục tiêu của bài viết này không đưa ra cách để bạn “gắn nhãn" các lập luận có ngụy biện hay không. Mà chỉ đơn giản giúp bạn nhìn nhận một cách nghiêm túc về lập luận của chính mình.
1. Khái quát hóa vội vàng
“Bạn của tôi nói rằng bạn trai của cô ấy là đồ tồi và bạn trai của tôi cũng tồi tệ như thế. Đấy! Tất cả đàn ông đều là đồ tồi.”
Ở trường hợp này, kinh nghiệm của hai người là không đủ để đưa ra kết luận.
Đây là một ví dụ về lỗi ngụy biện khái quát hóa vội vàng. Ngụy biện này dựa vào một mẫu không đủ lớn hoặc không điển hình để đưa ra các giả định về toàn bộ nhóm hay nhiều trường hợp. Chẳng hạn, định kiến về con người kiểu như “người nghèo thường xấu tính”, “người giàu thường làm ăn bất chính" là những ví dụ khá phổ biến về lỗi ngụy biện khái quát hoá.
Để tránh khỏi loại ngụy biện kiểu này, chúng ta cần xác định xem mình đang sử dụng loại “mẫu" nào. Bạn dựa vào ý kiến hay kinh nghiệm của vài người? Hay bạn dựa vào kinh nghiệm của chính mình trong một vài tình huống? Vậy thì bạn cần lựa chọn (1) tìm thêm bằng chứng hay (2) đưa ra một kết luận “khiêm tốn” hơn.
Đọc thêm:
2. Ngụy biện bỏ qua luận điểm
Ngụy biện bỏ qua luận điểm có nghĩa là “Tiền đề một đằng, kết luận một nẻo”, nghĩa là các tiền đề hỗ trợ cho một kết luận khác chứ không phải kết luận ban đầu.
Ví dụ: “Mức độ nghiêm trọng của hình phạt phải phù hợp với mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Thế nhưng tồn tại một nghịch lý, người tham gia giao thông say rượu chỉ bị phạt tiền. Trong khi đó, đây được xem là một tội ác cực kì nghiêm trọng vì nó có thể giết chết người vô tội. Do đó, cần áp dụng hình phạt tử hình cho những kẻ say rượu khi lái xe.”
Lập luận có thể sẽ ủng hộ một số kết luận như “Cần phải xử lý nghiêm tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông.” nhưng không ủng hộ tuyên bố rằng nên sử dụng cụ thể hình phạt tử hình cho tội phạm này.
Để tránh mắc lỗi ngụy biện này, chúng ta cần hãy tách các tiền đề ra khỏi kết luận của bạn. Xem xét các tiền đề, nghĩ xem liệu khi đọc xong các tiền đề này, người đọc sẽ có kết luận như thế nào. Sau đó, nhìn vào kết luận, nghĩ xem những bằng chứng nào sẽ giúp hỗ trợ kết luận này. Và liệu những bằng chứng bạn đưa ra ban đầu có hỗ trợ kết luận không. Ngụy biện bỏ qua luận điểm thường gặp trong các trường hợp đưa ra các quyết định cực đoan. Do đó, hãy đặc biệt cẩn trọng khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào lớn lao.
3/ Ngụy biện Post hoc
Ngụy biện này lấy tên từ cụm từ tiếng Latin “post hoc, ergo propter hoc”, có nghĩa là “cái gì xảy ra sau một hành động thì đều là kết quả của hành động đó”. Nói cho dễ hiểu nghĩa là vì B đứng sau A nên A gây ra B. Tất nhiên, đôi khi một sự kiện thực sự sau đó gây ra một sự kiện khác. Chẳng hạn, nếu tôi đăng kí một khóa học và sau đó, tên của tôi xuất hiện trên danh sách. Điều đấy đúng là sự kiện đầu tiên gây ra sự kiện tiếp theo.
Nhưng đôi khi hai sự kiện có vẻ liên quan về thời gian lại không thực sự liên quan đến mối quan hệ nguyên nhân và kết quả.
Ví dụ: “Các tập đoàn lớn liên tục sa thải nhân viên, và sau đó tỷ lệ tội phạm trộm cắp tài sản tăng lên. Các tập đoàn lớn đó phải đứng ra chịu trách nhiệm về sự gia tăng tội phạm.” Việc sa thải nhân viên có thể là một trong những yếu tố dẫn đến tỷ lệ tội phạm gia tăng, nhưng lập luận trên không cho chúng ta thấy rằng sự việc này gây ra sự việc kia.
Để tránh ngụy biện post hoc, người lập luận cần phải đưa ra lời giải thích và bằng chứng về quá trình sa thải nhân viên đã làm gia tăng tỷ lệ tội phạm cao hơn. Đó cũng là những gì bạn nên làm để tránh giẫm phải sai lầm này. Nếu bạn khẳng định A gây ra B, thì đi kèm với đó, bạn phải nói thêm về cách mà A gây ra B như thế nào, chứ không phải là A xảy ra trước, sau đó B xảy ra thì hai sự kiện này liên quan đến nhau.
Còn nữa...
*Các bạn có thể thảo luận thêm với mình tại đây!
*Bài viết có tham khảo một số tài liệu của
Groarke, L.A. & Tindale, C.W. (2008). Good Reasoning Matters!: A constructive approach to critical thinking. London: Oxford University Press
2009.H. L. Meacock, A. Skene, Communication Café, English Language Development, Centre for Teaching and Learning, University of Toronto, Scarborough
UVU Writing Center
UNC Writing Center
Critical Reading and Writing for Postgraduates
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất