Mình đã từng vật lộn rất khổ sở với "Tiếng Anh". Hồi đó, cứ mỗi lần gặp người nào nói thông, viết thạo mình lại hạ mình để xin bí kíp. Nhìn chung, đa phần câu trả lời của mọi người vẫn là "'Tiếng Anh dễ mà, anh/chị/ tụi/ tớ chỉ có nghe nhạc, đọc sách, xem phim bằng tiếng Anh thôi, có cần học gì đâu."
Ồ, hóa ra giỏi tiếng Anh chỉ cần thế thôi, chỉ cần ĐỌC SÁCH, NGHE NHẠC, XEM PHIM bằng tiếng Anh, ồ, hóa ra là thế!
Thế thì bắt đầu bằng đọc sách đi, vì đây là thứ mình thích nhất.
Search liền" Những cuốn sách tiếng Anh dễ đọc nhất" Kết quả hiển thị "The Fault in our Stars" Kết quả hiển thị "Little Prince" Kết quả hiển thị "Harry Potter" Đã download Mở file. ~~~ Trời ơi cái gì vậy. Sao đọc không hiểu gì trơn vậy. Sao ở trường đi thi điểm cũng oke này kia lắm mà trời. Đổi cuốn. ~~~ Nữa hả, sao quá trời từ mới vậy. Lật mấy trang sau. Urghhh, không hiểu gì hết, I GIVEEE UPPPP. Tin được không đây là câu chuyện của mình khi mình vừa vào HK1 năm nhất của đại học. Bây giờ mình gần kết thúc năm 3, mình đã đọc được trên dưới 40 cuốn sách tiếng Anh, trong đó có 17 cuốn mình đã đọc trọn vẹn và có những phát triển sâu hơn thay vì chỉ dừng lại ở việc đọc. Điều này nên vui mọi người nhỉ!
Vậy nên hôm nay, mình ở đây để viết lại bài này (vì hôm qua mình đã viết gần xong chỉ có trau chuốt lại câu chữ nữa thôi nhưng mình control Z gì đó cái nó mất tiêu hết luôn, hụt hẫng thực sự) với mong muốn chia sẻ tới bạn những kinh nghiệm thực tế mà mình đã gom góp được từ việc đọc sách để cải thiện ngoại ngữ của mình. Tất nhiên, mình không phải nhà ngôn ngữ học, cũng không phải là giáo viên giảng dạy có thâm niên trong nghề, những điều mình chia sẻ sau đây hoàn toàn chỉ là những quan điểm, chiêm nghiệm của cá nhân mình hoặc kinh nghiệm mình học từ người khác :v. Các bạn hãy tham khảo có chọn lọc và cứ thẳng thắn phản biện lịch sự nhé! Mình ở đây để chia sẻ và để học tập. Mình mong bài viết sẽ có một chút hữu ích gì đó đối với bạn! À, phải rồi trước khi mình nói tới việc mình đọc sách thế nào để cải thiện trình độ, mình bắt buộc phải nhấn mạnh một lợi ích to lớn sâu sắc của việc đọc sách đối với việc học ngoại ngữ. Các bạn đã bao giờ trải qua hiện tượng này chưa? Bạn học một từ vựng và đột nhiên bạn thấy nó khắp mọi nơi, trong cuốn tiểu thuyết bạn đọc, bảng hiệu trên đường, trên youtube, trên phim... Mình đoán chắc chắn rồi nếu tới giờ phút này bạn vẫn ở đây và đọc tiếp bài viết này của mình =)))). Ngộ hén, thế quái nào được, tại sao cũng từ đó bao nhiêu năm sống trên đời mình chưa bao giờ gặp bây giờ lại có thể gặp ở mọi nơi, mọi chỗ vậy nhỉ? Sao trùng hợp vậy! Không bạn ơi, hiện tượng này có hẳn cả tên gọi đấy, hiện tượng Baader-Meinhof nhé.
Hiện tượng Baader-Meinhof, còn được gọi là ảo ảnh tần số hoặc sai lệch tần số, là một xu hướng nhận thức khiến bạn chú ý đến một thứ gì đó thường xuyên hơn sau khi bạn chú ý đến nó lần đầu tiên.
Bạn nghĩ rằng nó xảy ra thường xuyên hơn nó thực sự xảy ra. Hiện tượng này đóng một vai trò quan trọng trong việc học ngoại ngữ vì nó giúp quá trình học từ vựng của bạn trở nên dễ thở hơn, nhẹ nhàng hơn, cụ thể là khi bạn học một từ hoặc cụm từ mới, bạn sẽ chú ý đến nó nhiều hơn trong các tình huống khác từ đó ghi nhớ chúng dễ dàng hơn.
Giỏi tiếng Anh, thì phải có từng vựng. Học từ vựng ... dễ mà, tra từ điển, ghi lại, lẩm nhẩm vài lần. Nhưng nhớ từ vựng thì lại là chuyện khác, nó đòi hỏi bạn phải nỗ lực và kỉ luật hơn rất nhiều. Bằng cách đọc sách, bạn có thể gặp lại những từ ngữ hoặc cụm từ mà bạn có thể đã gặp trước đây nhưng chưa thực sự ghi nhớ khắc sâu. Cộng thêm với việc bắt gặp chúng được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, bạn sẽ tự động biết sử dụng những từ đó linh hoạt hơn. Hic, dài quá rồi, bắt đầu thôi các bạn hén!

1. Chọn sách phù hợp trình độ với bạn.

Vâng, tất nhiên, đây chính xác là yếu tố tiên quyết bạn có tiếp tục cầm cuốn sách quá 3 phút không. Chọn sách khó quá dễ gây mất tập trung, dễ nản chí, bỏ cuộc. Khi mình vừa dấn thân vào con đường này, mình kể rồi rằng mình pick đại những cuốn được rêu rao là dễ ở trên mạng. Nhưng dễ với người, chắc gì đã dễ với ta. Cụ thể là mình gục luôn, hí hứng chưa kịp quá năm phút. Nỗi buồn từ việc đọc sách không hiểu đã dần dẫn đến một nỗi buồn to bự hơn nhiều. Đó là nỗi tự ti, hoài nghi và chán ghét bản thân mình. Những câu hỏi liên tiếp cứ xoay vần trong đầu mình hồi đó: "Sao người ta đã bảo dễ vậy mà mình còn không được, sao mà dốt thế, tệ thế". Thế mới bảo, các bạn hãy chọn một cuốn sách phù hợp với năng lực của bản thân để tránh trường hợp như mình nhé! Vậy làm sao để biết sách như thế nào thì phù hợp với trình độ của mình? Kinh nghiệm cá nhân của mình nha, mỗi dòng trên một cuốn sách thường rơi vào độ tầm 10-12 chữ, bạn đọc tầm vài trang đầu mà thấy trung bình mỗi câu cứ 5 chữ không hiểu thì thôi, nghỉ thôi, nghỉ để chọn lại cuốn khác =))). Về phía mình, sau khi có "trauma" với mấy cuốn "The fault of our stars" rồi "Harry Potter" mình đã dừng đọc một thời gian vì chán nản, bẵng đi sau đó mình vô tình biết được mấy cuốn của OSHO, thầy Hạnh, thầy Minh Niệm...từ vựng bình dân, ngữ pháp đơn giản, nhưng nội dung lại rất sâu sắc. Mình nuốt liền mấy cuốn trong vòng một tháng (hồi này mình rảnh mà). Vậy nên, thực sự mình không thể đưa ra cụ thể cuốn nào để gợi ý cho các bạn, vì mình nghĩ các bạn sẽ là người biết rõ năng lực của bản thân nhất. Chỉ xin nháy nhẹ là mình thấy sách thể loại healing rất dễ đọc nhá =)))) Hơn một năm trở lại đây, mình đã không còn đọc thể loại này nữa rồi, mình coi nó như là một bệ đỡ tư tưởng nên mình chỉ đọc khi nào mình thấy cuộc đời mình vội vã quá hay tâm trạng mình rối bời thôi. Còn đọc để cải thiện tiếng Anh, mình đã chuyển qua những cuốn có sử dụng từ vựng cao hơn ở trình độ C1, C2, vì những cuốn kia từ vựng ở thời điểm hiện tại đã quá nhẹ nhàng với mình.
Vậy nhé! Hãy cố gắng chọn một cuốn sách phù hợp với bạn để biến trải nghiệm đọc của bạn trở nên trơn tru hơn, vui vẻ hơn! Đừng khó quá vì bạn sẽ dễ bỏ cuộc đó và cũng đừng dễ quá, bạn sẽ không thử thách được bản thân và tiến bộ hơn đâu!

2. Chọn chủ đề bạn thực sự yêu thích

Điều này có liên quan mật thiết tới động lực và sự tận hưởng của bạn trong quá trình đọc. Nếu bạn chọn một cuốn sách hấp dẫn đối với bạn, tất nhiên bạn sẽ tập trung và hứng khởi hơn để đọc, từ đó xây dựng được thói quen đọc sách thường xuyên hơn. Ngược lại, nếu bạn chọn ngay cuốn sách có chủ đề mà bạn không hề quan tâm, tất nhiên, bỏ cuộc là điều khó tránh khỏi. Ví dụ mình đi, bắt mình đọc về kinh tế, là mình ngất! Mình từng bị FOMO (nặng). Cuốn nào được nhiều sao rồi best-seller, sao thoát được tay chị. Có đợt cuốn sách "Tại sao chúng ta ngủ" nổi lên, KOL, influencers rồi Booktuber đi đâu cũng thấy người này người kia khen. Mình download về đọc liền. Trời ơi, nó chán, toàn là thuật ngữ gì đâu không, nội dung cũng khô khan nữa, mình đọc được chưa được nửa chương, chịu, nghỉ khỏe. Giờ thì mình biết rồi, mình không phải là người thích đọc những cái gì đó có quá khoa học rồi ...thần kinh học. Bạn cũng vậy nha, đặc biệt là những người mới bắt đầu, hãy chọn những cuốn mình có hứng thú trước đã nhé. Đừng ép bản thân mình quá, nếu không đọc được cuốn đó, mình nghỉ đọc cuốn khác thôi!

3. Đọc chậm thôi

Thôi đừng có mà skimming, scanning, đừng có mà áp dụng kỹ thuật gì hết nha, tụi mình có đọc cho đạt KPI đâu mà. Đây là hoạt động vốn dĩ để bạn có thể thư giãn, rèn luyện khả năng tư duy phản biện đồng thời lại còn học được tiếng anh. Thế nên đừng có mà biến nó thành bài test nha, chầm chậm thôi, chầm chậm nghiền ngẫm, bạn sẽ học thêm được nhiều thứ về cấu trúc cũng như logic của ngôn ngữ này cũng như khám phá nên nhiều mối liên hệ mới với bản thân. Thực ra đây cũng là cách mình "Đọc" trong thi cử luôn. Đọc chậm, đọc chắc, đọc hiểu vậy thôi. Việc đọc trở nên enjoy hơn nhiều.

4. Đọc to thành tiếng.

Cái này bây giờ như trở thành phản xạ của mình luôn. Khi mình thấy một cái gì viết bằng tiếng Anh, tự động miệng mình sẽ nói ra luôn thành lời. Đọc to giúp chúng ta không giúp ta phát âm đúng nhưng giúp ta kiểm tra được rằng từ này phát âm có thuận tai không, không thuận thì tra lại ngay đi chứ gì nữa. Đọc to giúp bạn nghe xem tone giọng của mình đã phù hợp chưa, có chóe quá không, có thấp quá không, có bị nuốt âm nhiều quá không. Đối với một người "dễ bay lạc" như mình đọc to còn giúp mình tập trung tốt hơn, sâu hơn, mạch đọc diễn ra trôi chảy và lâu hơn. Điều gì quan trọng hãy để mình nhấn mạnh thêm một lần, mình cải thiện được phát âm và ngữ điệu rất nhiều nhờ cách này.
Hình minh họa không liên quan đoạn này, mình khoe thumbnail thui hehee
Hình minh họa không liên quan đoạn này, mình khoe thumbnail thui hehee

5. Lưu từ vựng

"Trời đất, cái chị này, sao chị vừa kêu hiện tượng gì gì đó nó cho mình gặp từ vựng hoài rồi sao bây giờ còn phải lưu từ vựng, sao hay vậy quá ta". Nếu bạn có câu hỏi này trong đầu thì chờ chút mình giải thích ngayyy đây. Hehehe, tất nhiên thông qua việc đọc, ta có thể học từ vựng thụ động, nhưng đó là đối với những từ bạn đã gặp qua, những từ bạn đã nhớ mang máng. Nhưng đối với những từ mới mà bạn cho rằng thực sự cần thiết với nhu cầu sử dụng của bạn thì sao, cứ nhìn nó rơi rụng đầy hối tiếc như vậy à. Cá nhân mình, mình dùng app Mochi để lưu từ vựng, app sẽ tự động cân nhắc tính toán thời điểm nào là phù hợp để bạn ôn tập, từ đó giúp bạn ghi nhớ từ lâu hơn. Không có tài trợ ở đây đâu mọi người ạ. Mình dùng thấy hay thiệt. Lưu ý là mình cũng chỉ lưu vừa đủ những từ mình thấy thực sự quan trọng, mình không dừng lại nhiều quá vì mình cũng ngại ảnh hưởng đến mạch đọc, từ nào mình đoán được qua ngữ cảnh thì mình lướt qua luôn.

6. Take note

Đọc sách ai cũng đọc được, nhưng đọc thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết và mình cũng đang học để đọc-cho-đúng cách đây. Đọc sách thường chỉ để tiếp thu kết quả, thư giãn và tận hưởng, đó chính là lý do tại sao ta hay nói “đọc thụ động”. Nhưng nếu chúng ta chuyển sang tập take note, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng của ta. Tất nhiên khi mình nói take note nó không có nghĩa là chỉ dừng lại ở quá trình highlight hay ghi lại những câu quote nghe hợp tai bạn mà bạn có thể khai thác sâu hơn những quan điểm của tác giả, từ đó tìm được những bài học cho cá nhân bạn, hay chỉ đơn giản là phản biện lại với những quan điểm của tác giả mà bạn nghe không thuận tai, thế nào rồi lợi cũng về bạn, vì bạn đang luyện viết mà =)))). Bạn có thể tham khảo những câu hỏi dưới đây nếu bạn bí ý tưởng khi viết nhé! - Summary the book in three sentences - How I discover it? - Who should read it? - How the book has changed me? - My top 3 quotes. Ý này mình tham khảo từ anh Ali Abdaal. Mình sẽ gắn link ở phía cuối video cho bạn nào cần nha! Bước này thực sự khá thử thách đó nhưng nó đồng thời lại giúp ta ghi nhớ nội dung tốt hơn và rèn luyện tư duy phản biện của bản thân và ĐẶC BIỆT LÀ KỸ NĂNG VIẾT TIẾNG ANH nữa đó. Cứ viết đi! Đừng sợ! Viết những thứ mình tự nhiên gần gũi trước đã, nhờ cách này bao nhiêu cái script Youtube của mình cũng đã được ra đời. Chứ hồi đó, mỗi lần nhắc tới "VIẾT" đầu mình chỉ nhảy số được hai thứ duy nhất, "viết task 1", "viết task 2" IELTs =))))) Nếu bạn đọc đến đây, mình cảm ơn rất nhiều, it means to me a lot! Chúc các bạn vui học Tiếng Anh! Mình là Chun, Cintachun! Kết nối mình qua kênh Youtube cùng tên nếu bạn có hứng thú với những content như thế này nha! Chun.
Update video version tiếng Anh ạ