Xây dựng sức khỏe tinh thần từ sớm nhờ Tư Duy Phản Biện
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây: *Critical Thinking, nếu hiểu đúng thì là "suy nghĩ về những...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
*Critical Thinking, nếu hiểu đúng thì là "suy nghĩ về những gì mình đang nghĩ". Ở VN có khá nhiều thuật ngữ dịch từ cụm từ này, phổ biến nhất là Tư Duy Phản Biện, nên tôi đành mượn tạm, chứ tôi không thực sự thích nó. Vì "phản biện" mang ý nghĩa "đưa ra ý kiến trái ngược", trong khi critical thinking chỉ đơn giản là nhìn vấn đề dưới một góc nhìn khác.
Nào, trước hết cùng nhau nói về sức khỏe tinh thần. Cùng hiểu một cách dân dã, khi bạn luôn giữ được một thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống, bạn cảm thấy hài lòng với những gì bạn có, bạn không stress, lo lắng hay giận dữ, hoặc có cũng chỉ ở mức nhỏ, thì tức là bạn đang có một sức khỏe tinh thần tốt. Ngược lại, không cần phải tới mức bị trầm cảm mới được gọi là "có bệnh về sức khỏe tinh thần". Chỉ cần một lúc cáu gắt vì tự ái hay một đêm mất ngủ vì lo lắng đã là dấu hiệu của sự yếu đuối về mặt tinh thần rồi. Vì vậy, ở cuộc sống hằng ngày, ta thấy các hình thái phát bệnh của sức khỏe tinh thần gần như ở mọi nơi: các bạn sinh viên mới ra trường lạc lối không tìm được việc, khủng hoảng đàn ông tuổi 25 trong giai đoạn khó khăn nhất của sự nghiệp, thay đổi hoócmôn khi mang thai ở nữ giới, trầm cảm sau khi nghỉ hưu của người già v..v....
Vậy critical thinking thì có liên quan gì tới sức khỏe tinh thần? Một khi bạn mất kiểm soát bản thân và để những cảm xúc tiêu cực làm chủ, sức khỏe tinh thần của bạn đi xuống. Vậy nếu trong lúc những cảm xúc ấy được dấy lên, nếu bạn nghĩ-về-những-gì-bạn-đang-nghĩ, "Ồ, mình đang tức giận. Mình chuẩn bị nói ra những điều thô lỗ. Mình không nên như thế", thì chắc chắn cách bạn phản ứng ra bên ngoài sẽ khác, và năng lượng xung quanh bạn cũng sẽ khác. Có một lý thuyết về tâm lý học chung được phổ biến khá rộng rãi, rằng những gì bạn cảm thấy ảnh hưởng tới những gì bạn làm, và điều ngược lại cũng đúng. Khi bạn giận dữ, hành động chửi rủa của bạn sẽ càng nhấn mạnh với bộ não rằng bạn đang giận, và như vậy càng làm cho cơn giận của bạn bùng lên to hơn. Nhưng nếu bạn dừng được hành động bản năng ấy nhờ vào critical thinking, chính bạn sẽ là người làm chủ sức khỏe tinh thần của bạn.
Critical thinking không chỉ dừng ở bước "Không tạo ra hành động mang năng lượng tiêu cực", mà còn tiếp diễn bằng việc "Điều hướng suy nghĩ theo hướng tích cực". Cũng trong trường hợp về khi bạn giận dữ với ai đó - thử coi đó là người yêu đi, những suy nghĩ trong đầu bạn lúc này rất có thể đang tràn ngập những lời chỉ trích, chê bai, hay thậm chí nhục mạ đối phương. Bây giờ bạn thử tưởng tượng những suy nghĩ đó là một bài post của một người lạ hiện trên newsfeed của bạn. Là một người sử dụng Internet thông thái, bạn sẽ nghĩ gì về những lời đó? "Hmm mình mới nghe chuyện từ một chiều, chưa thể khẳng định được gì. Tôi cần nghe câu chuyện từ phía bên kia. Nếu đó là người thực sự yêu bạn, hẳn họ có lí do nào đó. Còn nếu họ đúng là người như vậy thì bạn đúng là có quyền giận dữ, nhưng bạn dùng những lời lẽ đó để nói người yêu bạn thì bạn cũng chả ra gì đâu" <= những suy nghĩ này có quen không? Đó, critical thinking là như vậy đó, và nếu tự bạn có được những suy nghĩ đó đối với những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của mình, thì chắc chắn khả năng kiểm soát bản thân của bạn sẽ tốt lên rất nhiều đấy.
Một bài tập Critical thinking nhỏ:
Đọc thêm:
"If you're nice to me, I'll be nice to you" - "Nếu bạn tốt với tôi, tôi sẽ tốt với bạn"
Đó là câu nói của Eminem. Mình đoán là sẽ có nhiều bạn dễ dàng đồng tình với câu nói này bởi tính công bằng của nó. Nhưng lần này, ngay khi bạn có ấn tượng về sự công bằng ấy, hãy thử dùng critical thinking và nghĩ về điều đó theo một góc nhìn khác đi và thử nghĩ ra vài câu hỏi 'chất vấn' nó xem. Thử dành ra vài phút nhé. Tôi sẽ chia sẻ góc nhìn của mình ở bên dưới.
Theo tôi, đây là một quan điểm sống cực kỳ thụ động."Nếu bạn tốt với tôi, tôi sẽ tốt với bạn". Điều này đồng nghĩa với việc, hành động của mình sẽ phụ thuộc vào hành động của người khác. Ta muốn làm việc tốt, nhưng vì chưa thấy người ta tốt với mình, nên mình cũng chờ đó - chờ tới khi ta nhận rồi, ta mới cho lại người. Như vậy, tinh thần công bằng của câu nói về mặt lý thuyết nghe rất... sướng tai, nhưng nếu áp dụng thành quan điểm sống, thì sẽ rất mệt mỏi. Cả đời bạn sẽ phải cân đo đong đếm xem người nào đã giúp mình rồi, người nào chưa, ta đã giúp lại được những ai rồi, ai/ta giúp được nhiều ít thế nào v..v.. Cũng theo câu nói ấy, khi bạn đối xử tốt với một người, bạn sẽ luôn mong đợi một sự phản hồi tương xứng từ phía người kia. Và đoán xem khi người kia không đáp trả, hoặc không nhiều như bạn đã từng, bạn sẽ cảm thấy sao? Phải rồi: là thất vọng, là buồn bực, là ghét bỏ. Chưa kể, nếu áp dụng câu nói này theo hướng tiêu cực, tức nếu người ta đối xử tệ với mình, thì mình cũng PHẢI trả thù lại tương ứng. Như vậy chẳng phải cả thế giới sẽ biến thành một bể hận thù không lối thoát sao? Vợ chồng cãi nhau mà ai cũng đáp lại như một trận chiến 'cân tài cân sức', thì gia đình sẽ ra sao? Một người giết một người, người khác để trả thù cũng giết lại người kia. Vậy là từ một người chết, một người vào tù, giờ ta có hai người chết, một người vào tù.Tôi thường rút gọn câu nói của Eminem thành: "Be nice". Đơn thuần là hãy sống tốt, ở mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng. Tôi biết, điều này nghe tưởng như hiển nhiên, nhưng ai cũng biết là khó thực hiện. Điều giúp tôi luôn có thể bình tâm và bám sát được với lối sống đó là quan niệm rằng: Tôi đối xử tốt với người, không phải là vì người, mà là vì tôi. Ta sống tốt với bản thân, và với mọi người, là để CHÍNH TA không có điều gì phải ăn năn, day dứt khi sau này nghĩ lại, chứ không phải để người kia phải cảm thấy mắc nợ ta. Đây là lối sống mà tôi áp dụng từ quan điểm Chúng Ta Có Thực Sự Làm Mọi Thứ Vì Người Khác?.
Bạn có thấy critical thinking (Tư duy phản biện) trong cả quan điểm trên và trong bài "Chúng ta có thực sự làm mọi thứ vì người khác?" không? Nó có thể không đúng với bạn, nhưng cái cách quan điểm đó được xây dựng lên, cách một vấn đề được nhìn theo một góc không-phải-là-lối-mòn vô cùng hữu ích cho cả cuộc sống lẫn sự nghiệp của các bạn đấy. Tôi xin chia sẻ mô hình tư duy tôi tự rút ra để có được critical thinking được áp dụng với từng trường hợp khác nhau:
- Khi gặp phải cảm xúc tiêu cực: đây là thời điểm tôi thường dùng để đánh giá chính xác nhất một người, cũng là cơ hội vàng để tôi thực hành việc rèn tâm tính của mình. Mỗi lúc như vậy, tôi thường theo đúng quy trình sau:
1. What: Cái gì? Mình đang trải qua cảm xúc gì? Ghen tuông? Thất vọng? Giận dữ? v..v... Việc xác định rõ cảm xúc và chấp nhận nó là điều rất cần thiết cho các bước sau. Ví dụ, nếu bạn ghen, nhưng cái tôi của bạn lại không muốn thừa nhận điều đó, và bạn cố chối bỏ nó, sự ghen tuông sẽ bị não bạn bóp méo sang một cảm xúc khác mà thôi. ('Tôi ko ghen. Mà do anh/cô bố láo'. Kiểu như vậy)
2. Why: Tại sao? Tại sao mình lại có cảm xúc này? Do ai đó tác động vào, hay do dòng đời chảy không xuôi ý mình? Nếu là do người thì là chính xác là người nào? Người đó có cố ý không? Nếu có thì tại sao người ta lại cố ý làm mình buồn? (Cụ thể hơn có thể hỏi, cùng hành động ấy, nếu do người khác, hay vào lúc khác thì mình có cảm thấy vậy không? Nếu không thì rất có thể nguyên nhân là lý do khác). Nếu là do công việc không được như ý muốn thì tại sao? Mình đã làm gì sai/thiếu sót?
* Ở bước này, rất cần tinh thần biết chịu trách nhiệm về bản thân, bởi nếu bạn đặt ra nhiều câu hỏi như trên, rất có thể bạn sẽ thấy nguyên nhân gốc lại xuất phát từ chính mình. Ví dụ, bạn bị người yêu cắm sừng, bạn nghĩ là tại sao?
2. Why: Tại sao? Tại sao mình lại có cảm xúc này? Do ai đó tác động vào, hay do dòng đời chảy không xuôi ý mình? Nếu là do người thì là chính xác là người nào? Người đó có cố ý không? Nếu có thì tại sao người ta lại cố ý làm mình buồn? (Cụ thể hơn có thể hỏi, cùng hành động ấy, nếu do người khác, hay vào lúc khác thì mình có cảm thấy vậy không? Nếu không thì rất có thể nguyên nhân là lý do khác). Nếu là do công việc không được như ý muốn thì tại sao? Mình đã làm gì sai/thiếu sót?
* Ở bước này, rất cần tinh thần biết chịu trách nhiệm về bản thân, bởi nếu bạn đặt ra nhiều câu hỏi như trên, rất có thể bạn sẽ thấy nguyên nhân gốc lại xuất phát từ chính mình. Ví dụ, bạn bị người yêu cắm sừng, bạn nghĩ là tại sao?
3. How: Thế nào? Khi đã xác định được nguyên nhân của cảm xúc tiêu cực thì mình sẽ giải tỏa/giải quyết nó như thế nào? Để làm được điều này thì trước tiên mình phải xác định được mục đích cho phương án của mình là gì: nếu cảm xúc đó là do người khác vô ý, mình muốn hạ nhục người ta để mình cảm thấy tốt hơn, hay mình muốn chỉ cho người ta sai phạm của họ để họ rút kinh nghiệm cho lần sau? Mình muốn chứng minh mình đúng trước, hay muốn làm người kia hạ hỏa trước? Nếu mục đích để giáo dục thì có những cách nào: Chửi bới? Đánh đập? Từ tốn chỉ bảo? Cách nào ít gây tổn thương nhất? (<= câu hỏi quan trọng nhất) Nếu là do dòng đời xô đẩy thì mình nên bắt đầu từ đâu để sửa chữa nó?
- Khi tìm cách giải quyết một vấn đề:
1. What: Vấn đề mình đang cần giải quyết là gì? Câu hỏi này tưởng như đơn giản, vì đôi khi vấn đề nó hiện hữu ngay trước mắt. Thế nhưng nhiều khi ta rơi vào tình huống gấp gáp, hoặc quá nhiều việc cùng lúc, khiến tâm trí không còn bình tĩnh thì lại phải tập trung rất nhiều mới xác định rõ là vấn đề mình cần giải quyết ngay-bây-giờ là gì. Nói đơn giản, trong một vụ tai nạn, vấn đề quan trọng nhất cần tập trung là có thương vong không? Nếu có thì có sơ cứu được gì không? v..v... Rồi sau đó mới là các vấn đề khác như giao thông, lỗi tại ai, đền bù thế nào. Nếu đó không phải là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay, thì hãy nghiền ngẫm nó thêm ở các tầng cao hơn, như nhìn vấn đề theo một góc nhìn khác. Ví dụ, trò chơi yêu cầu bạn tìm lối thoát ra khỏi mê cung. Bạn dò từ điểm xuất phát và cố gắng tìm lối ra. Nhìn khác đi và bạn sẽ dò ngược từ lối ra về phía điểm xuất phát. Hay thậm chí bạn có thể hỏi "ngay từ đầu nó có phải là một vấn đề cần giải quyết ko?". Nếu câu trả lời là không thì bạn đã tự tiết kiệm được ối thời gian đấy ;)
Đọc thêm:
2. Why: Tại sao lại có vấn đề này? Đây là câu hỏi mình rất thích, bởi nếu bạn liên tục hỏi tại sao thì bạn sẽ tìm ra được cốt lõi vấn đề. Ví dụ, tình cảm hai người nhạt đi. Tại sao? Có lẽ vì hai người yêu nhau nhưng trong tuần không nhắn tin, cuối tuần mới đi chơi. Tại sao trong tuần không nhắn tin? Vì bận công việc. Tại sao ntin chỉ mất vài phút, thậm chí vài giây mà lại không nhắn được? Tại sao nhiều cặp đôi bận hơn mà vẫn hạnh phúc? v..v... Tương tự với những vấn đề gặp phải ở nơi làm việc. Bạn tìm ra được cốt lõi vấn đề, thì khi nghĩ về giải pháp, đó sẽ là một giải pháp triệt để. Lưu ý ở đây là nhiều người sẽ có thói quen là, thấy vấn đề bề nổi là lao vào tìm cách giải quyết cho xong, chứ không có suy nghĩ "ngăn chặn việc xảy ra vấn đề", nên họ không có thói quen đặt câu hỏi "Tại sao?". Hãy hỏi "tại sao" thật nhiều nhé.
3. How: khi đã xác định được vấn đề rồi, thì cách giải quyết nó là gì? Khi đã nghĩ ra những sự lựa chọn, bạn lại tiếp tục đánh giá những lựa chọn đó xem đâu là lựa chọn tốt nhất với tình thế hiện tại. Rồi bạn lại hỏi tiếp "Còn sự lựa chọn nào khác không?" Đôi khi việc tìm ra lựa chọn/giải pháp mới không phải bắt đầu từ số 0, mà là ghép những ưu điểm của những lựa chọn có sẵn để tạo thành phương án tối ưu.
Bản thân tôi đã từng có thời gian ngắn bị trầm cảm. Ngắn là bởi vì tôi đã dùng critical thinking theo mô hình trên để tự cứu lấy chính mình. Ai từng bị trầm cảm chắc sẽ biết cái cảm giác không muốn làm gì, không thiết tha gì, kể cả sống. Và tôi đã làm hoàn toàn trái lại tất cả những gì những cảm xúc ấy khiến tôi muốn làm. Và thật nhanh chóng tôi đã lấy lại được sự yêu đời, thấy được ý nghĩa cuộc đời và chiến thắng nó. Nhờ critical thinking.
*EDIT: Tôi muốn bổ sung thêm một ví dụ để thấy rằng, mô hình trên có thể được áp dụng ở nhiều tình huống khác nhau. Ví dụ tôi đưa ra ở đây, là bạn bị 'cắm sừng'. Nào, giờ cùng thử áp dụng mô hình trên nhé:
- What: Bạn đang cảm thấy gì? Chắc hẳn là đau lòng, thất vọng, ghen tuông, mất niềm tin vào tình yêu.
- Why: có rất nhiều câu hỏi Tại sao nên được hỏi ở đây. "Tại sao tôi cảm thấy thế?" thì chắc khá dễ trong trường hợp này: Bởi vì bạn bị cắm sừng. Nhưng tại sao bạn lại bị cắm sừng? Có phải tại người kia? Có phải tại người thứ ba? Có phải tại bạn? Việc bạn là nạn nhân liệu có làm bạn 100% đúng, còn những người kia sai ko? Nếu bạn cho rằng mình đã làm rất tốt, tại sao người kia lại cắm sừng bạn? Chắc hẳn mình có điều gì đó thiếu sót mà người thứ ba có thể cung cấp cho người yêu bạn. Hãy tìm cho ra gốc rễ vấn đề, bởi có như vậy bạn mới biết rút kinh nghiệm cho những mối quan hệ sau.
- How: Giờ mình phải xử lí việc này thế nào? Nhìn chung trong chuyện tình cảm thì thường không có nhiều sự lựa chọn. Hoặc là yêu nhau, hoặc là không. Đơn giản vậy thôi. Nên dựa vào việc quan sát những trường hợp bị cắm sừng, tôi thấy chỉ có vài sự lựa chọn như: bóc phốt trả thù, chửi rủa hạ nhục cho thỏa mãn cái tôi, hoặc kể lể tâm sự với ai đó, khóc lóc buồn bã một thời gian, rút kinh nghiệm cho mình rồi bước tiếp. Việc đóng cửa rồi rượu chè be bét này có làm cho người kia quay lại không - khi mà họ từ đầu đã chọn đi với người khác? Rượu chè có lợi gì cho mình trong việc trở thành người tốt hơn không? Mục đích bạn chọn phương án là gì? Hay hỏi khác đi sẽ là, "Tại sao (why) bạn lại muốn chọn phương án này?" Để làm người bạn yêu phải chịu những nỗi đau bạn phải chịu, hay dù họ làm tổn thương bạn nhưng bạn vẫn muốn họ hạnh phúc? Bạn muốn khi chuyện này nguôi đi, hai người vẫn giữ được sự tôn trọng cho nhau, hay kết thúc bằng việc hai người trở thành kẻ thù? Đặt càng nhiều câu hỏi như vậy, bạn sẽ dễ dàng bình tâm lại và có những hành động phù hợp nhất với tính cách của bạn. Phải, việc bạn hành động ra sao khi gặp biến cố thể hiện rõ nhất con người thật của bạn, và trong trường hợp này, là tình cảm của bạn dành cho người kia.
Giờ mình cho các bạn một câu hỏi này coi như bài tập về nhà, ai đã từng ở trong trường hợp này thử áp dụng mô hình trên xem nhé. Tôi hóng comment của các bạn ^^
Bạn tỏ tình thất bại.
Mô hình trên, nhờ rèn luyện và thực hành thường xuyên, (ngay kể cả lúc không có biến), và thế là mỗi lần có cảm xúc tiêu cực là một lần tôi hiểu bản thân hơn, và mối quan hệ với những người xung quanh cũng khăng khít hơn, bởi kết quả của mô hình, nếu làm đúng, là 'giáo dục' - là sự thấu hiểu cả nội tâm lẫn giữa người với người trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau như giữa giáo viên và học sinh. Thay đổi rõ nhất là khi tôi gặp phải sự giải tỏa không đúng cách của người khác, tôi cũng lặp lại mô hình trên để cố gắng hiểu người đó, thông cảm với người đó và tìm ra cách làm người đó dịu xuống.
Với những chia sẻ trên, tôi thực sự mong các bạn trẻ bắt đầu rèn luyện tinh thần từ bây giờ, để có thể luôn đối mặt với các sóng gió cuộc đời với thái độ cầu tiến, bình tĩnh và minh mẫn nhất :)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất