Thực ra bài này không nhắc tí nào đến ông
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:


Mở đầu

Ngôn ngữ luôn là một trong những vấn đề sôi nổi mỗi khi nhắc đến, vì bản chất của ngôn ngữ gắn liền với nhu cầu giao tiếp và trao đổi thông tin của con người. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ và học ngôn ngữ thuộc về hai phạm trù tương đối khác nhau. Khi đi vào tranh luận các vấn đề về ngôn ngữ, theo quan sát của cá nhân là người sử dụng và học về ngôn ngữ, tôi thấy nhiều người bị nhập nhằng giữa các vấn đề về ngôn ngữ, do không có hiểu biết cơ sở về ngôn ngữ và thiếu đi các lý luận có gắn liền với ngôn ngữ như một môn khoa học. Trên thực tế, việc này dẫn đến việc hạn chế về mặt phát triển năng lực ngôn ngữ của chính họ, hệ qủa là khả năng sử dụng ngôn ngữ nghèo nàn, thiếu linh hoạt. 
Bài viết này không có ý định làm lại việc "dẫn luận ngôn ngữ", vốn là việc nhàm chán với những người không học ngành ngôn ngữ và đương nhiên với những người học ngành ngôn ngữ. Tôi viết bài này với mong muốn sẽ cung cấp một góc nhìn trung tính và thực dụng hơn, hi vọng có thể khơi gợi hứng thú tìm hiểu về ngôn ngữ của những người mong muốn cải thiện năng lực ngôn ngữ của cá nhân cũng như đưa ra một số phương thức tiếp cận vấn đề nhằm giải quyết các vướng mắc về việc sử dụng ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp trong đời sống, trong công việc hàng ngày.  Với mục đích như vậy, trong bài sẽ có cả những trích dẫn từ các tài liệu nghiên cứu cũng như kiến thức và trải nghiệm mang tính cá nhân chỉ có kiểm chứng trong môi trường hẹp (anecdotal).

Đọc thêm:


Ngôn ngữ là gì? Và tại sao lại cần phải nghiên cứu 
ngôn ngữ?


Ngôn ngữ trong khái niệm chung, là cách thức giao tiếp đặc thù thuộc về con người, là một hệ thống bao hàm tiếng nói, chữ viết, và văn bản mà con người sử dụng để thể hiện bản thân, như thành viên của xã hội loài người. 
Chức năng của ngôn ngữ, lần đầu được Karl R. Popper tổng quát hóa và được chấp nhận rộng rãi, bao gồm:
1. Chức năng thể hiện và đưa ra ký hiệu
2. Chức năng đánh tín hiệu
3. Chức năng mô tả
4. Chức năng biện luận
Sau này Halliday có rút ngắn lại thành ba chức năng, và cá nhân tôi thường dùng mô hình này của Halliday hơn:
1. Chức năng đưa ra khái niệm: ngôn ngữ được sử dụng như một công cụ truyền tải và giải thích sự vật, hiện tượng trong tự nhiên.
2. Chức năng truyền tải: ngôn ngữ được sử dụng để thể hiện thái độ của một người và từ đó ảnh hưởng lên thái độ và hành vi của người tiếp nhận.
3. Chức năng văn bản hóa: ngôn ngữ được sử dụng để xây dựng các loại văn bản, nói hoặc viết.
Nhờ các chức năng trên, ngôn ngữ có khả năng truyền tải thông tin với độ chính xác cao, thông qua nhiều cách thức khác nhau. Trên thực tế, xã hội loài người phát triển và có những bước nhảy vượt bậc là nhờ có một hệ thống ngôn ngữ trợ giúp đắc lực cho việc lưu giữ và truyền tải thông tin. Chính vì có thời gian phát triển gần như xuyên suốt lịch sử loài người, việc nghiên cứu ngôn ngữ là cần thiết nhằm:
- Hiểu được sự phát triển của từng giai đoạn lịch sử của con người
- Hiểu được cách thức giao tiếp, truyền tải thông tin trong các giai đoạn khác nhau
- Lưu giữ và phát triển thêm ngôn ngữ, cả ở mặt tổng quan như một công cụ giao tiếp lẫn mặt cụ thể như một phương thức biểu đặt đặc thù thuộc về một quốc gia, dân tộc, một nhóm người
- Thông qua ngôn ngữ hiểu thêm về cách con người tư duy và nhìn nhận thế giới tự nhiên
Có nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận ngôn ngữ, cả mặt ở sử dụng lẫn mặt nghiên cứu. Tuy nhiên khi nhìn nhận ngôn ngữ như một đối tượng nghiên cứu của khoa học, thì cần phải dùng phương pháp luận của khoa học để đánh giá ngôn ngữ. Như  Stephen Toulmin từng nói: "Nhiệm vụ của khoa học là giải thích những sự kiện có thực, những quá trình hoặc hiện tượng trong tự nhiên, và không có một hệ thống ý niệm lý thuyết, kỹ thuật, hay quy trình toán học nào... được coi là có tính khoa học nếu như chúng không có số liệu thực nghiệm trong một thời điểm nào đó và theo một cách nào đó khiến các hệ thống đó sáng tỏ hơn."
Nhiệm vụ của ngôn ngữ học về mặt tổng quan là giải thích những tính chất của ngôn ngữ loài người, thông qua việc liên tục quan sát, ghi chép về các loại ngôn ngữ như các hệ thống khác nhau, và tìm cách tổng quát hóa để hiểu về sự vận động của con người cũng như sự vận động của ngôn ngữ trong đời sống của con người. Trong ngôn ngữ học thuần túy còn các nhánh khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề nhỏ hơn nữa, bao gồm một vài môn lớn:
Ngữ pháp (Grammar): cấu trúc của ngôn ngữ
- Ngữ nghĩa học (Semantics): hoạt động của từ và các tính chất của từ
- Âm vị học (Phonology): nghiên cứu về việc phát âm, ký âm của một loại ngôn ngữ cụ thể
Ngoài ra, còn các môn khác nghiên cứu hoạt động của ngôn ngữ gắn liền với các hoạt động về mặt tâm lý, tư duy của con người như:
- Ngôn ngữ tâm lý (Psycholinguistics)
- Ngôn ngữ nhận thức (Cognitive Linguistics)
- Ngôn ngữ và hoạt động của não bộ (Neurolinguistics) 
Về các nhánh về ngôn ngữ và tâm lý, cá nhân tôi có theo dõi Steven Pinker, các bài giảng cũng như sách của ông về các vấn đề giao thoa giữa tâm lý học và ngôn ngữ.
Nếu như những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cần phải tỏ tường các khía cạnh trên hoặc một trong các khía cạnh trên, thì ở phía người sử dụng ngôn ngữ, việc có hiểu biết về ngôn ngữ sẽ hỗ trợ nhiều cho việc học ngôn ngữ, không gói gọn ở việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn là học thêm các ngôn ngữ khác. Cụ thể hơn nữa, những người học ngôn ngữ cần phải hiểu về "ngữ dụng" (pragmatics) để tránh những hiểu lầm trong việc giao tiếp. Khi nhìn ngôn ngữ dưới con mắt của ngữ dụng, cần phải hiểu rằng ngôn ngữ là hai chiều:
- Chiều phát đi (Language Producer): người tạo ra ngôn ngữ sẽ thể hiện quan điểm, cảm xúc của mình thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, ở dạng nói hoặc dạng văn bản.
- Chiều tiếp nhận (Language Receiver): người tiếp nhận ngôn ngữ sẽ thông qua hiểu biết của cá nhân về ngôn ngữ (ngữ pháp, ngữ nghĩa, âm vị) để giải thích quan điểm, cảm xúc của người tạo ra ngôn ngữ. 
Geoffrey Leech, một trong những nhà ngôn ngữ học tiên phong trong vấn đề nghiên cứu ngữ dụng học có đề cập đến "ngữ dụng tổng quát" như một tập hợp của ngữ dụng trong ngôn ngữ (pragmalinguistics) và ngữ dụng trong xã hội (socio-pragmatics). Như vậy, nếu nói về ngôn ngữ ở dưới góc độ sử dụng, thì một trong những vấn đề khó nhằn nhất là "ngữ cảnh", ở cả hai chiều, chiều phát đi và chiều tiếp nhận. Ở chiều phát đi, việc tái tạo ngữ cảnh đòi hỏi người sản xuất ngôn ngữ phải vận dụng các quy tắc về ngữ pháp, ngữ nghĩa và âm vị (đối với văn bản nói) đi kèm với các yếu tố ngữ dụng xã hội (bối cảnh văn hóa, vai vế, đặc thù địa vị, xã hội...) để đưa ra thông điệp truyền tải ý tưởng và ở chiều tiếp nhận, người tiếp nhận cũng phải sử dụng tất cả những yếu tố đó để nhằm hiểu được thông điệp truyền tải có bao hàm cả mặt tư tưởng, thái độ. 
Việc nhìn nhận ngôn ngữ dưới cả hai phạm trù học thuật và sử dụng giúp cho người sử dụng có thể thu nạp và  hiểu về nhiều loại "ngữ cảnh" hơn, từ đó cải thiện năng lực ngôn ngữ (sẽ nói thêm ở phần sau). Nếu như lấy ví dụ điển hình nhất từ ngữ pháp, chúng ta có thể hiểu như sau:
Ngôn ngữ học chia ngữ pháp ra thành hai loại, bao gồm:
- Ngữ pháp chuẩn tắc (presrcriptive grammar): là những nguyên tắc quy định việc "nên sử dụng ngôn ngữ như thế nào." Việc quy định một ngôn ngữ nên được sử dụng như thế nào bắt nguồn trực tiếp từ nhu cầu ghi chép và đối chiếu ngôn ngữ, và điều này không phải lúc nào cũng hiện hữu trong lịch sử sử dụng ngôn ngữ của loài người và không phải nền văn hóa nào cũng có. Những nghiên cứu và ghi chép về ngôn ngữ đầu tiên có hệ thống thường được nhắc đến là thời La Mã, và cụ thể là tiếng Latin, với một trong những cuốn từ điển đầu tiên là De Verborum Significatione.
Nếu như ngôn ngữ không được ghi chép và có những chuẩn tắc nhất định, sẽ dẫn đến việc:
1. Ngôn ngữ đấy bị mất (hoàn toàn không thể hiểu được nữa, ví dụ như nổi tiếng nhất có Linear-A)
2. Ngôn ngữ đấy bị chết (không thể sản sinh ra các yếu tố ngôn ngữ mới do không có sự đóng góp về hoạt động ngôn ngữ từ người bản ngữ, hoặc các nguyên tắc đấy hoàn toàn bị biến đổi, ví dụ như từ tiếng Latin - một ngôn ngữ chết sang các trực hệ của tiếng Latin - Pháp, Ý, Tây Ban Nha, v.v.)
Việc đưa ra ngữ pháp chuẩn tắc có ý nghĩa là trong mọi trường hợp, nhờ vào các nguyên tắc ngữ pháp đấy, người sử dụng ngôn ngữ luôn có thể tạo ra được những sản phẩm ngôn ngữ có ý nghĩa (điều quan trọng nhất của ngôn ngữ) hoặc nhờ những quy tắc ngữ pháp mà hiểu được ngôn ngữ trong các bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, ai có trách nhiệm làm việc này và làm việc này như thế nào lại là vấn đề phức tạp. Tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này ở đây mà chỉ để một câu hỏi để gợi mở vấn đề này: Nếu như thủ đô của Việt Nam là ở Thành phố Hồ Chí Minh thì tiếng Việt của chúng ta có khác hay không?
- Ngữ pháp mô tả (descriptive grammar): là những nguyên tắc được người sử dụng ngôn ngữ đồng ý với nhau, tổng quát hóa và "công nhận rằng nguyên tắc đấy đúng". Trường hợp “quen tai thường nghĩa thế này, thì nghĩa là thế này” nằm ở trong phạm trù này. 
Ngữ pháp mô tả phản ảnh phạm trù phát triển tự nhiên của ngôn ngữ, giúp cho ngôn ngữ "sống được" thông qua việc ngôn ngữ được sử dụng và biến đổi phù hợp với ngữ cảnh hàng ngày. Tuy nhiên, do sự phát triển này đôi khi quá tự nhiên mà dẫn đến việc chúng không được ghi chép một cách đầy đủ và có bài bản, kết quả là sự hiểu nhầm (hoặc thất bại trong giao tiếp - communication failure) hoặc khó có thể tra cứu. Tôi có đề cập qua về vấn đề này trong một bài viết cũ: http://themerc.spiderum.com/bai-dang/Tu-nghia-cua-tu-va-tu-dien-bj7
Người sử dụng ngôn ngữ thường bị bó hẹp trong phạm trù ngữ pháp mô tả, nên họ hay gặp vấn đề khi dịch chuyển ngữ cảnh, và điều này gián tiếp ảnh hưởng đến cách họ dùng ngôn ngữ để tư duy (xin chú thích ở đây rằng ngôn ngữ tự nhiên không phải là phương thức tư duy duy nhất của con người), hệ quả là họ thường không có khả năng tái tạo ngữ cảnh nếu như ngữ cảnh đấy không nằm trong phạm vi ngữ pháp mà họ hiểu. 

Đọc thêm:


Năng lực ngôn ngữ, và cải thiện năng lực ngôn ngữ


Có một vấn đề rất lớn trong việc học ngoại ngữ của người Việt, đó là họ học ngoại ngữ nhưng không biết để làm gì. Và một khi đã không biết để làm gì ngoài việc thi thố thì sau đó cũng không biết phải nâng cao trình độ ra sao.
Mục đích chính của việc học ngoại ngữ không phải ở những việc như "thành thạo nghe, nói, đọc, viết." Nghe, nói, đọc, viết chỉ là những kỹ năng trong khi học ngoại ngữ, không phải và cũng không nên là cái đích của việc học ngoại ngữ. Trên thực tế, việc học ngoại ngữ nói riêng và ngôn ngữ nói chung là nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến chức năng của ngôn ngữ, từ đó đảm bảo không xảy ra việc giao tiếp thất bại (communication failure).
Thế nên, khi nhìn ở mặt tổng quát, việc học ngôn ngữ được đánh giá thông qua việc kiến tạo ngôn ngữ cũng như xử lý ngôn ngữ, đối chiếu với các chức năng ngôn ngữ được nhắc đến ở trên.
Như vậy, khi học ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ nói riêng, chúng ta cần phải hiểu rằng chúng ta học là để đảm bảo có thể thực hiện được các chức năng trên với ít hiểu nhầm và sai lệch nhất có thể. Từ đó thì năng lực xử lý ngôn ngữ cũng được thể hiện thông qua việc thực hiện các chức năng của ngôn ngữ dưới bất kể tình huống nào với ít sai lệch nhất có thể, ở cả hai mặt: kiến tạo ngôn ngữ và tiếp nhận ngôn ngữ.
Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ của châu Âu (CEFR) có nhắc đến điều này, nhưng cụ thể hơn chứ không ở mặt tổng quan, với mức cao nhất (C2) là:
1. Có khả năng hiểu một cách dễ dàng những thông tin đọc và nghe được.
2. Tóm tắt thông tin từ các nguồn nói và viết khác nhau, tái cấu trúc các lập luận và miêu tả thành một trình tự gắn kết.
3. Biểu hiện khả năng ngôn ngữ một cách tự nhiên, trôi chảy và chính xác, phân lập các tầng nghĩa khác nhau kể cả trong những tình huống phức tạp.
Khi học ngôn ngữ chúng ta có thể dùng khung tham chiếu này đối với các kỹ năng, nhưng khi sử dụng và phát triển ngôn ngữ, chúng ta nên để ý đến chức năng của ngôn ngữ để cải thiện năng lực ngôn ngữ.
Trong đời sống hàng ngày, năng lực ngôn ngữ có thể được hiểu phần nào thông qua những người mà chúng ta cho rằng họ: viết hay, nói giỏi, nhưng chúng ta không biết cách nào để có thể được như họ. Nếu chúng ta nhìn ngôn ngữ dưới hệ quy chiếu là một hệ thống logic, chúng ta có thể phần nào hiểu được vì sao họ lại viết hay, nói giỏi như vậy:
1. Họ có khả năng tái tạo hoặc kiến tạo bối cảnh rất tốt: việc này được thực hiện qua việc họ có thể truyền đại lại khái niệm cụ thể tốt đi kém với khả năng sử dụng ngữ pháp để truyền đạt với độ chính xác cao.
2. Họ có khả năng kết nối thông tin khiến cho người tiếp thu không chỉ nắm được bối cảnh mà còn nắm được chi tiết cụ thể.
3. Họ có khả năng sử dụng lợi thế của ngôn ngữ họ sử dụng để khiến cho người nghe cảm thấy dễ hiểu, nhất là đối với những người có khả năng sử dụng nhiều ngoại ngữ.
Năng lực xử lý ngôn ngữ dễ bị hiểu nhầm khi các chức năng ngôn ngữ bị khuyết thiếu hoặc vi phạm. Chúng ta hay gặp trường hợp những người ít học chê những giáo sư, tiến sĩ là "đao to búa lớn" và những người có học chê người ít học là "bất học vô thuật" trong khi trong cả hai trường hợp này, vấn đề nằm ở cả phía kiến tạo ngôn ngữ lẫn phía tiếp nhận ngôn ngữ. Lý do nằm ở việc phía kiến tạo ngôn ngữ (người nói) sử dụng các chức năng ngôn ngữ không đúng "tần số" với phía tiếp nhận ngôn ngữ (người nghe) hoặc phía tiếp nhận ngôn ngữ chọn sai phương thức để diễn giải. Việc này thể hiện rõ ràng nhất qua hai yếu tố:
- Bối cảnh sai lệch: bao gồm cả ngữ cảnh ngữ pháp lẫn ngữ cảnh xã hội. Do bị môi trường xung quanh giới hạn, khả năng tiếp nhận bối cảnh của môt giáo sư chắc chắn có độ lệch với khả năng tiếp nhận bối cảnh của một bà hàng tôm.
- Khả năng tái tạo thông qua ngôn ngữ bị sai lệch: bao gồm việc sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt, lý giải, truyền tải…
Thế nên một trong những bước đầu tiên để có thể khiến cho người ta nghe mình là chọn đúng loại ngôn ngữ dành cho đối tượng mình muốn truyền tải thông tin, chứ không phải là chọn sai xong kêu gào không ai hiểu mình. Hành động "Đem đàn mà gảy tai trâu" sai ngay ở cái "Đem đàn", chứ không phải là "tai trâu".

(Phụ) Cải thiện năng lực ngôn ngữ thông qua sáng tác văn học


Lưu ý: Phần này chủ yếu là ghi chép cá nhân dành cho cá nhân tôi, người đọc có từ đấy phản bác hoặc tiếp thu tôi xin không chịu trách nhiệm cũng như không phản bác
Một trong những hoạt động tốt để cải thiện năng lực ngôn ngữ là việc viết, bởi vì việc viết đòi hỏi rèn luyện năng lực tái tạo bối cảnh của ngôn ngữ:
Văn học thuộc về một trong những hình thức sáng tạo nghệ thuật khó nhất, bởi để có thể sáng tạo thông qua ngôn ngữ, ngôn ngữ của người Viết phải đảm bảo đủ cả về chất (khả năng lựa chọn các thành phần phù hợp) lẫn về lượng (vốn ngôn ngữ phong phú) để thực hiện khả năng "tái tạo bối cảnh" với bối cảnh ở đây không phải là bối cảnh ngôn ngữ. Chúng ta nên hiểu rằng ngôn ngữ không phải ngôn ngữ viết mà là một hệ thống tín hiệu được con người tạo ra nhằm mục đích trao đổi. Và do tiếng nói có trước chữ viết, mà văn học lại phụ thuộc hoàn toàn vào chữ viết nên có những vấn đề khó có thể truyền tải được thông qua chữ viết.
Ở đây khi nói đến tái tạo bối cảnh là nói đến khả năng dùng ngôn ngữ viết tái tạo lại những mặt mà ngôn ngữ viết vốn không có. Điển hình nhất chính là: âm thanh và hình ảnh.
- Khả năng đối chiếu với các hình thức nghệ thuật khác:
Khi nói đến âm thanh và hình ảnh, chúng ta cần phải hiểu các hình thức nghệ thuật liên đới, các quy luật của các hình thức nghệ thuật đó nhằm tái tạo lại bằng ngôn ngữ. Đối với âm thanh thì (thường) là âm nhạc và hình ảnh thì (thường) là hội họa. Sáng tác văn chương buộc phải hiểu quy luật của các môn nghệ thuật này, không đến mức phân tích tỏ tường thì cũng phải đến mức quy luật tái tạo (thông qua các câu hỏi vì sao: vì sao âm nhạc lại hay, vì sao tranh vẽ lại đẹp) từ đó hiểu được cơ chế tái tạo bối cảnh của các hình thức nghệ thuật này nhằm đưa lại vào văn chương.
Ví dụ: thể biền ngẫu của văn học Việt Nam cổ có liên quan gì tới ngôn từ và nhịp điệu trong Chầu Văn? Tại sao lại có thể Lục-Bát? Từ láy âm đầu và láy vần dùng trong các trường hợp nào? Diễn tả quy luật xa-gần, to-nhỏ thông qua từ, câu, cú, hình thức đối trong văn học Việt Nam… Mỗi phần này, khi đi sâu đều ra vấn đề.
Khi sáng tác, không được lạm dụng cũng như không được coi thường việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật. Văn học không phải là báo chí, cần có sự mơ hồ nhất định, không phải nhằm để lường gạt, mà nhằm phản ứng sự phức tạp trong nội tại (người viết) khi sáng tác. Nếu quá chính xác sẽ dẫn đến việc người tiếp nhận (người đọc) không chịu suy nghĩ, nếu quá mơ hồ sẽ dẫn đến việc người viết tự mãn khi nghĩ rằng không ai hiểu đươc mới là cao siêu. Văn học, theo tôi, nên gắn liền với thực tại, phản ảnh một phần hoặc toàn bộ thực tại, khi đi quá xa thực tại, nhất thiết chỉ là viết cho mình. Cần phải sáng tạo trong một hệ thống khuôn mẫu nhất định. Cần phải phân định rõ ràng: viết cho mình hay viết cho người hay viết cho cả mình lẫn người. Với mỗi một thể loại cần trau dồi để luôn có thể đối chiếu giữa các hình thức sáng tạo khác nhau của cá nhân.
- Khi đối chiếu với tiếng Việt:
Tiếng Việt có lợi thế là tiếng âm vị, đọc thế nào ghi thế đấy, nên thế mạnh của tiếng Việt là khó gây hiểu nhầm về mặt hình thức, tức là việc tái tạo ngôn ngữ rất nhanh. Tuy nhiên điểm yếu lại là vì nhanh nên đôi khi không chính xác, dẫn đến việc dễ lạm dụng hàm ngôn. Điều này tốt (một phần) cho văn chương bởi văn chương cần phải có mức độ hàm ngôn nhất định. Phơi ruột bày gan không phải là văn chương. Có thể sử dụng như một hình thức tái tạo, chứ tuyệt đối không được lạm dụng. Tản văn tiếng Việt hiện đại bị rơi vào phơi ruột bày gan, tức là chỉ (mang đến) cảm giác gần gũi chứ về mặt thủ pháp nghệ thuật khuyết thiếu trầm trọng. Nếu có thủ pháp đi chăng nữa thì cũng đa phần là do người viết vô tình thâu nạp và sử dụng, chứ không phải nhờ hiểu rõ ngọn ngành căn nguyên. Thế nên cần phải nhắc nhở bản thân chịu khó tìm hiểu những hình thức biểu đạt đặc trưng của tiếng Việt để sáng tác bằng tiếng Việt thông qua những thủ pháp nghệ thuật của tiếng Việt chứ không cần (không phải trong mọi trường hợp) phải mượn thêm các thủ pháp nghệ thuật của tiếng nước khác. Ví dụ, cần phải thường xuyên sử dụng:
-Thành ngữ, tục ngữ
- Từ láy
- Đối: đối thanh, đối nghĩa, đối tứ, đối câu, đối đoạn, đối vần
- Biền ngẫu
để tái tạo bối cảnh thông qua tiếng Việt. Quá trình (tôi) sử dụng tiếng Việt để sáng tác cho thấy tiếng Việt rất tốt ở khía cạnh thanh điệu, nhưng lại hạn chế ở khía cạnh cấu trúc. Điều này được phản ánh trong lịch sử văn học tiếng Việt, khi thấy tiểu thuyết chỉ phổ biến ở văn học hiện đại, không phổ biến ở thời phong kiến hoặc hậu phong kiến. Đối chiếu với văn học Trung Quốc cho thấy, chúng ta không có “kỳ thư” ở mảng tiểu thuyết. Miễn cưỡng chỉ thấy “Hoàng Lê Nhất Thống Chí.” mặc dù cũng có những tiểu thuyết chương hồi khác như Hoan Châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Đào hoa mộng ký, Việt Lam xuân thu, Hoàng Việt long hưng chí và Trùng Quang tâm sử (tạp chí Hán Nôm 1994). Như vậy cần phải thâu nạp thêm các cấu trúc văn chương của ngoại văn ở thể loại lớn, nhưng cũng trong quá trình sáng tác, gặp một số vướng mắc sau:
- Nếu như quá cụ thể về mặt thủ pháp, thì không đảm bảo được cấu trúc
- Nếu như chú trọng về mặt cấu trúc, thì đôi khi khó có thể sử dụng thủ pháp một cách linh hoạt
Khi thử sáng tác tiểu thuyết bằng phương thức chương hồi đặc trưng của Trung Quốc, thấy tương đối dễ dàng, nhưng do đặc trưng của chương hồi, truyền tải ý tưởng xuyên suốt và vẽ nên bức tranh tổng quan (cảm thấy) khó khăn hơn.