Nếu để mình nói cho người mới học ngoại ngữ…
Nhân một ngày café làm mình thức muộn quá nên mình đột nhiên nảy ra ý tưởng là viết ra những thứ mà mình vẫn ước là các bạn mới học...
Nhân một ngày café làm mình thức muộn quá nên mình đột nhiên nảy ra ý tưởng là viết ra những thứ mà mình vẫn ước là các bạn mới học ngoại ngữ đều hiểu. Chúng nó không phải sai lầm gì to tát quá đâu, chỉ là nếu các bạn biết điều ấy thì mình nghĩ bạn sẽ không phải nhìn đông ngó tây, thêm tự tin trên con đường học ngoại ngữ của mình hơn rất nhiều.
1.Bạn có cần giáo viên bản địa đến thế?
Ngày nay các trung tâm luôn tô đỏ chói dòng chữ “100% giáo viên bản địa” trên các tin quảng cáo khóa học ngoại ngữ. Mọi người đổ xô vào các lớp học dù chưa biết chữ cái nào nhưng vẫn mang niềm tin to lớn là học giáo viên bản địa là chuẩn 100% rồi, dù chuẩn 99% thì cũng chuẩn hơn giáo viên Việt Nam chứ. Nhưng thực tế thì có lẽ không hoàn toàn đúng. Mình không hề phủ định lợi ích của việc học cùng giáo viên bản địa như là học phát âm chuẩn, được nghe âm chuẩn, được tương tác với người nước ngoài bằng xương bằng thịt,... Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ hơn thì việc học giáo viên bản địa có nhiều thứ để cân nhắc hơn thế.
Việc bạn tiếp xúc với người bản địa khi học ngoại ngữ rất tốt, nhưng đó là khi bạn có cơ hội được nói chuyện với người ta, được người ta lắng nghe và phản hồi lại, cuộc hội thoại diễn ra đủ lâu và nếu đều đặn thì RẤT TỐT. Chỉ là vấn đề là chúng ta đều biết mà, thường sẽ là bạn đến trung tâm ngoại ngữ với lớp học nhét khoảng chục người, 3-4 buổi một tuần (là nhiều), bạn có thể có bao nhiêu cơ hội thật sự để “giao tiếp” theo một cách đúng nghĩa với người bản xứ? Giao tiếp ở đây nghĩa là bạn nói và người ta phản hồi lại, vì chỉ có khi được giao tiếp đích thực như vậy bạn mới có thể biết được là hóa ra khi gặp bạn người Trung Quốc tự nhiên xổ ra “mày ăn cơm chưa” “mày đi đâu đấy” chứ không phải là “nihao- xin chào”, tức là bạn sẽ hiểu ra tư duy của người nói ngôn ngữ đó, hiểu được trong hoàn cảnh này mình sẽ nói thế nào, hoàn cảnh kia mình nói thế nào.
Ví dụ hồi mới học tiếng Hàn, mình thích dùng từ 맜있다 ngon cho đồ ăn/예쁜다 đẹp cho thứ gì thấy đẹp. Nhưng khi tiếp xúc nhiều mình lại thấy người Hàn lại hay dùng từ “괜찮다- không sao” với mọi thứ, nếu dịch hẳn ra Tiếng Việt một cách word by word thì nó là “Ồ cái này cũng không sao nhỉ” nhưng tư duy của người Hàn thì câu đó là “Cái này tốt đó/ngon đó/đẹp đó”. Hay như từ “不错 –không tồi” trong tiếng Trung. Nhưng thực chất khi được khen là “不错 –không tồi”, bạn không chỉ không tồi, người ta còn cho là bạn khá tốt, xuất sắc đó.
Bên cạnh đó, khi bạn mới học ngoại ngữ, mình lại cho rằng việc nghe lúc đầu của bạn cần một người phân tích cho bạn những điểm mà có thể là người bản địa sẽ không bao giờ hiểu được là tại sao bạn lại không nghe ra được chỗ đó. Nhưng giáo viên Việt lại có thể sẽ giải thích hay chú thích lưu ý cho bạn vì họ cũng đã trải qua quá trình học ngoại ngữ với nền tảng từ ngôn ngữ giống như bạn. Điều quan trọng khi bạn bắt đầu học ngoại ngữ là một người giúp bạn chỉ ra “tại sao lại như vậy”. Người bản ngữ dùng ngôn ngữ theo bản năng, đôi khi chính họ cũng không thể giải thích được tại sao lại dùng như vậy. Để bạn dễ hình dung thì hãy lấy ví dụ là bạn đang dạy người nước ngoài tiếng Việt đi, bạn giải thích sao khi người đó hỏi bạn là từ nhầm và sai có giống nhau không? Nếu đồng nghĩa thì sao lại dùng “mua nhầm hàng giả” mà không dùng “mua sai hàng giả” cùng vô vàn câu hỏi khác kiểu vậy. (Những câu thế này bạn có thể phân biệt giúp bằng cách đặt các ví dụ, liệt kê tình huống sử dụng ra). Và nếu bạn không biết, nhiệm vụ gỡ rối này thuộc về các nhà ngôn ngữ học. Những người dành rất nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu sâu, thống kê, phân loại ra, và để đưa ra kết luận có dạng công thức giúp người học ngôn ngữ biết khi nào dùng cái nào, từ nào.
Đọc thêm:
Có lẽ nhân tố giáo viên bản địa là yếu tố thu hút nên việc mấy bác Tây balo được mời vào dạy trung tâm vài ba tháng rồi đi phượt khắp VN chắc chắn là chuyện thường ở trung tâm tiếng Anh. Nhưng vì không tìm hiểu kỹ mà có thể bạn chính là nạn nhân của nền giáo dục hời hợt, khi chính những người đứng trên giảng cho bạn không hề có kỹ năng sư phạm hay tư duy để dạy học, bạn được lặp lại một vài câu rồi hân hoan kết thúc buổi học, lòng vui sướng vì nói chuyện được với Tây; trong khi đó có rất nhiều giáo viên với tấm bằng sư phạm chính quy, với những công trình nghiên cứu hay kinh nghiệm có thể giúp ích cho bạn trong quá trình học, lại nhận mức lương thấp hơn so với công sức họ bỏ ra với giáo trình bài bản -rất- nhiều.
Với những lợi ích to lớn mà bạn “có thể nhận được” khi học giáo viên bản địa, các trung tâm có gv bản địa hay các lớp học có thêm gv bản địa dĩ nhiên được phép nâng giá cho “tương xứng với chất lượng”. Vì vậy, thay vì chạy theo những lợi ích được quảng cáo thì mình cho rằng điều quan trọng bạn cần làm là ngồi lại và phân tích kỹ xem, bạn đang ở đâu trên hành trình học ngoại ngữ, giáo viên bản địa có vai trò cần thiết với bạn không? Hay thực tế là bạn có muôn vàn cách khác để có thể nói chuyện với người ngoại quốc như sử dụng các ứng dụng Hello chats, Duolingo, Hinative hay là.. Tinder?
2. Học khoảng xx năm xx tháng là sẽ giỏi?
Quan điểm phổ biến của các bạn khi học ngoại ngữ là việc mong đợi sau xx thời gian, bạn sẽ đạt được trình độ A trình độ B dựa trên… kinh nghiệm của người khác. Điều này không hẳn sai nhưng thay vào việc tính năm tháng, mình nghĩ đo bằng đơn vị “giờ” sẽ đúng hơn. Vì bạn không giỏi ngoại ngữ sau 1 năm hay 2 năm, bạn giỏi ngoại ngữ sau 1 năm vì mỗi ngày bạn dành 1-2 tiếng cho nó, tức là việc học ngoại ngữ đến trình độ nào, thành thạo đến đâu tùy thuộc vào thời gian bạn thật sự đầu tư vào nó. Và người duy nhất nói cho bạn kết quả chính xác nhất sẽ chính là bạn cùng sự nỗ lực và kiên trì của bạn. Nhưng đừng lo vội nhen mấy bạn vì việc học ở đây cũng sẽ không cứng nhắc là thời gian bạn mở sách ra, gập sách vào đâu. Mình thấy việc học ngoại ngữ nó thú ở chỗ, bạn có thể xem phim, nghe nhạc hoặc mở show, ngắm gái xinh nói tiếng Trung, ngắm trai đẹp nói tiếng Hàn nhưng vẫn có thể đường đường chính chính xưng danh mình đang luyện nghe, luyện nói :D Đừng áp lực, thuận theo tự nhiên và cứ từ từ bước, học ngoại ngữ không phải cuộc chiến.
Đọc thêm:
3. Học phiên âm ngoại ngữ bằng chữ cái tương đương trong tiếng Việt.
Các ngôn ngữ luôn có những âm nghe “giống giống nhau” , bạn mặc định luôn âm này tương đương với âm này trong tiếng mẹ đẻ cho đến khi bạn phát âm xảy ra hiện tượng “quê quê” hoặc thậm chí người nước ngoài nghe không hiểu. Đó không phải tại bạn không có khả năng ngôn ngữ như người khác đâu, tất cả chúng ta đều như vậy. Thính giác của ta đã nghe những âm tiếng mẹ đẻ trong suốt mấy chục năm cuộc đời và chỉ quen với những âm như vậy, nên khi bạn nghe một âm mới trong ngoại ngữ nhưng không có trong tiếng mẹ đẻ, bạn sẽ khó có thể phân biệt được. Và để giúp bạn phân biệt được những âm khác nhau đó, thế giới đã tạo ra thứ gọi là Bảng ký hiệu phiên âm quốc tế IPA, giúp bạn phân biệt các âm khác nhau ở tất cả ngôn ngữ và có cả vị trí phát âm, cách tạo ra âm đó để bạn học theo. Thế nên nếu không có điều kiện học với giáo viên chuẩn, bạn có thể tự học với gương để điều chỉnh vị trí lưỡi miệng khi phát âm theo các âm có trong bảng IPA ngôn ngữ bạn đang học. Mình khuyên bạn việc đầu tiên khi bắt đầu bước vào học một ngôn ngữ là cách phát âm chuẩn các âm tiết đó, rồi sau đó việc nghe và học từ vựng của bạn cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều vì bạn sẽ tiết kiệm được cả đống thời gian mơ hồ kiểu như không nghe ra tại sao sheet, shit khác nhau…
4. Dịch câu này sang tiếng đó là thế nào?
Cuối cùng thì ngôn ngữ không phải toán học đâu mấy bạn, ngôn ngữ còn mang trong mình văn hóa của quốc gia, phong tục tập quán của người dân đó, nên không phải bạn học từ xong rồi ghép tất cả các từ thành là đúng. Mỗi quốc gia đều có cách tư duy ngôn ngữ riêng, ở trong môi trường ngôn ngữ, thêm chút hiểu hiểu về văn hóa thì bạn sẽ hình thành cái gọi là tư duy ngôn ngữ đó và biết rằng nó dùng thế nào. Vì đó không phải công thức ngữ pháp chung có trong sách vở, đó là do cách tư duy người bản địa nên cách để bạn biết khi nào dùng thế nào chính là “cứ học đi sẽ quen”, hoặc đơn giản hơn là học nó trong ngữ cảnh cụ thể để hiểu khi nào dùng nó. Học ngoại ngữ cũng chính là bắt chước.
Bài viết của mình là một số điều mà mình rất muốn nói với tất cả những bạn mới học ngoại ngữ. Cách bạn học đang không sai, chỉ là hãy thả lỏng và bắt chước, rồi mọi thứ rồi sẽ đâu và đó thôi. Chúc các bạn có hành trình học ngoại ngữ không nước mắt. Nếu có lỗi sai nào mà bạn nhận ra khi mới học ngoại ngữ thì hãy bổ sung thêm cho mình nhé. Cảm ơn bạn.
Đọc thêm:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất