AI - Trí tuệ nhân tạo là gì? (Ngôn ngữ bình dân)
Photo by NeONBRAND Dạo này nghe thời sự, hay đọc báo đồ thấy cái gì cũng "ứng dụng trí tuệ nhân tạo". Khám chữa bệnh ứng dụng trí...
Dạo này nghe thời sự, hay đọc báo đồ thấy cái gì cũng "ứng dụng trí tuệ nhân tạo". Khám chữa bệnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán. Thủ tục cấp giấy phép lái xe ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tăng tính chính xác. Hệ thống quản lý lương chồng ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các bà vợ bận rộn.
Đọc thêm:
Chúng ta hiểu loáng thoáng rằng Trí tuệ Nhân tạo là một kiểu phần mềm chạy trên máy tính, nhưng mà nó xịn hơn ngày xưa rất nhiều và có khả năng làm những việc mà trước giờ tưởng chỉ con người mới có thể làm được. Cụ thể hơn như thế nào, chúng ta hãy cùng đào bới trong bài viết này nhé.
Để hiểu đặc điểm của Trí tuệ nhận tạo, chúng ta sẽ phải hiểu một số ý đặc điểm căn bản của máy tính, và đặc điểm của não bộ con người, chúng khác nhau ra sao.
Máy tính truyền thống (ý là chưa có trí tuệ nhân tạo) thì công việc của chúng khá dễ hiểu và đơn điệu. Giống như chiếc máy tính bỏ túi của bạn dùng hồi ôn thi đại học vậy, nó giúp con người làm các phép tính, hay tổng hợp dữ liệu, một cách cực kỳ nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Nhưng nó không thể làm nhiều hơn chức năng được thiết kế ban đầu cho nó. Bạn không thể bảo chiếc máy tính của bạn sáng tác một bản nhạc mới cho bạn nghe giải sầu được.
Phần mềm chạy trong máy tính, dựa hoàn toàn vào các câu lệnh "nếu... thì..." và các vòng lặp. Lập trình viên, là người viết ra các phần mềm máy tính đó, sẽ phải lường trước các trường hợp "nếu... thì..." này và đặt ra các việc làm cần thiết để máy tính làm. Ví dụ nếu người dùng bấm nút này thì sẽ chạy a b c, nếu người dùng nhập đấu + thì hãy làm phép cộng, nếu người dùng tức giận đứng lên thì... không làm gì cả, vì lập trình viên làm sao biết được trường hợp đó.
Điều này sẽ đạt đến một giới hạn của máy tính, khi các bài toán trong cuộc sống cần giải quyết ngày càng phức tạp hơn. Chúng ta có thể "nếu... thì..." vài chục lần trong trường hợp người dùng gõ bàn phím để ra lệnh cho phần mềm. Nhưng cuộc sống đâu đơn giản như vậy. Ví dụ như việc nhận diện chữ viết tay chẳng hạn. Cá nhân mình là người có tay run, nên viết chữ thường hay xiên xẹo và méo mó một chút, mình viết 100 số 0 thì đảm bảo sẽ là 100 hình dạng khác nhau. Một đồng nghiệp lập trình viên nào đó muốn viết phầm mềm nhận diện chữ viết tay của mình, theo cách truyền thống, thì sẽ phải "nếu... thì..." hàng chục nghìn lần luôn may ra mới chạy hòm hòm. Nhưng vẫn chưa ăn nhằm gì, chỉ cần đưa cho đứa cháu mình viết, thì khuôn chữ lại khác đi liền, và phần mềm này chạy sai đứ đừ.
Đọc thêm:
Máy tính xử lý những dữ liệu chính xác kiểu 5+5=10 giỏi vô cùng. Nhưng (đã) hoàn toàn bó tay trước những vấn đề như nhận diện số 0 do mình viết tay. Các số 0 viết tay không giống nhau hoàn toàn, mà chỉ hao hao nhau theo một mô hình nào đó. Ngược lại với máy tính, con người lại rất giỏi xử lý những thứ "chỉ hao hao" thôi này, rất nhạy tìm các mô hình, dù rất hay nhầm lẫn khi xử lý các dữ liệu chính xác. Bạn sẽ rất dễ hiểu điều này nếu bạn có một đứa cháu hoặc đứa con nào đó đang học mặt chữ. Cái ngày mà nó học được số 0 thì đi đâu nó cũng chỉ trỏ "số 0 này". Thấy cái bánh xe, "số 0 này". Thấy quả bóng, "số 0 này". Một lần vô tình nó thấy mẹ nó thay đồ, "con thấy 2 số 0 luôn". Một bài toán nhận diện mặt chữ từng làm khó cả những siêu máy tính tốn điện như một cái nhà máy, lại dễ vô cùng đối với đứa nhỏ 4 tuổi ăn có nửa chén cơm.
Máy tính giỏi chính xác, con người giỏi nhận diện mô hình. Và người ta đã tự hào và tự tin vào điều này nhiều chục năm liền và nói rằng "máy tính sẽ không bao giờ thông minh được như con người".
Cho đến khi.
Vâng, bạn đúng rồi đó, giống như kịch bản một bộ phim kinh dị, khi mà các nhân vật tự tin nhất thì là lúc ác nhân chính xuất hiện. Trí tuệ nhân tạo trỗi dậy.
Tôi nói "trỗi dậy" mà không phải là xuất hiện vì thật ra Trí tuệ nhân tạo đã được nói đến và nghiên cứu từ những năm 1950s. Nhưng các giới hạn về sức mạnh phần cứng, phần mềm và chi phí đã ngăn cản khiến trí tuệ nhân tạo chỉ là một bộ môn nhỏ được nghiên cứu trong trường đại học thôi. Phải đến đầu những năm 2000, với sự phát triển của mạng máy tính, dữ liệu lớn và các thuật toán, nó mới dần phát triển mạnh mẽ và rồi trở thành một từ khóa công nghệ hót hòn họt như hiện nay.
Vậy Trí tuệ nhân tạo khác với phần mềm truyền thống như thế nào?
Khác ở chỗ nó không được lập trình "nếu... thì..." như phần mềm bình thường. Mà nó học theo cách của con người, tức là tìm ra các "mô hình". Có 2 bước của quá trình, bước 1 là đào tạo mô hình (training model), và bước 2 là chạy mô hình đó.
Ví dụ như để nhận diện chữ viết tay, cụ thể là số 0 của mình viết. Ở bước đào tạo, thì người ta sẽ đưa cho máy tính 100, 1000, hay thậm chí nhiều hơn, hình của các số 0 mình đã viết tay, và nói với nó rằng "đó là số 0 đó, học đi". Người kỹ sư trí tuệ nhân tạo sẽ phải làm nhiều việc liên quan đến kỹ thuật như xử lý hình ảnh đầu vào, chọn lựa thuật toán, chạy và kiểm thử, để giúp máy tính tìm ra được "mô hình" nhận diện.
Mô hình này là những công thức, giá trị, tham số, trọng số, nói chung là toàn là số và số, chỉ máy tính hiểu thôi, chúng ta không cần hiểu các con số này, chỉ cần hiểu rằng mô hình này cũng hơi bị giống cái mô hình trong đầu chúng ta khi nhận diện một chữ số 0 nào đó. Ví dụ bạn nhận diện số 0 bằng mô hình "viết bằng 1 nét, tròn tròn, có thể hở một chút nhưng không được hở nhiều, có khoảng trống ở giữa, không có râu ria gì", thì mô hình của máy tính học được sẽ kiểu là (0.19287367848937, 0.002937458947, 0.9826354858937, 0.272562839373894). Kết quả của mô hình sẽ ra kiểu như là "99% là số 0", "68% là số 0", "0.1% là số 0". Chúng ta dùng mô hình của mình để nhận diện số 0 ở bất cứ đâu viết bởi bất cứ ai. Thì máy tính cũng có thể làm điều tương tự khi áp dụng mô hình này để nhận diện. Điều hay là kỹ sư không cần lập trình trước những số 0 mà mô hình sẽ gặp phải, nó có thể chạy với bất kỳ đầu vào nào, đều có thể cho ra một kết quả.
Đây là ví dụ về số 0. Người ta sẽ làm tương tự với tất cả số và chữ latin khác. Rồi áp dụng cho các ngôn ngữ khác tiếng Anh như tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Ả Rập,... Rồi áp dụng tiếp cho tiếng sao Hỏa, sao Mộc, sao Diêm Vương,... Tất cả những gì cần làm là chuẩn bị dữ liệu ban đầu để đào tạo mô hình.
Và sau khi nhận diện được hết tất cả loại chữ rồi, người ta thấy rảnh quá, thế là lại tiếp tục phát triển mô hinh thêm nữa, để cho máy tính tự viết. Người ta đào tạo cho nó hiểu về ngữ pháp, từ vựng, câu từ, cho nó học từ hàng ngàn bài viết có sẵn, bảo nó "đây là những câu văn, học viết câu tương tự thế đi". Thế là trí tuệ nhân tạo có thể tiến lên một bậc nữa, lúc trước là đọc, giờ có thể viết, có thể sáng tác được.
Đọc thêm:
Ở thời điểm hiện tại, trí tuệ nhân tạo vẫn còn nhiều việc phải làm. Dù tin tức vẫn đăng rằng nó đã có thể vẽ tranh, viết nhạc, nói đùa, nhưng kết quả của chúng vẫn còn khá "ngây ngô" khi so với trình độ của loài người. Nhưng hãy nhớ, con người đã mất hàng triệu năm để tiến hóa đến như ngày hôm nay, nhưng mới 70 năm mà trí tuệ nhân tạo đã có thể đạt được những thứ kể trên. Chẳng ai dám chắc 20 năm nữa nó có thể làm được những gì. Giống như hồi 3 tuổi bạn chẳng thể nào biết được đứa bạn cứ bám theo bạn xin mút kẹo chung, 20 năm sau đã là giám đốc công ty của cả ngàn người.
Nên việc tốt nhất chúng ta nên làm trong thời đại này là gì? Nếu bạn 3 tuổi, chắc chắn không nên là cấm không cho đưa bạn mút kẹo chung, mà thay vào đó, hãy làm thân với nó. Thì tương tự vậy, chúng ta hãy cùng làm thân với Trí tuệ nhân tạo, hiểu nó, và cùng nó bước vào tương lại.
Thân,
Tham khảo:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất