Với 82 likes và 21 comments cho bài viết đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục ngồi chắp bút cho loạt bài về lập Bảng Báo Cáo Tài Chính Cá Nhân (BCTCCN).

Các bạn có thể tham khảo bài viết trước tại : Bài 1 : BẠN PHẢI LẬP BẢNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH CÁ NHÂN!
Bài viết này đáng lẽ ra phải được up lên 2 tuần trước, nhưng mẹ tôi bất ngờ cần phải phẫu thuật trên Sài Gòn. Và một điều tôi nhận ra, những người nào nói rằng Tiền Bạc không quan trọng, là những người chưa bao giờ đi vào bệnh viện.

PHẦN 1 : Nền móng

Nền móng là toàn bộ quy tắc/ kim chỉ nam/ phương pháp để tạo ra được Bảng Tài Chính này. Có rất nhiều cách quản lý tài chính mà bạn có thể chọn như Quy tắc 50/30/20, Quy tắc 6 Chiếc Hũ, Quy tắc KAKEIBO...

Bạn có thể chọn và tìm hiểu các quy tắc ở trên, tôi đã thử qua và kết hợp các phương pháp trên với nhau và ra một cách quản lý tài chính vừa đơn giản, hiệu quả nhưng phải đầy đủ và có thể thêm những mục khi cần thiết.
Và còn phù hợp với người Việt Nam nữa, đó là điểm đặc biệt của phương pháp này!

Đọc thêm:

PHƯƠNG PHÁP 3 HŨ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN

Phương pháp này đã giúp tôi:
- Ghi chú được thu nhập, chi tiêu cá nhân và chúng đến từ đâu.
- Nắm được chi tiết từng đồng tiền của tôi đã, đang sẽ đi đâu và khi nào quay về.
- Lên kế hoạch, theo dõi các mục tiêu đầu tư, tiết kiệm và mua sắm dài hạn (đầu tư chứng khoán, tiết kiệm/ trả nợ ngân hàng, mua đồ công nghệ, du lịch...)
- So sánh với các kỳ trước (tháng/ năm) để rút kinh nghiệm, đưa ra các quyết định tài chính.
- Không áp lực về việc thu chi rắc rối vì phương thức hoạt động của nó.
Hũ này hoạt động không phải bằng cách bạn lấy thu nhập rồi chia vào từng hũ theo 1 tỷ lệ cụ thể, mà là bạn sẽ dùng phương pháp này để theo dõi tiền của mình đi đâu, đánh giá xem có hợp lý hay không và sửa chữa, sau đó lại theo dõi, đánh giá và sửa chữa.
Đó chính là mô hình 
PLAN (Lập kế hoạch ) - DO (Theo dõi)  - CHECK (Đánh giá) - ACT (Sửa chữa)

Và 3 hũ thần kỳ đó là : 
Tôi làm Mindmap cũng ổn áp chứ nhỉ ?
Tôi sẽ nói cụ thể về từng chiếc hũ, nghe xong là bạn đã có thể bắt tay vào làm được ngay 1 file excel cho riêng mình rồi đấy:

Hũ 1 : THU NHẬP

Đây là hũ bạn liệt kê tất cả nguồn tiền đi vào túi của bạn. Nếu bạn còn là sinh viên thì đó có thể là từ gia đình gửi lên, đi làm thêm. Nếu bạn đã đi làm thì có thể là từ Lương. Còn nếu đã đi làm lâu năm và đã có tích lũy gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán như tôi thì sẽ có thêm các mục Lãi suất ngân hàng, Lợi nhuận đầu tư...

Hũ 2 : CHI TIÊU

Là cái hũ quan trọng nhất, vì nó sẽ quyết định tất cả dù bạn có thu nhập nhiều bao nhiêu nữa, nhưng nếu lơ là thì bạn sẽ cả đời phải chạy theo đồng tiền.
Tôi chia hũ này làm 3 hũ nhỏ hơn
2.1 Chi tiêu thiết yếu : Là những khoản trả hàng tháng mà nếu bạn không chi trả, bạn không thể tồn tại, sống bình thường được như tiền thuê nhà, xăng, chi phí xe bus, ăn uống 3 bữa, thuê bao điện thoại, internet...
2.2 Chi tiêu không thiết yếu : Hàng tháng bạn phải trả những chi phí mà không cần thiết, có cũng được, mà không có thì cũng không chết ngay như ăn uống với bạn bè, đi xem phim, học một thứ gì đó trả hàng tháng... thì bạn ghi chú vào hũ này
2.3 Chi tiêu dài hạn : Có những khoản tiền bạn sẽ phải để dành trong một khoảng thời gian khá lâu như điện thoại, laptop, xe cộ, chi phí đám cưới... Bạn sẽ cần tính toán tổng chi phí và ra chia từng tháng sẽ phải để dành bao nhiêu. Từng món mỗi tháng chỉ cần vài trăm để dành, nhưng nhiều món thì sẽ là số tiền khá lớn. 
Hũ này cũng bao gồm cả những chi phí không thường xuyên như quần áo, du lịch, bảo trì xe cộ, giày thể thao... (vì không phải tháng nào bạn cũng mua chúng), hãy xem những thứ đó có giá bao nhiêu rồi chia cho số tháng sử dụng sẽ ra số tiền bạn cần chúng cho từng tháng.
2.3 Chi tiêu đột xuất : Những khoản tiền như tai nạn, sửa chữa, ma chay cưới hỏi không thể lên kế hoạch bạn hãy ghi vào đây. Và nhớ là trả cả những khoản nợ trong quá khứ nữa.

Đọc thêm:

Hũ 3 : PHÂN BỔ LỢI NHUẬN

Lợi nhuận là phần bạn lấy Tổng Thu Nhập (Hũ 1) trừ Tổng Chi Tiêu (Hũ 2).
Nếu Hũ 1 và Hũ 2 là về việc ghi chú trong Quá Khứ, Hũ 3 này sẽ quyết định tương lai của bạn.
Nếu Hũ 3 này là con số 0 tròn trĩnh hoặc thậm chí là Âm, bạn nên quay về xem Điểm Bất Hợp Lý  này ở đâu và sửa chữa nó. Mục đích cuối cùng của việc lập Bảng Báo Cáo chính là theo dõi dòng tiền, tìm điểm bất hợp lý trong chi tiêu và sửa chữa để bạn có thể quản lý tiền của mình tốt hơn.
Giá thuê cao thì chuyển nơi rẻ hơn, ăn uống ngoài nhiều thì hạn chế lại, mua sắm quần áo nhiều thì cân nhắc mua những thứ cần thiết, iphone 12 pro mắc thôi xuống iphone 12 thường cũng được, iphone 12 thường nếu vẫn mắc thì ta tìm hàng cũ...
Khi đã có lợi nhuận, dù ít hay nhiều, tôi chia vào 3 khoản mục nhỏ hơn bao gồm:
3.1 Tiết kiệm ngân hàng : Mỗi tháng tôi đều dành 60% lợi nhuận gửi vào tài khoản ngân hàng để dành cho những lúc ốm đau, thất nghiệp. Tôi đặt Target từng năm cho hũ này và chia cho từng tháng để biết mình cần tiết kiệm bao nhiêu, tạo kỷ luật cho chính mình. Vừa đầu tư sinh lời vừa phòng cho tương lai.
3.2 Gửi bố mẹ : Số tiền này bạn có thể dành ra gửi cho gia đình vào cuối mỗi tháng  hoặc dồn vào gửi vào cuối năm, hãy chăm sóc bố mẹ của mình khi họ còn khỏe mạnh. Tùy vào từng gia đình mà bạn để nhiều hay ít, nhưng hãy duy trì tài khoản này nhé, bạn có thể gửi tiền hoặc bằng cách mua những món quà, bố mẹ bạn sẽ rất vui đấy. Tôi dành 10% cho mục này.
3.1 Đầu tư : Một tin không vui đó là bạn không thể giàu bằng cách tiết kiệm như thời bố mẹ ta được nữa, lý do mình đã viết trong bài trước. Vậy bạn cần đầu tư sinh lời thì mới có cuộc sống thoải mái được.
Tôi dành 30% còn lại để vào mục này. Hãy nhớ đây là tiền vốn để kinh doanh, đầu tư vào Chứng Khoán, Nhà Đất, mở cửa hàng/ shop của bạn... Hãy nâng cao bản thân mình qua việc tiếp thu kiến thức, tham gia các lớp học để có những quyết định đầu tư khôn ngoan.

Vậy là tôi đã hướng dẫn cho bạn về cách quản lý tài chính của mình, những bài tiếp theo sẽ còn cụ thể hơn nhiều về cách tạo file Excel đó để bạn thực hành.
Tôi sẽ chia thành nhiều bài nhỏ để bạn có thể tiện theo dõi, vì nếu dồn tất cả kiến thức và kinh nghiệm trong nhiều năm của tôi trong 1 bài viết. Có lẽ sẽ rất khó để bạn có thể tiếp nhậnvì quá nhiều.
Và nếu bạn thực sự quan tâm đến loạt bài này, hãy upvotes và gửi những bình luận nhé. Luôn chào đón những đóng góp, kinh nghiệm cá nhân của các bạn trong lĩnh vực này.
Đọc thêm:

19/01/2021
by GROUND COFFEE

P/S : Dành cho một số bạn hỏi mình có kiến thức về tài chính ở đâu, mình xin liệt kê một số đầu sách mình đã tham khảo nhé:
Thịnh vượng tài chính tuổi 30 -  Go Deuk Seong
Cha Giàu Cha Nghèo - Robert Kiyosaki, Sharon L. Lechter
Lối sống tối giản của người Nhật - Sasaki Fumio
Mình tham khảo các báo như Kinh Tế Sài Gòn, Bản Tin Tài Chính Kinh Doanh trên VTV, các clip giải thích về cách nền kinh tế vận hành, các cuốn sách nói về Tâm Lý để điều chỉnh hành vi của mình.
Và nếu có thể, hãy học về Đầu Tư Chứng Khoán theo trường phái Phân tích Cơ Bản, nghĩa là tìm đọc về các Báo Cáo Tài Chính của Doanh nghiệp, về ngành nghề mà Doanh nghiệp đang hoạt động. Sẽ giúp bạn mở rộng kiến thức tài chính và kiến thức kinh doanh lên rất rất nhiều đấy. Đừng "Chơi" Chứng Khoán nhé.
Đọc thêm: