Lời mở đầu
Khi bắt đầu viết series này, mình nhận ra một điều là: mình chỉ có thể đưa ra một góc nhìn rất nhỏ về một nghề. Bởi mỗi người sẽ có một thái độ, một tâm thế làm việc khác nhau. Người yêu nghề làm việc rất khác với người đang chán, hay người có kinh nghiệm làm việc khác với người mới ra trường. Rồi vẫn con người đó, công việc đó mà chuyển sang môi trường khác thì cũng đã khác đi nhiều rồi. Mình cũng muốn nói lên cả những ưu điểm và nhược điểm để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn khi đánh giá một vấn đề. Không nên chỉ nhìn hoàn toàn vào ưu điểm, để rồi quá hào hứng, vội vã chọn ngay; hoặc càng không nên quá tập trung vào nhược điểm để rồi vội sợ hãi, nghĩ mình không phù hợp. Cần hiểu rằng nghề nào cũng vậy, đều phải đánh đổi một thứ gì đó. Điều quan trọng là mình có thấy phù hợp không, có tạo ra hứng thú để mình tìm hiểu sâu hơn về công việc này không. Và khi có đủ thông tin từ hai chiều, bạn sẽ dễ dàng cân nhắc và đưa ra quyết định hơn.

Bài 2: Bạn tôi làm kế toán

toán thì ít mà kế thì nhiều
toán thì ít mà kế thì nhiều
Tôi có quen một thằng bạn trước đây làm kế toán. Giờ thì hắn đã không làm nghề này nữa rồi, nhưng khi được hỏi về cơ duyên nào đến với nghề này thì hắn vẫn hồ hởi trả lời tôi. Hắn bảo hồi đó hắn cũng không chủ đích chọn nghề này, chẳng qua do thiếu điểm nguyện vọng 1 nên buộc lòng phải chuyển sang một trường, một chuyên ngành khác đủ điểm mà thôi. Hồi ấy nghề kế toán đang “hot” nên người ta cứ đổ xô vào. Nhiều trường mới mở thêm chuyên ngành này nên điểm trúng tuyển cũng thấp, nhờ vậy mà hắn có cơ hội. Chẳng biết đó là may hay xui, bởi càng đông người học thì điểm xét tuyển càng thấp. Và một điều tất yếu xảy đến là “vào dễ ra khó”, nhất là lúc đi tìm việc làm. Thôi thì lâu lắm mới có cơ hội ngồi trò chuyện với nhau, tiện đây tôi cũng hỏi hắn một vài điều về nghề kế toán xem sao.

Kế toán là làm những việc gì?

Bản chất công việc của Kế toán là đảm nhận công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin phản ánh tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của các công ty hoặc cơ quan (nhà nước hoặc tư nhân). Nhiều người bảo kế toán là người chuyên lo hóa đơn và xử lý giấy tờ cũng đúng.
Vị trí công việc Kế toán tại các doanh nghiệp thì đa dạng lắm, tùy theo quy mô và loại hình doanh nghiệp nữa. Thường trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thì Kế toán được chia thành Kế toán nội bộ và Kế toán thuế (hoặc Kế toán tổng hợp - nếu nhỏ quá thì kế toán thuế kiêm luôn kế toán tổng hợp). Mà đôi khi còn gặp trường hợp một người làm kế toán cho mấy công ty "siêu nhỏ" cùng lúc ấy chứ.

Kế toán - nghề chọn người - Những tố chất cần có?

Có một điều hơi buồn cười là tới khi vào học ngành Kế toán rồi thì hắn mới nhận ra ngành này thuộc dạng "Nghề chọn Người" chứ không phải "Người chọn Nghề". Bởi có một khái niệm là "Chuẩn mực đạo đức của người làm kế toán", được quy định hẳn trong Luật (thông tư số 70/2015/TT-BTC về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán). Rồi có quy định cả về những rủi ro khi hành nghề này nữa. Đó là lý do tại sao nghề kế toán cần có chứng chỉ hành nghề, được cấp bằng đào tạo chính quy thì mới được nhận vào làm. Nó cũng giống kiểu mấy nghề như kỹ sư, bác sỹ nhưng có vẻ như không "sang chảnh" bằng.
Nhắc tới kế toán, hầu hết mọi người đều nghĩ đến một công việc suốt ngày làm việc với sổ sách, số liệu. Một thực tế nữa là các lớp học kế toán hầu hết toàn là nữ giới. Tỷ lệ nam giới chắc chỉ được 5-10% mà thôi. Bởi mọi người cho rằng công việc này phù hợp với nữ giới hơn, kiểu suốt ngày ngồi một chỗ ôm đống sổ sách, máy tính, ít bay nhảy, ổn định; rồi tỉ mỉ, cẩn thận, cân đo đong đếm từng chút, không để lệch dù chỉ một đồng. Nhưng có một điều cũng khá đặc biệt là Kế toán trưởng là nam giới cũng không ít, hoặc lúc đi làm vẫn gặp những công ty có kế toán nam. Học là một chuyện, đi làm và thăng tiến trong công việc lại là chuyện khác. Nam giới thường có tư duy về số liệu, logic, lập kế hoạch tốt hơn, rồi chuyện hợp cạ, xây dựng mối quan hệ với sếp, với đối tác cũng có những lợi thế nhất định. Điều đặc biệt quan trọng khi đi làm là có được sự tin tưởng của sếp. Bởi mình là người cầm tiền, quản lý tiền cho sếp. Nếu không được tin tưởng thì khó mà làm lâu dài được.

Giá trị mà công việc này đem lại là gì?

Yên tâm khi làm việc: Mọi hoạt động trong công ty đều cần được ghi nhận, theo dõi, thể hiện qua giấy tờ mà trong nghề hay gọi là chứng từ. Các hoạt động này sẽ được kiểm tra bởi cơ quan thuế xem việc ghi nhận đúng không, chi tiêu có hợp lý hợp lệ không, có đủ hóa đơn chứng từ chưa, hóa đơn có “sạch” không… Nên rất cần có kế toán phụ trách những công việc này để các bộ phận khác yên tâm, tập trung làm công việc của họ. Người ta không thể yên tâm làm việc khi cứ phải lo lắng xem mình đã làm đúng chưa, hay phải thu thập những chứng từ gì.
Kiểm soát hoạt động, tối ưu chi phí: những thứ mà kế toán làm là ghi nhận lại những gì đã xảy ra (hay còn gọi là ghi nhận quá khứ). Nó không giúp tạo ra tiền một cách trực tiếp, mà thay vào đó là giúp chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát, đánh giá lại, nhằm tối ưu các hoạt động để đạt hiệu suất cao hơn, tối ưu các chi phí hơn (chi tiêu hợp lý hơn).
Có một điểm khá thú vị là chỉ kế toán mới biết những thứ thực sự diễn ra bên trong hoạt động của doanh nghiệp. Đây là thứ mà người ngoài hoặc thậm chí nhân viên bộ phận khác cũng không rõ bằng kế toán. Nhờ vậy mà nếu hiểu sâu, hiểu rõ về các hoạt động này (dù là kế toán chi tiết hay tổng hợp) thì đó cũng là một lợi thế rất lớn: dễ dàng nhảy việc sang những vị trí tương đương vì đã có kinh nghiệm, hoặc tự mình làm chủ.

Khó khăn

Công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế nên với những sinh viên mới ra trường gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm hay khi vào làm việc. Cùng 1 nghiệp vụ nếu người có nhiều kinh nghiệm sẽ có thể có cách xử lý khác so với người chưa có kinh nghiệm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được tiền hoặc tránh việc bị phạt bởi cơ quan thuế. Do đó các công ty thường ưu tiên người có kinh nghiệm hơn. Những người chưa có kinh nghiệm thường sẽ mất nhiều thời gian học hỏi, đào tạo => khiến công ty phải chịu thêm nhiều chi phí khi tuyển dụng, mà khi làm được việc rồi lại không đảm bảo sẽ gắn bó với công ty.
Khó khăn khi phải xử lý những vấn đề của người tiền nhiệm. Việc thanh tra không phải năm nào cũng có, thường là vài năm mới làm một lần. Nhưng điều hay gặp phải là bạn vừa vào làm đã phải đi xử lý những vấn đề do kế toán cũ để lại: do không làm cẩn thận, không triệt để, thiếu kinh nghiệm, hư hỏng mất mát khi chuyển giao công việc… Điều này vô tình khiến công việc có nhiều áp lực hơn, vất vả hơn so với những gì đáng ra chúng ta phải làm. Những công ty có hệ thống kế toán minh bạch, có những người nhiều kinh nghiệm quản lý, điều hành thì ít kh xay ra tình trạng "dọn rác" này, còn các công ty nhỏ, công ty gia đình thì dễ gặp lắm.

Lộ trình phát triển như thế nào?

Về lộ trình thăng tiến của nghề kế toán thì có thể chia theo các cấp bậc như sau:
- Mới ra trường bạn sẽ làm kế toán viên. Thường kế toán viên sẽ phụ trách 1 hoặc 1 số phần hành kế toán chi tiết, hoặc trợ giúp cho kế toán trưởng làm các việc về kế toán tổng hợp, kế toán thuế.
- Phát triển chiều rộng: tức là bạn có thể làm kế toán cho nhiều công ty cùng lúc. Thường là dịch vụ kế toán, làm những công việc của kế toán tổng hợp, kế toán thuế.
- Phát triển chiều sâu: tức là làm thật tốt vai trò của kế toán chi tiết, sau đó học thêm chứng chỉ kế toán trưởng, bạn có thể trở thành kế toán trưởng tại 1 công ty nếu có cơ hội. Yêu cầu tối thiểu là có chứng chỉ và ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm kế toán viên. Kế toán trưởng tương đương với trưởng phòng, nhưng vai trò cũng lớn lắm đấy (có thể hiểu như là cánh tay phải của sếp vậy). Cao hơn kế toán trưởng là giám đốc tài chính. Bạn phải có thêm cả những kiến thức về kế toán quản trị. Quản trị ở đây hiểu là việc lập kế hoạch, tối ưu các nguồn lực, đưa ra các quyết định lớn, quan trọng đối với công ty.
Lộ trình này nói thì đơn giản nhưng để theo đuổi nó thì chông gai lắm. Quá trình này đòi hỏi nhiều năm lăn lộn trong nghề, bám trụ, học hỏi liên tục, chưa kể còn cần có những môi trường công ty phù hợp, có sếp tin tưởng để mà phát triển nữa. Trong đó thời kỳ đầu thường đi rất chậm và gặp nhiều khó khăn nếu không được ai hỗ trợ và dìu dắt. Tuy nhiên khi đã có vị trí hoặc có kinh nghiệm rồi thì lại ổn định, ít khi phải nhảy việc.

Lời kết

Nói chung với một người đã không còn gắn bó với nghề như Hắn thì khó mà có cái nhìn tươi đẹp được. Dẫu sao đây cũng chỉ là một góc nhìn để chúng ta tham khảo, biết thêm mà thôi. Đôi khi không cần tô vẽ nhiều, cứ thực tế lại hay. Bởi một khi ta đã chọn thì ta phải chịu, phải theo nó trong một khoảng thời gian khá dài.
Còn bạn thì sao? bạn có thêm góc nhìn nào về nghề Kế toán không? Hãy cùng chia sẻ với mình ở phần bình luận bên dưới nhé.