Một chủ đề mình nhận được nhiều quan tâm đó là làm sao để thi đỗ vào Big4 trong kiểm toán. Bài viết này sẽ chia sẻ những góc nhìn về việc ứng tuyển vào Big4, những lầm tưởng mà mọi người hay gặp về việc thi vào Big4.

1. Big4 là gì

Big4 là top 4 công ty kiểm toán, tư vấn lớn nhất thế giới, bao gồm EY (ngày xưa có tên là Ernst Young), Deloitte (hay gọi tắt là DTT), PriceWaterhouseCooper (hay gọi tắt là PWC) và KPMG. 4 công ty này có lịch sử hình thành lâu đời và thường xuyên chia nhau các vị trí dẫn đầu trong ngành kiểm toán và tư vấn, ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Về doanh thu, bảng dưới đây thể hiện doanh thu của các công ty kiểm toán tại VN trong năm 2018, theo thống kê Big4 chiếm đến hơn 1/2 tổng doanh thu của tổng 191 công ty:
Ngoài doanh thu, các công ty Big4 cũng là các công ty kiểm toán cho những công ty lớn nhất Việt Nam. Theo thống kê của mình, có đến 29/30 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán HCM (VN30) được kiểm toán bởi Big4, cụ thể như sau
Với danh tiếng như vậy, không quá khó hiểu khi Big4 là điểm đến mong ước của rất nhiều bạn sinh viên trong ngành kế toán, kiểm toán, kinh tế, tài chính, thậm chí ở ngoài ngành nữa. Nó cũng giống như việc 1 cầu thủ trẻ luôn mơ ước ngày nào đó được khoác trên mình màu áo của Liverpool, Chelsea, MU hay MC vậy.

2. Big4 tuyển dụng như nào

Thông thường các công ty Big4 sẽ có 2 hình thức tuyển dụng: Thực tập sinh (intern) - thường diễn ra từ tầm tháng 9-10 hàng năm và nhân viên chính thức (staff) - tầm tháng 4-5 hàng năm. Ngoài ra, đôi khi do tình trạng thiếu nhân lực, các Big4 có thể tuyển cả trưởng nhóm (senior), trưởng phòng (manager) và sẽ tuyển quanh năm chứ không cố định vào 1 thời gian nào cả. Tuy nhiên trong bài viết này mình sẽ chỉ tập trung vào phần đầu tiên, tuyển thực tập sinh, một phần được nhiều bạn sinh viên quan tâm.
Quy trình tuyển dụng giữa các Big4 là không hoàn toàn giống nhau (do có thể có/không có vòng phỏng vấn nhóm - Group Interview), tuy nhiên một công ty đầy đủ sẽ có những vòng sau (ví dụ KPMG)
CV -> Test -> Group interview -> Final interview

a. CV:

là nơi thể hiện những gì bạn đã học/đã hoạt động trong suốt những năm ở ĐH. Vì thế, trước khi nói về việc viết CV làm sao cho ấn tượng, bạn hãy cố gắng tích lũy cho mình thật nhiều kiến thức, trải nghiệm, thành tích...tất nhiên là phải liên quan tới ngành nghề này rồi. Việc có 1 GPA tốt là điều gần như bắt buộc, nhưng nếu đã lỡ không có GPA ổn ổn một chút, bạn có thể cải thiện bằng một số chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA, CFAB...Sau khi có phần "gỗ" tốt rồi, phần "sơn" cũng quan trọng không kém, đó là việc trình bày CV sao cho chuyên nghiệp và ấn tượng. Mình đưa chữ chuyên nghiệp lên trước, vì đây là việc ứng tuyển vào những ngành nghề mang tính chất chuyên nghiệp chứ không phải ngành nghề sáng tạo, do đó không được phép trình bày lòe loẹt, lôm côm. Đơn giản nhất, bạn có thể lên trang web của TopCV, rất nhiều mẫu có sẵn, miễn phí hoặc có trả phí cỡ 20k. Hoặc nếu cẩn thận hơn, có thể search những mẫu CV/Resume chuyên nghiệp hơn, tự tay viết, chỉnh sửa. Tuy nhiên trong cả 2 trường hợp, bạn cần đảm bảo là CV của mình không quá 1 trang nhé. Khi đó sẽ dẫn đến một số trường hợp không biết bỏ cái gì ra do nhiều thành tích, hoạt động quá. Khi đó cần lưu ý rằng hãy chỉ đưa những gì cần thiết, và liên quan tới những yêu cầu của kiểm toán. Việc bạn kể ra đã đi du lịch bụi qua nhiều nơi, hay học làm bánh, thiết kế ảnh...đôi khi không có nhiều ý nghĩa trong mắt nhà tuyển dụng.
Một điểm nữa cũng cần chú ý, đó là email bạn dùng để gửi cho các nhà tuyển dụng. Hãy tạo cho mình 1 địa chỉ email chuyên nghiệp, ví dụ như [email protected], hay [email protected]. Và cẩn thận cả việc đặt tên của email.
1 ví dụ CV chuyên nghiệp (không dùng form topCV). Lưu ý: các bạn chỉ xem cách viết, còn tên và các ví dụ về điểm số mình đã chỉnh sửa từ 1 mentee của mình
1 chiếc CV đầy rẫy thành tích, hoạt động, và bên ngoài bạn ấy còn rất năng động
1 chiếc CV đầy rẫy thành tích, hoạt động, và bên ngoài bạn ấy còn rất năng động

b. Test

Bài test cá nhân sẽ phụ thuộc vào từng Big4. Có những Big4 tập trung vào kiến thức chuyên ngành và chỉ test thêm các kiến thức xã hội, logic...(như EY, Deloitte), hoặc test nhiều tiếng anh, kiến thức chung (như KPMG, PWC). Kiến thức chuyên ngành loanh quanh ở các môn về kế toán tài chính, quản trị, kiểm toán...Phần này mình khuyên các bạn nên chuẩn bị sớm, nên học thật (ví dụ đơn giản học F2,F3 của ACCA), chứ đừng chuẩn bị muộn, rồi tham gia vào lớp ôn thi nhanh cho mục tiêu thi Big4. Đã theo ngành này rồi, việc cập nhật những kiến thức, thông tin cơ bản về nền kinh tế, chứng khoán, chính sách tiền tệ...là một điều nên xây dựng thành thói quen. Kiến thức là 1 quá trình tích lũy dài hạn chứ không phải vội vã vài hôm, rồi nó lại rơi rụng nhanh thôi. Có 1 bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ mà mình tâm đắc mấy câu sau:
Nhặt chi con ốc vàng
Sóng xô vào tận bãi
Những cái gì dễ dãi
Có bao giờ bền lâu

c. Group Interview

Vòng Group Interview là vòng có thể có/hoặc không, tùy từng Big4 và tùy từng năm. Tức là có những Big4 có năm này có, năm này không. Bạn nên chuẩn bị cho vòng này, và điều cần chuẩn bị lớn nhất cho vòng này là 1 kỹ năng rất quan trọng khi đi làm kiểm toán: kỹ năng teamwork.
Một tính chất đặc trưng của kiểm toán là sẽ có cả 1 team từ 3-5 người đi kiểm toán cho một doanh nghiệp (ở quy mô trung bình). Mỗi người sẽ phụ trách một số phần hành nhất định, người doanh thu, người chi phí, tài sản, công nợ, rồi gộp lại, bạn trưởng nhóm sẽ tổng hợp các vấn đề rồi chốt lại số liệu với khách hàng. Vì thế, vòng Group Interview là một bản thu nhỏ của một team kiểm toán, thường cả team sẽ được giao một tình huống (có thể liên quan tới kiểm toán, hoặc rộng hơn), cùng suy nghĩ trong 5-10p rồi thuyết trình. Trong lúc này, người giám khảo sẽ quan sát việc các bạn hoạt động teamwork như nào. Không phải ai nói nhiều, hay có những ý tưởng hay là người chắc chắn pass vòng này nhé. Có những người không nói nhiều, nhưng lại kiểm soát từng bước nhỏ để team không bị lỡ giờ, hay có những người lại giỏi ơ việc phân công từng người vào đúng sở trường, hoặc có người giỏi tổng hợp ý kiến của mọi người. Những người như vậy đều có khả năng rất cao để vào vòng sau. Vì vậy, hãy xem xét điểm mạnh/yếu của mình trong trường hợp này, và thể hiện thật tốt điểm đó khi hoạt động nhóm, bạn sẽ có 1 cơ hội lớn trong mắt giảm khảo.
Muốn luyện tập những kỹ năng này, các CLB ở trường là những nơi bạn có thể rèn luyện được nhiều nhất. Hãy cố gắng chọn cho mình 1 CLB và hoạt động nghiêm túc ở đó nhé, ngoài tình bạn, kỷ niệm, bạn còn phát triển được nhiều kỹ năng lắm.

d. Final interview

Chúc mừng bạn đã đến vòng này. Ở vòng này thông thường bạn sẽ được phỏng vấn trực tiếp với 1 Manager và 1 Director (hoặc 1 Partner). Vào đến đây thì đủ chuyện, có thể cả buổi bạn không được hỏi câu chuyên ngành nào, hoặc được hỏi một loạt câu. Bí quyết của vòng này là:
- Tự tin: nghe thì rất đơn giản và hiển nhiên, nhưng cách đây 9 năm khi phỏng vấn ở vòng này tại Deloitte, mình đã trượt vì mất tự tin, dẫn đến càng nói càng không thể hiện được bản thân và kiến thức của mình. Để đạt được tự tin, cần chuẩn bị thật kỹ, từ trang phục chuyên nghiệp, cách đi lại, cho đến những câu hỏi mà người phỏng vấn thường hỏi. Những câu đơn giản nhất, như giới thiệu bản thân, vì sao bạn chọn chúng tôi, vì sao tôi chọn bạn, rồi điểm mạnh điểm yếu là gì....Hãy chuẩn bị cho mình những tình huống đó và trả lời sao cho ăn điểm nhất. Những bạn mentee của mình đều được mình rèn luyện phần này thật kỹ, từng câu hỏi một.
- Chân thành: rất có thể trong buổi phỏng vấn bạn sẽ được đưa vào một vài tình huống/câu hỏi khó xử, khá "xoáy". Thông thường mục đích của người phỏng vấn trong những trường hợp này sẽ chủ yếu muốn test khả năng bạn xử lý vấn đề tới đâu, qua đó có thể nhìn được thấy một phần tính cách, hiểu biết của bạn. Vì thế, hãy là chính mình, chân thành với những gì mình có. Ngôn ngữ cơ thể của bạn rất dễ chỉ ra khi nào bạn đang nói thật, khi nào đang nói dối.
- Một điểm cũng rất quan trọng nữa là bạn cần thể hiện ra mình sẵn sàng/phù hợp với nghề kiểm toán. Từ việc tư duy mạch lạc, trả lời rõ ràng, logic, trọng tâm đi thẳng vào vấn đề. Thể hiện ra được sự khiêm tốn, ham học hỏi...

3. Big4 không khó

Như mình đã viết bên trên, có thể thấy nếu có chuẩn bị tốt về kiến thức, kỹ năng, việc bạn ứng tuyển vào Big4 là không khó. Như mình chia sẻ trong bài viết này của 1 bạn đã đi làm Sales 2 năm và chuyển sang kiểm toán, trong kỳ Intern vừa rồi bạn ấy đã thi đỗ cả 2 Big4 là KPMG và Deloitte (KPMG đỗ sau khi mình viết bài). Tất cả điều đấy đến từ sự chuẩn bị trong vòng vẻn vẹn 8 tháng, trong điều kiện bạn ấy vẫn phải đi làm 1 ngày 8 tiếng ở công ty. Đôi khi các bạn có thể bắt gặp những trung tâm đào tạo "khoe" việc có học viên đỗ vài Big4, nhưng nếu các bạn quyết tâm và có một định hướng đúng đắn, việc thi đỗ là không phải không có khả năng đạt được.

4. Sau Big4 là gì

Trong nhiều bài viết của mình, mình luôn nói rằng Big4 chỉ là 1 khởi đầu trong một sự nghiệp 30-40 năm của các bạn. Không nên lấy một thành tích như vậy mà bỏ quên đi sự rèn luyện, khiêm tốn và nỗ lực. Mình luôn có một niềm tin rằng nếu bạn đi lên bằng nội lực, có sự chuẩn bị dài hơi chứ không phải tư duy "ăn xổi", thì bạn sẽ luôn phát triển thật xa trong ngành nghề này - một nghề vất vả nhưng cũng rất xứng đáng với lượng kiến thức có được.
Cuối cùng, để kết lại bài, mình xin đọc tiếp các câu thơ còn lại của bài thơ Biển của Lâm Thị Mỹ Dạ mà mình có đọc bên trên:
Biển chìm trong đêm thâu
Ðể chân trời lại rạng
Khát khao điều mới lạ
Ta đẩy thuyền ra khơi
Dù bão giông vất vả
Không quản gì biển ơi!