Lời mở đầu
Một buổi chiều, mình bắt gặp 1 câu hỏi của một người em về câu chuyện chọn nghề nào để phù hợp với năng lực của bản thân. Mình đã thử đưa ra một câu trả lời để gợi ý thêm cho em. Nhưng rồi mình nhận ra câu trả lời quá dài so với phạm vi một câu bình luận trên facebook, mà nó lại dễ dàng bị trôi tuột đi mất, chẳng để lại nhiều giá trị. Thế là mình tự hỏi: Tại sao không viết lại thành một bài... không, nhiều bài như vậy để cho những người như em ấy có thể tìm được câu trả lời một cách dễ dàng hơn? Thế là ý tưởng viết thành một series "Bạn tôi làm + nghề nghiệp cụ thể" ra đời. Mỗi tuần mình sẽ cố gắng viết 1 bài nên đặt ở chuyên mục 1W1C - 1 week 1 content. Mình hy vọng rằng thông qua các bài viết này, các bạn, các em có thể có thêm những thông tin hữu ích trong việc nhìn nhận, đánh giá và lựa chọn nghề nghiệp. Mình viết dưới góc nhìn của một người có thể là trong cuộc hoặc tiếp xúc gần với nghề nghiệp thôi, do cũng chẳng có điều kiện trải nghiệm hết các nghề. Mình mong nhận được góp ý cũng như truyền cảm hứng để những người khác có thể chủ động chia sẻ câu chuyện nghề của bản thân. Như thế chẳng phải giúp ích nhiều cho các em lắm sao?

Bài 1: Bạn tôi làm HR

Là một người thường đi đào tạo kỹ năng - cụ thể là tin học văn phòng - kỹ năng sử dụng excel cho các doanh nghiệp, mình có dịp tiếp xúc nhiều với các bạn làm Nghề nhân sự - Human Resources (sau đây mình sẽ viết tắt là HR vì từ này khá thông dụng). Thậm chí mình còn đứng lớp dạy Excel, VBA, Power BI cho lớp toàn những người làm HR ở đủ mọi vị trí, cấp bậc nữa. Có một điều dễ nhận thấy nhất là những người này rất ham học. Ban đầu mình không hiểu sao họ chăm học hơn hẳn so với những học viên khác mà mình dạy, nhưng dần dần qua tìm hiểu thì mình biết có 2 nguyên nhân chính:
- Một là kỹ năng này cần cho công việc của họ. Việc liên quan tới số liệu nhiều, từ chấm công tính lương, quản lý thông tin nhân sự cho tới phải báo cáo và lập kế hoạch liên tục. Kỹ năng sử dụng excel rất quan trọng với họ vì với công ty nhỏ sẽ không có phần mềm riêng, phải dùng excel; với công ty lớn kể cả trang bị phần mềm riêng cho HR thì vẫn có rất nhiều việc phải dùng excel. Chưa kể phần mềm cũng không đáp ứng đủ hết các công việc vì thực tế phát sinh rất đa dạng, phức tạp mà không thể lập trình sẵn được. Như thế ngoài kỹ năng tin học văn phòng ra, họ còn phải biết những kỹ năng khác như Báo cáo thống kê, Lập kế hoạch, Quản lý công việc, Phân tích số liệu. Mà đó cũng mới là mấy thứ liên quan tới một phần việc thôi, chưa phải là tất cả.
- Hai là họ còn phải tìm hiểu các lớp dạy như thế này để khi công ty cần sẽ liên hệ với mình. Đây chính là việc mở rộng mối quan hệ (mà mình hay gọi là Network). Network rất quan trọng, nó như một mạng lưới thông tin mà họ cài cắm, lưu trữ lại để sử dụng khi cần. Network càng lớn, càng nhiều điểm ghi nhớ thì càng tốt. Do công việc của họ chủ yếu làm việc với con người: Nhân sự trong doanh nghiệp, Ứng viên khi tuyển dụng, đối tác đào tạo, bạn bè trong cộng đồng cùng nghề... nên càng nhiều lựa chọn càng tốt. Bởi nhiều lựa chọn thì mới dễ có lựa chọn phù hợp khi cần. Nó giống như bạn thích đi siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm hơn là mua ở những khu chợ nhỏ. Bởi ở đó nhiều mặt hàng cho bạn lựa chọn hơn, việc mua sắm cũng nhanh hơn không phải lo thiếu hàng hoặc hàng không đủ chất lượng. Việc tìm kiếm những chuyên gia đào tạo, giảng viên, lớp học cũng vậy. Có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc như chất lượng đào tạo, mức phí, thông tin liên hệ, mức độ tin cậy... để đáp ứng cho yêu cầu đào tạo của doanh nghiệp. Vì vậy không gì tốt bằng chính họ trải nghiệm trước những lớp học này.

Lộ trình

Các vị trí, cấp bậc trong ngành này cũng khá đa dạng. Trước đây mình cũng chưa hiểu rõ lộ trình phát triển nghề nghiệp này như thế nào, cho tới khi tham khảo sơ đồ dưới đây:
nguồn: Springo - của chị Xuân Nguyễn.
nguồn: Springo - của chị Xuân Nguyễn.
Và những công việc của HR là gì? Cũng nhiều hơn mình nghĩ luôn. Để tiện theo dõi thì các bạn có thể xem tiếp ở sơ đồ dưới đây (trong đó chữ HRM nghĩa là Human Resource Management - Quản trị nguồn nhân lực):
nguồn: cái này mình search google, của nước ngoài. Không rõ nguồn vì lâu rồi. Sorry. Nhưng theo thực tế mình tiếp xúc thì cũng loanh quanh những việc này.
nguồn: cái này mình search google, của nước ngoài. Không rõ nguồn vì lâu rồi. Sorry. Nhưng theo thực tế mình tiếp xúc thì cũng loanh quanh những việc này.
Với những công ty nhỏ, có khi phòng HR chỉ có 1-2 người và họ phải... làm tất cả những việc này. Well, nghe khá là nặng nề đấy nhỉ? Nhưng tin vui là công ty nhỏ thì nhân sự ít, công việc cũng sẽ đơn giản hơn nhiều so với những công ty lớn. Có công ty nhỏ đến mức kế toán kiêm luôn HR cơ. Còn việc phân chia cấp bậc, công việc rõ ràng thì thường ở những công ty lớn, có nhiều nhân sự. Các công ty nhỏ thường là dưới 50 người, công ty vừa (trung bình) thì tầm dưới 1000 người, còn lớn thì từ 1000 trở lên. Với góc nhìn của một người ngoại đạo như mình thì mình nghĩ: "WTF, tầm vài trăm người là lớn lắm rồi ấy", nhưng với những người trong ngành thì chắc họ vẫn thấy bình thường thôi, nhỉ?

Khó khăn

Từ kinh nghiệm bản thân và chia sẻ từ nhiều người, mình nhận thấy làm việc với con người là phức tạp nhất. Bởi con người có rất nhiều vấn đề, từ sức khỏe, tâm lý, mục tiêu, gia đình của họ, thậm chí tới cả thú nuôi của họ cũng ảnh hưởng tới công việc. Mà những thứ này lại dễ thay đổi, sáng nắng chiều mưa, hôm nay một kiểu, ngày mai đã kiểu khác rồi. Vậy nên công việc luôn có biến động chứ không hề "tĩnh, nhàm chán" mà thường là luôn luôn có việc. Để làm việc với con người được tốt, chắc chắn kỹ năng nắm bắt tâm lý người khác và kỹ năng giao tiếp là quan trọng. Mà muốn biết tâm lý người khác, bản thân mình phải hiểu tâm lý của mình trước, rồi lại cần trải nghiệm nhiều, tiếp xúc nhiều, nhất là với người lạ. Với hầu hết những bạn còn đang là học sinh, sinh viên, mình chắc hẳn các bạn đều có chung nỗi sợ là "tiếp xúc với người lạ". Chúng ta thường chỉ quanh quẩn trong một nhóm nhỏ những người bạn thân quen, hoặc các mối quan hệ bên ngoài thường là hời hợt, gặp rồi quên chứ ít khi giữ kết nối và phát triển mối quan hệ đó. Vậy nên nếu có định hướng theo ngành nghề này, mình nghĩ cần phải thay đổi lại cách tư duy một chút đấy.
Vậy thì hướng nội hay hướng ngoại có ảnh hưởng gì tới chọn nghề này không? Mình nghĩ là không. Trước đây mình cho rằng hướng nội là hay ngại giao tiếp với người lạ, ít mối quan hệ. Rồi mình tự hỏi: như thế có đúng không? Ngại giao tiếp có phải do mình kém kỹ năng giao tiếp không? Ít mối quan hệ có phải do mình thiếu sự chủ động, còn ngại, còn lo sợ người ta đánh giá mình không? Trước đây mình thường tự cho rằng mình là người hướng nội nên kém khoản giao tiếp, tạo mối quan hệ. Rồi mình nhận ra không phải vậy. Hiện giờ mình vẫn là người hướng nội nhưng rất dễ dàng bắt chuyện với người lạ, bất kể họ là ai. Đó chính là do mình đã có sự chủ động và không còn sợ, không còn ngại nữa. Mình phải học cách giao tiếp với người lạ, gạt bỏ đi những nỗi sợ để có thể mở lòng ra, rồi nói chuyện bằng sự chân thành, không vụ lợi gì từ người khác, như thế chẳng sợ họ đánh giá mình. Và rồi mình thấy sự chân thành là cầu nối tốt nhất để người với người xích lại gần nhau. Do đó mình có thể khẳng định đây là kỹ năng giao tiếp và sự chủ động, hiểu bản thân, dũng cảm, chứ không phải nội hay ngoại. Có sự chân thành, nội hay ngoại cũng là một nhà cả.

Áp lực

Nói thật nghề nào bây giờ cũng có áp lực, không riêng HR. Nhưng để nói kỹ một chút về áp lực của HR thì có thể kể ra như:
- KPI, Deadline: Nhiều lắm: KPI đào tạo, KPI tuyển dụng, KPI lương thưởng, rồi deadline của những kế hoạch công việc, deadline của tuyển dụng, deadline của đánh giá tăng lương, một đống báo cáo đủ các thể loại (mà riêng 1 bản báo cáo Headcount thôi đã thấy hơn 10 cái báo cáo nhỏ trong đó rồi), báo cáo lại cập nhật liên tục hàng tháng, hàng quý chứ không phải làm một lần là xong.
- Áp lực khi đứng giữa 2 bên: Sếp với nhân viên. Sếp hướng tới quyền lợi của sếp, của cổ đông, của công ty, của các mục tiêu lớn, còn nhân viên lại hướng tới quyền của mình, của cá nhân. Hai cái này thường xung đột nhau nên người ở giữa phải chịu trận. Họ phải công tâm và giữ cân bằng, chứ chẳng thể nghiêng về bên nào. Nhưng họ cũng có những quyền lợi và mục tiêu của họ, nên đôi khi thứ áp lực ấy càng đè nặng và khiến họ khó bứt phá, vươn xa như những công việc thuần chuyên môn khác.
Vậy nên áp lực với người làm HR cũng lớn lắm, mà nó khó nói hơn những nghề khác. Kiểu: "tao vừa bị sếp mắng chỉ vì đứa nhân viên A xin nghỉ việc đột xuất không báo trước". Thế thì có trời mới đỡ được. Nó gọi là: không phải lỗi của mình, nhưng vì nó thuộc phạm vi công việc của mình nên mình phải chịu lỗi đấy. Chuyện này cũng không phải là hiếm đâu, nên sống trong nghề này đôi khi phải ngậm đắng nuốt cay như vậy đấy.

Giá trị

Với góc nhìn người ngoài cuộc, mình cho rằng giá trị lớn nhất mà HR đem lại chính là:
- Giúp công ty có được nhân sự để vận hành. Mọi ước mơ, mọi lý tưởng, mọi sản phẩm... nếu không có con người thì làm sao mà hiện thực hóa được. Vậy nên ai cũng cần tới HR, hoặc có những kỹ năng của HR thì mới kết nối được người khác đến với mình để cùng làm việc chứ.
- Quản lý nhân sự. Well, như đã nói ở trên đấy, làm việc với con người là khó nhất. Nên có người gánh được cái khó nhất ấy chính là một giá trị rất lớn cho công ty, cho xã hội rồi. Muốn tăng/giảm tỷ lệ thất nghiệp ư? hỏi HR ấy. Muốn nhân viên làm việc năng suất hơn ư? hỏi HR ấy. Muốn cất nhắc ai lên vị trí nào ư? hỏi HR ấy. Kể cả tiếng nói của họ không có tính quyết định đi chăng nữa thì vẫn là kênh tham khảo hàng đầu trước khi quyết định đấy.
- HR không tạo ra giá trị trực tiếp bằng tiền như các bộ phận kinh doanh, bán hàng, hay không quyết định tiền nong, chi phí như kế toán, nhưng thứ giá trị mà HR tạo ra là sự vận hành trơn tru. Thiếu/thừa người trong 1 quy trình làm việc ư? tìm HR. Nhân viên ngóng tiền lương ư? hỏi HR xem tính lương xong chưa. Nhân viên có vấn đề sức khỏe ư? HR xem bảo hiểm cho anh em thế nào, quà cáp thăm hỏi ra sao? Chị B nhà vừa có chuyện đấy, HR xem an ủi động viên chị ấy xem nào... Có những điều này thì tâm lý và sức khỏe của nhân viên mới ổn định, mới làm việc hiệu quả được.

Kết

Dù thế nào đi nữa, nói kỹ đến mấy thì người ngoại đạo như mình sẽ chẳng thể nói hết và nói kỹ bằng người trong cuộc được. Vậy nên mình rất trân trọng và yêu quý những người làm công việc này. Có chăng mình chỉ giúp họ nói thay vài lời để gửi đến các bạn trẻ khi đang đắn đo trước lựa chọn nghề nghiệp mà thôi. Nếu có người bạn nào làm HR đi ngang qua đây, đọc thấy chướng tai gai mắt, xin vui lòng nắn chỉnh câu chữ giùm mình nhé. Xin chân thành cảm ơn!
24/07/2023
duongAQ