Không chỉ riêng với lĩnh vực sáng tạo mà với bất kỳ lĩnh vực nào, khi đứng trước những ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, câu hỏi chung mà nhiều bạn trẻ phải đối mặt là “Giữa muôn vàn nẻo rẽ, đâu mới là “chân ái" đời mình đây?”. Minh Châu, cựu sinh viên ngành Thiết kế (Truyền thông số) Đại học RMIT Việt Nam, biên kịch cho nhiều MV âm nhạc đình đám như Em Gái Mưa (Hương Tràm), Đâu chỉ riêng em (Mỹ Tâm), Rời bỏ (Hòa Minzy),... và là một trong những tác giả của sách “Người trong muôn nghề: Ngành Sáng tạo & Nghệ thuật có gì?”, cũng từng trải qua những trăn trở tương tự. Trong số Humans of Spiderum lần này, hãy cùng Spiderum tìm hiểu xem điều gì đã giúp Châu vượt qua sự sự chông chênh, vô định ban đầu để quyết định theo đuổi con đường biên kịch nhé.
Chào Châu, bạn có thể chia sẻ một chút về hành trình xây dựng sự nghiệp của bản thân không?
Hướng nghiệp là câu chuyện chưa bao giờ dễ dàng. Với một ngành rộng và mới như nghệ thuật - sáng tạo, việc tìm định hướng còn khó khăn hơn nhiều. Với bản thân mình, trở ngại lớn nhất không phải không biết bản thân thích gì, mà thấy cái gì mình cũng thích, con đường nào cũng thật “cool”. Có giai đoạn chênh vênh giữa quá nhiều lựa chọn, mình thậm chí còn đi coi Tarot để tìm kiếm câu trả lời từ một “thế lực” khác. Nhưng những lá bài Tarot không thể cho mình giải pháp thỏa đáng, và mình đã tự loay hoay “mở lối".
Châu đã “mở lối” như thế nào? 
Mình nhận thấy bản thân thích việc làm biên kịch, dàn dựng sân khấu từ những năm học cấp 3. Mỗi dịp 20/11, cả lớp sẽ có 2 sự lựa chọn: hoặc là tham gia các cuộc thi thể thao, hoặc là tập văn nghệ. Mình ghét thể thao, nên buộc phải chọn văn nghệ. Khi tham gia, mình nhận ra bản thân khá giỏi trong khâu dàn dựng, viết kịch bản, đứng đằng sau sân khấu chỉ đạo. Nghĩ đi nghĩ lại, cơ duyên giúp mình nhận ra năng khiếu với biên kịch lại đến từ việc mình... ghét thể thao. Vì vậy, mình có một câu thần chú: Không biết bản thân thích gì cũng không sao, chỉ cần không làm thứ bạn ghét.
Sau này, đến giai đoạn chọn trường, mình quyết định học RMIT, một phần vì trường không cần... học quân sự và chính trị. Trong quá trình ôn luyện tiếng Anh để vào RMIT, vì có nhiều thời gian rảnh, mình đăng ký thử một khoá học thiết kế ở Arena. 
Vào học Arena, mỗi lần làm bài tập nhóm, mình luôn là người chủ động đưa ra nhiều ý tưởng và được ủng hộ. Đây cũng là lúc mình gặp Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh – người cùng mình trải qua rất nhiều dự án MV ca nhạc sau này. Khi Kawaii có khách hàng, Tuấn Anh rủ mình đi quay và làm biên kịch. Vậy là trước khi trở thành sinh viên, mình đã có cơ hội “vào nghề" bằng những dự án nho nhỏ. Đến giai đoạn đợi nhập học RMIT, mình thấy thông tin tuyển dụng của Yan News, lúc đó không có việc gì làm nên mình ứng tuyển làm biên tập video. Có một khoảng thời gian, mình vừa học RMIT, vừa làm Yan News, vừa làm Alien Media (production house do Đạo diễn Kawaii sáng lập).
Nhìn chung, mình gần như không có ngã rẽ lớn nào trên cả chặng đường làm sáng tạo - nghệ thuật, cứ một đường thẳng mà đi, thấy cơ hội nào phù hợp thì mình nắm bắt. Ngay cả khi xác định tâm thế như vậy, chênh vênh vẫn là điều khó tránh, nhất là khi cơ hội đến quá nhiều và bản thân mình lại thích quá nhiều thứ. 
Lý do gì khiến Châu còn chênh vênh dù đã biết mình thích gì và được làm việc trong đúng lĩnh vực mong muốn?
Sau khi tiếp xúc một vài công việc, mình xác định được 3 hướng đi chính của biên kịch: quảng cáo, giải trí và điện ảnh. Nhưng dù đã có va vấp và sự hiểu biết nhất định, mình vẫn không thể lựa chọn một con đường.
Điểm giống nhau của 3 lĩnh vực là biến ý tưởng thành văn bản, rồi ekip sẽ đưa văn bản đó thành hình ảnh và những cảnh quay. Khác nhau ở đối tượng con người mình cần tiếp xúc và triển vọng từng ngành. Khi làm MV ca nhạc, mình chỉ cần làm việc với ekip và nghệ sĩ, phục vụ đối tượng là người nghe nhạc, mục tiêu cuối cùng là kể câu chuyện của bài hát. Khi làm quảng cáo, mình hiểu mục đích cuối cùng là truyền tải được thông điệp của nhãn hàng, giúp họ bán được hàng. Mình vừa phải phục vụ nhãn hàng, đồng thời phải đứng ở góc nhìn của người tiêu dùng để nghĩ ra những ý tưởng đúng insight nhất. Còn điện ảnh là phạm trù sâu rộng hơn rất nhiều, phải thuyết phục được nhiều nhóm người: từ diễn viên, nhà sản xuất, đơn vị kiểm duyệt đến khán giả,... Sau quá trình sản xuất rất vất vả, mình cũng không thể chắc chắn cộng đồng sẽ phản ứng như thế nào với bộ phim. Cho đến nay, điện ảnh vẫn là lĩnh vực mình chưa thể với tới.
Khi phân tích tiềm năng của từng ngành nghề, mình nghĩ làm MV giải trí khó đi lâu dài nếu đặt lên bàn cân với điện ảnh và quảng cáo. Rồi dịch Covid đến, trong khi điện ảnh và MV phải “ngủ yên”, quảng cáo vẫn kiếm ra tiền. Trong khi đó, việc mình thích làm và làm tốt nhất lại là biên kịch cho các MV giải trí, điều này càng khiến mình bối rối. 
Vậy Châu hiện tại đã lựa chọn được con đường cho bản thân chưa?
Mình đã tự nhủ: “Tại sao lại giới hạn bản thân trong một thứ trong khi mình có thể đi nhiều đường?” Trước nay, mình làm nhiều việc và vẫn có thể làm tốt, thì giờ mình có thể tiếp tục làm như vậy. Mình lựa chọn biên kịch – lĩnh vực mình có thể làm tốt nhất – làm công việc chính, nhưng vẫn cởi mở thử thêm cái này một chút, cái kia một chút để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm.
Mình nghĩ khi dưới 30 tuổi, bạn cứ thử thật nhiều để sau này không hối hận. Bà ngoại mình cả cuộc đời làm giáo viên, bà nội thì dành cả thanh xuân để nuôi 12 người con, không thể làm gì cho bản thân. Mình không muốn cuộc đời chỉ gói gọn trong một gạch đầu dòng như vậy. Đây là khoảng thời gian mình khoẻ nhất, trẻ nhất, chưa có ràng buộc gia đình, con cái, không hết mình chắc chắn sau này sẽ hối tiếc. Vậy là, mình chỉ tránh những việc mình không thích, và nhận làm hết những việc mình có khả năng.
Để “thử thật nhiều” thì hẳn Châu cũng phải luôn luôn trong trạng thái học hỏi, không ngừng làm mới bản thân. Bạn đã làm điều ấy như thế nào? 
Mình may mắn được tiếp xúc với nhiều môi trường và thấy có quá nhiều thứ mới mẻ để học.
Arena giúp mình thành thạo các công cụ, khả năng thiết kế. Còn RMIT giúp mình hiểu bức tranh bao quát và toàn diện về ngành, về thị trường và đặc thù công việc. Một bên giúp mình rèn luyện kỹ năng, một bên lại tập trung hơn về phát triển tư duy nghề nghiệp lâu dài. RMIT còn dạy mình nhiều bài học về cách thuyết trình, phản biện và thuyết phục người khác. Cùng một bài thuyết trình, khi trình bày cho những người khác nhau, chúng ta lại cần những cách diễn giải khác nhau cho phù hợp. Thầy Paul Smith dạy môn Digital Narrative Theory and Practice ( Lý thuyết và thực hành tường thuật KTS) - Môn học dạy cách tường thuật và trình bày lại một câu chuyện, một đoạn phim,...ở RMIT - cũng khơi gợi đam mê và cho mình thêm nhiều niềm tin để theo đuổi con đường này.
Tất cả những điều này, cả kiến thức, kỹ năng và tư duy, đều phục vụ rất tốt cho công việc. Nhờ biết sử dụng Photoshop và chụp ảnh, thay vì chỉ viết chữ khi lên kịch bản, mình có thể dựng storyline (cốt truyện) bằng hình ảnh để khách hàng dễ hình dung. Mình cũng có thể cắt dựng các cảnh quay khác nhau ghép thành một bản demo để đối tác hiểu được ý tưởng và cảm xúc mình muốn truyền tải trong video. Ví dụ với MV “Gặp nhưng không ở lại" của Hiền Hồ, mình ngồi gom nhiều cảnh quay từ 5 bộ phim điện ảnh các thời kỳ khác nhau, ghép trên nền nhạc của Hiền Hồ, để thuyết phục được bạn ấy đầu tư thực hiện ý tưởng của mình. Đúng vào giây phút đó, đoạn nhạc đó, chiếc xe đó phải nổ tung thì ca khúc mới được đẩy lên cao trào, khán giả “nổi da gà” và bài hát có thể để lại nhiều dư âm mạnh mẽ. Như vậy, kỹ năng dựng video mình học từ Arena, khả năng “bán" ý tưởng mình trau dồi từ RMIT đã giúp mình thành công trong dự án. Việc được học từ các môi trường đa dạng tạo nên một nền tảng đủ sâu, đủ rộng để một người thích đủ thứ như mình dễ dàng “bung lụa" và khẳng định bản thân trong công việc.
Vậy còn trải nghiệm khi làm “việc thật, người thật” thì sao? Với kinh nghiệm sản xuất nhiều MV âm nhạc nổi tiếng, có câu chuyện, bài học gì khiến Châu ghi nhớ nhất không? 
Trong quá trình làm việc, mình còn học được sự thấu hiểu nỗi khổ của người khác. Diễn viên, đạo diễn, quay phim,... ai cũng có những vấn đề của riêng họ. Viết ra một cảnh quay, mình phải hiểu muốn làm ra được phân cảnh đó, người ta phải tốn bao nhiêu tiền, diễn viên phải cố gắng như thế nào, bên kỹ xảo phải tốn bao nhiêu thời gian công sức để ra đúng ý tưởng. Mình không còn thoải mái viết kịch bản chỉ nhằm thỏa mãn bản thân, mà bắt đầu cân đong đo đếm kỹ lưỡng hơn để mọi khâu được vừa vặn và chỉn chu nhất.
Làm MV vẫn là mảng việc mình yêu thích nhất, cũng được mọi người tin tưởng nhiều nhất. Mỗi MV là một kỷ niệm, một bài học kinh nghiệm, nhưng chắc chắn hành trình với “Em gái mưa" của Hương Tràm là dự án mình không thể nào quên. Ý tưởng cho MV đó đến khá dễ dàng, vào một hôm trời mưa, trong lúc mình cùng Hương Tràm và Kawaii đi... ăn ốc. Không ai tưởng tượng được MV “bùng nổ” đến thế sau khi ra mắt (dù mình cũng biết một sự thật: những video có cảnh mưa thường được khán giả Việt đón nhận tốt). Mình vui như trên mây suốt mấy tuần. Đến khi MV được cấp vốn để chuyển thể thành điện ảnh, mình mới “rớt” cái bụp xuống mặt đất, về với hiện thực và thấy việc làm phim này khó khủng khiếp.
Lúc bắt đầu bộ phim, ekip không cho mình làm biên kịch, mà thuê một chị biên kịch khác nhiều kinh nghiệm hơn. Sau khi chị ấy hoàn thành outline, mình mới được bắt đầu viết kịch bản. Việc mình làm biên kịch MV ngay từ đầu mà ekip lại không để mình làm biên kịch phim là “cú đánh" thứ nhất, khiến mình bắt đầu mất tự tin về bản thân. “Cú đánh" thứ hai là khi nhận được feedback từ nhà phát hành. Mình không được nghe trực tiếp những lời nhận xét, nhưng thông qua thái độ của đạo diễn và sản xuất phim, mình biết mọi người đang tụt mood lắm. Và rồi, “cú đánh" cuối cùng là những comment, đánh giá phim, những feedback tiêu cực mà mình đọc được sau khi bộ phim ra mắt.
Trước đây, mình nghĩ là mình giỏi lắm rồi, có thể làm được tất cả. Nhưng sau ba “cú đánh" liên tiếp này, mình mới nhận ra bản thân còn rất trẻ, chưa đủ kinh nghiệm, chưa tới tầm chinh phục những thách thức lớn đến thế. Sau này, khi trưởng thành hơn, xem lại những cảnh diễn trong phim, mình cũng thấy bản thân giai đoạn đó còn quá non nớt. Những cú “rớt" trong quá trình làm nghề này khiến mình nhận ra nhiều thiếu sót về bản thân, việc mình từng làm rất tốt trong một MV không có nghĩa mình đủ khả năng làm điện ảnh. Tham vọng phải thành công ngay lập tức ở mọi lĩnh vực là quá khó, vì vậy, mình tự nhủ phải biết chấp nhận những giới hạn của bản thân, đồng thời không ngừng cố gắng để chinh phục những level cao và khó hơn.
Sau khi đã học và có nhiều trải nghiệm như vậy, theo Châu, điều quan trọng nhất với người làm sáng tạo là gì? 
Mình thích nhất câu nói: Chúng ta thường chỉ hối hận về những việc mình chưa làm, hơn là những việc mình đã làm, dù có thất bại. Vì vậy, với mình, điều quan trọng nhất là không ngại thử và luôn sẵn sàng thu thập ý tưởng, luôn tận dụng mọi thứ xung quanh để hiểu về con người, hiểu về cuộc sống, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng dồi dào.
Nói về cảm hứng, mình luôn có sẵn một “kho lưu trữ” ý tưởng. Mình “nằm vùng” rất nhiều hội nhóm trên Facebook, khi có một chủ đề được khơi gọi, mình sẽ đọc hết những bài chia sẻ và comment, kể cả các bài “bóc phốt" để hiểu mọi người đang có những góc nhìn như thế nào. Khi tìm ra được một insight hay hoặc một ý tưởng mới, mình sẽ ghi chú trong điện thoại, hoặc tự nhắn tin cho chính mình trên Facebook, đôi khi đăng status lên mạng xã hội để mọi người cùng thảo luận. Ngoài ra, mỗi khi nhận một dự án mới, mình cũng luôn chủ động tìm hiểu rất kỹ trên Google về ngành hàng, sản phẩm, đối tượng khách hàng,… Trong quá trình nghiên cứu đó, cảm hứng sẽ đến từ những thông tin mình tìm hiểu. Đôi khi bí quá, mình đi tham khảo các sản phẩm tương tự, coi quảng cáo, MV, những bộ phim khác để khơi gợi ý tưởng mới. Tất cả những việc này đều có mục đích là làm phong phú hơn kho lưu trữ ý tưởng cá nhân, để khi cần thì ý tưởng luôn ở sẵn đó.
Thứ hai, sau một thời gian bay bổng, mình nhận ra sáng tạo không hề cao xa với những ý tưởng “trên trời", nghệ thuật - sáng tạo đều phục vụ con người, giúp mọi người thêm kiến thức, hoặc giúp họ cảm thấy tích cực hơn, vui vẻ hơn, sống tốt hơn. Mình cần lấy mục tiêu tối thượng đó làm kim chỉ nam để bản thân bớt mông lung lạc lối. Việc hiểu bản thân đang làm gì, đang phục vụ ai, sản phẩm sáng tạo này có mục đích gì rất quan trọng.
Thứ ba, theo đuổi ngành sáng tạo là chặng đường dài, nhưng không vì thế mà ta cứ băng băng tiến lên phía trước. Đôi khi, bạn cũng cần dừng lại, tự hỏi xem bản thân đã học được gì từ những thứ đã qua. Khả năng tự rút ra bài học là rất cần thiết, không chỉ trong công việc mà trong mọi điều bạn làm ở cuộc sống. Như hồi mình làm MV “Ngốc” cùng Hương Tràm, lúc đó mình chỉ 20 tuổi và xây dựng một hình tượng cô gái rất... ngu ngốc trong MV. Đúng là chỉ ở độ tuổi 20 mình mới viết ra được những tình huống như vậy, nhưng có lẽ vì những cảm xúc đó rất thật nên tác phẩm nhận được sự đồng cảm của nhiều khán giả. Đến giờ, mình thấy bản thân đã trưởng thành hơn, không còn “ngốc nghếch” như nhân vật trong MV ngày đó. Đôi khi, trước những scandal hoặc biến cố trong ngành giải trí, mình cũng tự hỏi: “Bản thân sẽ giải quyết như thế nào nếu rơi vào tình huống này?
Mình tin, khi giữ vững 3 tư duy này trong đầu, chúng ta có thể đi được rất xa trong ngành nghệ thuật - sáng tạo. Càng có nhiều trải nghiệm, sản phẩm của bạn càng chạm được tới số đông, càng có sự đồng cảm của nhiều người. Vì vậy, chưa bao giờ mình lo rằng khi già đi, mình sẽ thụt lùi so với thế hệ các bạn trẻ. Điều mình lo chỉ là sức khoẻ, sẽ đến lúc mình không còn sức để ngồi đọc, ngồi “nằm vùng" nữa, khi đó mình cũng cố gắng tìm cách khác để có thêm nguồn tư liệu sống.
Khi làm sáng tạo, đôi lúc bạn phải đối diện với một vài định kiến của những người xung quanh, phổ biến nhất là sự thất thường của nghề này: cảm hứng thất thường, giờ giấc thất thường, thu nhập cũng thất thường. Với mình, đây là định kiến nguy hiểm nhất vì nó có phần đúng, bản thân mình đôi khi cũng là người thất thường. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là cố gắng thay đổi, phát triển bản thân để chứng minh những đánh giá đó không hoàn toàn chính xác.
Còn với những bạn trẻ muốn bước chân vào lĩnh vực sáng tạo, Châu có lời khuyên gì cho các bạn ấy không?
Nếu có một lời khuyên, mình sẽ khuyên các bạn nên bắt đầu với những ekip nhỏ hoặc các công ty startup. Giai đoạn làm Alien với Kawaii, vì công ty mới mở chỉ có vài người, mỗi nhân sự đều phải đảm đương nhiều vai trò khác nhau nên mình được tham gia nhiều mảng việc ở tất cả các khâu. Trong quá trình này, mình được cọ xát và học hỏi rất nhiều, từ giai đoạn gặp khách hàng, đến khi làm việc cùng đội ngũ quay phim, thậm chí làm cả... kế toán để tính toán ngân sách và quản lý dòng tiền. Mình cứ tập làm từ trên xuống dưới, việc gì cũng ráng làm hết sức thì chắc chắn nỗ lực sẽ được ghi nhận. Sau khi trải nghiệm hết, mình sẽ nhận ra bản thân yêu thích và làm tốt nhất việc gì, nhận ra có những công việc dù cố đến mấy mình cũng không thể làm tốt. Sau này, khi team đã phát triển, mọi người tiếp tục giao cho mình làm kịch bản, không để mình làm sản xuất hay kế toán nữa, chắc vì mình làm những việc đó dở quá.
Mình tin chúng ta đang trong thời kỳ cực kỳ thuận lợi để theo đuổi nghệ thuật - sáng tạo. Thị trường Việt Nam còn quá nhiều thứ để khai thác, và số người thực sự làm tốt việc này chưa có nhiều. Nếu coi chất liệu sáng tạo là một cái mỏ, thì “mỏ sáng tạo" của Việt Nam còn rất trù phú và rộng mở, trực chờ bạn đến khai phá. 
Bạn có thể có nhiều đam mê và ước mơ to lớn, nhưng hãy bắt đầu đi từng bước nhỏ phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Để bắt đầu, các bạn không nhất thiết phải vào một ekip cụ thể hay theo đuổi công việc nghệ thuật - sáng tạo fulltime nào đó nếu chưa sẵn sàng hoặc chưa được gia đình ủng hộ. Bạn hoàn toàn có thể tự do sáng tạo trên TikTok, tự vẽ những thứ mình thích rồi đăng lên mạng, tự edit video để làm kênh YouTube cá nhân,… Nếu bạn thực sự có tài năng, cộng đồng chắc chắn sẽ đón nhận. Sự ủng hộ của số đông cũng là thước đo khẳng định bạn thực sự có năng lực hay không, là “đòn bẩy" đưa bạn vào nghề, hoặc là phép thử về mức độ phù hợp của con người bạn với ngành. Những bước bắt đầu nho nhỏ này cũng là nền tảng để bạn thuyết phục gia đình. Sự ủng hộ của gia đình, dù không phải yếu tố quan trọng nhất, nhưng sẽ giúp bạn có thêm động lực để đi qua những giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, hiện nay cũng có rất nhiều cuộc thi làm phim, làm quảng cáo,...để các bạn thử dấn thân.
Đương nhiên, có thuận lợi thì cũng có khó khăn. Và một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí. Người làm sáng tạo cũng phải ăn cơm, uống nước, đâu thể hít thở không khí rồi “đẻ” ra ý tưởng mỗi ngày. Nhiều khi viết một kịch bản phim mất cả 6 tháng trời, trong 6 tháng ấy, họ phải tập trung toàn lực để làm tốt kịch bản, không thể làm công việc khác để có thêm thu nhập. Nhưng không phải dự án nào nào cũng đủ chi phí nuôi họ 6 tháng, và rồi vẫn kỳ vọng có một tác phẩm hay. Giai đoạn dịch bệnh kéo dài, những người làm công việc sản xuất, quay phim bị ảnh hưởng rất nhiều, mình chỉ mong và cố gắng động viên mọi người đừng bỏ nghề, hãy cùng giúp đỡ nhau đi qua quãng thời gian khó khăn này.
Với bản thân mình, ngành nghệ thuật - sáng tạo là con đường đầy màu sắc và không bao giờ nhàm chán. Trải qua nhiều trăn trở, mình nhận ra: hãy cứ đam mê thật nhiều, miễn là bạn hiểu đâu là việc bạn thực sự yêu thích và làm tốt nhất. Bạn không nhất thiết phải lựa chọn chỉ một hướng đi duy nhất. Sau nhiều trải nghiệm, mình biết ơn vì ở mỗi chặng đường, mình đều học được điều mới lạ, được gặp nhiều người thầy và cộng sự giỏi. Mình biết ơn vì bản thân là một phần của những sản phẩm sáng tạo thành công, cùng với không ít vấp ngã đau thương. Nhưng chẳng phải, đó mới chính là những điều đẹp nhất ở tuổi trẻ hay sao?
Thực hiện: Spiderum