Không hẳn là rời bỏ thị trường lao động mà là định nghĩa lại thị trường lao động
một thị trường lao động đang chuyển dịch
Hôm trước mình đọc được bài viết "Một thế hệ muốn rời bỏ thị trường lao động" của bạn Linh Vũ đăng trong mục Quan điểm - Tranh luận. Bài viết của Linh giống như một đoạn tâm sự dài vừa có háo hức vừa có băn khoăn về sự chuyển dịch của thế hệ mà Linh đang sống trong đó. Vì mỗi người có một thế giới quan và vòng tròn thông tin khác nhau nên mình không thực sự chắc chắn khi nhận định về cả một thế hệ nhưng mình vẫn muốn viết bài này như một góc nhìn khác dựa vào hiểu biết và quan điểm cá nhân, nhất là những bạn vừa mới bước vào thị trường lao động dù theo cách truyền thống hay không. Mình không nghĩ là tất cả chúng ta đều muốn rời bỏ thị trường lao động mà với quan sát của mình, mình thấy đó là sự định nghĩa lại thị trường lao động.
Cảnh báo: Đây là một chiếc bài nhiều chữ; không phải một bài viết phản bác, tranh luận và chủ yếu kể chuyện, liệt kê thông tin theo trí nhớ riêng nên rất lười để trích nguồn nhé (nhưng nếu hỏi thì chắc vẫn có thể mò lại được hihi) :>.
Định nghĩa "thị trường lao động" và sự thay đổi khái niệm "người lao động"
Nói về định nghĩa "Thị trường lao động", ngày trước khi học Quản trị nhân lực, mình nhớ nó là một cụm từ chỉ nơi người có khả năng mua sức lao động và người có sức lao động gặp nhau rồi thỏa thuận với nhau về việc sử dụng sức lao động của người lao động. Tất cả các bài tập tính toán cung - cầu lao động hay phân tích của môn đó đều chỉ ghi nhận việc sử dụng sức lao động thông qua hợp đồng lao động với các điều khoản về quyền, phúc lợi và nghĩa vụ của bên mua sức lao động và người lao động. Thế nên, hồi đó mình và các bạn trong lớp đều mặc định: Đi làm cho doanh nghiệp, có hợp đồng, quy định về lương, có bảo hiểm rõ ràng thì mới là tham gia thị trường lao động. Tất nhiên, khái niệm người lao động cũng được hiểu là những người tham gia thị trường lao động với các điều kiện trên. Nói chung thì hồi đó mình cũng không quá bận tâm đến những khái niệm này cho đến khi được làm việc trong một tập thể cực kỳ đề cao quyền lợi của nhân viên, mình được các đồng nghiệp, sếp giải thích từng li từng tí về các phúc lợi, các điều khoản, khái niệm và hhehee, về cả hoàn thuế (thứ mà trước đây hoàn toàn biến mất trong từ điển của mình).
Luật lao động năm 2012 có 4 yếu tố để nhận diện người lao động bao gồm: Độ tuổi (đủ 15 tuổi trở lên); có khả năng lao động; làm việc theo hợp đồng lao động và cuối cùng là có nhận lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Đến đầu năm 2021 thì định nghĩa đó đã giản lược đi yếu tố: làm việc theo hợp đồng lao động và điều chỉnh các yếu tố còn lại. Người lao động là từ 15 tuổi trở lên, làm việc theo thỏa thuận, có nhận lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Theo quy định mới này thì không phụ thuộc vào tên gọi của hợp đồng mà hai bên ký kết, miễn đảm bảo các tiêu chí sau sẽ được xác định là hợp đồng lao động: Nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương; Một bên chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của bên còn lại. Từ đó, các hợp đồng cộng tác viên, tư vấn viên, sử dụng dịch vụ cá nhân,... ngoài quy định về thuế, cũng bắt buộc phải lưu ý các điều khoản về bảo hiểm và các quyền lợi, nghĩa vụ khác. Mình không biết các công ty khác thì như thế nào nhưng cơ quan mình là nơi tuân thủ rất nghiêm ngặt điều này, nhân viên, thực tập sinh, cộng tác viên, tư vấn viên,... đều được hướng dẫn, giải thích rất kỹ để kiểm tra hợp đồng trước khi kí theo Luật mới.
Chúng mình không muốn và cũng không dễ rời thị trường lao động lắm đâu
Như giải thích ở trên, một người như mình (đang ký hợp đồng cộng tác với các công ty truyền thông, cơ quan cũ nhưng hoạt động như một người làm việc tự do), con bạn mình (đang kinh doanh online nhưng có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tư cách cá nhân cho một doanh nghiệp) hay những người mình biết khác (đang ký hợp đồng tư vấn viên thiết kế cho các công ty thời trang nhưng không là nhân viên của họ; đang làm một KOL nhưng ký hợp đồng hợp tác với công ty quản lý; đang hoàn thiện cuốn sách thứ 3 với đơn đặt hàng của nhà xuất bản,...) đều được gọi là người lao động và tất nhiên, vẫn đang nằm trong thị trường lao động. Tất cả những điều này làm mình thay đổi hoàn toàn góc nhìn từ thời đi học rằng: phải đi làm nhân viên cho một doanh nghiệp nào đó, lương thưởng cố định mới là tham gia thị trường lao động.
Và với mình, đây là một góc nhìn đầy đủ hơn hay đúng ra là tái định nghĩa về một thị trường lao động linh hoạt, bảo vệ quyền lợi của những người lao động và bên sử dụng lao động hiệu quả hơn. Đã không ít lần các bạn cộng tác viên, tư vấn viên mình biết sướng rơn khi được đi hoàn thuế, được đóng bảo hiểm dù hợp đồng kéo dài 3 tháng, 6 tháng. Cơ quan mình với sự minh bạch trong các hợp đồng nhỏ nhất cũng dễ dàng hơn khi báo cáo chứng từ với nhà tài trợ, thoải mái hơn khi đốc thúc tiến độ công việc với các bạn tư vấn viên, cộng tác viên cá nhân đó. Bà chị bán thực phẩm chức năng cho mình còn bảo: "Từ khi chị nghỉ việc về làm cho bên này không có cảm giác ràng buộc nhưng vẫn thấy rất chắc chắn, công ty có hợp đồng đàng hoàng, có cam kết đào tạo, có đội nhóm, chị thấy mình tự do nhưng phát triển hơn nhiều." Mấy đứa đồng nghiệp cũ của mình là dân sáng tạo, thay vì đi làm cho một creative agency, chúng lập nên một nhóm, tạm gọi là collective mà ở đó các thành viên sẽ cùng nhau làm job, một đứa UI/UX Designer sau 1 năm đã kiêm luôn làm kế toán, một đứa khác chuyên về Research kiêm luôn làm account suốt ngày "đi khách". Chúng nó chỉ có 5 đứa nhưng làm việc chuyên nghiệp rõ ràng.
Mình và nhiều đứa bạn khác đã từng gap year luôn đồng tình với suy nghĩ: Thực ra bọn mình éo muốn nghỉ việc đến thế. Bọn mình muốn được làm một cách tự do hay như bạn Linh Vũ viết trong bài là "làm chủ". Nhưng đúng ra là làm chủ mà không có nhân viên. Tối qua hội các chủ xốp, freelancer hề hước bọn mình đang bàn nhau về khủng hoảng phát triển, những đứa làm một mình đều kêu mệt ị rồi phải thuê trợ lý hay cộng tác viên thôi. Thế nhưng bọn nó lại đau đầu với việc làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của các bạn ấy, làm thế nào để không cần nói nhiều mà các bạn vẫn làm tốt việc, làm thế nào để trong cái lúc bận rộn cuối năm và hậu dịch này vẫn có thời gian để đẻ ra một chiếc JD đủ hấp dẫn, rõ ràng? Đấy, dù nghỉ việc hay không nghỉ việc thì vẫn đau đầu thôi vì còn thở là còn phải kiếm ăn mà. Chưa kể, thời gian gap year của mấy đứa mình thường là nghỉ ngơi đúng nghĩa chứ không phải làm này làm kia gì cả nên chúng mình thích lao động lắm. Gap year nằm ì, chơi hết trò này, nghịch hết trò khác, học hết cái này rồi lại đến cái khác cho đến một ngày đứa nào cũng đến giai đoạn: Thèm cháy, thèm bận, thèm làm, thèm vất vả quá. Mình nghĩ vượt xa khỏi nhu cầu cơm áo gạo tiền, chúng mình đều có nhu cầu được phát triển, được cống hiến, được chứng minh bản thân, trước là cho mình sau mới là cho xã hội. Nên chúng mình có lẽ là những đứa nằm ngoài nhận định: chỉ đi làm hôm nay nếu ngày mai được nghỉ việc. Giai đoạn đó của mình thực sự rất ngắn ngủi vì hầu hết thời gian đi làm mình rất chiến chiến cháy cháy =)) Đó là giai đoạn mình đầu quân cho một creative agency mơ ước hồi sinh viên nhưng khi vào làm thì phát hiện các mục tiêu và cách làm việc không đồng nhất với hướng đi của mình. Tuy nhiên, vì suy nghĩ: bỏ cuộc sớm thì hèn, cố thêm chút nữa xem sao, mình cố gồng được vài tháng rồi đến vài tháng sau lê lết làm việc trong khi đầu luôn thắc mắc: Tại sao mình phải làm tất cả những điều này? Và khi quay lại lý do bắt đầu, mình thấy mình đã cách nó một đoạn quá xa, mới dám dừng lại.
Chúng mình có cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, làm xã hội thụt lùi?
Có một thời gian mình đã rất ác cảm với các KOL, những mẹ bỉm suốt ngày livestream bán hàng. Bác mình luôn bảo: Cái nghề ca kỹ là xướng ca vô loài, con buôn thì muôn đời làm con buôn không ai trân trọng. Nhưng bây giờ thì mình tin rằng, chẳng có công việc nào là thượng đẳng hơn công việc nào. Xã hội phát triển thì nhất định sẽ phát sinh nhiều nhu cầu và càng nhiều nhu cầu thì sẽ cần một nhóm người, một tầng lớp đảm nhiệm vai trò cung ứng để thỏa mãn nhu cầu đó. Bạn mình đang bán khung tranh ảnh kỷ niệm. Sau khi nhận được giải nhân viên xuất sắc nhất của công ty, nó không thấy vui. Nó hỏi tại sao tại sao tao lại buồn khi đạt được thứ tao muốn nhỉ? Rồi nó nhận ra công việc của nó mỗi ngày thật sự thừa thãi: Nó làm cho một trang mạng xã hội, vô số thông tin, chiến dịch một chiều, nhồi nhét vào đầu người dùng để chạy các con số đẹp với nhà đầu tư. Nó thấy mình làm người dùng đau đầu, quay cuồng và áp lực. Nó đang được ghi nhận cho một việc nó không thấy có giá trị thực sự. Và vượt lên những thiên kiến về sự ổn định mà bố mẹ để lại, vượt lên niềm tin: đi làm nhân viên thì mới là đi làm, nó quyết định làm một công việc khác. Nó làm các sản phẩm quà tặng cá nhân hóa, thu nhập bây giờ cao gấp 3 lần ngày trước, thời gian làm việc cũng gấp rưỡi nhưng nó vui (đúng ra là tuy hơi trĩ với đau mắt nhưng vui - theo lời nó bảo). Và vui là thứ nó ưu tiên. Nó tự bảo: Giá trị của tao là niềm vui và nó đã sống đúng như vậy. Nhiều lúc chỉ cần gặp, ngồi cạnh, nghe tiếng cười, nhìn cái lườm điêu của nó mình và lũ bạn đã hạnh phúc. Chúng ta có các bạn KOL để đáp ứng những nhu cầu giải trí, học hỏi, cảm hứng. Chúng ta có các người bán hàng để mua hàng thuận tiện và đa dạng hơn. Chúng ta có những nhà khoa học để đáp ứng nhu cầu phát triển. Dù đôi lúc mình cũng tự hỏi: Xã hội phát triển, đi lên với các phát minh, nghiên cứu thật nhưng sự phát triển chúng ta luôn nói đến có thực sự là mục tiêu phục vụ cho loài người hay chỉ là tuyên ngôn mị dân "làm nữa, làm mãi" để phục vụ cho một nhóm đặc quyền rồi mới đến ta? Nhưng dù sao thì cũng không thể phủ nhận là nhiều sáng kiến đã thay đổi nhiều mảnh đời và minh tin lĩnh vực nào cũng có giá trị & hạn chế, không có cao-thấp, không có đúng - sai.
Thậm chí khi làm ở cơ quan cũ, tiếp cận với khái niệm unpaid care work (những công việc chăm sóc không lương - nôm na là việc nhà), mình còn nhận ra: Hóa ra xã hội không chỉ có lao động sản xuất (productive labor) mà còn cần có lao động tái sản xuất (reproductive labor). Các chiến dịch về unpaid care work chủ yếu hướng đến việc ghi nhận sự đóng góp của nhóm này trong sự phát triển của xã hội và cải thiện các yếu tố bất bình đẳng giới còn tồn tại của nhóm. Các nghiên cứu đều chỉ ra nữ giới đang dành nhiều thời gian hơn cho các công việc này mà không được ghi nhận. Nếu không có người lo việc nhà, làm sao chúng ta được tái tạo sức lao động sau thời gian lao động? Mặc dù các chiến dịch không nhằm mục tiêu biến unpaid thành paid nhưng tập trung rất rõ cho việc ghi nhận các công việc đó như một động lực thúc đẩy xã hội, cần được bảo vệ bằng pháp luật. Cô giúp việc nhà mình làm theo ngày, lương cứng là 5 triệu, mỗi tuần 2 buổi, lễ tết đều có quà, có thưởng. Dù mình có lau dọn sạch đến đâu thì sau 4 tiếng cô làm, nhà mình như được khoác áo mới. Cô hay đùa: Nghề của cô mà lị. Sạch bong kin kít kkk. Cô nhận 5 nhà, thu nhập mỗi tháng là 25 triệu nhưng vì không có nghề nghiệp và các quy định cụ thể nên khi mua nhà định cư Hà Nội, cô rất vất vả trong việc chứng minh thu nhập, nghề nghiệp của bản thân. Mình không nhớ chắc chắn nhưng bảo mẫu ở một quốc gia nào đó được quy định như một công việc có hợp đồng rõ ràng, có bảo hiểm và tất nhiên được ghi nhận là một động lực phát triển xã hội ở vai trò tái tạo sức lao động. Mình nghĩ mỗi người sẽ có một thế mạnh, một vai trò nào đó trong sự phát triển xã hội nhưng quan điểm đề cao quá công việc lao động sản xuất làm chúng ta vô tình đánh giá không thỏa đáng về những công việc tái tạo sức lao động và đó chính là nguyên nhân dẫn đến những bóng ma công sở, thừa mứa lao động ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ chính thống.
Như mình đã nói ở trên thì chẳng lựa chọn nào là hoàn hảo, chẳng lựa chọn nào thực sự cho ta sự hưởng thụ trọn vẹn kể cả việc đi làm cho một doanh nghiệp hay làm việc tự do thì chúng ta cũng không thoát khỏi vòng lao động đâu. Những hình ảnh hưởng thụ chúng ta thấy hay nghĩ đến là mặt bề nổi của vấn đề mà thôi. Lên Đà Lạt mở quán cafe thì sống chill á? Không, mở một quán mà không có hệ thống quản lý, không có tên tuổi sẵn, không có chiến lược thì được vài tuần hết chill ngay. Mình có một đứa em, một bà chị bỏ Sài Gòn về Đà Lạt nhưng bên cạnh kinh doanh homestay, quán cafe rất chuyên nghiệp, có hệ thống, hai người còn năng nổ đi tìm các đối tác để cải tiến, mở rộng mô hình và cả điều chỉnh mô hình để tự động hóa và linh hoạt thích nghi. Bà chị trong mùa dịch biến homestay thành cơ sở sản xuất, nghiên cứu kinh doanh các sản phẩm nông sản, cải tiến nông sản của người dân địa phương trong khi đó đứa em vẫn duy trì đều đặn các danh mục đầu tư chứng khoán, tiền điện tử, đất đai của nó. Nó còn thuê một lô đất đang giá rẻ để thử canh tác theo phương pháp mới mà nó nghiên cứu. Tất cả đều vẫn lao động, vẫn hưởng thụ thành quả của họ.
Nên hưởng thụ mình nghĩ không có gì là xấu, hưởng thụ mà không chịu đánh đổi mới là điều quan ngại và chúng mình không chọn làm điều đáng ngại đó. Nói đánh đổi thì cũng hơi nặng nhưng làm gì cũng có chi phí cơ hội, cân đối giữa chi phí và lợi nhuận là bài toán không chỉ nằm trong lĩnh vực kinh tế học vì kiểu gì thì từ giờ đến lúc chết đi chúng mình cũng là kết quả của một chuỗi lựa chọn có cân nhắc (hoặc không) mà thôi. Chúng mình biết điều quan trọng là chấp nhận rằng hưởng thụ cũng là một ưu tiên và khi chọn nó là thứ ưu tiên, sẽ có nhiều nhu cầu khác bị xung đột nặng hoặc nhẹ. Nhưng hưởng thụ là cách ta chọn tận hưởng cuộc sống với cả sự bất như ý của nó, là học yêu công việc mà bản thân cảm thấy vất vả, là cảm nhận mọi khoảnh khắc kể cả lúc nghỉ ngơi lẫn lúc lao động. Dù chưa thuần thục lắm nhưng mình đang học idol aka sếp cũ về việc yêu công việc mình làm. Khi được làm công việc mình thích, mình chăm bẵm nó, toàn tâm toàn ý nghĩ về nó, không còn ranh giới work-life mà chỉ còn work is a part of life. Chúng mình chấp nhận không tách rời công việc và tận hưởng. Đôi lúc vì được làm công việc mình yêu nên lúc làm cũng là lúc chơi và lúc chơi cũng là lúc làm, bao nhiêu ý tưởng nảy ra, bao nhiêu giải pháp được triển khai chỉ vì chúng mình chọn trọn vẹn và vô tư quan sát mọi chuyển động của cuộc sống. Chị mình đang đi thi Young Marketers năm nay và bà ấy đã thở ra một câu rất thấm thía cho đề thi vòng loại: Bài học lớn nhất về mùa dịch của mình là sống thiết tha hơn, mọi câu trả lời sẽ đến! Đây không phải kiểu sống thiết tha theo hướng hết mình, làm mọi thứ mình muốn theo YOLO một cách cực đoan. Vì chúng mình biết chúng mình chỉ sống một lần trong đời nên nguồn lực của chúng mình có hạn. Thời gian, sức khỏe, các mối quan hệ xã hội, tài chính, năng lực,... không thể là vô hạn với một người biết sẽ có ngày chết đi được. Và vì không vô hạn nên chúng mình chọn cách tối ưu hóa thay vì tung hê hết cả lên. Đó mới là tinh thần YOLO mà chúng mình chọn nương theo: Làm thế nào để trong quãng thời gian nhất định, tôi phát huy HẾT SỨC được năng lực cá nhân nhưng vẫn đảm bảo Ở MỨC CƠ BẢN được tài chính, sức khỏe thể chất, tinh thần và các mối quan hệ? Rồi đến một giai đoạn khác, làm thế nào để tôi trang bị sự VỮNG VÀNG HẾT SỨC về tinh thần lẫn thể chất nhưng vẫn DUY TRÌ CƠ BẢN những nhu cầu kia?
Nên nói về công việc, quan trọng không phải là chọn gì mà biết mình muốn gì hay đúng ra là dùng góc nhìn thực tế thay vì mơ mộng để mà chọn thứ ưu tiên. Nhiều bạn bé (và cả bạn lớn) hỏi mình là: Chị ơi em hợp ngành gì? Bạn ơi mình nên ở lại công ty hay về kinh doanh đây? Mình chỉ hỏi bạn ấy thực sự muốn gì thôi? Nếu không biết mình thực sự muốn gì thì ghi ra giấy tất cả các nhu cầu pop-up lên trong 1-2 ngày hoặc 1 tuần, ghi hết ra. Thực ra nếu muốn biết mình muốn gì thì nên trải nghiệm nhưng trong điều kiện chưa cho phép để trải nghiệm thì cứ tự hỏi bản thân trong khuôn khổ hiểu biết có sẵn đã. Danh sách các nhu cầu đó có thể dài 10 dòng, 100 dòng nhưng ít ra là bạn đã không mơ mơ hồ hồ đặt trong đầu mà diễn giải nó được rồi. Giờ thì mình sẽ ngồi xuống, so sánh từng nhu cầu 1 theo kiểu loại trừ, giữa nhu cầu A và B thì thích cái nào hơn, nếu thích B thì giữa B và C muốn ưu tiên cái nào hơn, rồi vẫn chọn B thì giữa B và D chọn cái nào nữa? Cứ như thế cho đến hết wishlist, bạn sẽ chọn ra được 2-3 ưu tiên hàng đầu trong ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn (tùy bạn). Từ khi biết đến khái niệm precarity (tính bấp bênh) thì mình chú yếu chỉ chọn trung hạn hehee. Cuộc đời mình là con đường với những ổ gà, ổ voi rồi nên thôi không chắc về dài hạn lắm đâu.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất