Công việc có định nghĩa con người bạn?
Mình mới xem một video trên Youtube có tựa đề "My Job Does Not Define Me", tạm dịch là "Công Việc Của Tôi Không Định Nghĩa Con Người Tôi". Mình thấy có những luận điểm hay, đáng suy ngẫm nên ghi lại vài dòng.
Mình mới xem một video trên Youtube có tựa đề "My Job Does Not Define Me", tạm dịch là "Công Việc Của Tôi Không Định Nghĩa Con Người Tôi". Mình thấy có những luận điểm hay, đáng suy ngẫm nên ghi lại vài dòng.
1. Công việc không định nghĩa bạn
Hầu hết chúng ta đều có định kiến về một nghề nghiệp nào đó. Ví dụ nghề bác sĩ, luật sư thì cao quý và đáng trân trọng hơn công nhân quét rác. Khi ta nói chuyện với người lạ lần đầu tiên, câu hỏi tưởng chừng như đơn giản "Bạn làm nghề gì?" hoá ra không đơn giản như ta nghĩ. Câu trả lời làm thay đổi cuộc trò chuyện một cách âm thầm mà đôi lúc ta chẳng nhận ra. Mà cũng phải, nói chuyện với chủ tịch tập đoàn X đâu có giống nói chuyện với nhân viên quèn của cửa hàng Y.
Khoan khoan, có gì sai sai ở đây. Tại sao nói chuyện với chủ tịch lại khác với nói chuyện với nhân viên quèn? Mục đích của cuộc trò chuyện này là gì?
Chúng ta phân loại người khác dựa trên công việc mà họ làm. Có những việc được xem là sang trọng và cao quý hơn những việc khác. Nhưng dựa vào đâu? Dựa vào đóng góp cho xã hội của từng công việc? Vậy đóng góp đó được đo lường như thế nào? Bằng tiền, nghề nào làm ra được nhiều tiền hơn thì đóng thuế nhiều hơn. Vậy một bạn sale bất động sản sẽ đóng góp cho xã hội nhiều hơn một bác sĩ hoặc một giáo viên? Hmm có vẻ như đóng góp của mỗi ngành nghề cho xã hội không thể đo lường được. Okay vậy kiếm cách khác.
Giờ ta phân loại dựa theo độ khó của công việc. Có những việc khó hơn những việc khác. Bác sĩ giải phẫu, kĩ sư hàng không vũ trụ và CEO là những người làm công việc cực kì khó. Vậy nên họ xứng đáng được trân trọng hơn những người làm công việc khác? Mà như thế nào là khó hơn? Công việc liên quan đến trí tuệ sẽ khó hơn? Vậy là Elon Musk đáng trân trọng hơn Cristiano Ronaldo? Hmm cách phân loại này có vẻ cũng không ổn.
Mà tại sao lại phải phân loại công việc theo mức độ cao sang? Nếu ai cũng muốn làm những việc mà xã hội cho là cao quý thì ngoài đường toàn giáo sư, bác sĩ, kĩ sư hết hay sao. Rồi ai làm rapper, ai làm dancer, ai làm thợ cắt tóc. Rồi ai bán hột zịt lộn, ai bán bánh tráng trộn đây?
Mỗi người có một thế mạnh và sở thích công việc khác nhau. Việc ta đánh giá người khác dựa trên định kiến của ta về công việc họ làm là hoàn toàn sai. Tất cả công việc hợp pháp đều đáng trân trọng dù đó là việc gì đi chăng nữa.
Thứ định nghĩa nên mỗi chúng ta không phải là công việc, mà là sự tử tế và sự chân thành.
2. Công việc chỉ là thứ phải làm
Bạn tốt nghiệp Đại Học và có một công việc trong mơ ở một công ty lớn. Bạn yêu công việc của bạn và bạn thấy tự hào. Chúc mừng bạn nhưng không phải ai cũng có may mắn như bạn. Mỗi người có một câu chuyện và hoàn cảnh khác nhau.
Có thể họ không được học Đại Học. Có thể họ tốt nghiệp Đại Học nhưng cuộc đời muốn viết cho họ một câu chuyện khác. Hoặc có thể họ không được đi học luôn. Nhưng họ vẫn phải làm gì đó để kiếm sống, để tồn tại.
Có thể họ thích công việc họ đang làm, có thể không. Nhưng họ vẫn sẽ phải dành 8 tiếng một ngày cho công việc đó. Tuy nhiên nó không nói lên điều gì về con người họ cả. Đối với họ, đó chỉ là một việc phải làm mà thôi.
Tất nhiên, họ vẫn có những sở thích và niềm vui khác. Họ vẫn có những tính cách và thế mạnh khác. Những thứ làm nên con người họ, chứ không phải cái mà họ đang làm 8 tiếng mỗi ngày.
3. Công việc không đáng để đánh đổi
Nếu ta xem công việc của ta là thứ định nghĩa nên con người ta. Nếu ta cho phép công việc trở thành một thứ quan trọng trong đời. Thì ta sẽ dễ bị sa vào tình trạng tham công tiếc việc. Ta sẽ dễ hi sinh những thứ khác quan trọng hơn nhiều.
Ta sẽ hi sinh gia đình cho công việc. Thay vì cuối tuần quây quần sum họp với con cái, ông bà thì ta lại dành thời gian đó cho công việc. Ta hi sinh các mối quan hệ. Và tệ hơn nữa, ta đánh đổi sức khoẻ của chính bản thân mình.
Công việc cuối cùng vẫn là ... công việc. Ta làm việc chỉ để gia đình, người thân, và con cún của ta có một cuộc sống tốt hơn. Ta làm việc để chính bản thân mình có một cuộc sống tốt hơn.
Công việc chỉ là công cụ để ta đạt được mục đích. Nhưng ta lại đánh đổi và hi sinh mục đích để phục vụ công cụ.
4. Công việc chỉ là trải nghiệm
Nếu ta xem công việc chỉ là một thứ mà ta phải làm như phải ăn, phải tắm, phải đánh răng. Thì ta sẽ thấy nó rất bình thường. Chỉ cần nó mang lại thu nhập ổn để ta nuôi được bản thân và gia đình, thì công việc nào cũng là việc tốt.
Cuộc đời vốn dĩ là một cuộc dạo chơi khám phá. Nếu ta xem công việc là thứ gì đó quan trọng quá, thì ta khó mà thay đổi và có nhiều trải nghiệm được.
Bạn đang làm bác sĩ của một bệnh viện lớn, dù bạn rất thích, rất muốn, nhưng bạn có dám bỏ nghề bác sĩ để đi làm ca sĩ hay không? Hoặc nếu bạn đang làm giám đốc công ty, thì bạn có dám đi theo tiếng gọi con tim để đi làm một bartender? Giả sử thu nhập không suy giảm, thì vẫn sẽ rất khó nếu bạn tự dán nhãn bản thân vào công việc bạn làm.
Bạn sợ địa vị xã hội của bạn sẽ giảm sút. Bạn sợ người khác sẽ có cách nhìn khác về bạn. Hay bạn sợ chính bản thân bạn sẽ có cách nhìn khác về mình?
Công việc và bạn là hai thứ tách biệt nhau. Phân định rạch ròi giữa hai thứ đó sẽ giúp bạn ra quyết định dễ dàng hơn khi bạn muốn thử một công việc khác. Sự thay đổi ấy sẽ giúp bạn có nhiều trải nghiệm hơn và hiểu bản thân mình hơn.
Và đó là điều quan trọng nhất: bạn thấy vui vẻ và bạn hiểu chính bản thân mình.
5. Kết
Suy nghĩ theo một hướng nào đó thì mình đồng ý. Nhưng nếu suy nghĩ theo một hướng khác thì mình không đồng ý với những luận điểm trên.
Mình sẽ viết suy nghĩ của mình theo một hướng khác ở bài tiếp theo.
Những ngành nghề nhắc đến trong bài viết chỉ mang tính chất minh hoạ. Bài viết không có ý xúc phạm bất kì công việc nào.
Link video: https://www.youtube.com/watch?v=cXsL_B3aayE
Đăng lại trên spiderum từ bài viết gốc tại phamhoaivu911.com.
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất