Mình sang Úc du học năm 2013, tính tới nay cũng được gần 10 năm sinh sống và làm việc ở Úc rồi. Không thể phủ nhận rằng qua Úc, từ việc học tập, đi làm cho tới sinh sống đều có những cái làm mình rất thích, nhưng bên cạnh đó cũng có những góc tối của DHS Việt ở bên này mà muốn chia sẻ với mọi người ở nhà để thấy được rằng cuộc sống bên này không phải lúc nào cũng màu hồng.
Du học sinh qua Úc thường thuộc hai nhóm tuổi: sang học cấp trung học, và sang học ĐH.

DHS Trung Học

Thường các em học cấp trung học (từ lớp 7 tới lớp 12) do dưới 18 tuổi nên buộc phải dùng dịch vụ homestay, tức là ở với ai đó là người lớn (adult) để người đó làm người bảo trợ (guardian). Ở bên này các em hay gọi là ở với host. Đa phần mọi người do không có người quen bên Úc nên thường nhờ trường tìm host cho, và đa phần host trường tìm cho đều là gia đình người Úc (có thể là để tăng khả năng giao tiếp cho các em chăng?).
Việc ở với người lạ vốn đã nhiều phức tạp, ở với một người thuộc nền văn hóa khác còn phức tạp hơn. Nói riêng về đồ ăn thôi là đã thấy không hợp khẩu vị. Nhiều em không hợp với đồ ăn của Tây như cheese thậm chí còn bị dị ứng, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và học tập. Không hiếm người đăng ký làm host không phải để giúp đỡ du học sinh, mà thuần túy chỉ là để kiếm thêm thu nhập, vì vậy việc thay đổi menu đồ ăn hay đáp ứng những nhu cầu riêng của du học sinh là hầu như không có. Nếu du học sinh có phàn nàn lên trường thì trường cũng chỉ tìm một người khác cũng không khá hơn là mấy. Có nhiều câu chuyện như bị nhà chủ toàn cho ăn đồ ăn nhanh, hoặc giới hạn thời gian tắm, hoặc toàn làm ồn không cho các em không gian học v..v... được kể lại mà thực sự thấy thương các em. Chi phí ở với host khá đắt so với thuê nhà riêng bên ngoài và tự nấu ăn, nhưng vì dưới 18 tuổi nên các em không thể làm gì khác. Cộng với việc tiếng Anh còn chưa tốt, kinh nghiệm sống không có, muốn đi hỏi cũng không biết hỏi ở đâu, nên rất nhiều em du học sinh trung học bên này chỉ còn biết bấu víu vào nhau để cùng đợi qua 18 tuổi.
Không thiếu những câu chuyện thế này trên group HSV ở Melbourne.
Không thiếu những câu chuyện thế này trên group HSV ở Melbourne.
Cho những ai thích hóng drama
Cho những ai thích hóng drama
Mặt khác, được ở với người quen cũng chưa chắc đã sướng hơn. Tuổi teen là tuổi mà rất cần sự tinh tế ở người lớn trong việc nuôi dạy và giao tiếp. Đến ngay cả bố mẹ mình còn gặp nhiều ức chế khi phải nuôi dạy mình vào tầm tuổi này. Vì vậy, dễ hiểu là khi ở với người quen, nhiều mâu thuẫn dễ xảy ra. Nhiều bố mẹ ở VN gọi-là có "người quen" ở bên Úc vì là người quen của người quen, hay kiểu trước đây từng qua lại nhưng lâu lắm rồi không hỏi thăm, giờ có việc mới nhờ tới. Hoặc tâm lý là cứ có người Việt ở cùng là được nên có khi không biết họ là người thế nào, cứ có người giới thiệu là thẩy con vào. Những mối quan hệ kiểu này rõ ràng là không có sự gắn kết cũng như cam kết chăm sóc tận tình. Những "người quen" kiểu này vẫn sẽ nhận tiền ăn, tiền thuê nhà như bình thường nhưng được cái là "cùng là người Việt" và lời hứa "sẽ giúp đỡ em hết mình", nhưng sang tới nơi thì sống chết mặc bay, thích làm gì thì làm, vì dù gì cũng có phải là thân thiết gì đâu. Nếu là người quen kiểu họ hàng gần thì lại gặp phải chuyện lối sống không hợp nhau, người lớn thì bắt trẻ con phải làm theo ý họ, không được là gọi về mắng vốn bố mẹ, thay vì từ tốn giảng giải cho các em như con cái trong nhà. Nhiều khi người họ hàng này lại có cửa hàng, thế là tự động mặc định các em phải giúp, không làm không công thì cũng bị trả lương rất thấp vì "giúp người thân trong nhà thôi mà", nói thẳng ra thì là bóc lột. Nếu các em có gọi về mách bố mẹ ở VN thì bố mẹ do sợ con ra ở riêng thì không có ai giúp đỡ, gặp rắc rối nên cứ hay bảo con nhịn đến bao giờ quen thì thôi. Thế là càng làm các em đang tuổi bỡ ngỡ, tới VN còn chưa tìm hiểu hết đã phải làm quen với một đất nước mới, thêm phần ức chế, thậm chí trầm cảm. Chẳng may mà "người quen" là tội phạm như trồng cần thì lại còn dễ đưa các em vào con đường tội lỗi.
Việc du học sinh đi làm trả tiền mặt để được làm nhiều giờ thì mình từng nói tới ở bài Những điều các trung tâm du học không nói khi đi du học Úc . Tuy nhiên trong bài đó, mình chưa nói tới việc các em dhs trung học dùng tiền thế nào. Do không có bố mẹ quản chặt, host thì không thèm quan tâm, cộng thêm với việc có quá nhiều stress từ việc ăn ở tới việc học ở trường, nên các em bên này tiếp xúc với rượu bia khá sớm. Đành rằng để mua bia rượu thì các em phải trình ID chứng minh tuổi nhưng vẫn có nhiều cách "cửa sau" khác để các em có thể mua được chúng. Lương cơ bản của Úc khá cao. Ngay cả khi các em đi làm trả cash đi nữa thì nhìn chung lương của các em có thể dễ dàng kiếm được hơn $1000/tháng. Số tiền này có thể nói là khá lớn đối với học sinh trung học, nhất là khi các tiền ăn ở học khác là bố mẹ các em đã lo hết. Việc có một số tiền lớn trong tay + việc không có ai ở bên để dạy các em cách quản lý chi tiêu có thể nói là công thức kinh điển cho một thói quen chi tiêu bất hợp lý sau này.
Vấn đề cuối cùng mình muốn nhắc tới về nhóm đối tượng này là rào cản ngôn ngữ và văn hóa (vấn đề này cũng đúng với nhóm đối tượng dhs đại học luôn). Rất nhiều bố mẹ ở VN cho rằng cứ quẳng con vào một môi trường nói tiếng Anh như Úc thì con sẽ tự khắc sẽ giao tiếp bằng tiếng Anh được hiệu quả, sẽ nghe được và nói tiếng Anh như người bản xứ sau vài tháng. Để chắc ăn thì họ cho con học cả khóa tiếng Anh bên này luôn. Điều này rất sai lầm. Các khóa tiếng Anh bên này không dạy tiếng Anh từ nền tảng như cách học tiếng Anh ở VN. Chúng chỉ là mì ăn liền, dạy cho các em những từ và cụm diễn đạt nhất định trong những tình huống nhất định, không có ngữ pháp, công thức, không có giải thích, mà có thì cũng bằng tiếng Anh - thứ mà các em đang muốn học. Rất nhiều những khóa học kiểu này được tạo ra để các trường kiếm thêm tiền, bài tập thì cực kì dễ, mà các em có toạch thì họ cũng cho các em làm lại đến bao giờ qua môn thì thôi. Kể cả các em có nói tiếng Anh bồi, phát âm sai, ngữ pháp sai, nhưng nếu họ đại khái vẫn hiểu được thì họ vẫn cho các em qua. Mang tiếng là đầu ra "tương đương" IELTS 6.0-6.5, nhưng thực tế thì học xong các khóa học này, các em vẫn không hiểu được thầy cô nói gì trên lớp. Đọc sách báo bình thường đã gặp khó khăn chứ đừng nói là về nhà đọc lại sách giáo trình chuyên ngành. Rồi nếu các em dần hình thành thói quen nói tiếng Anh sai, hoặc mãi không thấy tiến bộ, thì các em sẽ chỉ giao lưu với các bạn cùng là người Việt ở trường, từ đó thì không những tiếng Anh càng không tốt lên, mà lại càng dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt hay chế giễu (không phổ biến, nhưng vẫn có).
Thêm vào đó, rào cản ngôn ngữ và văn hóa cũng khiến cho các em không tận dụng được những sự hỗ trợ từ nhà trường và giáo viên. Giáo viên có giảng thêm giờ mà các em không hiểu thì cũng vậy. Ngoài ra, vài đồng nghiệp của mình từng dạy ở các trường có nhiều dhs Việt và Trung Quốc từng nói rằng họ không thích dạy dhs châu Á bởi văn hóa save face (giữ thể diện). Vừa là giữ thể diện cho chính mình bằng việc giấu dốt, không hiểu bài nhưng không hỏi, khiến giáo viên không thể biết để mà giúp đỡ. Vừa là giữ thể diện cho thầy cô bằng việc luôn tỏ ra là kính trọng trước mặt thầy cô nhưng đằng sau có thể nói xấu họ. Họ nói học sinh Úc dễ xử lý hơn, vì nếu chúng không hiểu thì chúng hỏi ngay, có lười thì cũng lăn ra ngủ chứ không giả vờ ghi chép nhưng thực ra làm việc khác, có ghét giáo viên thì cũng hỗn ra mặt chứ không ép mình phải tôn trọng. Điều này mình xác nhận là đúng. Mình được 2 lần thực tập ở 2 trường có nhiều học sinh Việt. Trong quá trình thực tập, do hiểu văn hóa nước mình nên mình đã cố gắng truyền tải cho các em tư duy cởi mở, không sợ đặt câu hỏi. Tới gần cuối buổi thực tập, các em đã bắt đầu mạnh dạn nhờ mình giúp đỡ, nhưng cũng chỉ dám nhờ riêng hoặc hỏi rất nhỏ chứ vẫn chưa dám giơ tay hỏi trước lớp.

DHS Đại Học

Do được coi là người lớn rồi nên dhs bậc đh thường được giao nhiều trọng trách hơn. Nếu như dhs trung học chỉ phải cố lo tiền ăn ở là cùng thì nhiều dhs đại học phải làm sao để cover được cả tiền học phí. Điều này khiến các bạn dễ bị dẫn dụ vào những đường dây trồng cần, thường được đứng đầu cũng bởi người Việt.
Bài báo viết về vụ triệt phá đường dây trồng cần do người Việt đứng đầu.
Bài báo viết về vụ triệt phá đường dây trồng cần do người Việt đứng đầu.
Vì tiền nhận được trong việc trồng cần này rất nhiều, nhất là so với du học sinh, công việc cũng dễ, nên đã có không ít dhs bậc đại học sa ngã (dhs trung học thì nhát hơn).
Cũng chính vì dhs đh thường phải tự chi trả một khoản tiền lớn (tiền ăn ở, đi lại, học phí v...v...) nên rất nhiều bạn sang đây chỉ đơn thuần là tồn tại chứ không phải là sống. Tức là sang đây chỉ để đi làm bạt mạng, kiếm được bao nhiêu tiền thì đóng tiền học nuôi visa chứ cũng chẳng học. Số tiền còn lại thì chi trả sinh hoạt phí chứ khi đã làm 2-3 việc cùng lúc thì cũng chẳng có thời gian lẫn công sức đâu để đi chơi. Và cũng chính vì không có thời gian học cho tử tế nên con đường phát triển của các bạn ấy sau này gần như bằng không. Nếu xong khóa học mà vẫn chưa tìm được đường ở lại thì.....lại học tiếp. Lại tiếp tục làm bạt mạng và đăng ký những khóa học làm tiền để được ở lại hợp lệ.
Lý do nhiều người sang đây và làm như vậy là vì họ phải gánh vác trọng trách định cư (hoặc bố mẹ muốn họ định cư). Khi còn ở VN họ nghĩ rằng cứ đặt chân được tới Úc đi đã, cứ ở lại rồi tính sau. Nhiều người còn nghĩ rằng cứ ở lại lâu năm thì Úc tự cho thường trú (!?!?!). Chính bởi lối suy nghĩ "định cư dễ lắm" và hoàn toàn không có một kế hoạch gì cụ thể, đường lối rõ ràng nên các bạn dhs đại học kia mới rơi vào cái vòng luẩn quẩn bên trên, chứ ai biết rõ những điều kiện để xin định cư thì hoặc là biết còn cửa và cố gắng có ý nghĩa, hoặc là biết không còn cửa và về VN từ sớm. Khi mà học đã vớ vẩn thì công việc tử tế sẽ không xin được, đồng nghĩa với việc không có cửa để định cư, thì nhiều người, sau một thời gian gắng gượng, đã chọn tới con đường ở lậu hoặc kết hôn giả.
Ở lậu thì chỉ làm được những công việc trả cash, không được đứng tên mua những thứ đồ mà có lưu trữ hồ sơ trên chính phủ như xe cộ, nhà cửa hay mở tài khoản ngân hàng. Thậm chí ra bưu điện lấy đồ cũng không được luôn vì không có ID (nhưng nhiều người vẫn lấy được do nhân viên bưu điện chỉ nhìn hình trên thẻ chứ cũng không kiểm tra thêm. Người ở lậu có thể dùng cái ID hết hạn cũng có thể trót lọt). Mọi thứ đều phải giao dịch bằng tiền mặt hoặc nhờ ai đó đứng tên mở tài khoản hộ. Bản thân việc nhờ người khác đứng tên tài khoản cho mình đã là một điều mạo hiểm. Giả như mình có $10k trong tài khoản mà người kia dùng mất, hay thậm chí rút hết ra thì mình cũng không có cơ sở pháp lý nào để kiện, vì rõ ràng tài khoản là của người ta. Nhìn chung, cuộc sống người ở lậu, nếu nhờ được ai tin cậy mở tài khoản giúp thì cũng vẫn bình thường như bao người ở hợp pháp khác chứ không tới nỗi phải trốn chui trốn lủi, trừ phi là làm việc gì bị cảnh sát bắt được, bị hỏi ID thì lúc đấy mới tòi ra.
Góc tối của kết hôn giả là việc người nhận làm kết hôn giả là người nắm đằng chuôi. Những người đã phải tìm tới đường kết hôn giả thường là những người rất tha thiết được ở lại nhưng không còn đường nào khác. Điều này dẫn tới việc họ rất dễ bị lợi dụng, và ở nhiều trường hợp, họ chấp nhận bị lợi dụng miễn là để được ở lại. Không may gặp phải người vô đạo đức thì bên cạnh số tiền cam kết từ trước, cứ thi thoảng họ vòi thêm tiền này tiền kia, bắt làm cái này cái kia thì cũng phải chiều họ, nếu không họ hủy không làm hồ sơ nữa thì ở lại cũng không được mà đòi tiền họ cũng không xong, vì vốn giao dịch ấy là bất hợp pháp và cũng chẳng có giấy tờ gì chứng minh.
Phóng viên giả làm dhs có visa sắp hết hạn và được cò hôn nhân gạ gẫm
Phóng viên giả làm dhs có visa sắp hết hạn và được cò hôn nhân gạ gẫm
Rất nhiều dhs đại học là người đã có gia đình, có con, thậm chí là có một cuộc sống đầy đủ, một công việc tốt ở VN. Họ sang đây với nhiều lý do, nhưng đa phần đều là do bị mờ mắt bởi sự sính Tây, một cuộc sống màu hồng mà những người qua Úc du lịch tô vẽ nên. (Cũng có nhiều người lớn đã sinh sống ở Úc nhiều năm rồi nhưng có lẽ cũng vì sính Tây và có tâm thế coi thường VN nên mỗi khi về VN thì cứ tâng Úc lên tới giời và dìm VN xuống, khiến cho những người chưa sống ở Úc bao giờ bị mê hoặc, vứt bỏ tất cả để sang, rồi sang tới nơi, gặp khó khăn thì không thấy người họa sĩ kia đâu nữa). Mình biết không dưới 2 câu chuyện về hai gia đình, mà vợ chồng đưa nhau và cả con qua theo diện du học. Vợ đi học, chồng đi làm việc chân tay 12 tiếng/ngày mới đủ cover cho 3 người, con gửi nhà trẻ (rất đắt). Cứ vậy xoay sở 6 7 năm liền không có đường ở lại, lại quyết định làm đơn ly dị, mỗi người đi kết hôn giả với một người khác. Trong thời gian kết hôn giả đó đương nhiên vợ chồng không được ở chung. Hoặc có người khác thì 1 trong hai người phải về VN, để lại 1 người bên này kết hôn giả. Khi được hỏi thì những trường hợp thế này đều lấy lý do là "vì tương lai các con" nhưng thực ra ảnh hưởng lên tâm lý và sự phát triển của trẻ từ những quyết định kia là rất lớn và tiêu cực. Cũng có những dhs nữ do tin tưởng vào "tình yêu" và có thai với người bản xứ hoặc người đã định cư ở đây với hy vọng sẽ được bảo lãnh ở lại, nhưng khi có thai rồi thì không thấy ông bố đâu.
Những dhs đại học muốn định cư theo diện chính ngạch, tức là đi theo con đường học tập diện tay nghề, thì lại gặp phải những sự thay đổi xoành xoạch về chính sách định cư của chính phủ, chưa kể là để đạt được những điều kiện chính phủ đề ra cũng tốn không ít tiền bạc. Có những yêu cầu gần như là không tưởng, khiến họ buộc phải chuyển sang những bang khác, làm việc 2 năm ở đó rồi mới được chuyển tới bang họ mong muốn. Rồi có khi chuyển xong hết mọi thứ, ổn định cuộc sống ở bang mới thì chính phủ lại thay đổi luật, khiến họ không còn cách nào khác, đã đâm lao thì phải theo lao.
Rất nhiều dhs đại học với mong muốn định cư rơi vào hoàn cảnh ở thì không có đường, mà về VN mất hết mọi mối quan hệ làm ăn ở VN, hoặc vì đã bán bỏ hết tất cả trước khi sang nên về VN cũng không còn gì, đâm ra tiến thoái lưỡng nan. Mà nào có ai trong số những người sính Tây này lại muốn đăng lên mạng kể khổ ở trời Tây. Rất nhiều người trong số đó thường xuyên đăng ảnh khoe những khoảnh khắc tươi đẹp ở bên Úc chỉ để chứng minh cho mọi người thấy quyết định sang Úc của họ là đúng đắn, là "Tôi không sai", trong khi cuộc sống thực tế bên này thì khổ cực vất vả. Thực sự vừa thương vừa tội.

Lời kết

Dù là sang du học ở bậc nào thì mong các bậc phụ huynh và chính các em học sinh phải tìm hiểu thật kỹ, từ cách sinh hoạt hằng ngày cho tới con đường tương lai sau này. Muốn học xong rồi về thì sẽ có một con đường khác, mà để định cư thì có một con đường khác. Mà hai con đường này rẽ sang hai hướng khác rất xa nhau, với những cái giá phải trả cũng khác nhau. Đừng nghĩ rằng "Cứ sang Úc đã rồi tính sau". Phải xác định được mình sang để làm gì. Cũng đừng nghĩ rằng "Cứ học xong rồi về". Phải xác định được về thì làm được gì, phát triển như thế nào. Nếu quyết định sang, nên tìm tới những trung tâm du học uy tín, tốt nhất là có trụ sở ở Úc, vì họ có kinh nghiệm thực tế cuộc sống ở Úc, sẽ có nhiều lời khuyên sát thực hơn.
Cuối cùng, hãy có tiếng Anh thật tốt trước khi sang. Một khi có tiếng Anh thật tốt, cơ hội học tập và công việc của bạn sẽ không khác gì một người bản xứ cả.
Subscribe kênh Đàn Ông Học:
Đọc thêm: