Trong bài viết mới đây, Tornad đã có những lập luận chặt chẽ để dẫn đến kết luận về hiện trạng việc đọc và những nhận định sai lầm chúng ta đang cổ suý trong văn hoá đọc. Trước khi phản biện, dưới đây là một số ý chính mình nằm bắt lại:
  • Các sự kiện/hoạt động cổ vũ tinh thần đọc sách thời gian vừa qua là sai lầm, không cần thiết.
  • Nhà sách chỉ đang cố bán được nhiều sách, đồng thời truyền bá những tư tưởng sai lệch căn bản như "Lẩu sách"
  • Tầm quan trọng của nắm bắt thực tiễn, kiến thức nền tảng khi đọc sách
  • Độc giả đang "khát" sự chỉ dẫn về văn hoá đọc đúng nghĩa
Các lập luận đều hợp lý, chính xác và với tư cách là một người đọc chuyên tâm, mình hoàn toàn đồng ý với 3/4 luận điểm của Tornad, trừ luận điểm đầu tiên. Mình tin rằng, các sự kiện/hoạt động này là cực kỳ cần thiết đấy, nhất là với bối cảnh nền văn hoá trí thức thấp ở nước ta hiện nay. 

I. Bởi văn hoá đọc chỉ đúng với những người vốn dĩ đã đọc, và ở Việt Nam hiện nay thì tri thức đang đi xuống

Mình bắt đầu đọc như thế nào.

Mình bắt đầu đọc sách từ lớp 1, ngày nhỏ bố đi học xa nên mẹ mình đi làm hay nhốt ở nhà không cho ra đường, ngoài giá sách làm bạn, mình chẳng có gì cả, nên phải đọc. 
Mỗi dịp ngày lễ, bạn bè đồng trang lứa được mua đồ chơi mới, mẹ hay lai chị em mình tới hiệu sách và cho 50.000 "quỹ" để mua sách, nên phải đọc. 
Mình thi đại học thiếu 0,25 vào ngành Truyền thông, nhưng vẫn muốn đi làm ngành này, nên phải đọc. 
Mình bắt đầu với việc đọc, tìm đến việc đó do hoàn cảnh, do những mưu cầu về cuộc sống và việc đọc dường như trở thành điều tất yếu mà mình phải quen, phải gần gũi. Mặc dù vậy, bối cảnh xã hội hiện nay, không nhiều người rơi vào tình huống ấy: đọc chưa bao giờ trở thành một tinh thần chung.

"Đọc chưa bao giờ trở thành một tinh thần chung.

Tại sao cần những sự kiện "hô hào" về văn hoá đọc ở Việt Nam?

Thoạt đầu, mình cũng từng tỏ ý bất mãn về những sự kiện hô hào kiểu ấy. Đó là chuỗi những "Giờ trái đất" nhưng xả hàng tấn khí thải trong chính sự kiện gây nhiều tranh cãi mỗi năm. Chuỗi "văn hoá đọc" thì hầu hết là người vốn dĩ đã đọc, chia sẻ với những người cũng đọc từ trước đồng thời là dịp các công ty tha hồ xả sách chạy doanh số, liệu nó có mang lại kết quả thực sự nào?

Nhưng có có gây ảnh hưởng, tới những người không đọc. Và ít ra, nó đánh thức tinh thần tò mò dù ít dù nhiều ở những người lười đọc, điều có thể xem như bước đi đầu tiên. 

Bản chất của những sự kiện hô hào này, dù ở lĩnh vực nào suy cho cùng đều mang ý nghĩa của việc truyền thông và tác động vào tư tưởng của bộ phận lớn công chúng. Thật khó để thay đổi những sự lười nhác từ căn bản, nhưng ít ra nó tạo ra những bước đi đầu tiên. Cái "sai" trong những bước đi này, mà bộ phận "có văn hoá" nhìn ra, nếu nhìn ngược lại có thể xem như cách tiếp cận gần gũi hơn với bộ phận "chưa văn hoá". 
Với bạn bè lần đầu đọc sách, mình luôn khuyên đọc TNBS. Có thể nó không thực sự sâu sắc, nhưng ít nhất nó giúp những bạn này phá bỏ đi quan niệm "đọc sách buồn ngủ", trước khi tiếp thu được tinh hoa, người ta phải bắt đầu từ việc yêu thích cái đang làm đã. 
Ví dụ: Trong văn hoá đọc, với những người đọc chuyên tâm, các dạng sách self-help với kiểu lời khuyên "thế nào cũng đúng" được xem như loại sách vô bổ. Nhưng, đó là khi bạn đã đọc tới hàng chục cuốn sách self-help và có một cái nhìn tổng quát. Với những người chưa đọc sách, đôi ba cuốn self-help đầu tiên hoàn toàn có thể mang ý nghĩa tích cực trong việc phát triển sức mạnh tinh thần và gia tăng sự hứng thú, tìm tòi với sách vở-cơ sở cho những sự kiện phát triển tiếp theo. 
Nói cách khác, để nâng cao bình quân điểm văn hoá, việc chấp nhận bước đầu giới thiệu hệ thống 2,3 điểm cho người 0 điểm (chưa từng đọc sách) nếu được kiểm soát và định hướng đúng, hoàn toàn là giải pháp phù hợp, vì một mục tiêu chung. 

Hãy xem những người trí thức ở các sự kiện ấy như người dám dấn thân vì vực dậy nền trí thức chung

Liệu những trí thức tham gia vào quá trình chia sẻ của các sự kiện có hiểu được việc các chia sẻ của bản thân sẽ bị xem như đàn gảy tai trâu? Chắc chắn là có, nhưng nhờ  hiệu ứng đám đông như hiện nay, những ảnh hưởng ấy có thể được tận dụng để tác động tới bộ phận lớn người đọc. 
Bạn bè mình ở trường đại học không đọc sách. Hôm rồi nhờ sự kiện ngày sách, một người bạn đọc được một bài viết "inspire" từ một idol mà bạn ấy đã follow trên FB từ lâu tự tìm đến mình để hỏi xem đâu là sách hay để bắt đầu đọc. Sự thay đổi trong thái độ nghiêm túc chỉ nhờ một "status" của idol, rõ ràng những chia sẻ ấy dù hô hào nhưng những thay đổi dẫu không được thống kê, vẫn đang tạo ra ảnh hưởng tích cực trong quá trinh xây dựng văn hoá đọc. 

Và để phát triển văn hoá đọc, cần nhiều hơn những sự chung tay xây dựng, hô hào luôn chỉ là bước khởi đầu. 

II. Văn hoá "sách bìa cứng hay là tủ rượu cải biên", những nhà sách đang giết văn hoá đọc như thế nào?

Lớp 12, mình gặp "sư phụ" trong một quán cà phê ở quê nhà, sư phụ khi ấy là người duy nhất cầm trên tay quyển sách khi mọi người xung quanh trên tay là điện thoại. Quyển sách ấy sau này đã thay đổi nhiều quan điểm của mình về cuộc sống, đó là "Tự truyện Đường ra biển lớn-Richard Branson". Hôm rồi, mình đi mua lại cuốn ấy tặng một người em, chợt nhận thấy sự thay đổi trong văn hoá xuất bản: đó là sách bìa cứng hay là thay thế cho tủ rượu cải biên?

Tủ rượu là gì?

Xuất phát từ nền văn hoá thời phong kiến, các gia đình quyền quý thường trưng bày tủ rượu trong gian nhà như cách để thể hiện sự sang trọng, độ giàu có và đẳng cấp trong cuộc sống. Ngay cả ngày nay, các gia đình có điều kiện vẫn luôn ưu tiên xây dựng tủ rượu lớn ở phòng khách, thậm chí là làm hầm chứa rượu riêng để thể hiện sự đẳng cấp của mình. Bên cạnh nét quý phái và đẳng cấp, nhiều người chỉ trích văn hoá "trưng" này, bởi thứ trưng bày cũng có thể xem như những giá trị ta trân quý, việc trưng và tự hào về tủ rượu chẳng khác gì cách đề cao văn hoá rượu chè. 

Sự xuất hiện của văn hoá "Tủ rượu cải biên"

Mấy năm gần đây, sự nhận thức nhạy bén của người Việt đã giúp bộ phận lớn người dân nhận ra quan điểm chỉ trích này và dần thay đổi "tủ rượu" thành "tủ sách" nhằm thể hiện sự tôn thờ tri thức của gia đình. Công bằng mà nói, điều này vẫn thể hiện văn hoá phô trương đã ăn sâu vào gốc rễ của người Châu Á nhưng cũng có thể xem như sự tiến bộ trong cách nhìn nhận. 
Sự xuất hiện của những tủ sách này phần nào đã xây dựng nên những không gian trí thức 
Dù vậy, vấn đề là không phải ai cũng có thời gian đọc, nên nhiều khi sách có mua về để trưng, thì cũng là "để trưng" thôi. Và để trưng thì trưng phải đẹp, các nhà sách luôn rất khôn ngoan trong việc nhận biết xu thế "để trưng" này. Bắt đầu từ những "tuyệt truyện" ai ai cũng từng nghe tên, đánh đúng tâm lý "để trưng" của hệ thống người đọc mới, các nhà sách lần lượt ra mắt các tái bản mới với bìa cứng và thiết kế "bìa đẹp", "hoành tráng" và gây ấn tượng hơn nhiều. 
Giá sách do đó cũng tăng vọt lên, nhiều quyển sách trước giờ có giá chưa tới 200000 đồng, chỉ sau một lần "bìa cứng hoá" đã đội giá lên gần gấp rưỡi, bởi: người ta mua về để trưng, thì so với mỗi chai rượu hàng triệu, mấy quyển sách hàng trăm đâu có đáng gì. Đáng tiếc thay, điều này chẳng khác nào giết chết bộ phận người đọc trẻ, những người thực sự đang tìm đọc sách vì tri thức. Nhưng nhằm tối đa hoá lợi nhuận trước mắt, trong bối cảnh một nền văn hoá đọc chưa phát triển, các nhà sách đang tự giết chết chính nền văn hoá ấy. 
Hôm ấy mình đã phải cắn răng mua lại chính cuốn sách trên với mức giá gấp rưỡi, trả cho một chiếc bìa cứng, mà biết rõ rằng với mức giá mới ngang ngửa một tuần uống trà sữa thế này, sẽ không có thêm nhiều sinh viên lựa chọn mua sách, vốn dĩ đã chẳng có bao nhiêu. (1)

III. Sự chênh vênh trong cách định hướng nền văn hoá đọc, những khó khăn cố hữu của văn hoá đọc ở Việt Nam hiện nay

Bố mình không hay đọc sách

Chắc bố mẹ các bạn hầu hết cũng thế, ngay cả thế hệ ông bà cũng vậy. Bởi cách đây 40-50 năm, người Việt vẫn chỉ có mong cơm ăn đủ bữa, còn sống tới bữa cơm ngày mai, ấy đã là ước ao. 
Bố mình vẫn thành công trong cuộc sống, bố học từ thực tiễn, dù bố không có điều kiện đọc sách. Bố cũng hay bảo bố biết sách có nhiều cái hay, nhưng từ nhỏ chỉ lo nghĩ sao để bớt khổ, nên thế hệ của bố và ông bà mọi người cũng không có điều kiện đọc. Thế hệ đi trước của chúng ta chưa xây dựng được thói quen về văn hoá đọc, đó là một thiệt thòi không thể phủ định với nền văn hoá đọc hiện nay, khi "học từ người đi trước" vốn là giải pháp khả dĩ nhất thì giờ đây không thể tận dụng. 
Nhưng, bố mẹ cũng sẵn sàng mua sách cho chúng ta. Ấy lại là tiềm năng cho một nền văn hoá đọc được định hình và xây dựng của tương lai.

Chúng ta đang cần một hệ thống định hướng nền văn hoá đọc ấy từ những cá nhân ít ỏi đã tự dấn thân để có được điềm nhìn nhất định

Chúng ta có ít người đọc chuyên tâm, nhưng chúng ta vẫn có. 
Chúng ta có nhiều người, một bộ phận lớn công chúng đang bắt đầu quan tâm tới văn hoá đọc nhưng lạc lối trong thế giới marketing của các nhà sách-lỗi của các nhà sách, nhưng cũng đâu có ai chỉ cho họ đâu là sách đúng, đọc thế nào để hiểu sách hay?

Nếu thực sự bạn nghĩ mình có tri thức đọc. Tại sao không xắn tay lên và giúp cộng đồng "đọc" tốt hơn nhỉ?

Mình chưa có đủ tiếng nói để hô hào, để tập hợp cộng đồng. Nhưng hàng ngày, mình vẫn hay chia sẻ những sách hay cùng những suy nghĩ từ sách trên mạng xã hội, trên hệ thống đánh giá sách của Tiki, dù những hành động ấy chỉ tác động đến một bộ phận người đọc ít ỏi, nhưng mình tin nó vẫn đang tạo ra kết quả tích cực. 
Mình cố gắng để có những nhận xét thật tốt, nhưng cũng đủ gần gũi, để ít nhất giúp người "lạ" có cách tiếp cận hào hứng hơn khi tìm hiểu về sách
Mình làm thế, bạn cũng làm thế, chúng ta cùng làm thế, và khi sự lan toả là đủ lớn, mình tin kết quả sẽ dần dần chuyển biến. Không phải là ngày một ngày hai, nhưng ngày ấy sẽ đến, mình tin là như thế.
(1): Giá sách "cũ", giá sách "mới"