Trong lần mini-offline lần trước mà mình tham dự ở TP. HCM, có một chủ đề tranh luận khá thú vị mà mọi người đã đề cập đến, đó là ảnh hưởng của béo phì tới những người xung quanh. Và những gì mình nghĩ tới đầu tiên đó là "béo phì được định nghĩa như thế nào".
Rõ ràng là tùy vào thể trạng mỗi người mà sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau, dựa vào các chỉ số sinh lý. Quan điểm của mình là nếu người đó bị béo phì bệnh lý - tức béo phì dẫn đến nguy cơ cao hơn về bệnh tật - người đó cần phải được điều trị và quản lý, ví dụ như được chăm sóc đặc biệt và có chế độ ăn riêng bắt buộc chẳng hạn. Simple as it sounds.
Tuy nhiên, giả sử như giải pháp của mình được áp dụng thực tế, sẽ có kha khá phản ứng tiêu cực tới từ phía xã hội, chủ yếu là những người cho rằng đó là một sự vi phạm về sự tự do cá nhân. Điều đó không hẳn là sai. Tuy nhiên, chúng ta có thể lập luận rằng lợi ích xã hội lớn hơn lợi ích cá nhân nên điều đó không quan trọng.

Dạo gần đây có nổi lên một bài viết tuyên truyền về bảo vệ môi trường được hàng tá các page khác nhau chia sẻ, với nội dung như thế này:
Một bài viết sặc mùi ngụy khoa học và tuyên truyền một cách tiêu cực, nhưng có một điều khó hiểu là tại sao cư dân mạng lại hưởng ứng bình luận và chia sẻ đến thế? Nếu như áp dụng logic mình nêu ra ở trên kia thì chỉ cần cứ cổ vũ bảo vệ môi trường là không cần biết sự thật đúng sai như nào nhỉ?
Mình có lẽ cũng sẽ chấp nhận NẾU NHƯ cư dân mạng thực sự hành động để bảo vệ môi trường như thể Trái Đất đang gặp nguy vậy. Mà các bạn có lẽ cũng không còn lạ gì về các trào lưu trên mạng, vốn chỉ "có tiếng mà không có miếng".
Một vấn đề tưởng chừng đơn giản như béo phì còn gây tranh cãi khốc liệt giữa những người hiểu biết và cả những người kém hiểu biết, vậy một vấn đề phức tạp như khí hậu thì sẽ thế nào, khi mà tỉ lệ những người thực sự hiểu biết còn nhỏ hơn nữa? Và liệu sẽ ra sao nếu như chính những người thực sự hiểu biết đó đi ngược lại với số đông?
Rõ ràng là để giải quyết một vấn đề như vậy rất cần cách tiếp cận đúng đắn - cách tiếp cận mang tính khoa học - mới có thể đưa ra giải pháp đúng đắn. Song, để mang giải pháp đó tới công chúng thì phải đưa ra dưới dạng chính sách nào đó. Với việc mà số đông hầu như không có hiểu biết chuyên môn, định hướng sẵn cho họ là điều không thể tránh khỏi. Điều đó sẽ sinh ra khoảng cách giữa sự thật khoa học và sự thật dành cho đại chúng.
Và điều nguy hiểm là khoảng cách đó đang ngày càng to ra. Mình chỉ cần đọc qua là biết hầu hết những thứ nêu ra trong cái bài viết đó là rác rưởi, nhưng có mấy ai có khả năng biết được điều đó? 5%? 1%? Con số đó quá nhỏ và tiếng nói của mình hay của người khác khó lòng mà vượt ra khỏi sự bát nháo của số đông.
Tuy nhiên, nếu như mình làm ngược lại bằng cách tuyên truyền định hướng như thế, sẽ có những đám đông được tạo nên xung quanh việc đó. Vì lẽ đó, mình không cần sự ủng hộ mù quáng của đám đông. Chỉ có khả năng tư duy phản biện của từng cá nhân mới là vũ khí mạnh nhất để chống lại trào lưu ngụy khoa học đang hoành hành.
Hiển nhiên là mọi người rồi sẽ chạm giới hạn khi cố gắng tìm hiểu điều gì đó - cả mình cũng thế. Mặc dù vậy, nỗ lực sẽ không phụ bạn, kể cả khi đáp án bạn nhận được là sai. Vì vậy, hãy luôn tỉnh táo và hoài nghi với những gì mà số đông đang bị cuốn theo ngoài kia.
Mình sẵn sàng trao đổi và tranh luận với tinh thần cởi mở, học hỏi và cầu tiến :)