Cốt tuỷ của văn hoá đọc nằm ở sự không đọc
Bắt đầu từ năm 2014, ngày 21/4 được quyết định chọn làm Ngày sách Việt Nam. Vậy là đến hẹn lại lên, hễ cứ cuối tháng 4 khi mà nhóm...
Bắt đầu từ năm 2014, ngày 21/4 được quyết định chọn làm Ngày sách Việt Nam. Vậy là đến hẹn lại lên, hễ cứ cuối tháng 4 khi mà nhóm người đọc sách tuyệt chẳng nói nửa lời, còn nhóm người không đọc sách (nên đi làm báo mạng) cùng những phần tử luôn trong tinh thần đề cao cảnh giác trước loại sách đọc vào không thấy giật gân hoặc không có người bị giết cứ sau mỗi hai chương (nên đi khoe sách) lại nắm tay nhau tung tăng kỉ niệm rộn ràng. Ấy là lúc ta có thể đinh ninh: Ngày sách Việt Nam 2019 đến rồi.
Về phần cuối của đợt kỉ niệm thì ai cũng biết là sẽ có một tràng dài những con số thống kê khủng xổ ra cho thấy kết quả năm nay tốt hơn năm trước, văn hoá đọc đang khởi sắc theo từng năm, như:
Trong hệ thống giáo dục, hơn 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và hơn 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam; xây dựng được hơn 30.000 tủ sách phụ huynh.[…]Trong 5 năm qua, ngành Xuất bản đã cho ra đời 160.000 xuất bản phẩm, với 1,9 tỷ bản sách, tăng 20% so với trước đây. Chất lượng, hình thức xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp đa dạng kiến thức, thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.Theo Hà Nội Mới
Bên cạnh các con số thì cũng không thể thiếu các chia sẻ cảm nghĩ của những nam thanh nữ tú mà trong ba-lô ai cũng sẵn có Đắc nhân tâm hoặc Cà phê cùng Tony hoặc những thứ tương tự nhằm làm bạn đồng hành khi lên cơn thèm hút. Bởi vì cần sa thì đắt mà self-help thì rẻ, người ta bao giờ cũng phải có phương án dự phòng lúc cháy túi.
“Đọc sách nhiều không chỉ giúp mở mang kiến thức mà còn hình thành nhiều đức tính tốt hình thành nhân cách con người”[…]“Đọc sách không chỉ giúp các bạn sinh viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích mà còn giúp hình thành nhân cách cơ bản.”[…]“Đọc sách không chỉ giúp cho mình có thêm kiến thức bổ ích mà còn rèn luyện cho mình tính cách điềm đạm, khiêm tốn hơn. Nói chung nếu bạn đã đam mê đọc sách thì sẽ có rất nhiều điều thú vị”Theo Dân Trí
Có hai vấn đề chúng ta cần lưu tâm ở hai bài báo trên: thứ nhất là số sách tiêu thụ không phản ánh được văn hoá đọc, và thứ hai là những nhận định về sách như trên thật quá hời hợt, chúng ta không cần mãi đến năm 2019 rồi mà vẫn quanh quẩn những ý nhận định ấy.
Đây cũng là hai vấn đề chính của bài hôm nay. Mời các bạn hoan hỉ đọc tiếp.
I. VĂN HOÁ ĐỌC LÀ GÌ?
Văn hoá là thứ rất khó định nghĩa, nhưng đã trót đẵn thì vác cả cành, bởi vì báo đài, người dân và tôi đều dùng từ văn hoá đọc (VHĐ) nên thay vì chối bỏ ta hãy chấp nhận và tạm cho nó một định nghĩa khả dĩ.
Triết học vẫn đang bàn cãi định nghĩa về văn hoá, tuy nhiên ở bài này tôi dùng định nghĩa của Đào Duy Anh, lấy trong quyển Văn hoá là gì (NXB Tân Việt, 1948). Văn hoá là giá trị biểu hiện các trạng thái sinh hoạt của con người, bao gồm cả phương diện vật chất lẫn tinh thần, xoay quanh một xã hội hoặc lĩnh vực nhất định. Vì văn hoá gắn liền với sinh hoạt nên khi phương thức sinh hoạt thay đổi thì văn hoá cũng thay đổi theo. Và nếu một người hoặc cộng đồng có thể sinh hoạt thì tức là người đó hoặc cộng đồng đó có thể tham gia văn hoá, khác biệt chỉ là trình độ văn hoá cao hay thấp mà thôi.
Tỉ dụ anh chỉ đọc chữ như con vẹt thì anh mới chỉ đang sinh hoạt chứ chưa tham gia hoặc sáng tạo nên văn hoá đọc, nhưng hễ anh dùng trí tuệ của mình xây dựng nên những triết lí đọc, phương pháp đọc thì khi ấy anh đã tham gia VHĐ dù ít hay nhiều, trên phương diện tinh thần. Cạnh đó, anh tạo nên cái giá dựng sách cho dễ đọc thì tức là anh tham gia VHĐ trên phương diện vật chất. Hoặc thời buổi công nghệ nay, anh dùng điện thoại để đọc, ebook và điện thoại là những phương thức đọc mới thì chúng cũng được coi là VHĐ, và tất nhiên người đọc ebook cũng là người tham gia VHĐ.
Tuy nhiên chúng chỉ được coi là VHĐ một khi vẫn còn phục vụ việc đọc. Cái giá đầy sách mà dùng để khoe thì cũng nằm ngoài VHĐ như cái điện thoại chép hàng nghìn ebook nhưng dùng để lướt mạng. Nói như vậy không phải là hai thứ đó mãi mãi nằm ngoài VHĐ, mà chỉ là cần phải xét riêng rẽ từng hành động, hôm nay sách để khoe thì không thuộc VHĐ nhưng ngày mai vẫn quyển sách ấy dùng để đọc thì lại thuộc VHĐ.
II. NHẬN BIẾT NHỮNG THỨ KHÔNG THUỘC VỀ VĂN HOÁ ĐỌC
Chỉ trong vòng vài chục năm mà phương thức đọc đã biến hoá khôn lường dẫn đến VHĐ cũng biến hoá theo, việc nhận biết đâu là VHĐ và đâu là không là việc cần thiết để tránh những chuyện vô bổ (như ngửi sách, khoe sách, cuối cùng là bái sách chẳng hạn). Trong tình trạng các hội nhóm sách mọc lên như nấm, các sự kiện sách nhiều vô kể, tôi có một mẹo để phân biệt giữa văn hoá đọc và chủ nghĩa tiêu thụ mà các công ti bày ra nhằm bán sao cho nhiều hàng hoá.
Đó là hãy tự hỏi: Các sự kiện ấy có giúp độc giả cảm thụ một quyển sách cụ thể nào không? Nếu có, xin hãy trân trọng dù chỉ là sự kiện nhỏ như phân tích sách và giải thưởng chẳng lớn. Nếu không, thì đó là sự kiện về văn hoá gì đó, rất có thể là tốt chứ không hẳn xấu, tuy nhiên vẫn không thuộc VHĐ.
Hãy thử nhìn các sự kiện lớn nhỏ từ vài năm nay:
Cả ba sự kiện trên đều có rất nhiều đầu sách nhưng tuyệt không giúp độc giả cảm thụ một quyển sách cụ thể nào hết. Bản chất những sự kiện này, cũng giống như bản chất các bài báo mạng giật tít “30 quyển sách cần đọc trước khi chết” chỉ hướng về chủ nghĩa tiêu thụ mà thôi. Nhưng không thể trách được các công ti, họ kiếm sống bằng bán hàng, hàng hoá của họ là sách. Vấn đề chỉ là chúng ta đừng nhầm lẫn giữa con buôn và người đọc.
Sự kiện Lẩu sách cuối năm 2017 là trường hợp tôi rất thích, khi mà các bên gần như ngửa bài với nhau, phải thú thật ai nghĩ ra được từ “lẩu” hẳn rất có tài tiếp thị, chỉ là cái tài ấy vô tình xung đột với người đọc sách mà thôi. Thảy là vậy.
Thảy những sự kiện ấy làm là giơ ra quyển sách như mồi câu trước miệng cá, nó khiến những con cá thấy hay hay và quyết định nhảy lên đớp, hoặc ít nhất khiến các con cá nghĩ rằng đớp được càng nhiều mồi, tức đọc được càng nhiều sách, nghĩa là càng tốt cho VHĐ.
Nhưng tôi khẳng định đọc nhiều sách không có nghĩa là tốt, thậm chí thời buổi gái chỉ cần đủ ngu để bị lừa là ra được sách, hay trai chỉ cần đong đủ xèng là ra được sách dạy đời này, thì đọc nhiều chính là một mối hại. Đó cũng chính là điều tôi muốn nói ở nhan đề bài viết.
III. VÌ SAO SỰ KHÔNG ĐỌC QUAN TRỌNG HƠN CẢ SỰ ĐỌC?
Có một sự thật hiển nhiên là: thời gian đọc trong đời của chúng ta có hạn, trong khi sách thì vô hạn, ngày nào cũng có người viết, năm nào cũng hàng trăm nghìn vạn ức quyển được in. Chúng ta đọc được 1% số sách của nhân loại là cùng, vô cùng ít nên đòi hỏi lựa chọn vô cùng khôn ngoan.
Những người ít đọc sách thường nói, và bi kịch thay báo đài lại ưa dẫn lời những người đó hơn, có lẽ vì nói nước đôi không mất lòng ai cả, ai nghe cũng hài lòng, nghĩ theo hướng nào cũng đúng, rằng: Sách gì cũng tốt hết, xấu là do người không biết dùng sách thôi.
Tôi sẽ lấy luôn ví dụ về Đắc nhân tâm, cuốn sách tôi từng phê bình. Như mục 1 chúng ta biết rằng văn hoá phụ thuộc phương thức sinh hoạt, phương thức thì luôn có thể đánh giá chất lượng cao hay thấp; nếu như ấn tượng quyển sách để lại cho người đọc là chủ quan, thì tính đúng sai trong thông tin sách cung cấp là khách quan và có thể phán xét được. Và không thể nào mọi quyển sách đều tốt, và tốt ngang nhau.
Như tôi đã chứng minh trong bài về Đắc nhân tâm, Đắc nhân tâm là quyển sách đầy tin giả và dẫn chứng giả mạo (link bài đó để ở cuối bài này cho những ai chưa đọc). [1] Và chỉ nội việc đó thôi cũng đủ để đánh giá Đắc nhân tâm là sách tồi.
Còn việc một ai đó tin Đắc nhân tâm là sách tốt thì chỉ đơn thuần thể hiện rằng nó tốt bằng… niềm tin. Mặc dù có thể sự thật họ thấy nó tốt ở mặt nào đó, không có cái gì trên đời lại hoàn toàn xấu các bạn ạ, phương án cãi lí cuối cùng là “Nó có thể làm gương xấu cho mọi người tránh, ít nhất cũng có một điểm tốt!” Vâng, đúng là như vậy. Nhưng ở đây chúng ta đang nói theo qui chiếu văn hoá đọc, cái ta phán xét là nội dung sách – thứ thuộc về VHĐ, còn những thứ mùi mẫn cảm động như niềm tin thì không thuộc về VHĐ.
Nó cũng giống như một con dao cùn đến mức chẳng cắt được gì, anh không dùng nó để cắt nữa mà dùng để đặt đầu giường nhằm chống bị bóng đè theo niềm tin mùi mẫn của anh chẳng hạn. Rồi một hôm trộm vào nhà, hắn thấy anh có dao nên sợ hãi bỏ chạy, kể từ đó anh coi con dao như là thần hộ mệnh của mình. Và diễn thuyết trước mọi người rằng ai sống trên đời cũng phải có một con dao cùn trước khi chết. Tức là nên mua Đắc nhân tâm trước khi chết, dù chẳng mua để đọc hay học theo đúng nghĩa một quyển sách.
Những người như thế này rất dễ nhận biết các bạn ạ, họ có đặc điểm là căm thù lô-gích và tôn thờ cảm tính, và do đó họ viết sách self-help.
Ngoài ra tôi cần nói thêm về tư duy thảo mai: Đọc sách khiến con người khiêm tốn, điềm đạm. Hoàn toàn lệch lạc, về bản chất thì còn tuỳ loại sách gì (sẽ nói ở mục dưới), sách đơn thuần là công cụ cho bạn kiến thức, chứ không phải bảo mẫu của bạn. Có quá nhiều ví dụ cho thấy những người đọc nhiều, viết nhiều, thông minh tài giỏi nhưng kiêu ngạo, bẳn gắt, khó gần.
Kể ra đây thì hơi lạc đề và bài sẽ dài, tôi cho các bạn những cái tên để có thể tự Google: Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche, Mark Twain, Voltaire, Oscar Wilde. Họ đều hoặc khó chịu hoặc ranh mãnh, nhiều kẻ thù, và không có ai từng đi thi hoa hậu thân thiện.
IV. VĂN HOÁ ĐỌC THỜI INTERNET
Có thể nói internet là cuộc cách mạng trong văn hoá đọc. Nếu như trước đây dù biết ngoại ngữ cũng chẳng thể tìm đọc được nguyên tác, dù biết bên làm sách nhầm lẫn cũng khó mà góp ý trực tiếp, cũng như thiếu thốn các tài liệu để tiếp cận những trường phái đối lập với bên làm sách, do đó nếp suy nghĩ không được thoáng, thì tất cả đều được internet giải quyết nhanh chóng.
Thực tế xưa kia người đọc gần như hoàn toàn bị định hướng từ các nhà phê bình và nhà làm sách. Và sự định hướng ấy không phải bao giờ cũng công tâm. Một ví dụ rất dễ nhận ra là văn chương dịch xưa kia hầu hết thuộc thể loại hiện thực, vị nhân sinh và phục vụ cách mạng. Trường phái vị nghệ thuật với tầm vóc lớn lao không hề kém ở nước ngoài thì ở Việt Nam lép vế vô cùng, thậm chí bị chụp mũ phản động và cấm. Hay một ví dụ khác là những nạn nhân của vụ Nhân Văn-Giai Phẩm bị dập tắt tiếng nói và không được thừa nhận, tác phẩm của họ chỉ được biết qua truyền miệng trong giới văn với nhau, khó lòng đến tay công chúng.
Tuy nhiên với internet, tất cả được giải quyết chỉ bằng một cú nhấp chuột. Không khó để thấy những nhóm sách tự đăng bài phê bình cho nhau đọc, những tác giả tự viết và chia sẻ, những dịch giả tự dịch, tất cả đều không nhất thiết phải có tên tuổi mới được lên tiếng. Tin vui rằng đó là một món quà, tin buồn rằng công chúng đọc sách ở Việt Nam chưa phát triển đủ nhanh để sử dụng tốt món quà đó. Bởi nếu nói độc giả bây giờ tự do thì cũng chẳng phải đúng hẳn, họ vẫn bị định hướng từ các công ti sách. Đồng bạc đâm toạc tờ giấy và đâm luôn vào não các mầm non mỏng manh yếu ớt.
Vấn đề lớn nhất của văn hoá đọc Việt Nam là chúng ta thiếu tầng lớp các độc giả ưu tú để hướng dẫn người mới đọc cách đọc đúng đắn.
Lấy ví dụ quyển Bố già với độc giả như ảnh trên, họ không có gì sai khi tin theo những lời tâng bốc của công ti sách, kiểu “Tuyệt phẩm vô tiền khoáng hậu của một cây bút bậc thầy” – nghe kêu như chuông, nhưng hãy dùng câu hỏi mà tôi chỉ các bạn bên trên: nó có giúp người đọc cảm thụ tác phẩm một chút nào không? Mà thật ra chất lượng dịch của Bố già vẫn đang là điều có nhiều tranh cãi nên câu khen ngợi kia còn gặp vấn đề về tính chân thực.
Họ cũng không có gì sai khi tuyên bố Bố già dở tệ chỉ vì nội dung dễ đoán, khi mà thể loại trinh thám gần đây nổi lên như dịch bệnh còn độc giả như mẹ bỉm sữa anti-vaccine, bởi nếu xét theo tiêu chí giật gân, man rợ, khó đoán đến hoang đường thì Bố già không thể nào bằng trinh thám được.
Mà chính vì nền văn hoá đọc của chúng ta đã sai khi chúng ta không có tầng lớp độc giả ưu tú phân loại thể loại sách, và nói cho độc giả khác biết rằng với mỗi thể loại người đọc cần mang những thái độ khác thì mới cảm thụ được.
Có thể loại đọc để học hỏi gì đó mới lạ. Có thể loại chẳng dạy bạn điều gì cả, nó chỉ khơi lên tâm trạng, nó tuyệt đối vô dụng. [2] Có thể loại viết rất xuôi tai dễ hiểu, có thể loại lại cần trúc trắc khó đọc. [3] Và cũng có thể loại sách không đáng đọc. (Tất cả các ý này đều dài và cần một bài khác để giải thích, vui lòng đọc chú thích)
Thảy những gì người đọc cần là biết phân biệt và không mang hệ qui chiếu của cái này để phán xét cái kia như nạn nhân ở trong hình bên dưới.
Vấn đề cuối cùng đó là công chúng đọc sách Việt Nam cần có đủ kiến thức nền tảng về các thể loại để nhận ra không phải mọi thứ sách đều có giá trị ngang nhau.
Tại sao giải thưởng văn chương cao quí nhất là Nobel chưa bao giờ trao cho trinh thám, những giải thưởng lớn khác như Pulitzer, Man Booker, Goncourt cũng hoạ hoằn lắm mới có trinh thám, và tại sao Conan Doyle tác giả Sherlock Holmes lừng danh chưa bao giờ coi Sherlock Holmes là di sản ông muốn để lại cho đời? Đây đều là câu hỏi tu từ, tự nó đã trả lời.
Nhìn chung, các sách đoạt giải thường khá khó đọc với đối tượng người mới đọc sách, và người ta nên đánh giá cao chúng nhiều khi không phải người ta hiểu chúng, mà phần nhiều vì người ta tin vào hội đồng thẩm định, tức là tin vào các tầng lớp độc giả ưu tú.
Hiểu những tác phẩm văn chương là một hành trình dài, hành trang lên đường không có gì phức tạp ngoài kiến thức nền tảng. Mỗi cuốn sách là một chặng đường đầy nghịch lí, nơi mà người đọc đi đến cuối rồi thấy mình quay lại vạch xuất phát với hành trang lúc này nặng hơn, nhưng bước đi lại nhẹ nhàng hơn, và cứ mãi lặp lại như vậy.
Chú thích
TORNAD
23/4/2019
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất