Hệ thống chấm điểm công dân (P1) : Tại sao giới trẻ Trung Quốc vẫn thờ ơ?
Chào các bạn, lại là mình, điệp viên nằm vùng tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Với tư cách là một công dân nước ngoài, sắp có khả...
Chào các bạn, lại là mình, điệp viên nằm vùng tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Với tư cách là một công dân nước ngoài, sắp có khả năng "được chấm điểm công dân" vào năm tới, mình phải đi dò la tin tức, mày mò tìm hiểu các thông tin về hệ thống chấm điểm. Và tất nhiên, cũng không quên chia sẻ cho anh em ở quê nhà, về cái dự án "rúng động" thế giới này. Nào, cùng đi tìm hiểu chút hen!
Hệ thống chấm điểm công dân hay còn gọi là hệ thống tính điểm tín dụng xã hội (SCS: Social credit system), được công bố lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 2014. Đây là hệ thống đánh giá khổng lồ theo dõi và xếp hạng công dân nước này dựa trên những tiêu chí nhất định. Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nó đã được thí điểm ở các thành phố lớn (khoảng 6% dân số) với một mục đích tạo ra mạng lưới bao trùm cả quốc gia.
Khi chính sách này được đưa ra, nhà chức trách Trung Quốc đề cập tới nhiều lợi ích trong khi các nhà phê bình chỉ trích nó là "sự xâm hại nặng nề tới quyền riêng tư của người dân và là các kiểm soát độc đoán của nhà nước". Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng nó sẽ tạo ra một xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp bởi chính phủ cảnh báo những người vi phạm pháp luật hoặc bị chấm điểm thấp sẽ phải trả giá đắt. Và tin không mấy vui là Tập Cận Bình đã kêu gọi triển khai một hệ thống SCS cho toàn bộ xã hội.
Thoạt nghe, câu chuyện chấm điểm công dân của Trung Quốc chẳng khác nào nội dung trong các bộ phim khoa học viễn tưởng mà chúng ta từng xem trên rạp. Mình nhớ có từng xem phim gì mà mỗi người đeo 1 cái đồng hồ chạy năng lượng, được tính bằng giờ làm việc, có thể cho nhau bằng cách chạm 2 mặt đồng hồ lại, khi đồng hồ hết năng lượng, cũng là lúc bạn chia tay cuộc đời này... Ấy vậy mà điều đó lại sắp trở thành sự thật, với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, Trung Quốc có thể nhận diện con người qua khuôn mặt, dáng đi thông qua hệ thống máy quay giám sát. Thông tin mới nhất cho thấy phần mềm có thể nhận ra một người ở khoảng cách 50m thông qua dáng đi của họ, điều khiến mọi hành vi đều khó lòng lọt ra ngoài tầm theo dõi.
Vậy tiêu chí chấm điểm là gì? Mặt lợi và hại của nó ra sao? Và tại sao giới trẻ Trung Quốc vẫn khá thờ ơ với chương trình này? Cùng phân tích kỹ hơn xíu nào.
Tiêu chí chấm điểm?
Với mục đích "khuyến khích sự tin tưởng (trong xã hội)", hệ thống này chấm điểm "độ tin cậy" của tất cả công dân trưởng thành. Việc đánh giá tính điểm dựa vào hành vi đạo đức, xã hội và năng lực tài chính của người dân bằng việc thu thập những thông tin như: trình độ học vấn, nghề nghiệp, ngoài ra còn theo dõi hoạt động trên mạng của từng cá nhân từ máy tính và điện thoại thông minh.
Hệ thống chấm điểm dựa theo cách tính thưởng - phạt. Nghĩa là những hành động tốt như tham gia các công việc tình nguyện, hiến máu, hiến tạng hoặc lao động gương mẫu sẽ được cộng điểm. Ngược lại, hệ thống sẽ trừ điểm nếu một người không có khả năng trả nợ, chậm thanh toán hóa đơn điện nước, vi phạm luật giao thông, lan truyền tin tức giả mạo, truyền bá tôn giáo bất hợp pháp hay bôi nhọ người khác trên mạng xã hội, lừa đảo hoặc bị kết án.
Ở Trung Sơn, những điều cấm bao gồm sử dụng điện thoại hoặc hút thuốc khi đang lái xe, các hành động mang tính phá hoại, dắt chó đi bộ mà không dùng dây xích và chơi nhạc âm lượng lớn ở nơi công cộng, khạc nhổ trên các phương tiện công cộng, vv... Hệ thống sẽ công bố điểm theo tháng và xếp công dân vào 8 mức hạnh kiểm, từ AAA (công dân điển hình) đến D (công dân không đáng tin cậy).
Những mặt lợi và hại?
Dữ liệu thu thập và tổng hợp trên phạm vi toàn quốc được sử dụng theo hai cách. Cách thứ nhất là để phát triển ngành dịch vụ tài chính tín dụng. Nghĩa là người dân có điểm tín dụng cao sẽ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ vay tiền và tài chính của các tổ chức tín dụng. Cách thứ hai là dữ liệu sẽ được dùng vào việc thắt chặt thực thi luật. Nghĩa là khi cảnh sát nắm bắt được thông tin công dân rõ ràng, họ có thể nâng cao năng lực phản ứng. Hiện hệ thống đánh giá công dân của Trung Quốc trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2020. Lúc đó, mọi công dân Trung Quốc sẽ bị chấm điểm dù muốn hay không.
Mỗi người dân thành phố có thể tự tra cứu điểm số bằng cách nhập số chứng minh thư nhân dân của mình vào ứng dụng tích hợp trên WeChat. Điểm của mỗi người được biểu thị trên thanh ngang hai màu, một đầu màu xanh và đầu kia màu đỏ. Điểm màu xanh có thể quy đổi ra các phần thưởng như coupon giảm giá đến 80 nhân dân tệ cho dịch vụ giao thông công cộng; nhập viện mà không cần đóng tiền ký quỹ; được ưu tiên khi mượn sách ở thư viện hoặc gửi xe với phí rẻ hơn. Một công dân có bằng cấp càng cao, không vi phạm pháp luật, sẽ tích số điểm càng nhiều. Đặc biệt những nhân tài từ Harvard, Yale, Oxford hay thạc sỹ, tiến sĩ tu nghiệp ở nước ngoài về sẽ được nhiều đãi ngộ không tưởng như được mua nhà với ưu đãi rất cao, thậm chí là miễn phí.
Ngược lại, với những người bị đánh giá có "uy tín thấp", cuộc sống hàng ngày trở nên khổ sở, đúng như một tài liệu chính phủ công bố năm 2014 đề ra mục tiêu của hệ thống là "khiến những người bất tín bước một bước cũng thấy khó khăn". Họ có thể phải đi thuê nhà bằng tên của người khác hoặc bị chính họ hàng và đối tác làm ăn xa lánh. Ở một số nơi, các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông còn cài đặt một loại chuông điện thoại dành riêng cho những cá nhân bị chấm điểm uy tín thấp như là một dạng cảnh báo với những người xung quanh. Những người bị điểm thấp sẽ khó khăn hơn trong việc mua vé máy bay, vé tàu hỏa hoặc nhiều chương trình phúc lợi xã hội khác.
Kể từ năm 2013, cơ quan tư pháp của Trung Quốc đã thu thập thông tin của những người chống lệnh của tòa án, ví dụ như không trả nợ hoặc trốn nộp phạt theo phán quyết của tòa. Năm 2016, các cơ quan chức năng khác bắt đầu vào cuộc và phối hợp với bên tư pháp để "trừng phạt" những cá nhân trên.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm những người có tên trong "danh sách đen" đi máy bay, tàu tốc hành hoặc ở khách sạn hạng sang; ngoài ra, những người này cũng bị chặn con đường thăng tiến trong các doanh nghiệp nhà nước và họ không được phép kinh doanh trong các lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm. Hiện có hơn 12 triệu người có tên trong danh sách. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Chấm điểm Uy Tín Công cộng, cơ quan chức năng đã cấm những công dân "yếu kém" lên 17,5 triệu chuyến bay và 5,5 triệu chuyến tàu cao tốc tính đến cuối năm 2018.
Tại sao giới trẻ Trung Quốc vẫn khá thờ ơ với chương trình này?
Chương trình chấm điểm công dân nghe rất “hãi hùng” với giới truyền thông thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một động thái đầy mưu mô tại một đất nước có hoạt động kiểm duyệt truyền thông, internet và nghệ thuật rất chặt chẽ. Chính quyền của ông Tập sẽ cung cấp thêm kiến thức về kế hoạch này cho người dân và kể cả những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 10 năm ngoái từng gọi đây là "hệ thống tập trung vào việc kiểm soát hoàn toàn mọi mặt đời sống của con người". Những cơ quan kiểm soát việc chấm điểm có thể lạm dụng quyền lực và "trừ điểm oan" công dân. Ngoài ra, hệ thống này đòi hỏi xây dựng một hệ thống dữ liệu lớn. Và việc đảm bảo an toàn dữ liệu cũng là một vấn đề "đau đầu" bởi những hệ thống dữ liệu tập trung luôn là "mồi ngon" của tin tặc.
Đã có những ý kiến phản đối đối với các hệ thống của địa phương trong nước khi một đợt thử nghiệm tại thành phố Toại Ninh (gần Thượng Hải) đã bị dừng lại sau những chỉ trích của giới truyền thông. Ngoài ra, nhiều khách hàng của Ant Financial cũng phản ứng dữ dội khi họ không hề biết rằng mình được đưa vào hệ thống tín dụng và chấm điểm xã hội của Sesame Credit - một công ty con của Alibaba.
Ở một diễn biến khác, những người tri thức và sống ở thành thị lại có cái nhìn tích cực hơn. Nhiều người ủng hộ việc triển khai hệ thống, coi đó là một phương tiện thúc đẩy tính trung thực trong xã hội và nền kinh tế, chứ không phải là vi phạm quyền riêng tư.
Còn giới trẻ Trung Quốc, thuộc tầng lớp U30 vẫn tỏ ra khá thờ ơ với chương trình này. Mình có hỏi những người cùng công ty, thì họ trả lời là bản thân còn chẳng bao giờ vào trang web check xem mình được bao nhiêu điểm nữa. Ở cái tuổi này, họ đi làm kiếm tiền mệt lử rồi, hơi đâu mà quan tâm chính phủ cho mình bao nhiêu điểm. Miễn là không vi phạm luật pháp, gây mất trật tự công cộng là điểm vẫn như thế. Hoặc vốn dĩ họ biết mình được bao nhiêu điểm, và quan trọng là cái điểm đó, còn một khúc rất dài phấn đấu nữa mới được bằng những người có bằng cấp cao hơn. Chi bằng kiếm nhiều tiền, đóng tiền đầy đủ các khoản xã hội là ổn rồi.
Hệ thống tính điểm công dân, thực chất làm những người tầng lớp U50 lo lắng, bởi đến lúc này, không chỉ bản thân họ trực tiếp chịu ảnh hưởng, mà con cái họ đã, đang và sẽ bị liên đới rất nhiều vì bảng điểm của bố mẹ. Có trường hợp, người mẹ trốn tiền mua vé tàu cho con, không chỉ bị phạt, mà còn bị trừ điểm công dân. Khi vào danh sách đen này, chị ấy sẽ khó mà vay tiền ngân hàng hoặc tìm việc trong tương lai. Cũng có ai đó từng thốt lên rằng "Việc này còn tồi tệ hơn cả ngồi tù vì ít ra án tù còn có thời hạn. Bị liệt vào danh sách này nghĩa là chừng nào tôi chưa trả được hết nợ, tên của tôi vẫn sẽ chình ình ở đó". Một luật sư Trung Quốc cũng nhận định: "Nhiều người không thể trả nợ bởi họ quá nghèo nhưng lại phải chịu sự giám sát và xử lý công khai như thế này. Việc này là vi phạm nhân quyền."
Không những vậy, một số chương trình thí điểm cũng áp dụng đối với người nước ngoài. Điểm tín nhiệm thấp dẫn đến việc không được cấp hoặc gia hạn visa và giấy phép cư trú. Còn những người có điểm uy tín cao sẽ được hưởng quyền lợi như vay ưu đãi hay visa nhập cảnh nhiều lần.
Tạm kết, công bằng xã hội là thứ mà mọi quốc gia đều hướng tới. Tuy nhiên xuất phát điểm khác nhau, quá khứ khác nhau khó lòng mà tạo được một xã hội với bảng điểm theo định nghĩa “công dân gương mẫu” được. Người sinh ra ở vạch đích như con gái Tập Cận Bình chẳng hạn, cả đời chẳng phải lo lắng về việc “ thiếu điểm”. Ngược lại, những người có tiền án tiền sự đang muốn hoàn lương, làm lại cuộc đời, cả đời sẽ luôn mang theo cái mác “công dân không đáng tin”, họ không chỉ gánh trên vai gánh nặng cuộc sống mà còn nhiều hơn thế sự kiểm soát của Chính Phủ, của miệng đời. Cái cảm giác uất mà không làm gì được, chính là như vậy.
Nhìn ở một hướng tích cực khác, hệ thống chấm điểm công dân này khiến xã hội phát triển theo hướng văn minh, tốt đẹp hơn. Điểm tín nhiệm xã hội còn là giải pháp giúp ngăn chặn các hành vi gây rối trên phương tiện giao thông công cộng ví dụ như trường hợp hành khách chiếm ghế ngồi của đối tượng được ưu tiên và từ chối đứng dậy trả chỗ. Khi đã có những quy chuẩn xã hội như vậy, bạn không thể thích làm cừu đen, kiểu “tôi thích thế đấy, tôi cóc quan tâm mọi người nghĩ gì về mình, tôi thấy cool là được”. Những điều xấu được bài trừ, khuyến khích người ta tham gia các hoạt động vì cộng đồng, nỗ lực để con cái họ có một môi trường phát triển tiến bộ nhất.
VÀ, điều quan trọng nhất là, chương trình mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, chúng ta chưa thể xác định được những tác động của hệ thống chấm điểm của Trung Quốc với người dân nước này cũng như ảnh hưởng của nó tới tương lai loài người. Tuy nhiên, có thể nhiều năm sau nhìn lại, 2018 sẽ trở thành một năm quan trọng, có tính chất thay đổi với cuộc sống dù chưa ai biết trước đó là thay đổi theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Có lẽ, chờ đợi là cách duy nhất mà thế giới có thể làm cho 2020 !
Lót dép hóng cùng mình ở phần 2 vào năm sau nha :p
From Cherish with love!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất