Có một điều luôn được tuyên truyền, khuyên răn, dạy bảo,… trong văn hoá đại chúng cũng như ý thức hệ, rằng hãy đọc sách, đọc nhiều nhất có thể. Song người ta cũng chẳng bảo phải đọc cái gì, đọc thế nào cũng như đọc làm gì (cùng lắm là vài cái gạch đầu dòng hoa mỹ, mù mờ). Từng là một thằng mọt sách, nhưng may mắn, tôi cũng là một người thích suy tư, nhất là những thứ mình từng đọc. Nhưng dần, càng ngày tôi càng cảm nhận việc khuyến khích đọc nhiều sách kia rất sáo rỗng, nhàm chán, thậm chí có thể gây tác dụng ngược cho người đọc.

Tôi từng gặp những người đọc rất nhiều sách, phải thừa nhận là đa số họ có tố chất hơn người thường, song, điều đó không có nghĩa là tất cả họ đều uyên bác hay đạt được những hình mẫu, mục đích mà ý thức hệ vẽ ra để khuyến khích việc đọc sách. Đa số họ đều có một sức hút nhất định với người khác bằng kho kiến thức lĩnh hội được từ sách vở, “sự thú vị” từ những hiểu biết của họ,… Rất khó để có thể phủ nhận sách vở góp phần không nhỏ vào hấp lực của những người này, có lẽ sẽ còn khó hơn để nhìn thấy những khiếm khuyết sau sự hào nhoáng ấy. Tuy vậy, bài này không viết để phản bác việc đọc sách, mà tập trung vào một thứ nên được đầu tư nhiều hơn.


Chúng ta và kỷ nguyên thông tin

Nếu phải so sánh, tôi khá thích ý tưởng bộ não chúng ta là một “nhà kho” và việc tiếp thu thông tin chính là chúng ta đang bổ sung đồ đạc vào đó. Tuy nhiên, chẳng phải mọi thứ đều có ích, nếu không muốn nói có thứ sẽ gây hại, nhất là trong thời đại truyền thông bẩn lên ngôi và các doanh nghiệp thì kiếm sống bằng sự chú ý của mọi người. Hơn nữa, để “căn nhà” hữu ích nhất thì ngoài việc đáp ứng được những tiêu chí cơ bản thì mọi thứ trong nó phải được sử dụng một cách tối ưu cũng như không có quá nhiều “rác”. Tương tự, kể cả kiến thức hay ho đến mấy nhưng bạn lại không thường xuyên dùng nó để tư duy thì việc lĩnh hội chỉ dừng lại ở mức ghi nhớ. Điều này giải thích vì sao việc chỉ đọc rất dễ gây ra rắc rối cho tư duy, bởi ta tiếp nhận rất nhiều thông tin mỗi ngày mà hiếm khi nắm cách sử dụng chúng hay ít nhất là chất lượng thông tin mà chúng ta tiếp nhận.

Mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với một lượng thông tin khổng lồ, từ môi trường xung quanh, các mối quan hệ, công việc,… cho đến những gì bạn thấy trên báo đài, TV, mạng xã hội, internet,… May mắn thay, não bộ chúng ta có cơ chế xoá đi ký ức ngắn hạn, qua đó loại bỏ những thứ không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, đáng buồn là không nhiều người thực sự quan tâm đến chất lượng dữ liệu đầu vào, tức lượng kiến thức có giá trị không đáng kể so với đống thông tin họ dung nạp mỗi ngày. Bằng chứng là ngày một nhiều xu hướng (trend) tức thời; truyền thông đại chúng tràn ngập những chương trình vô bổ; các kênh thông tin phân phối nội dung nhảm nhí, giật gân, gây sốc,… lại thu hút đông đảo người theo dõi; các nền tảng tự do sản xuất nội dung như Youtube, Facebook, Tiktok, Twitter… trở thành nơi cập nhật tin tức chính; … và rồi họ trở thành những con nghiện thông tin nóng hổi để không lạc hậu mặc cho chúng không mang lại lợi lạc mấy đến cuộc đời họ.


Nghiêm túc mà nói, tâm trí ta rất lăn tăn và rất dễ hài lòng, bởi bộ não ta nghiện hormone hạnh phúc và sẽ làm mọi thứ để được tận hưởng. Vì vậy, ngày nay, có thể nói xã hội kiếm tiền bằng chỉ bằng cách kích thích ta tiết ra lượng dopamin mà bộ não muốn. Thay vì phải dày công nuôi dưỡng những điều lành mạnh, thì không may là những thứ giật gân, vô bổ, ít đòi hỏi tư duy lại hấp dẫn chúng ta hơn và phần thưởng nó mang lại cũng tức thì nhưng chóng vánh.

Hay là đọc sách?

Tất nhiên, sẽ thật tốt nếu bạn là người thích đọc sách, nhưng sách cũng có trăm nghìn thứ sách và chẳng phải cứ sách thì sẽ tốt cho bạn. Không ít lần tôi phải ngạc nhiên vì sao có những nội dung vừa sai thực tế, vừa khuyến khích theo đuổi những thứ viễn vông lại chễm chệ nằm ở kệ sách bestseller, thì là bởi câu chữ trong nó vuốt ve người đọc, dễ đọc dễ hiểu (digest books, tức loại sách kiến thức giản lược), sặc mùi self-help hoặc đơn giản hơn vì nó là trào lưu (trend). Ngược lại, kể cả với những đầu sách hay thì lĩnh hội được nhiều ít lại phụ thuộc vào kỹ năng đọc của mỗi người.

Do đó, ở một khía cạnh khác, tôi nghĩ trừ sách truyện giải trí hoặc thể loại thường thức, thì việc đọc nên được tiếp cận ở tâm thế học tập, nghĩa là bạn phải làm quen với kiến thức mới, trau dồi thường xuyên và đem vào thực tiễn. Nếu không, việc đọc (sách hay bất cứ thứ gì) chỉ là hành động bỏ đồ vô tội vạ vào “nhà kho” của bạn và nếu chúng không phải là rác thì cũng chẳng mấy hữu dụng. Song, điều kiện sống phát triển lại vô tình khiến chúng ta tham lam hơn (kể cả là thông tin) và chẳng mấy khi để tâm tới việc “dọn dẹp nhà kho” hay . Vì thế, tôi cho rằng bắt đầu “sắp xếp” từ bên trong sẽ dễ dàng hơn quyết định “nạp thêm” thứ gì vào từ bên ngoài.

Luận về việc viết

Lần cuối bạn thể hiện ý kiến bản thân qua một bài viết có đủ mở bài, thân bài, kết bài hay một câu chuyện không phải qua tin nhắn là khi nào? Trớ trêu thay, bối cảnh công nghệ thông tin phát triển lại làm khả năng diễn đạt qua văn bản của rất nhiều người kém hiệu quả hơn, không những do số đông ưa thích nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu hoặc các dạng dạng dữ liệu ít đòi hỏi nỗ lực tư duy như video, stream,… mà còn vì chính họ cũng sử dụng nhiều văn bản nhỏ để diễn đạt về một thứ gì đó (nhắn tin, bình luận, caption, ký cảm, meme,…) thay vì cố gắng viết thành một khối thống nhất.

Cách công nghệ đơn giản hoá cảm xúc
Nếu đọc là một cách nhập thông tin, thì viết là một cách thức xử lý và tái phân phối dữ liệu. Thông thường, chúng ta tiếp thu rất nhiều thông tin một cách vô thức, nhưng để thể hiện ý kiến cá nhân lại đòi hỏi nỗ lực có ý thức. Song, chẳng giống với việc nói năng, viết không hề là một việc dễ dàng, bởi việc truyền tải nội dung qua văn bản đòi hỏi cao hơn rất nhiều chuyện bạn biết chữ. Tất nhiên, thứ mà tôi đang nói đến không phải những thứ bạn viết mỗi ngày trên mạng xã hội hay những bình luận cũn cỡn khắp mọi nơi. Tuy vậy, những thứ ngắn gọn, dễ hiểu đó lại là rất được khuyến khích trong cái tôi gọi là hố đen thông tin (newsfeed) hay các nền tảng tương tự khác, và rõ là nó nuông chiều sự lười biếng của người dùng.

Mặt trái của sự dễ dàng trong việc giao tiếp và tiếp nhận thông tin trong thời đại công nghệ phát triển lại khiến cho khả năng diễn đạt bằng câu chữ của chúng ta kém đi rất nhiều, bởi ta phải liên tục chạy theo tốc độ cập nhật khủng khiếp của thông tin. Từ đó tạo ra một hệ quả mà chẳng mấy ai để tâm, là dần, chúng ta càng có xu hướng lệ thuộc vào các phương tiện tân thời để gửi thông điệp của bản thân ra bên ngoài, thay vì chú ý nhiều hơn đến sự phản tư, nội tâm của chính mình trước thể hiện nó ra bằng các phương tiện khác. Trên quan điểm cá nhân, việc sử dụng ký cảm, emoji, meme,… sẽ phần nào hạn chế khả năng biểu đạt cảm xúc của bạn thông qua ngôn từ bằng việc khái quát hoá nó thành các mẫu có sẵn; hay bằng tin nhắn, video, streaming, internet thì liên lạc từ xa nay đã dễ dàng hơn việc truyền tải thông điệp hoặc diễn đạt cảm xúc qua thư từ rất nhiều lần;…

Có lẽ với nhiều người, những thứ vừa được liệt kê trên không hề có khuyết điểm, thậm chí còn ủng hộ, sử dụng chúng một cách thường xuyên. Tất nhiên, tôi không hề phản bác lợi ích nó mang lại, nhưng việc lệ thuộc và lạm dụng lại là một phạm trù khác. Hãy tưởng tượng, nếu cuộc đời bạn là một câu chuyện, thì bạn sẽ kể nó cho thế hệ sau như thế nào? Liệu cuộc đời bạn có như giống như cách bạn viết hằng ngày không? Người khác sẽ đọc và giới thiệu cho người khác câu chuyện của bạn không? Người đọc có cảm được thứ gọi là phát triển nội tâm nhân vật trong câu chuyện không? Nếu bạn không thể viết về cuộc đời bạn theo cách mà ít nhất bạn có thể hứng thú, thì có lẽ bạn đã dành hơi ít thời gian quan tâm đến nội tâm mình rồi.

Tôi không nghĩ cuộc đời một người buồn chán, mà chính cách họ phản ảnh nội tâm của chính mình mới có vấn đề. Tương tự, một người có trí thông minh nội tâm không phải là một người hài hước, mà là một người hiểu rõ trong lòng họ như thế nào và có khả năng biểu lộ qua nhiều cách (mà cụ thể, dễ thấy nhất là diễn đạt, gọi tên nó bằng ngôn ngữ). Do đó, nếu tâm trí bạn có đủ mọi thứ nhưng chẳng sắp xếp, làm việc với những thứ có trong đó, cũng như không đủ khả năng diễn tả nó cho người khác, thì đọc nhiều để làm gì?

Là một người thích trầm tư, thật sự tôi nghĩ lợi ích của việc viết có thể xếp ngang với thiền định. Song, khác với việc cố gắng tĩnh tâm, viết lại là một cách để đào sâu vào tâm trí một cách chủ động và phần nào đó cũng dễ dàng hơn với những người không hợp với thiền. Tuy nhiên, cái khó của việc viết lại nằm ở chỗ nó bắt bạn phải liên tục tư duy một cách có ý thức, đồng thời phải cụ thể hoá chúng ra bên ngoài bằng ngôn ngữ. Ai cũng viết, nhưng thực sự rất ít người “dám viết”, vì cá nhân tôi cảm nhận rằng để viết một cách nghiêm túc thì đó là một quá trình đầy kiên trì và thậm chí là đau đớn.
 
Bạn có thể tự nghĩ rằng bạn là người nhiều ý tưởng, nhiều chất liệu, nhưng khi viết ra thành câu chữ với từ vựng chính xác và ngữ pháp đầy đủ, bạn mới có thể cảm nhận được những thiếu sót của bản thân. Bạn phải ép những ý tưởng lộn xộn thành một cấu trúc,  hay những điều bạn không thể diễn đạt bằng năng lực ngôn ngữ của chính mình và cắt gọt những dòng chữ tưởng như máu thịt của mình. Chẳng giống những đoạn hội thoại hay tin nhắn, mọi thứ đều phơi bày trên mặt chữ và không thể giấu đi khiếm khuyết. Cá nhân tôi cho rằng suy nghĩ “chỉ những người nổi tiếng hoặc sống bằng nghề cầm bút mới cần văn hay chữ tốt” là một lối nguỵ biện. Bởi, mấu chốt ở đây không nằm ở việc bạn dùng ngôn ngữ tốt hay không, mà là khả năng diễn đạt nội tâm của chính bạn, vì tự thân ngôn ngữ không thiên vị bất kỳ ai.

Viết như thế nào?

Nhưng viết thì phải viết thế nào? Tôi nghĩ không có một tiêu chí cụ thể nào cho việc này. Nhưng như đã phân tích, việc viết đòi hỏi rất nhiều năng lực tư duy và ngôn ngữ, do đó, bạn có thể bạn có thể đo lường nó một cách gián tiếp bằng chất lượng thông tin bạn có thể truyền tải tới người đọc. Bạn có thể viết về mọi thứ, mọi chủ đề, mọi thể loại văn bản, miễn người đọc có thể cảm nhận được cái hồn của bạn bên trong nó, bởi “văn là người” (nguyên văn tiếng Pháp: “le style c'est l'homme même”), tức nói về hình thức viết hoặc là tính văn chương – là thứ khiến một tác phẩm trở thành nghệ thuật, là thứ tạo ra sự khác biệt và độc nhất. Để làm được như vậy, chỉ có một con đường duy nhất, đó là viết thật nhiều và ý thức về thứ bạn viết.

Khi bắt đầu viết, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác mông lung, lạc lõng, buồn chán,… vì giống như luyện tập, chuyện “giãn cơ, đau nhức” khi sau những buổi đầu khởi động là hoàn toàn bình thường. Không ai có khả năng viết thiên bẩm cả, bút lực hơn nhau chỉ thông qua tiến trình làm việc với tâm trí và ngôn ngữ. Vì vậy, cái “nhà kho” của bạn cần được dọn dẹp và sắp xếp liên tục để nó không bừa bộn với lượng thông tin mà bạn tích luỹ qua thời gian.

Bài viết có tham khảo và lấy cảm hứng từ:
+Người kể chuyện.
+NTL.

Đọc thêm: