Baudrillard biến mất vào năm 2007. Đám tang của ông lặng lẽ so với một triết gia tầm cỡ. Ngược lại với những đám tang của Foucault hay Sartre trước đó, ít người ghi nhớ và còn ít hơn những người ghi hình.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, Renaud Donnedieu de Vabres, kết thúc phần phát biểu của mình một cách đầy ngượng ngập. Ông nói, “Ước gì tôi đã gặp ông ấy ngoài đời”. Người bạn tâm giao của ông, người đưa ông đến Mỹ, “đất nước duy nhất còn trong thời kỳ man rợ mông muội”, Sylvere Lotringer, đã viết lại, câu nói của bộ trưởng Pháp thật nực cười.
Vì cả đời Baudrillard, có lẽ ông cũng chỉ muốn vậy. Muốn được xưng danh, muốn được hiểu đúng theo cách ông sẽ nói.
Sâu thẳm, Baudrillard vẫn là một kẻ nhà quê. Ông thân sinh của Baudrillard là một tay cảnh sát thôn, còn ông nội của ông vẫn là một người nông dân. Baudrillard là người duy nhất trong gia đình ông, cho tới thời điểm đó, học hết đại học. Và nếu không có Henri Lefebrve ngẫu nhiên “tìm thấy” và tuyển làm trợ lý, thì Baudrillard sẽ mãi chỉ là một ông giáo cấp ba dạy tiếng Đức quèn, thỉnh thoảng dịch thơ Brecht và Hölderlin (dù thơ hai ông này cực khó).
Con đường tri thức của Baudrillard là con đường ngược lên đỉnh dốc. Không có xuất phát điểm từ nhà trâm anh thế phiệt như Foucault, Deleuze hay nhiều trí thức khác từ Paris, ông biết mình phải tự thành danh từ con số 0. Và lúc đầu, tưởng như ông đã làm được.
Quyển sách đầu tiên của ông là System of Object, đến giờ vẫn được coi là một trong những lý thuyết phê phán mới mẻ nhất thời bấy giờ, gần như tách khỏi lý thuyết phê phán kiểu “đọc Marx qua Hegel/Freud” của trường phái Frankfurt trước đó. Đây cũng là quyển sách quan trọng trong việc phê phán không gian thường nhật (everyday life) mà ở đây là không gian sinh hoạt nội thất nơi rõ ràng ông có ảnh hưởng bởi người thầy đầu tiên của mình, Lefebrve. Một điều ít người biết hơn một chút, là quyển sách này được ông xây dựng dựa trên luận văn tiến sĩ của mình, mà để đạt được nó, ông phải bảo vệ nó trước ba con “quái vật” trong làng tri thức Pháp thời đó, Henri Lefebrve, Pierre Bourdieu và Roland Barthes.
Có thể nói, ông đã sẵn sàng để trở thành một “gã khổng lồ” mới của Pháp trong thời kỳ nhập nhoạng hậu cấu trúc.
Trong những năm tiếp theo, Baudrillard lần lượt tung ra những đầu sách khác nhau, mà giờ nhìn lại thì là cả một gia tài ngoạn mục. Consumer Society là quyển sách “gối đầu giường” của dân học lý thuyết truyền thông, đưa ra cái nhìn tổng quan về xã hội tiêu dùng ngay trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước. For a Critique of the Political Economy of the Sign và The Mirror of Production lần lượt là hai “cú giãy” khỏi chủ nghĩa Marx thuần túy, nơi ông kịch liệt phê phán Marx về định nghĩa nguyên sơ của “lao động” và “sản xuất”, như cách để kiềm hãm và bắt giữ ham muốn. Đồng thời, ông cũng liệt kê giá trị sử dụng (use-value) như là một phần không thể tách rời khỏi giá trị trao đổi (exchange value) hay tầng lớp vô sản như là một phần a priori của chủ nghĩa tư bản, hơn là một tầng lớp độc lập có thể tự mình đứng lên khi vẫn mang cái mác này. Đây đều là những ý tưởng rất mới, như việc bàn luận về ham muốn trước khi Deleuze nói về ham muốn cả một thập kỷ hay việc chống lại chủ nghĩa Marx truyền thống vốn đang rầm rộ bấy giờ. Những ảnh hưởng của Bataille hay Barthes là những điều dễ thấy nhất tại Baudrillard trong thời kỳ này.
Và Symbolic Exchange and Death có thể coi là một chiếc chìa khóa đầy trúc trắc để mở ra những tư duy sau này của Baudrillard. Đây cũng là nơi ông gần với Foucault, người hùng của ông và của cả nền tri thức Pháp nhất. Nếu Foucault đưa ra cái nhìn gia phả về nhà tù, về giáo dục hay trại tâm thần, thì Baudrillard đưa ra cái nhìn gia phả về… cái chết. Dựa trên những tư tưởng của Bataille và Mauss về món quà bị nguyền rủa, ông đã xây dựng nên cái gọi là những trao đổi tượng trưng, một nền tảng then chốt của những tư tưởng nổi tiếng nhất của ông sau này.
Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Để thành danh thì không chỉ cần tài năng, mà còn cần liều lĩnh. Và Baudrillard đã làm một việc mà để so sánh trong lịch sử triết học thì chỉ có Schopenhauer cũng làm, đó là đương đầu với người hùng triết học của cả xã hội phương Tây lúc đó.
Nếu ngày xưa Schopenhauer một mình chống lại Hegel, thì vào những năm 80, kẻ vô danh Baudrillard xuất bản cuốn Forget Foucault. “Hãy quên Foucault đi” không chỉ là một cái tít giật gân của kẻ ham danh, mà còn là một phê phán về triết học của Foucault vẫn quá rốt ráo, quá bản chất. Baudrillard đặt câu hỏi chí mạng, “có phải giờ đây Foucault định vị được quyền lực ở đâu, quyền lực là gì…. Vì thật ra, quyền lực đã biến mất rồi?”. Giống như Chúa ở mọi nơi, trừ nhà thờ, và nhà thờ là một điểm mù để chúng ta biết rằng Chúa tồn tại nhưng không ở đó, thì những phê phán về quyền lực của Foucault đều bị chỉ sai chỗ. Nếu chúng ta định vị được quyền lực ở đâu, tư bản ở đâu, thì tức là chúng ta đang chỉ vào một cái nghiễm nhiên được tạo ra để thế thân cho cái tư bản, cái quyền lực vốn đã phủ tràn lên mọi mặt của đời sống.
Mặc dù có tiêu đề ngạo ngược như vậy, nhưng để xuất bản văn bản này, Baudrillard đã cung kính đến tận nhà Foucault, khép nép trình bày về quyển sách. Foucault chỉ nói rằng, ý tưởng trong quyển sách rất đáng chú ý, và rằng ông đồng ý với việc xuất bản bài viết đó, cũng như hứa sẽ đăng lại một phản bác trong cùng tạp chí.
Foucault đã thất hứa. Và điều này sẽ đưa đến hơn hai mươi năm lưu lạc trong biển chữ của người nông dân kia.
Còn tiếp.