Ngày 2 tháng 9, thử phân tích Tuyên Ngôn Độc Lập dưới cái nhìn Hùng biện
Warning: wall of text.
Đôi điều về hùng biện
Hùng biện tại Việt Nam
Hùng biện (rhetoric) hay nghệ thuật nói trước công chúng (public speaking) là một điều vẫn còn rất mới ở Việt Nam, cho tới tận khi Bác đọc tuyên ngôn độc lập.
Thực tế không phải là Việt Nam không có thứ gì tương tự như Hùng biện, mà là do nền tảng văn hóa khác nhau giữa Đông và Tây. Trong lịch sử, có một số văn bản của Việt Nam có thể xếp vào hàng "hùng biện", ví dụ như Bình Ngô đại cáo hay Hịch tướng sĩ. Tuy vậy những văn bản trên chỉ có thể được gọi là hùng biện khi tính đến đến nội dung, còn về mặt hình thức thì đó chỉ là văn bản đơn thuần. Lý do khá dễ hiểu, bởi vì các văn bản kể trên sử dụng Văn Ngôn (hay còn gọi là cổ văn) - một dạng văn bản ứng dụng trong nghệ thuật, sử ký, và là một thứ để giao tiếp giữa những người không nói cùng một ngôn ngữ giữa các nước Đồng văn - để trình bày. Khi đó thì văn bản sẽ khác rất nhiều so với ngôn ngữ nói thông thường, đồng thời cũng khiến cho các phương tiện hùng biện không có cơ hội được thể hiện.
Vì vậy nên khi chữ Quốc ngữ được phổ biến, thì đó là điều kiện để cho tiếng Việt thoát ly ra khỏi tư duy văn ngôn này, và đến tận năm 1945, chúng ta mới có một văn bản mang tính chất hùng biện kể cả về nội dung lẫn hình thức, đó là bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
Hơn nữa, về mặt truyền thống, Việt Nam thường ít khi lưu truyền những câu chuyện dài, và người ta thường khoái chí vì những câu đốp chát ngắn gọn, rồi cho rằng đấy đã là giỏi lắm rồi. Có lẽ vì vậy mà người ta hay khen một người khác là "có tài ăn nói", chứ ít khi sử dụng cụm "có tài hùng biện".
Ví dụ như Madam Bình, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà được đánh giá cao vì những phát biểu của bà, nếu ai có thời gian đọc, những phát biểu này thực sự là khủng khiếp và không thua kém so với những đối thủ mà bà ngồi cùng bàn đàm phán. Nhưng những gì mà quần chúng Việt Nam biết đến thì lại là mấy câu trả lời báo giới thế này:
Có nhà báo hỏi: “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?”. Bà Bình trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”.
Nhà báo hỏi: “Vùng giải phóng ở đâu?” . Bà Bình dứt khoát: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”.
Tất nhiên, những câu nói trên thì không ngầu bằng câu "Người Mỹ lên mặt trăng thì có thể quay về, chứ còn đến Việt Nam thì tôi không chắc". Hay như một câu khác được cho rằng là của Lê Đức Thọ nói với Kissinger "Tôi thì chẳng phải tiến sĩ gì nhưng thằng con tôi là tiến sĩ".
Tôi không muốn tìm nguồn cho 2 câu nói trên, tuy nhiên tôi muốn sử dụng chúng để nói rằng, bởi vì người Việt bị ảnh hưởng bởi lối văn hóa đốp chát đối đáp đã khá lâu, nên những câu nói như thế sẽ gây ấn tượng mạnh, đôi khi người ta quên đi, mà cũng chẳng muốn quan tâm, thế nào mới là hùng biện thực sự. Đến hiện tại tôi vẫn chưa thấy có quyển sách nào về cách nói trước đám đông được xuất bản tại Việt Nam (có một số, nhưng chỉ là self help). Những nơi tuyên bố có thể dạy người khác phát biểu trước đám đông, đa phần là dạy MC đám cưới, chứ không phải public speaking. Vì vậy, tôi viết bài này, mong rằng có thể truyền cảm hứng cho mọi người về thứ "nghệ thuật thất truyền" này.
Một vài yếu tố của hùng biện
Thực chất cách tạo nên một bài hùng biện cũng khá giống như việc học sinh cấp 2 viết một bài nghị luận xã hội vậy, chỉ khác duy nhất một điểm đấy là hùng biện thì phải tính đến yếu tố khán giả.
Hùng biện thì không tách rời ngôn ngữ và logic, nhưng ngôn ngữ và logic thì không phải là tất cả.
Có 5 thành phần cấu tạo của một bài nói, trong đó có bố cục, ngôn ngữ và cách nói, theo tôi là những phần quan trọng nhất.
Về mặt bố cục, chúng ta được dạy là phải có mở bài, thân bài, kết bài. Nhưng trong hùng biện thì thường có 5 phần (hoặc 6, tùy phân loại):
1. Exordium (introduction): gần tương tự như đoạn mở bài.
2. Narratio (đưa ra các facts): đưa ra và gợi lại những sự kiện, những căn cứ gốc để từ đó có thể phân tích sâu hơn, thường phần này sẽ đi cùng với divisio (một số tác giả phân loại đây là phần 3), tức là đưa ra outline về cách các luận điểm được trình bày.
3. Comfirmatio: Khẳng định luận điểm
4. Confutatio: Phản bác các luận điểm đối lập
5. Peroratio: Kết luận
Về mặt ngôn ngữ, hay gọi là style, là cách mà tác giả lựa chọn những từ ngữ và sắp xếp các từ ngữ đó. Có một khái niệm trong tiếng anh gọi là connotation, tức là cái cảm giác mà một từ mang lại. Theo quan sát của tôi, ít khi độc giả Việt Nam tấn công vào phương diện này khi tác giả của bài viết có vấn đề (đặc biệt là trên spiderum, với những ông hoàng tranh luận. Tôi cũng đã viết một bài phân tích sơ qua về vấn đề này.
Về cách nói hay delivery, là quyết định sự thành công của buổi nói. Nếu như anh viết một văn bản tuyệt vời, nhưng chỉ đọc thôi, mà đọc còn lắp bắp, thì khả năng cao là ý đồ sẽ không đạt được. Nhưng đôi khi, có những cách để khiến cho một người, dù chỉ là đọc thôi, vẫn có thể thu được sự quan tâm của khán giả.
Những cách đó, bao gồm Logos, Ethos và Pathos, sẽ được trình bày khi tôi phân tích thêm về bản tuyên ngôn độc lập của Bác.
Hoàn cảnh Bác Hồ viết và đọc tuyên ngôn độc lập
Khi nói về hoàn cảnh lịch sử, có hai điều cần làm rõ:
1. Hoàn cảnh khi Bác viết
2. Bác đọc tuyên ngôn độc lập cho ai nghe và ngày hôm đó thế nào?
Hoàn cảnh
Như mọi người đã rõ, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Pháp muốn tái chiếm Đông Dương để có thể lấy tài nguyên và phục hồi sau chiến tranh, dựa vào những chiêu bài khai hóa văn minh và bảo hộ thuộc địa để che mắt dư luận. 15/8 năm đó, Đảng cộng sản Việt Nam trong hội nghị đảng toàn quốc nhận định “Anh và Mĩ nhân nhượng với Pháp. Cho Pháp quay trở lại Đông Dương”. Trước đó vài tháng, khi Mỹ ném bom vào Nhật, Bác đã tận dụng cơ hội liên lạc với các lực lượng Hoa Kỳ và bắt đầu hợp tác với Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (OSS; một hoạt động bí mật của Hoa Kỳ) chống lại quân Nhật. Xa hơn nữa, các du kích Việt Minh đã chiến đấu chống lại quân Nhật ở vùng núi phía Nam Trung Quốc.
Các sự kiện tiếp theo diễn ra rất khẩn trương như trên ảnh.
Ai là người nghe, và những sự kiện ngày hôm đó
Như chúng ta được dạy, có lẽ không lạ lùng gì khi người nghe trực tiếp bản tuyên ngôn độc lập đó là người Việt Nam, những người đã tụ tập ngay trước quảng trường Ba Đình.
Nạn đói do 3 cơn bão liên tiếp đổ bộ khiến cho người dân Bắc Kỳ chết đói hàng loạt, uy tín của Việt Minh lên cao. Cộng thêm việc tuyên truyền hiệu quả của báo chí. Kết quả là hàng nghìn người đã nghe bản tuyên ngôn này. Nhiều thông tin cho rằng có đến 400.000 người tham dự.
Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà, báo Cứu quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ lâm thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, các thành viên Chính phủ tuyên thệ, ông Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Nội vụ giãi bày tình hình trong nước và nhiệm vụ của Chính phủ, ông Trần Huy Liệu tường trình vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, ông Nguyễn Lương Bằng đại biểu của Tổng bộ Việt Minh thuật qua lại cuộc tranh đấu của Việt Minh để mưu giải phóng cho dân tộc.
Những sự kiện liên quan đến tuyên truyền và hành động của người dân được thuật lại tương đối rõ ràng. Tuy nhiên nếu chỉ tính đến những thính giả này thì coi như bản tuyên ngôn chỉ thành công một nửa.
Tuyên ngôn độc lập khi đó còn là để tuyên bố với năm châu rằng Việt Nam đã là một đất nước độc lập, và người nghe, người đọc, người phân tích là những độc giả ở khắp thế giới và có trình độ, đã được tiếp xúc với văn minh và dân chủ từ lâu. Đó cũng chính là một trong những điểm cần phải lưu ý.
Phân tích bản tuyên ngôn
Dựa trên nội dung, bản tuyên ngôn được phân loại vào forensic hay còn gọi là judical, tức là một bài nói về những việc đã xảy ra trong quá khứ, đồng thời thuyết phục người nghe công nhận kết luận từ những sự việc quá khứ đó.
Điều mà Bác Hồ muốn thuyết phục khi đó là Dân tộc Việt Nam phải được tự do, Dân tộc Việt Nam phải được độc lập. Đối tượng cần phải thuyết thục khi đó, không phải là phát-xít, hay quan tòa, mà lại chính là con người trên toàn thế giới.
Về mặt cấu trúc, bản tuyên ngôn có đầy đủ cả 5 phần như đã mô tả. Tuy nhiên để thuận tiện cho phân tích, tôi sẽ phân tích theo chức năng của từng đoạn, bao gồm 4 phần: Mở đầu, Phân tích, Phủ định và Kết luận.
Mở đầu (Exordium)
Phần mở đầu, khác với cách phân loại văn chương, phần mở đầu này kết thúc bằng việc báo buộc Pháp đã có "hành động [...] trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Đây là kiểu mở bài mang tính nghịch lý cáo buộc, tức là đưa ra những điều hiển nhiên, và cáo buộc rằng một đối tượng vi phạm nó.
Ở đoạn đầu, có lẽ cần phải lưu ý nhất là về việc Bác đã trích tuyên ngôn của Mỹ - "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng [...] quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Thực chất chẳng cần phải trích tuyên ngôn độc lập Mỹ, phát biểu này được loài người nói chung xem là hiển nhiên, là điều tự chứng minh (self-evidence). Việc trích dẫn này là muốn tranh thủ sự đồng cảm của Mỹ, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, đồng thời trích dẫn một văn bản quen thuộc với nhiều người, nhằm khiến cho bài diễn văn bớt xa lạ hơn (một thủ pháp được dùng nhiều trong hùng biện).
Việc trích dẫn một self-evidence cũng giúp cho bài diễn văn không xa lạ với người Việt, vì đa phần người Việt khi đó (mà thậm chí cả bây giờ) chưa chắc đã đọc qua bản tuyên ngôn của Mỹ. Vì vậy, khi trích dẫn điều này, tác giả đã đạt mục tiêu kép, vì việc biết hay không biết đến bản tuyên ngôn của Mỹ, thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả Hùng biện.
Khi Bác suy rộng ra, từ "con người có quyền bình đẳng", thành "dân tộc có quyền bình đẳng", thực chất là gì? Đây là một trong những yếu tố đầu tiên của pathos, tức là thuyết phục bằng luân lý:
1. Con người ai cũng có quyền bằng đẳng,
2. Dân tộc là tập hợp của những con người.
3. Vậy dân tộc phải có quyền bình đẳng.
Nếu xét tính logic thì đoạn này có logic không cao, nhưng chuyện các dân tộc phải bình đẳng nó như một điều hiển nhiên vậy.
Đoạn mở đầu kết thúc bằng việc cáo buộc "bọn thực dân Pháp" lợi dụng tự do dân chủ, và làm trái lại chính điều mà họ tuyên bố trong bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791.
Đây là yếu tố thứ 2, ethos. Ethos là yếu tố liên quan đến uy tín của người nói, hoặc giữa những người đang tranh luận với nhau.
Tất nhiên, sự uy tín không đại diện cho sự chính xác của thông tin. Cho dù thằng nghiện giảng định lý pythago thì định lý đó vẫn đúng thôi. Tuy nhiên con người thường có xu hướng nghe theo chuyên gia và những người có uy tín hơn là những kẻ lông đông. Đây là một điều mà hùng biện thừa nhận đúng. Ở đây Bác Hồ không đại diện cho chính mình, cũng không phải đại diện Chính phủ, mà là đại diện cho dân tộc Việt Nam, để cáo buộc Thực dân Pháp. Những lời nói này nhằm hạ thấp phần uy tín của Thực dân Pháp.
Đưa ra các facts (Narratio) và luận điểm
Ở phần tiếp theo, cách thức sử dụng từ có nhiều điều đáng chú ý hơn. Các từ thuần việt được sử dụng tương đối nhiều, trái với văn phong của các văn bản hành chính trước đây. Hơn nữa, các thủ pháp của hùng biện cũng rõ ràng hơn rất nhiều.
"... Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết."
Câu trên là điển hình của một enthymeme tức là một logic suy luận, một logic, một logos ngầm định. Có thể phiên giải suy luận của Bác như sau:
1. Chế độ khác nhau ngăn cản việc thống nhất đất nước.
2. Có ba chế độ khác nhau.
3. Vì vậy việc thống nhất đất nước bị ngăn cản.
Rõ ràng, logic này là không chặt chẽ, vì luận điểm 1 vẫn có thể bị phản bác.
Cũng như vậy, enthymeme thứ hai là về kinh tế và chặt chẽ hơn:
"Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều."
Có thể phân tích như logic như sau:
1. Bóc lột kinh tế khiến cho đất nước nghèo nàn.
2. Đất nước ta bị bóc lột kinh tế.
3. Đất nước ta nghèo nàn (vì bị bóc lột kinh tế).
Cũng như trên, vì chỉ là enthymeme, chứ không phải logic hoàn chỉnh. Nên lập luận này cũng có thể bị phản bác.
Nhưng điều quan trọng cần phải lưu ý với hùng biện, là logos không cần thiết phải hợp lý, và một logos hợp lý thì cũng chưa chắc đã đúng. Hơn nữa, logos cũng phụ thuộc vào đối tượng nghe. Đối với người dân Việt Nam bấy giờ, thì 2 enthymeme ở trên được ngầm định là đúng.
Phần logos còn lại, là Bác đã chỉ ra rằng Pháp vốn chẳng có quyền gì ở Việt Nam cả, vì các bằng chứng lịch sử đã chỉ ra rằng Pháp đã trao Việt Nam cho Nhật, và Việt Minh đã đuổi Nhật đi. Điều này đã được phân tích nhiều.
Về mặt ethos, Bác đã kể ra những sự kiện nhằm hạ bệ uy tín của thực dân Pháp, như việc:
"chẳng những [...] không bảo hộ được, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật".
"[...] đã không đáp ứng, lại còn thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa".
"Thậm chí khi thua chạy, [...] còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ...".
Ba ví dụ trên vừa để hạ bệ Thực dân, vừa là một thủ pháp hùng biện. Tức là chẳng những không làm được điều A, mà lại còn làm B. Khi B thì tệ hơn A, thì suy ra rằng rằng chủ thể là tồi tệ. Suy luận kiểu này là suy luận điển hình nằm trong topic levels của hùng biện.
Về cách sử dụng từ ngữ, tôi cũng sẽ không phân tích đến sự ẩn dụ vốn đã được phân tích rất nhiều trong văn học (bóc lột tận xương tủy, tắm máu trong bể máu, ngu dân, không ngóc đầu được lên, quỳ gối ...). Những thủ pháp ẩn dụ và hoán dụ này cũng được dùng với mục đích nhấn mạnh, và nâng cao pathos (cảm giác về luân lí) của người nghe, như là ở trong văn học vậy.
Tuy nhiên về việc sử dụng từ ngữ, có hai điều mà văn học sẽ không phân tích.
1. Word choices và một số đoạn nâng cao ethos (uy tín của dân tộc, tác giả)
Đầu tiên, tác giả gọi thực dân pháp là "chúng". Theo từ điển Hoàng Phê 2003, chúng được dùng để chỉ những người đã được nói đến với ý coi khinh.
Thật vậy, nếu như thay từ "chúng" bằng từ "họ" thì sắc thái sẽ thay đổi hoàn toàn.
Thử so sánh:
"Họ thi hành ... Họ lập ... Họ ràng buộc ... Họ dùng" và
"Chúng thi hành ... Chúng lập ... Chúng ràng buộc ... Chúng dùng"
Ta sẽ thấy sắc thái khác biệt hoàn toàn.
Ở đoạn sau, khi nhắc đến những đối tượng khác thuộc Pháp, tác giả sử dụng "người Pháp" chứ không phải là "bọn thực dân Pháp".
... biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng ...
"... Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ."
Hãy thử đổi lại câu này như sau:
"... Việt Minh đã giúp cho bọn Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho bọn thực dân Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho chúng".
Nếu viết như vậy, sự vị tha cũng như thái độ vị tha của nhân dân Việt Nam sẽ bị giảm đi nhiều lần. Đây cách để đặt Việt Nam đối mặt với sự tráo trở của Thực dân, và từ đó nâng cao ethos của chính mình.
Thêm vào đó, Bác cũng dùng từ thuần Việt nhiều hết sức có thể để có thể. Chẳng hạn như dùng từ "chối cãi" thay vì "phủ định", "dân cày" thay vì "nông dân", "dân buôn" thay vì "thương nhân" ...
Kết quả của việc sử dụng từ ngữ như vậy, là vừa gần gũi hơn đối với người nghe trực tiếp của mình, vừa bày tỏ thái độ khinh bỉ đối với đối tượng đang chỉ trích, một cách tạo ra ethos.
2. Parallelism và anaphora
Thường thì các thủ pháp liên quan đến ngôn ngữ sẽ khó áp dụng cho tiếng Việt được, vì những thủ pháp đó được phát triển đặc thù cho tiếng Latin. Chỉ còn một số ít, như là parallelism (sự lặp lại của các cấu trúc câu hoặc từ ngữ) là có thể được áp dụng sang các ngôn ngữ Á Đông. Việc lặp lại này dồn dập, tạo nhịp điệu, nhấn mạnh và khiến người đọc hình dung ra được mức độ của sự việc.
Cụ thể, ở đoạn đầu Bác sử dụng từ "chúng" liên tục để tạo cảm giác về mức độ của những hành động đó. Ở cuối đoạn, bác cũng dùng từ "Sự thật là ..." (việc lặp lại cấu trúc này được gọi là anaphora) để nhấn mạnh một sự thật mà đã được chứng minh.
Ở phân đoạn kết thúc có cấu trúc: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị". Câu này ấn tượng đến mức mà nó trở thành câu tôi nhớ nhất trong bản tuyên ngôn độc lập. Việc sử dụng cấu trúc 3 phần này cũng rất thường xảy ra trong các bài hùng biện.
Phần này như một đoạn tổng kết lại những điều ở phần 2 và khẳng định Nhân dân Việt nam sẽ chống lại mọi âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Phủ định (Confutatio)
Sự phủ định này nằm vỏn vẹn chỉ trong vòng 1 đoạn
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Khi nói về phủ định luận điểm, nhiều người khi đọc bản tuyên ngôn độc lập sẽ nghĩ rằng bản tuyên ngôn chỉ phủ định luận điệu "bảo hộ" và khai hóa văn minh của người Pháp khi Pháp lăm le xâm lược trở lại. Theo tôi điều này là không xác đáng theo nghĩa hùng biện, đơn giản vì sự phủ định đó đã trở thành một trong những bước suy luận logic để chứng minh rằng đất nước Việt Nam đã giành độc lập từ tay người Nhật. Khi đó với tư cách ngang hàng, Việt Nam cần phải được các nước khác công nhận, chứ không phải là cần sự đồng ý từ phía Pháp.
Và do đó, đoạn trên đã chỉ ra rằng, những nước đồng minh khác không thể nào không công nhận, một kiểu confutatio theo cách satiric (châm biếm).
Kết luận
Phần kết luận, gói gọn lại nội dung bản tuyên ngôn độc lập. Đoạn này đã được giới văn học phân tích nhiều, tôi không có phân tích gì thêm.
Thay lời kết
Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã đọc bài viết rất dài này. Như đã nói, tuyên ngôn độc lập có thể được coi là bài hùng biện đầu tiên của Việt Nam, vì vậy nếu xét về các thủ pháp hùng biện, thì chẳng thể so sánh, mà cũng không nên so sánh với những bài hùng biện của phương Tây.
Tuy nhiên, nó mang những ý nghĩa rất to lớn, đó là mở ra cả một thời đại tây hóa, chấm dứt được ách thống trị phong kiến thực dân. Ngắt hoàn toàn sự kết nối giữa Văn Ngôn và cuộc sống thường ngày. Đó là những điều mà phải suốt cả trăm năm, mới có một người làm được.
Nếu như các bạn muốn biết thêm về public speaking, thì có thể comment để mình biết nhé. Khi có thời gian, mình sẽ viết một bài về chủ đề này.
Một lần nữa xin cảm ơn các bạn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất