Simulacra and Simulation mãi mãi là quyển sách nổi tiếng nhất của Baudrillard, và điều đó dễ hiểu: Ở cuốn sách này, ông trình bày ngắn gọn nhất những ý tưởng của mình về Mô phỏng và Phỏng Mô phỏng (Simulacra là mô phỏng của những mô phỏng không có bản gốc). Đây cũng là nơi ông bắt đầu và thứ lý thuyết mà về sau người ta gọi là lý thuyết giả tưởng (fiction theory). Lý thuyết giả tưởng là một trong những “món tủ” của Baudrillard, vốn được phát triển trên cái gốc là siêu-siêu hình học của Alfred Jarry (‘pataphysics), một nghệ sĩ Pháp, người cũng với lý thuyết này đã ảnh hưởng tới cả trường phái nghệ thuật Dada. ‘Pataphysics còn gọi là Khoa học của những giải pháp tưởng tượng (science of imaginary solution) là cách mà Jarry vẽ ra những việc vượt xa ngoài thực tế, thậm chí vượt xa ngoài cả cái siêu hình. Nếu Metaphysics dịch nghĩa đen của nó ra là “vượt qua cả vật lý” (siêu hình META – Physics) thì ‘Pataphysics còn vượt qua cả cảnh giới của siêu hình học.
Tuy nhiên, Pataphysics không phải một môn khoa học hay một nhánh triết học thật sự. Chính vì sự mơ hồ một cách cố tình của nó mà nó mãi mãi nằm trong ranh giới của những diễn ngôn nghệ thuật và trở thành một cách phản ứng với thời đại hơn là một ý tưởng. Và nó nên như vậy. Chính vì yếu tố không có định nghĩa rõ ràng nên những lý thuyết của Baudrillard, với trung tâm của nó không phải là mô phỏng mà là sự quyến dụ, mới trở nên ăn ý với nhau như vậy.
Với Baudrillard, những tác phẩm của. G. Ballard, Arthur C. Clarke và Philip K. Dick hoặc những bộ phim của Spielberg hay Ridley Scott còn có những ý nghĩa phản ánh hiện thực tốt hơn là hiện thực như nó vốn là. Và như vậy, những lý thuyết của ông cũng vượt ra khỏi tầm một lý thuyết đơn thuần mà trở thành một lý thuyết phê phán của những lý thuyết phê phán.
Quyển sách năm 1987 của ông, The Ecstasy of Communication, là một đơn cử đáng nói cho hiện tượng này. Tại đây, trong phần đầu, ông sử dụng một bộ khung lý thuyết của triết gia truyền thông Canada M. McLuhan (người vốn bị trường phái Cấu trúc ở Pháp chỉ trích nặng nề lúc đó), để chỉ ra rằng trong xã hội hiện đại, việc gửi đi thông điệp quan trọng hơn chính thông điệp đó. Chính sự nói, sự truyền gửi thông tin, ngay cả khi thông tin hoàn toàn không có gì mới là điều quan trọng, và người ta cảm thấy “đê mê” (ecstasy) vì được giao tiếp, chứ không phải vì chính thông điệp.
Để chống lại điều này, theo Baudrillard, lý thuyết hay triết học không nên chỉ là tấm gương phản ánh của xã hội, một tư tưởng dẫn lối của các lý thuyết gia phê phán trước đây (Marcuse, Adorno), mà lý thuyết và triết học phải VƯỢT QUA cái mà nó phê phán. Ông phát biểu ngắn trong quyển “Hatred of Capitalism”: (Có gì hay nếu nói thế giới có tính mỉa mai? Có gì hay nếu nói thế giới có tính đê mê? Nó là thế này, nó là thế kia thì cũng sẵn rồi. Nói nó không phải như thế thì nó vẫn là như thế thôi. Không nói gì cũng chẳng được tích sự gì. Vậy, mục tiêu của lý thuyết không chỉ là nói lên nó là thế này, mà phải vượt trên cả những sự cố định của thế giới, để thế giới trở nên hỗn loạn hơn nữa, khó kiểm soát hơn nữa. Chỉ khi nó trở nên khó kiểm soát được thì may ra chúng ta mới sống được ở thế giới đã vốn khó kiểm soát lắm rồi này”.
ảnh này ngầu vãi đái
ảnh này ngầu vãi đái
Một ví dụ khác là ba bài luận ngắn về sau đóng thành quyển “The Gulf War Did Not Take Place” và bài luận “Spirit of Terrorism” của ông. Tại đây, ông nhìn vào chiến tranh vùng Vịnh và coi đó như là một cuộc chiến của truyền thông, nơi phương Tây tự tạo nên đối thủ và tạo nên một tự sự cho cuộc chiến này. Dịch giả của quyển sách này trong tiếng Anh cho một ví dụ hay: “Một nhà báo CNN đến hỏi một binh lính rằng, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc chiến? Người lính đó trả lời: “Tôi chưa biết được, còn phải đợi xem CNN cập nhật thế nào đã””. Dù đây là ví dụ hay về Mô phỏng, nhưng nó phủ định đi tầm quan trọng của cuộc chiến thật đã diễn ra. Baudrillard chưa bao giờ phủ nhận cuộc chiến và thương vong của nó, nhưng, cũng giống với Chiến tranh Việt Nam, ông coi đây là cuộc chiến của người phương Tây và được nhào nặn theo cách của người phương Tây. Người ta có thể xem cuộc chiến ngay cạnh quảng cáo sữa tươi hay ngũ cốc, nên tầm quan trọng của cuộc chiến cũng chỉ trở thành một chương trình trên Tivi. Ngược lại với chiến tranh Việt Nam với độ chân thực nhất định về thảm họa mà người Mỹ gây ra trên nước ta gây nên phong trào phản chiến ở Mỹ, chiến tranh vùng Vịnh được phủ trắng bằng các lý lẽ hòa bình, dân chủ, nhân đạo. Điều này khiến người xem thấy tệ hơn là xem một cuộc chiến tranh thật sự: Baudrillard so sánh nó với việc hồi hộp chờ một người tự tử, nhưng người đó mãi không tự tử nên những người chờ từ có thiện ý lại trở thành ham muốn người kia hoàn thành nhiệm vụ tự tử như giải trí của mình. Chiến tranh vùng vịnh không xảy ra vì cuộc chiến thật sự xảy ra trên bình diện Mô phỏng, và Mô phỏng là kẻ chiến thắng.
Tương tự, với Tinh thần Khủng bố, Baudrillard mặc nhiên coi rằng thảm họa 9/11 là điều mà ai cũng bí mật mong chờ. Đó là cách kẻ khủng bố trả lời lại những cuộc chiến “không người lái, không thương vong, bom sạch” của phương Tây, bằng cách biến sự hữu tử của chính mình thành vũ khí (đánh bom cảm tử). Như đã nói trong phần 2, hai tòa tháp đôi tại New York là biểu tượng rõ ràng nhất của Chủ nghĩa Tư bản tự tạo nên đối lập cho mình, nên những kẻ khủng bố nhám vào đây như để “tặng một món quà mà Chủ nghĩa Tư bản chỉ có thể tặng lại bằng cái chết và sự sụp đổ”.
Ở đây, ông cũng đưa ra tuyên ngôn lớn của mình: “Tôi không sợ kẻ khủng bố bằng một nhà nước có thể diệt trừ khủng bố”. Vì một nhà nước có thể diệt trừ hoàn toàn đối lập, hoàn toàn khủng bố là một nhà nước chuyên quyền đến hết mọi nhẽ.
Cũng chính vì thế, trong quyển sách cuối cùng của mình, Carnival and Cannibal: Ventriloquous Evil, Baudrillard một lần nữa lại nói một điều dường như tiên tri cho đại dịch Covid-19 hiện nay. Rằng dù con người có hiện đại đến mấy, có tiến bộ đến mấy trong khoa học, thì họ cũng sẽ không bao giờ loại trừ được những thảm họa virus toàn cầu. Bởi chính họ và những tiến bộ khoa học theo lối lý tính của họ là nguyên nhân dẫn đến sự biến chủng của virus này. Dễ dàng thấy điều đó trong bối cảnh hiện tại, khi chính sự toàn cầu hóa quá nhanh đã khiến virus lúc đầu ở trong rừng nhưng nhanh chóng lây lan sang toàn cầu, biến chủng liên tục theo đường hàng không. Sự xâm lấn không gian tự nhiên (ăn thịt dơi) và toàn cầu hóa (đi máy bay, liên lạc nhanh chóng, tiện lợi) là một phần không thể thiếu để Covid-19 thành một đại dịch.
Điều này khiến nhiều nhà phê bình một lần nữa lại coi Baudrillard như một tay tế lễ của chủ nghĩa hậu hiện đại, một kẻ hư vô chủ nghĩa và một kẻ yếm thế. Có người còn gọi ông là kẻ khủng bố hư vô. Đáp trả những điều này, ông nói:
“Nếu là một người theo chủ nghĩa hư vô là kẻ đang mang nặng trên vai đến giới hạn không thể chịu được của các hệ thống bá quyền, đặc điểm triệt để của nhạo báng và bạo lực, thách thức mà hệ thống đã triệu hồi để trả lời cho cái chết của chính nó, thì đúng, tôi là một kẻ khủng bố và một kẻ hư vô như cách mà những kẻ khác là khủng bố với vũ khí của chúng”.
Với Baudrillard, sự khủng bố về lý thuyết là điều dĩ nhiên, bởi dù có quái đản thế nào đi nữa, bất thường hoặc thô tục thế nào đi nữa, một sự khủng bố về mặt lý thuyết vẫn là điều độc nhất, chống lại được toàn bộ hệ thống tư bản với những quy chuẩn sẵn có mà nó o ép người ta vào. Đối diện với một hệ thống quá sạch đẹp, quá tươm tất, quá hoàn chỉnh, ta phải trở thành một kẻ khủng bố với lý thuyết của mình.