Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Nếu tìm hiểu, ta sẽ thấy các bậc hiền đức ngày xưa luôn hành động trong âm thầm lặng lẽ. Khi xong việc, họ liền rút về nơi vắng vẻ để bảo tồn năng lượng và giữ gìn phong độ lâu dài cho đại cuộc – “chân nhân bất lộ tướng” là nói về điều này.
Người xưa cũng hay nói: “Hữu xạ tự nhiên hương” là để nhắc nhở người có tài năng thực sự thì cũng như hoa có mùi thơm, tự động sẽ được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ mà không cần phải tìm cách chứng tỏ hay khẳng định mình.
Hay trong Kiều có câu: “Anh hoa phát tiết ra ngoài – Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Theo cụ Nguyễn Du, nếu bao nhiêu cái hay cái đẹp của ta đều tuôn hết ra ngoài thì ta sẽ không có số mệnh lâu dài, hoặc sẽ gặp lắm nẻo gian truân. Tại sao vậy? Tại vì ta không còn gì để nuôi dưỡng bản thân, lại không muốn trau dồi thêm những kỹ năng khác. Và vì ta nghĩ mình tài giỏi nên luôn coi thường người khác, hoặc ta dễ trở thành đối tượng tấn công của bao kẻ ganh tị xung quanh.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Thế nhưng, thời đại bây giờ, người ta lại muốn mọi người phải mau chóng biết đến mình. Họ dùng đủ loại chiêu trò để giới thiệu về mình qua các phương tiện truyền thông như báo chí, ti vi, internet.
Giới trẻ hiện nay thậm chí còn dễ dàng trở thành nổi tiếng nhờ vào các kiểu gây “sốc”. Tức là họ làm cho mọi người phải giật mình thảng thốt vì sự lạ lùng của họ. Một phần cũng do tâm lý công chúng vốn hay hứng thú tò mò với những điều mới lạ. Dù đó là những hành động lố bịch, những phát biểu ngông cuồng, những hình ảnh thô tục, nhưng chỉ trong tích tắc là đã có hàng nghìn đến hàng chục nghìn người biết đến và tham già bàn tán. Với họ, thu hút được sự chú ý của số đông người đã là tài giỏi rồi. Hành động thiếu hiểu biết như thế chẳng khác nào tự gieo mình ra bão. Chẳng cống hiến được điều gì bổ ích mà dám sử dụng năng lượng quan tâm của công chúng, lại còn tạo ra năng lượng xấu từ việc quấy nhiễu tâm thức mọi người, thì đừng hỏi tại sao cuộc đời họ có quá nhiều tai bay họa gửi.
Thực ra, người có tài năng chẳng khác nào hoa có nhiều mật, thế nào cũng sẽ bị ong bướm đeo bám và hủy hoại. Cho nên, để hàm dưỡng và sử dụng tài năng được lâu bền, người xưa khuyên ta phải luôn mài giũa tâm tính, đặc biệt là đức khiêm cung. Năng lượng đức hạnh sẽ giúp ta biết tự giới hạn sự tỏa chiếu tài năng của mình một cách an toàn, hợp lý.
Chữ khiêm cung được ghép bởi hai chữ khiêm nhường và cung kính. Khiêm nhường là không tự đề cao bản thân để nhường nhịn kẻ khác. Nhưng hơn thế, khiêm cung có thêm thái độ cung kính, dù đối tượng ấy thấp kém hơn mình. Khiêm nhường đã khó mà khiêm cung càng khó hơn, vì mạnh được yếu thua đang là xu hướng chung của xã hội ngày nay.