Về Baudrillard – Kẻ cô đơn ở nơi tận cùng thế giới – Phần 2: Triết gia của sự quyến dụ
Phần 2, sau phần 1 về series ngắn về Baudrillard.
“Người duy nhất phản ứng tích cực với văn bản [Forget Foucault] đó chính là Foucault. Tôi và ông ấy đã trò chuyện suốt ba tiếng đồng hồ, và bàn bạc với nhau về việc xuất bản hai bài viết trong cùng số tạp chí. Nhưng Foucault đã không bao giờ làm chuyện đó”.
Đó là nguyên văn những gì Baudrillard trả lời trong cuộc đối thoại với Lotringer tại nửa sau của quyển Forget Foucault, tái xuất bản vào đầu những năm 2000. Trong cùng buổi phỏng vấn, Lotringer có đưa ra câu hỏi, “tại sao ông không bao giờ thử dạy học tại Paris?” một cách đùa cợt.
Và cả hai cùng cười, vì họ biết sau khi đối đầu với một Goliath trong giới triết học lục địa thế kỷ 20, Baudrillard sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành một trí thức Paris.
Khi cuốn sách này xuất bản lần đầu tiên tại Pháp, Foucault đã “tức giận điên cuồng”. Bạn của ông, Deleuze, “nhà siêu hình học vĩ đại nhất thế kỷ 20 và kẻ dẫn đường cho thế kỷ 21”, đã chỉ thẳng Baudrillard và nói “hắn ta là sự xấu hổ của giới học giả”. Những môn đệ của Foucault trên khắp Paris đã tìm và ném sạch, đe dọa những hiệu sách toàn thành phố không được bán quyển sách này.
Trước khi đóng chương này lại, cũng phải nói thêm là, thật nực cười khi chính triết gia bàn nhiều nhất về quyền lực như Foucault lại là một cỗ máy quyền lực trong giới trí thức Pháp và không ngại lạm dụng quyền lực của mình.
Và thế là, Baudrillard đã không bao giờ được đón nhận trên chính quê nhà, Pháp.
Trong lúc đó, có một triết gia khác, người đang bắt đầu nhen nhóm những ý tưởng mới về cái gọi là Hậu hiện đại ở bên kia đại dương, Frederic Jameson. Đây cũng là người đã mời Baudrillard sang Mỹ để dạy cùng những tên tuổi như Lyotard hay Louis Marin.
Trước khi bắt đầu những chuyến phiêu lưu mới ở “đất nước man rợ mông muội duy nhất”, ông đã xuất bản cuốn sách cuối của mình tại Pháp.
Gần như đoạn tuyệt với giới học giả Pháp và cách viết “tầm chương trích cú”, Baudrillard đã xuất bản cuốn “Seduction”, hay Sự Quyến dụ, đánh dấu quyển đầu tiên trong toàn bộ gia tài về sau, nơi ông sẽ viết kiểu từng chương nhỏ lẻ, rời rạc, không có tính liên kết.
Nếu “Symbolic Exchange and Death” là bản thiết kế thô toàn bộ ý tưởng của ông thì quyển Seduction là sợi chỉ Ariadne để dò đường trong mê cung khái niệm. Có thể nói, nếu nắm chặt được ý tưởng lớn, và như học giả Gerry Coulter viết về ông, “ý tưởng vĩ đại duy nhất” của Baudrillard, thì ta có thể đọc bất cứ chương sách nào của ông một cách tương đối dễ dàng.
Với ông, sự quyến dụ, hay như từ ông dùng trước Seduction - hoán dụ - reversibility, được sử dụng theo đúng nguyên từ (etymology) của seduction trong tiếng Pháp, một sự dẫn đi lạc hướng. Khi chỉ trích Marx cũng như chỉ trích chủ nghĩa tư bản chỉ là hai mặt gương của một khái niệm duy nhất – sản xuất (Production), thì Baudrillard cũng đưa ra sự quyến dụ để chống lại tư tưởng lấy khái niệm sản xuất làm trung tâm đó. Ví dụ dễ hiểu nhất của sự quyến dụ là khi một người theo đuổi người khác, trên cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khi theo đuổi một người, người bị theo đuổi có thể sẽ không biết mình đang bị theo đuổi, nhưng chính người đuổi theo cũng không biết họ đang đi đâu, mà được người kia dẫn đường chỉ lối. Ở giữa họ có một mối quan hệ mang tính chất biểu tượng và không tạo ra một sản phẩm nào ngoài chính giá trị của nó. Tính trao đổi liên chủ thể giữa hai đối tượng cũng là một yếu tố quan trọng trong lý thuyết về sự quyến dụ, khi ông đặt vào đây khả năng biến đổi nghĩa của vạn vật, xa rời khỏi cái siêu việt của triết học cổ điển ở Kant, Hegel hay Marx.
Sự quyế nduj cũng là nơi ông đưa ra những tuyên bố khủng khiếp, rằng thà con người tin vào cung hoàng đạo, nghĩa là đặt niềm tin ở những vì sao, còn hơn là tin vào những tính toán khoa học lạnh lẽo và rốt ráo như một loại tôn giáo mới. Vì thà rằng tin vào một cái không thể chứng minh được để sự bất định dẫn ta đi, còn hơn là biến mình thành một con số cố định trong ngàn con số.
Và đây cũng là một trong những điều khiến người ta chẳng thể hiểu nổi Baudrillard. Ông thà chọn những thứ rối rắm, thà khiến thế giới ngày càng phức tạp hơn, ngày càng bí ẩn hơn, chứ nhất quyết không để thế giới tường minh quá đỗi. Một thế giới trong suốt như pha lê là một thế giới mà không có gì di chuyển cả, một thế giới chết.
Rất nhiều người không hiểu điều này. Họ gọi ông là kẻ hư vô chủ nghĩa, là một gã Pháp không đáng tin. Frederic Jameson, sau khi chứng kiến một kỳ dạy “rồ dại” của Baudrillard tại Mỹ, nơi triết gia người Pháp này hứng thú như trẻ con, đi chân đất khắp trường đại học và ngoại tình với một giảng viên cũng đã có chồng, đã cảnh báo sinh viên “đừng tin những gì mấy bọn Pháp nói”.
Nhưng chỉ mấy năm tại Mỹ cũng đủ. Đủ để Baudrillard nhìn về nước Mỹ với những căn nhà sáng trưng nhưng không có người buổi đêm, nhìn về nước Mỹ với những đoạn graffity định hình cái tôi của tầng lớp bình dân. Và đủ để ông nhìn tòa Tháp đôi như biểu trưng hoàn hảo của Chủ nghĩa tư bản. Hồi ký Americans và những tập Cool Memories đã được sinh ra từ đây.
Nói về tòa tháp đôi. Trong quyển sách trước đó, Symbolic Exchange and Death, ông đã nhận có những nhận định về tòa tháp đôi này. Tại Mỹ, những khẳng định này của ông một lần nữa được nhắc lại. Như Chủ nghĩa Tư bản, tòa tháp đôi tuy hai mà lại một, được định hình như tòa nhà cao nhất tại New York lúc đó. Nó tượng trưng cho một sự đối lập ngụy biện, một sự đối lập chỉ biện minh cho cái duy nhất là tư bản. Nếu với các tòa nhà trước đây là sự thi nhau mọc lên xem ai cao hơn, thì tòa tháp đôi như chính nó là sự đồng nhất của đối thủ. Rằng “tao sẽ cho mày cao bằng tao, nhưng trong giới hạn và khuôn khổ của tao”. Nhìn rộng ra, điều này cũng tương ứng với cách chủ nghĩa tư bản tác động tới mọi mặt văn hóa, hoặc với việc New York được ví như “the melting pot” – cái nồi nấu chảy mọi văn hóa. Dù là văn hóa nào, định kiến gì, thân thế ra sao, xã hội tư bản cũng dễ dàng chấp thuận bạn, ngay cả khi bạn đi trái ngược lại với ý đồ của nó. Đúng hơn, ngay cả sự trái ngược của bạn đã nằm trong bản thiết kế ban đầu của chủ nghĩa tư bản rồi. Thu nạp mọi thứ và biến mọi thứ thành của mình, đấy là năng lực của chủ nghĩa tư bản mà công cụ của nó là nền văn hóa sản xuất mà Baudrillard đang hết mực chống lại.
Nhưng mọi người vẫn không hiểu ông. Họ nghĩ ông là kẻ hư vô đã đành, và ông cũng nhận ông là kẻ hư vô. Nhưng họ còn nghĩ những sản phẩm của ông chỉ là “một cái ảo trên một cái thật”, như tấm bản đồ biến thành lãnh địa. Đây là lý do ông cực kỳ ghét bộ phim Matrix, dù hai đạo diễn chính của phim đã liên tục mời ông vào vị trí cố vấn kịch bản. Dù bộ phim này bắt toàn bộ dàn diễn viên chính đọc hết quyển Simulacra and Simulation từ đầu tới cuối, và ngay nhân vật Morpheus trong phim cũng trích gần nguyên văn về “sa mạc của sự thật” (the desert of the real) trong sách của Baudrillard, nhưng chính họ lại biến nó thành một tấn thảm kịch đáng chê cười của “Cái hang của Plato”. Cái hang của Plato cho rằng ra ngoài kia có một sự thật rốt ráo nào đó nằm dưới những ảo ảnh, và chúng ta có thể tìm được một lớp sự thật dưới những lớp simulacrum, nhưng Baudrillard thì chối phăng chuyện này.
Ông cho rằng, bộ phim Matrix chính là một thứ mà cỗ máy trong phim Matrix sẽ tạo ra. Sự thật không đơn giản như vậy. Mà sự thật là không có một sự thật nào cả. Mọi thứ không phải như tấm bản đồ phủ rộng trên vùng đất và biến thành vùng đất đó, mà là xen lẫn của bản đồ giấy và vùng đất thật. Mọi thứ đã như vậy ngay từ đầu.
“Không có thứ gì trên đời này là hoàn toàn tương đương nhau, do vậy mọi thứ đều là những trao đổi bất khả (impossible exchange)”, Baudrillard đã chấp bút quyển Impossible Exchange như vậy. Không có thứ gì trên đời này là tương đương, nên để trao đổi, từ đầu, họ đã phải gán những tầng nghĩa, những lớp simulacra lên vật trao đổi rồi. Nhưng những lớp nghĩa này không phải lúc nào cũng xấu và chắc chắn không có sự thật rốt ráo đằng sau một vật thể, mà chúng ta chỉ cần rút phích cắm ra là trở về với thực tế. Hơn thế, Baudrillard, như một triết gia thứ hai của sự quyến dụ (người đầu tiên là Kierkegaard), đã cho chính sự quyến dụ là thứ cuối cùng, thứ duy nhất có thể giải thoát người ta khỏi những cái rốt ráo về sự thật/sự giả mà chủ nghĩa tư bản đặt ra.
Và đó là lý do mà ít người hiểu ông. Họ nghĩ ông là một triết gia của sự hư vô, của sự bỏ cuộc trước thời thế. Nhưng thực ra, ông lại là kẻ có nhiều hy vọng nhất. Chỉ là, hy vọng của ông không được đặt tại thế giới này.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất