Một vài cách khác để trả ít tiền hơn cho nhân viên của bạn
Seed bẩn, thế thôi.
Có lẻ sẽ có ai đó thấy cái tiêu đề này quen quen. Cũng chẳng sai đâu, trong lúc bí ý tưởng quá tôi đã ngồi "đạo" nhẹ lại cái bài viết này của tôi:
Đây là cái bài viết mà tôi bắt đầu quay trở lại việc viết bài trên Spiderum. Lý do thì khá nhảm nhí, dạng như là sắp đi offline mà không có gì ném lên diễn đàn cũng kỳ, nên viết tí. Cơ mà dù tôi đã "seed bẩn" nó vài lần nhưng vẫn không ăn thua. Giống như nhiều tay nhạc sĩ hay cay cú vì mấy bài rất chi hàn lâm và tâm huyết thì chìm mà mấy bài viết cho vui thì nổi rần rần. Tôi cũng chẳng rõ. Cơ mà hôm nay tôi viết bài này với một tư cách cá nhân hơn và bớt xấu tính hơn. Chủ đề vẫn là việc giữ chân bọn nhân viên thôi. À mà tôi đã nói về việc tôi viết bài này sau khi nóc cạn một lít bia chưa nhỉ? Tôi đang gọi ly thứ ba (đâu đó nửa lít) trước khi viết tiếp đây.
Cho họ những đồng tiền thụ động
Đây là một trong những lý do mà tôi thật sự chọn một công ty để gắn bó lâu dài hoặc không. Nói hơi kỳ chứ tôi sống bẩn lắm, bẩn như một con ký sinh trùng. Nếu tôi mà thấy không hút hít được gì là tôi phắng ngay, chẳng rề rà. Một trong những thích mà loài ký sinh như tôi thích hút từ vật chủ nhất chính là những đồng tiền thụ động. Thụ động ở đây không giống thu nhập thụ động như mấy tay chăn gà tài chính hay nói tới. Thụ động ở đây có nghĩa là những thứ không nằm trong phiếu lương mọi tháng của các bạn. Điều đó có nghĩa rằng đó không nhất thiết phải là tiền bạc hoặc cái gì tương tự.
Những thứ đó có thể là một công nghệ, một kỹ thuật hoặc một cơ hội va chạm nào đó mà bạn sẽ có được khi vào làm ở công ty. Tôi không dám phán bừa những công việc khác nên chỉ xin lấy ví dụ ở ngành phát triển phần mềm của tôi. Đôi lần tôi sẵn sàng làm một mức lương không quá cao để có cơ hội va chạm cũng như thực hành một số loại công nghệ nhất định (có thể mang lại có tôi những lợi thế trong con đường sự nghiệp sắp tới). Hoặc đơn giản hơn là một nơi có thể chuẩn hóa lại những kỹ năng của bạn. Thú thiệt tôi từng làm ở mấy công ty mà ở đó dễ dàng quá và chẳng hề có sự chuẩn hóa nào. Một tập thể sợ hãi công nghệ cũng như quá bảo thủ, hủ nho để tiến lên. Thế nên việc được làm trong một tập thể thật sự kỷ luật là một điều tôi mong muốn. Đương nhiên cách này cũng là một con dao hai lưỡi, nó sẽ cho các bạn có được những người khát khao nhất nhưng cũng đồng thời có thể cướp họ đi nếu như sự khao khát của họ vượt mức những thứ các bạn có thể cho. Đơn giản là họ lớn nhanh như thổi và các bạn không thể xây nổi những cái lồng mới cho họ.
Nhưng trở lại với bản thân tôi thì tôi sẽ sẵn sàng làm việc ở một mức lương không quá cao cho một tổ chức có thể nâng tầm tôi theo hướng mà tôi muốn. Đương nhiên càng già, càng sinh tật nên cũng cần nhiều tiền hơn nên tôi cũng khó hơn. Không chỉ là công nghệ mà tôi cần mà còn phải là một người sếp và những người đồng nghiệp mà thật sự có thể nâng tầm tôi theo hướng mà tôi muốn.
Nếu có thể thì nên chọn một văn phòng tối ưu
Thế nào là một văn phòng tối ưu? Đương nhiên là dẹp mợ nó văn phòng và chuyển sang làm tại nhà toàn thời gian rồi!
Tôi đùa thôi, dù rằng đó cũng là một cách và tôi sẽ nói đến trong phần sau. Hiện tại tôi được phép làm tại nhà toàn thời gian nhưng tôi không thích lắm nên đi lên văn phòng làm việc dù rằng đôi khi chỉ có mỗi mình tôi. Phần này thì có lẻ không dành cho những công ty cần nhiều về phần "nhìn". Đơn giản vì nếu cần sự hào nhoáng thì rõ ràng họ sẽ không chọn được những văn phòng tối ưu theo ý tôi. Nhưng nếu là một công ty phần mềm hoặc bất cứ gì đó mà không cần quan trọng hóa cái sự hào nhoáng thì nên chọn một văn phòng heo hút vừa phải. Tôi từng có cơ hội ăn hại ở mấy văn phòng to to kiểu Lim Tower II, ETown hoặc là Flemington. Thú thiệt tôi chẳng mấy ưa mấy văn phòng đó vì vừa đông đúc vừa đắc đỏ. Việc đi làm ở một văn phòng mà quá đông đúc sẽ làm cho những nhân viên lười như tôi càng thêm lười. Chưa kể việc ăn uống đôi khi còn thảm họa hơn. Tôi từng làm ở một số nơi ở Quận 3, Sài Gòn và việc tìm tiệm cơm trưa ưng ý là việc vô cùng khó. Tôi không dám chê nhưng mà đôi lúc cơm bụi rẻ quá thì khó nuốt. Mà không ăn thì xung quanh chỉ còn có mấy quán sang chảnh, giá cao ngút trời. Đó chỉ là Quận 3 thôi, chưa kể những khu nhà giàu khác. Cách đây mấy tuần thì tôi nhớ rằng Zing News cũng từng có mấy bài phóng sự nói về vấn đề này. Chưa kể việc ở những nơi này thì những việc như đi thang máy thôi cũng tương đối thảm họa. Đó là chưa kể tới mấy việc như lấy xe máy, xếp hàng mua thức ăn buổi sáng hay là những vấn đề khác...
Thế thì sao cái vụ phòng ốc này gây ảnh hưởng tới mức lương nhỉ? Đương nhiên là phòng ốc cũng là một trong như thứ phúc lợi khác. Nếu nhân viên của các bạn thích làm việc sang chảnh, chụp chẹt ảnh ọt thì đều này tốt như hổ mọc thêm cánh. Nhưng nếu đổi lại nhân viên của các bạn đa phần không ham thích gì điều này thì sao? Một văn phòng kiểu đó có thể khiến bạn tốn nhiều tiền hơn trong việc thuê mướn đồng thời làm bạn phải trả thêm nhiều tiền cho nhân viên. Có thể mức lương bạn trả cao hơn một số công ty khác nhưng nếu sau khi trừ đi các chi phí như ăn uống này nọ đem về chẳng được bao tiền thì cũng thế thôi. Việc tối ưu hóa văn phòng sẽ là một cách để đỡ tốn chi phí cũng như là giảm bớt khả năng bị "cướp" nhân viên. Tôi thì chán ngáy cái cảnh đi thang máy và gửi xe ở mấy tòa nhà lớn rồi.
Hãy tìm ra một văn hóa chung
Cái này theo tôi là một điều cực kì quan trọng. Hãy cố mà tìm ra một cái văn hóa chung cho cả công ty. Đáng lẻ tôi sẽ viết về chủ đề này trong một bài viết khác nhưng giờ đây tôi quyết định... sẽ vẫn viết ở một bài khác. Chỉ là nhắc tí về vấn đề này. Cơ bản là công ty nên định hình một khung văn hóa chung. Dựa theo khung văn hóa đó mà tuyển dụng và xây dựng tổ chức. Điều này không chỉ được xây dựng lúc đầu mà còn phải bám sát liên tục trong quá trình phát triển.
Khung văn hóa có thể hiểu là một cách nghĩ chung trong công sở cũng như công việc. Lấy nghề của tôi làm ví dụ, sẽ có những công ty có văn hóa không coi trọng kỹ thuật "cứng" mà thay vào đó coi trọng mấy cái kinh nghiệm. Dẫn đến mấy tay già khú, mồm mép thì sẽ được đưa lên hàng nhất đại tông sư. Còn những anh giỏi kiến thức dù giỏi cách mấy cũng không có tiếng nói. Tôi sẽ không nói loại văn hóa nào là tốt hoặc xấu vì nó tùy vào góc nhìn của mỗi người. Nhưng nếu định hình được sớm thì sẽ đỡ rơi vào trường hợp tuyển nhầm, tuyển không phù hợp và gây tốn tiền lãng phí. Tôi từng nhớ rằng có vài lần tôi nghe mấy câu hỏi dạng như:
- Sau bên mình không tuyển CTO vậy anh? - Tuyển chi? Tuyển người giỏi quá xong vào nói chuyện với ông XXX thì người ta cũng nghỉ ngay thôi.
Mà chẳng có gì khó chịu bằng việc tuyển một nhân viên vào mà họ nghỉ vào vài tháng chỉ vì lý do là họ không dung hòa được với văn hóa công ty.
Hãy cho họ một mức lương tốt
Đây là điều cuối cùng tôi nói đến trong bài viết này. Hãy cho nhân viên một mức lương tốt, tốt không có nghĩ là cao một cách điên rồ. Tốt ở đây là đa phần nhân viên họ thấy nó "tốt". Mức tốt ở một công ty thì có nhiều cách để đánh giá, đại loại là đa phần họ thấy vui vẻ và không quá cay cú. Điều này không hề dễ tí nào nếu rơi vào những công ty khởi nghiệp đi lên từ ít người. Không ít lần tôi thấy một trưởng nhóm bật itviec lên ngay sau khi vô tình biết được một nhân viên nào đó có mức lương cao hơn anh ta. Tôi không nói nhân viên kia kém hoặc không xứng với mức lương kia. Nhưng vấn đề là việc bất đối xứng giữa chức vụ và mức lương. Có thể mức lương đó là xứng đáng nhưng điều này hoàn toàn có thể tại ra một hiệu ứng Domino trong công ty. Dù hơi tàn nhẫn nhưng đôi khi phải bỏ đi một người nào đó trong tổ chức hoặc phải hợp thức hóa bằng một chức danh nào đó nếu không muốn gây ra sự bất ổn. Đôi khi phải bỏ con tép để bắt con... tôm, vâng con tôm, nếu hên.
Kết luận
Bia hết, mồi cạn, bài xong nên kết bài thôi. Tôi không hề xem lại tôi đã viết gì trong bài này. Đơn giản là đi uống bia, nhìn mưa, rãnh ruồi nên viết đôi dòng.
À mà sẵn chia sẽ sâu hơn việc ở phần trên. Trong công ty cũ tôi, có một ông trưởng nhóm, làm từ thời đầu tiên, đóng góp nhiều. Lương đâu có khoảng gần ba mươi triệu. Đến một ngày đẹp trời ổng được một thằng nhân viên khoe rằng lương nó hơn ba mươi bảy triệu, nó cứ vòng vo, cười hề hề đòi ổng phải tiết lộ lương ổng ra. Kết cục thì cũng dĩ hòa di quý, không có cãi cọ gì cả. Ổng nộp đơn xin nghỉ ngay sau cái hôm bị gặng hỏi mức lương dưới đáy xã hội. Nhóm của ổng từ khi ổng đi như rắn mất đầu, lần lượt đội nón ra đi. Tay con cưng của sếp thì cũng ra đi sau đó. Tôi thì sao à? Tôi cũng đi luôn. Ahihi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất