I. TÌNH TRẠNG TÀI CHÍNH HIỆN TẠI CỦA MÌNH.

Nghe bảo Gen Z thời nay kiếm được nhiều tiền lắm. Chỉ cần xinh xắn ưa nhìn một chút, cộng với một vài tài lẻ là có thể nổi rần rần trên các nền tảng xã hội. Sau khi chứng minh được độ hot của bản thân, họ bắt đầu nhận quảng cáo cho các nhãn hàng, sản phẩm. Tiền tươi rót đều đều vào tài khoản, họ lại dùng tiền ấy để đắp thêm nhiều thứ phù phiếm lên cuộc sống của bản thân thu hút người dùng mạng xã hội như một hình ảnh KOLs tích cực, năng động và đáng ngưỡng mộ. Độ nổi tiếng lại càng tăng, các hợp đồng quảng cáo lại càng nhiều. Kể cả đôi lần chúng ta thấy họ một màu, mất chất vì cái gì cũng quảng cáo (trong khi có thể mới sử dụng sản phẩm ấy được đôi ba lần và chẳng rõ độ hiệu quả về lâu dài của chúng ra sao), nhưng vì biết chăm sóc cho hình ảnh cá nhân mỗi lần xuất hiện trước công chúng, nghiễm nhiên các KOLs đang lên hương ấy trở thành một sứ giả truyền cảm hứng sống tích cực cho hàng triệu thanh thiếu niên trên cõi mạng.
Ầy, mình lại ba hoa chích chòe nhiều ghê. Chỉ là muốn nói giới trẻ bây giờ làm ra nhiều tiền lắm. Nếu không làm KOLs, kiếm tiền từ các lượt view của người dùng mạng xã hội, họ cũng có máu mặt kinh doanh, buôn bán sành sỏi, kiếm được số tiền khủng nhờ biết cách marketing hiện đại và chăm chút hình ảnh cho sản phẩm và thương hiệu của mình.
Nghe đâu nhiều bạn trẻ mới chập chững đầu tuổi 20 đã có thể kiếm vài chục triệu mỗi tháng, thành lập công ty riêng, thậm chí mua nhà, mua đất, mua xe hơi và đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, như cô bạn Khánh Vy năng động vậy.
Thế là nhìn lại bản thân mình, sau nhiều năm học hành tanh tưởi ở giảng đường đại học, tài khoản tiết kiệm cứ mãi lẹt đẹt dưới 10 triệu đồng. Tháng nào làm ra được bao nhiêu thì lại ăn hết bấy nhiêu trong tình trạng không thể tiết kiệm được (vì sẽ…đói) lại thấy hơi tủi tủi.
Ôi, lại cái thói quen so sánh bản thân với người khác nữa rồi. Mình có đi được đôi giày của người ta đâu mà biết họ ra sao. Hây dà *một phút thở dài trấn tĩnh*.
Thực ra, việc không có nổi hơn 10 triệu trong tay phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Công ty mình đang làm có ít việc hơn hẳn, thế nên nhân viên đành san sẻ đầu việc cho nhau và chịu chấp nhận số lương bèo bọt hơn rất nhiều so với lương chuẩn trước kia.
NHƯNG, đáng lẽ mình sẽ không rơi vào tình cảnh này nếu mình có thể tiết kiệm được một khoản kha khá trong 4 năm học đại học, khoảng thời gian mà mình có rất nhiều thời gian rảnh lại tràn trề năng lượng sống nhất. Trời ạ, mình đã làm gì trong suốt những năm tháng ấy nhỉ? Tại sao tiền cứ đến, rồi lại biến mất mà mình chưa kịp định hình và nhấn “pause”.
Giả sử mỗi năm đại học mình có thể tiết kiệm được ít nhất 10 triệu, thì bây giờ mình đã có thể sống dư dả, đỡ lo nghĩ hơn một chút với một tài khoản ngân hàng có tầm 40 triệu tiền tiết kiệm. Mỗi khi ngồi ngẫm nghĩ và tính toán lại, chợt thấy bản thân thật sự ngu ngốc vì đã không lo nghĩ nhiều hơn cho tương lai.
Thế nên, mình muốn viết bài này để chỉ ra cho các bạn cái cách mà mình đã không để dư ra được đồng nào sau suốt 4 năm học đại học, và, xin đừng như mình :D Đừng bao giờ như mình.

II. NHỮNG SAI LẦM CƠ BẢN KHIẾN MÌNH LUÔN...HẾT TIỀN.

1. Chọn sai trường đại học.

Nghe có vẻ không liên quan lắm nhỉ, vì chọn sai trường đại học có liên quan họ hàng hang hốc gì với việc tiết kiệm tiền không?
Thực ra, đối với mình, việc chọn sai trường đại học chính là cái giá quá đắt cho vấn đề tài chính của mình. Và mình nghĩ rằng cũng sẽ có nhiều bạn như mình.
Mình học trường tư, học phí khá đắt đỏ. Ba mẹ mình cũng giàu có đấy, nhưng lại hơi ki bo. Còn mình thì sĩ diện ngút ngàn.
Gộp ba điều này lại, ắt bạn có thể lờ mờ đoán ra được tiền của mình đi về đâu trong suốt 4 năm đại học đúng chứ?
Vâng, đi vào khoản học phí hết đấy ạ.
Vì ngu ngơ không được ai tư vấn kĩ càng, còn bản thân lại khù khờ vì không chịu tìm hiểu và nhìn xa trông rộng, sau kì thi Đại học, mình nhắm mắt đưa chân vào một ngôi trường tư ở Sài Gòn, với học phí đã mắc lại còn tăng đều 10% từng năm.
Mỗi lần đến thời hạn đóng học phí, mình xin tiền mẹ đều nhận được những cái nhìn nghi ngại và những lời than thở không đầu không cuối: “Trời ơi, học phí gì mà đắt đỏ dữ vậy!”; “Hai mươi hai triệu lận cơ à, cho một học kì thôi à? Học kì này học mấy môn mà tiền nhiều thế?”; “Không biết cố gắng mà thi vào trường nào vừa có tiếng vừa có học phí thấp một chút, tự dưng vào cái trường đó chi không biết!”. Dù sau đó, mẹ mình cũng đưa tiền cho mình và gia đình mình thì vẫn…đủ ăn đủ mặc như bình thường (à thì mình hay đùa với bạn bè, mẹ mình giàu chứ mình thì không hề giàu).
Mỗi lần nghe những câu như thế, mình rất mệt mỏi và buồn bã. Mẹ đã có thói quen chắt chiu và tiết kiệm tiền từ rất trẻ (vì ngày xưa mẹ mình không được đầy đủ như bây giờ), lại không tâm lý vì khi phát ngôn như vậy mẹ không suy nghĩ gì đến tâm trạng của mình. Từ đó, mình rất ngại mỗi khi mở miệng ra xin mẹ bất kỳ khoản thanh toán nào. Sẵn cái tính sĩ diện từ bé, mình quyết tâm…đóng một nửa học phí, hạ số tiền mình xin mẹ xuống mức thấp nhất có thể để mẹ bớt phàn nàn. Nhưng một nửa nó vẫn rất nhiều đối với một đứa sinh viên như mình, thế nên, dù có đi làm thêm, mình ít khi để dư ra được đồng nào vì đã gom đi đóng học phí hết.
Bạn thân mình từng bảo: “Sĩ diện thì khổ!”. Câu này áp vào bản thân mình không trật được chút nào đâu.

Thế nên, mình có một lời khuyên dành cho các bạn đây:

Đừng nộp đơn vào trường tư nếu bạn có hoàn cảnh giống như mình, hoặc khi gia đình bạn không mấy khá giả, nhưng bạn thì vẫn thích nghe theo bạn bè để vào học trường đó. Vì như thế, bạn chính là người làm khổ ba mẹ mình suốt những năm tháng tiếp theo, vì học kỳ nào bạn cũng đè lên vai họ một gánh nặng mang tên “học phí” mà họ đôi khi phải đi vay mượn và còng lưng trả nợ để đóng học cho bạn.
Bạn chỉ nên theo học trường tư khi: gia đình bạn giàu, ba mẹ bạn thoải mái về tiền bạc, bạn THỰC SỰ thích ngành học nào đó của trường và tính toán kĩ lưỡng về việc sẽ đỡ đần cho cha mẹ được một khoản học phí trong tương lai.

2. Không biết giữ gìn sức khỏe.

Lại một lí do nghe có vẻ không liên quan, nhưng thực chất lại rất liên quan.
Mình từng làm nhân viên pha chế của Highlands Coffee, và thời đó, mình là đứa có giờ làm ít nhất quán. Thực sự đấy, bạn bè ở đó bảo mình “đi làm như đi chơi”.
Mấu chốt cho việc này là mình luôn bị cạn kiệt hết năng lượng nếu làm quá nhiều. Và mình cảm thấy sợ hãi việc bản thân lúc nào cũng thấy mệt mỏi và thiếu ngủ, không thể làm gì nên hồn, nên mình đăng ký làm ít lại hẳn.
Thực ra, một phần là mình cũng không hề biết chăm lo kĩ hơn cho sức khỏe bản thân. Thể trạng đã yếu hơn người bình thường do cơ thể thấp bé, ít cân, mình lại còn thức khuya triền miên, thường xuyên bỏ bữa và lười vận động.
Thành ra, mình cứ hoài ốm yếu, chẳng làm được nhiều việc thật năng suất như người ta.
Mà không làm nhiều, học nhiều, ắt bạn cũng sẽ kiếm được ít tiền hơn.
Thế nên, điều quan trọng số một trong những năm tháng sinh viên vẫn là phải chăm lo cho sức khỏe của bản thân thật tốt.
Vì sức khỏe là thứ sẽ đi với mình suốt đời, không có sức khỏe, chúng ta chẳng làm gì nên hồn. Điều này không bao giờ sai. Hãy tưởng tượng bạn bị nhức đầu. Chỉ cần nhức đầu thôi, bạn đã phải nằm nghỉ cả ngày rồi, có làm gì được đâu. Thế là bao công việc bị trễ hẹn.
Khi bạn khỏe khoắn, sinh lực tràn trề, bạn có thể vừa học vừa làm một cách rất thoải mái, thậm chí giữ vững phong độ, học và làm tốt hơn người ta nữa kia.
Bạn sẵn sàng sáng học, chiều làm, tối đi chơi, cuộc sống sinh viên thật vui vẻ và nhiều trải nghiệm đáng học hỏi.
Người trẻ đang bỏ bê sức khỏe trầm trọng!
Người trẻ đang bỏ bê sức khỏe trầm trọng!

Thế nên, mình có một lời khuyên dành cho các bạn đây:

Chỉ cần bạn để ý những điều sau, sức khỏe sẽ không rời bỏ bạn (đây là những điều mình đã không làm để bản thân phải lao lực):
- Ăn đủ ba bữa (cái này quan trọng, đặc biệt đối với những ai thiếu máu như mình. Nếu bạn bỏ bất kỳ bữa nào, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu vì thiếu máu lên não, do đó không tập trung làm được việc gì đâu). Cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt.
- Uống đủ nước (cái dễ làm nhất rồi nè, không làm được nữa thì thôi).
- Vận động mỗi ngày (không nhất thiết phải gym đồ các thứ đâu, bạn hoàn toàn có thể thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng, chủ yếu là để cho máu huyết lưu thông hơn, nuôi dưỡng các tế bào cơ thể tốt hơn). Chỉ cần tập tầm 30 phút mỗi sáng hoặc chiều thôi cũng đủ rồi. Mình thường chọn các bài đi bộ tại nhà và yoga không quá khó. Link mình để ở dưới cho bạn nào muốn tham khảo.
- Ngủ đủ giấc: ôi trời, cái này là thử thách khó nhất đối với sinh viên. Mình thấy hầu hết mọi người khi bắt đầu cuộc sống sinh viên đều trở thành cú đêm hết. Vì thời gian trong ngày do mải làm, mải học, mình cảm thấy đến cuối ngày có vẻ như “mình vẫn chưa làm được gì cho ngày hôm nay” nên tiếc nuối nếu đi ngủ sớm. Do đó, mình tiếp tục vùi đầu vào mạng xã hội, tìm kiếm chút thông tin, ý tưởng, với tâm thế sẽ học hỏi thêm được điều gì đó. Nhưng học chẳng biết được bao nhiêu, chỉ biết hôm sau luôn dậy trễ, gộp hai bữa sáng và trưa làm một, và nếu có tiết học đầu trong ngày bắt buộc phải dậy sớm, vì không ngủ đủ, mình lờ đờ cả ngày luôn.  
Hiện tại mình đã chuyển hẳn từ cú đêm sang “a morning person” – một người dậy sớm. Mình sẽ viết một bài khác về lí do cho việc này và các cách mình áp dụng để dậy sớm thành công.
Đó, chỉ những điều nho nhỏ cơ bản thế thôi. Nếu bạn còn không làm được (như mình đã từng), bạn đang trên con đường đi thụt lùi, vô cùng nguy hiểm.

3. Không nỗ lực làm thêm.

Việc mình không nỗ lực làm thêm nhiều hơn, một phần là lí do sức khỏe như mình đã kể ở trên. Mình đã không biết cách chăm sóc sức khỏe để luôn cảm thấy khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng mà xông xáo kiếm thêm chút tiền để dành.
Một phần khác là do mình lười. Vâng, đúng vậy đó ạ. Mình rất lười và luôn tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân (thế nên, nghèo là phải!). Không biết các bạn ra sao, chứ mình luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi có lịch Off không phải đi làm, để cả ngày hôm đó mình sẽ được ở nhà lướt web xem phim cả buổi. Đôi khi, có những ngày mình có nhiều thời gian rảnh, nhưng mình vẫn cố tình đăng ký lịch học/ lịch bận cho quản lý để họ cho mình Off luôn.
Một phần khác nữa là do mình quá thụ động, không biết cách tìm kiếm công việc mà bản thân yêu thích để nỗ lực làm hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Mình không hề thích đi làm ở quán cà phê, nhưng mình vẫn cố gắng chịu đựng suốt 9 tháng trời chỉ vì có được chút tiền tiêu vặt. Trong khi đó, mình hoàn toàn có thể trau dồi thêm các kĩ năng khác như ngoại ngữ, viết lách…để xin việc tại những công ty có các lĩnh vực mà mình yêu thích. Nhưng mình đã không làm. Vâng, cũng chỉ vì mình lười.

Thế nên, mình có một lời khuyên dành cho các bạn đây:

- Bớt lười. Sự thoải mái nhất thời sẽ giúp bạn vui vẻ. Nhưng đồng thời bạn cũng sẽ sống trong âu lo vì nỗi lo tài chính trong suốt một thời gian dài.
- Bớt thụ động. Phải luôn tâm niệm bản thân còn non nớt, ngu muội mà cố gắng học hỏi thêm, tích lũy kiến thức của những ngành nghề bạn định theo đuổi, làm dày kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân, giúp ghi mắt trong nhà tuyển dụng sau này hoặc hỗ trợ bạn rất nhiều nếu ra làm riêng (ví dụ: học tiếng Anh và thi lấy các chứng chỉ như TOEIC, IELTS sớm trong thời gian học, không để nước đến chân mới nhảy, ra trường rồi mới lật đật đi học. Ngoài ra, bạn có thể trau dồi kĩ năng tin học, viết lách, design, kinh doanh, marketing, các kĩ năng mềm cần thiết khác).
- Tìm kiếm một công việc làm thêm bạn thực sự yêu thích để bớt lười. Nếu không thích công việc tay chân, có hàng tá các công việc đầu óc khác cho bạn lựa chọn, quan trọng bạn có hứng thú tìm kiếm chúng hay không thôi. Mình list cho bạn một số công việc mình biết nghen:
+ Gia sư (đơn giản, tốn ít thời gian, không mất sức): bạn có thể tham khảo một số trung tâm gia sư uy tín trên địa bàn sinh sống. Mình thì muốn giới thiệu bạn trung tâm gia sư Ông Mặt Trời mà mình đã từng trải nghiệm, rất dễ theo dõi lớp mới trên facebook, nhân viên cũng rất tử tế và hỗ trợ gia sư tối đa. Gia sư cũng là công việc làm thêm mình có trong thời gian học đại học. Mình đang lên kế hoạch viết một bài nói về lí do bạn nên gia sư ít nhất một lần trong đời đó.
+ Viết lách content (tốn chất xám nhưng lại khá thú vị): hiện tại công việc này khá bão hòa và thật giả lẫn lộn nên nếu bạn thực sự yêu thích, bạn phải đầu tư học viết content chuyên nghiệp và kiên trì tìm kiếm khách hàng. Một số nền tảng mà mình biết:
+ Freelance cho khách nước ngoài (yêu cầu tiếng Anh cơ bản): trên các nền tảng Upwork, Fiver… Mình thấy có một kênh Youtube Việt Nam tập trung ở mảng này mà bạn có thể tham khảo:
+ Design và bán buôn (biết design và sáng tạo): bạn vẽ hoặc thiết kế một thứ gì đó trên nền tảng photoshop hoặc canva, sau đó đem rao bán trên các trang web online như Etsy, cũng thu được kha khá đó. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn tại đây:

4. Không tiết kiệm tiền.

Đã kiếm được không nhiều tiền, mình lại còn tiêu nhiều các bạn ạ. Đúng là, đã nghèo còn mắc cái eo.
Một phần lớn tiền của mình đem đi đóng học phí, tất cả đều từ sự sĩ diện không muốn xin tiền ba mẹ.
Một phần nhỏ còn lại thay vì tiết kiệm, mình đem đi đốt vào quần áo, đồ mỹ phẩm, và những lần ăn uống vô tội vạ chỉ vì đôi khi lười nấu ăn hay buồn miệng.
Hồi còn trẻ trâu ấy, mình luôn có tư tưởng: “Ồ, nếu mình không có thứ này, mình sẽ không thể làm lại cuộc đời được!”.
Và thế là mình sẵn sàng chi tiền cho những thứ đồ ấy như thể đang yêu thương chiều chuộng bản thân vậy.
Mình từng mua những bộ quần áo rẻ tiền để rồi mặc một vài lần là thấy chán. Tương tự với giày dép, phụ kiện.
Mình từng mua những thứ mỹ phẩm rẻ tiền với hi vọng chữa dứt điểm một khiếm khuyết nào đó trên cơ thể. Nhưng sau một thời gian không có kết quả tốt, mình vứt chúng một xó.
Mình quyết tâm ăn uống healthy hơn, thế là lại lật đật lên mạng đặt mua nồi niêu xoong chảo. Tiếc tiền nhất là cái lần đặt hộp cơm 4 tầng lúa mạch tiện lợi để mang đi làm, nhận về là một sản phẩm chất lượng quá kém, khớp cài không chắc, đựng canh thì đổ tùm lum. Sau một vài lần nỗ lực khắc phục không được, mình cũng quăng luôn không dùng.
Ăn uống healthy được vài ba hôm, mình lại dở chứng lười nấu ăn và thèm của ngon dâng sẵn tận miệng. Mà những món mình thèm lại tốn kém. Mình năm lần bảy lượt đặt hàng Hanuri, Jolibee, Kimbap city, bánh canh cua, bún bò… hoặc tiếc phí ship thì lại rủ rê bạn bè đi ăn uống tại chỗ mà chẳng lo nghĩ gì về việc tiết kiệm. Mà buồn cười ở chỗ, mỗi lần mình ăn xong đều có cảm giác: “Chà, lẽ ra không nên ăn thì hơn. Tốn tiền quá. Lại chẳng no!” Nhưng lần sau thì cứ thế tái diễn.
Mình mua thảm tập yoga (mà chưa kịp tập ngày nào thì Sài Gòn bị phong tỏa, mình đành về quê tránh dịch), mình mua bàn học mới to hơn trong khi cũng đang có một cái bàn khác, mình mua 3 cái quần jeans trên shopee trong mùa dịch (đúng vậy, có điên không kia chứ, mua về vẫn chưa được diện đi chơi được ngày nào), mình mua ti tỉ thứ không cần thiết tại một cửa hàng bán buôn giá sỉ vô cùng rẻ (nhưng gom nhiều thứ vào thì lại tốn kha khá). Và còn khá nhiều món đồ khác nữa mà bây giờ mình đang không sử dụng chúng, rất lãng phí và…lãng nhách.
Rồi mình chợt nghiệm lại và nhận ra một điều. Những món mình mua đều là hàng rẻ tiền, hoặc chỉ thỏa mãn đam mê mua sắm nhất thời. Tác dụng của nó không tốt so với kì vọng, hoặc là nó sẽ bị bỏ xó vì chả biết khi nào mình mới cần tới nó. Nếu biết suy nghĩ chín chắn hơn, ắt mình đã không phung phí tiền như thế.

Thế nên, mình có một lời khuyên dành cho các bạn đây:

- Tắt hết các app mua sắm như Shopee, Tiki, Lazada trên điện thoại đi. Khi nào thực sự cần mua một món đồ gì, hãy lên máy tính để tìm kiếm.
- Hạn chế mua đồ rẻ tiền, vì nó không bền. Thà rằng bạn gom góp tiền để mua một món đồ chất lượng, như vậy có khi bạn còn tiết kiệm được nhiều hơn. Nếu sống xa nhà, bạn thực sự chỉ nên tiết kiệm tiền để mua và sử dụng một vài món đồ cơ bản:
+ xe máy: món này có vẻ hơi xa xỉ, nhưng thực sự cần thiết, vì theo mình thấy di chuyển hằng ngày bằng bus hoặc grab sẽ tốn kém hơn, nhất là khi bạn sống ở Sài Gòn hay Hà Nội. Bạn có thể đi làm thêm để tiết kiệm tiền mua xe, chọn mua loại xe không đắt đỏ, thậm chí mua lại cũng được (tin mình đi, đừng bao giờ mua xe tay ga để chạy khi còn là sinh viên. Vì sau một khoảng thời gian dài chịu va đập tứ bề từ những nơi bạn gửi xe, xe của bạn sẽ chẳng ra hình thù đẹp đẽ gì nữa đâu, nó làm giảm đáng kể giá trị của chiếc xe nếu bạn muốn bán lại đó). Hồi trước, mình có quen một cô bạn vì chưa có xe nên nỗ lực đi làm thêm ca đêm trong 3-4 tháng tại cửa hàng tiện lợi chỉ để góp đủ số tiền mua một chiếc xe số tiện cho việc đi lại. Mình thực sự nể cô bạn ấy.
+ điện thoại: có lẽ ai cũng có nên mình không nói nhiều. Nhưng, đừng bao giờ ép bản thân luôn phải “lên đời” điện thoại chỉ để thể hiện với bạn bè, khi cái đang dùng vẫn còn hoạt động tốt. Trời ơi, chúng ta còn ti tỉ các khoản chi khác nữa đó. Đừng sống vì mấy cái mác điện thoại thông minh.
+ quần áo: một hai cái quần jeans, một quần tây, một áo thun trắng, một áo sơ mi trắng, một chiếc đầm basic (đối với nữ), một áo khoác. Thế là đủ! Khi dư dả có thể mua sắm nhiều hơn.
+ giày dép: một đôi thể thao, một đôi đi nhẹ (sandals), một đôi cao gót (đối với nữ), một đôi dép (thậm chí gộp đôi đi nhẹ làm dép luôn cũng được).
+ đồ skincare: tẩy trang, sữa rửa mặt, kem dưỡng da, sáp dưỡng môi, và kem chống nắng (không hề thiếu thốn đâu, da mình vẫn luôn khá ổn khi chỉ sử dụng những món này, không phải cần tới ti tỉ serum, sữa dưỡng, lotion các kiểu).
+ đồ makeup: kẻ chân mày, má hồng, và 1 cây son duy nhất là đủ. Khuôn mặt bạn sẽ đẹp hơn khi bạn hay cười :D
- Áp dụng quy tắc 1 tuần. Nếu muốn mua một món đồ gì đó, hãy ghi chú nó vào sổ hoặc bỏ vào giỏ hàng, nhưng hãy đợi một tuần sau mới quyết định có mua hay không. Vì đôi khi món hàng ấy chỉ là mong muốn bồng bột nhất thời, sau một tuần, có khi bạn còn chẳng cần tới nó nữa.
- Bỏ ngay cái hội chứng sợ bỏ lỡ. Đừng thấy sale sập sàn mà cắm đầu vào mua đồ. Đừng nghĩ rằng cả đời này chỉ có một cơ hội mua sắm duy nhất ấy. Trời ơi, Shopee tháng nào chả sale, và còn ti tỉ những dịp sale khác nữa (mà mình thấy giá sale đôi khi còn bị đội giá hơn hẳn giá gốc). Nếu muốn mua gì đó, hãy chờ đúng thời điểm bạn cần nó.

III. NHỮNG QUY TẮC VỀ TIỀN MÀ MÌNH HỌC ĐƯỢC.

1. Tiền không sinh ra cũng không mất đi, chỉ chuyển từ ví người này sang người khác.

Một quy tắc khá hay ho mà mình học được. Tiền không tự đến mà cũng không tự đi, tiền cũng không từ trên trời rơi xuống bất thình lình và bạn thì nằm “há miệng chờ sung”. Bạn hãy nhớ rằng bạn chỉ thực sự giàu có khi làm cho người khác chuyển tiền từ ví của họ sang ví của bạn. Để làm được điều này, bạn phải tuân thủ hai quy tắc bền vững:
- Bạn có thứ mà người ta không có, nên người ta mới móc tiền để “mua” chúng từ bạn (kĩ năng, kinh nghiệm, sản phẩm, lời khuyên, kiến thức…)
- Bạn PHẢI giúp được người khác không lãng phí tiền vô ích. Tức là bạn phải giúp họ nhận lại được thứ gì đó hữu ích khi đã mất tiền cho bạn (ví dụ họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhờ những gì nhận từ bạn). Làm được điều này, bạn mới giàu có bền vững được, vì “hữu xạ tự nhiên hương”, giá trị tốt người ta nhận được chính là chiêu marketing vô cùng hiệu quả cho bạn. Mấy cái dòng đa cấp, lừa đảo, chứng khoán ảo hớt tay trên thì không bao giờ tồn tại lâu dài đâu.

2. Sức mạnh đồng tiền nhàn rỗi.

Tiền nhàn rỗi (Tiếng Anh: Idle Money / Dormant Capital / Unemployed Fund) là một khoản tiền thuộc sở hữu của cá nhân (không phải tiền đi vay) nhưng chưa có ý định sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định.
Tiết kiệm tiền tức là bạn đang có một khoản tiền nhàn rỗi – tiền mà bạn không phải móc ra để chi trả cho nhiều thứ mỗi ngày (vì bạn vẫn có tiền khác cho những việc này).
Nhiều người coi thường đồng tiền nhàn rỗi (như mình), cho rằng tiền kiếm được để phục vụ cuộc sống bản thân, không phải để cất đi, thế nên tiêu pha cho đến cạn sạch thì thôi.
Nhưng trong mùa dịch phải cách li phong tỏa, có lẽ bạn cũng hiểu được sức mạnh của đồng tiền nhàn rỗi.
Nếu bạn có một khoản tiết kiệm kha khá, ắt hẳn bạn vẫn đủ ăn đủ mặc mà không phải vất vả kêu xin hỗ trợ từ nhà nước (và cũng không biết bao giờ mới được xét duyệt hỗ trợ).
Còn ti tỉ những dịp như vậy, những dịp bạn tạm thời không làm ra được tiền nhưng vẫn sống ổn nếu biết tiết kiệm: thất nghiệp, chuyển việc, đi du lịch, bị bệnh hoạn, tai nạn…

3. Tiền tăng, tiền giảm

Mua đất, mua nhà…là bạn đang nắm trong tay những đồng tiền “tăng”: vì giá trị nhà đất thường tăng theo năm tháng.
Mua xe, mua iphone, quần áo, phụ kiện…là bạn đang nắm trong tay những đồng tiền “giảm”: có xả kho, bán lại, thanh lý những thứ ấy thì bạn luôn bị lỗ.
Do đó, bạn phải xác định rõ ràng rằng bạn đang đầu tư hay phung phí, từ đó đưa ra những quyết định chi tiền đúng đắn hơn.

4. Không có nợ nào là nợ tốt, chỉ có nợ “tạm chấp nhận được”.

Trong cuốn sách “7 bước để tự do tài chính” mà mình từng đọc, tác giả Rachel Richards đã khẳng định rằng: chẳng có cái nợ nào là tốt cả.
Một cuốn sách khá hay ho về chủ đề tài chính mà bạn có thể đọc tham khảo.
Một cuốn sách khá hay ho về chủ đề tài chính mà bạn có thể đọc tham khảo.
Tiền vay để mua nhà còn chấp nhận được, nếu bạn đang ở trong trường hợp vẫn kiếm ra tiền đều đặn ổn định để trả lãi mỗi tháng, vì giá trị nhà đất thường sẽ tăng lên và cơ hội kiếm lời từ việc bán lại chúng sau này có thể giúp bạn gia tăng tài sản.
Chứ mà bảo vay tiền để mua xe, iphone, đồ hiệu nhằm thể hiện với hàng xóm láng giềng, cộng đồng mạng hay bất kỳ ai thì nó quá ư phí phạm và không đáng đầu tư nếu bạn vẫn còn chật vật kinh tế, vì giá trị của những thứ xa xỉ ấy chỉ có giảm chứ không tăng lên theo năm tháng đâu.
Tất cả các loại nợ đều là xấu, hoặc chí ít thì cũng là tạm chấp nhận được (như việc mua nhà). Xấu vì nó tạo ra một áp lực luôn đè nặng lên đôi vai của bạn, không để yên cho tâm trí bạn nghỉ ngơi an tâm và bạn luôn trong trạng thái làm việc tiêu cực – làm việc chỉ để trả được nợ cho xong chứ không phải làm việc để kiếm tiền, dùng tiền ấy chi tiêu cho bản thân và tiết kiệm nữa. Nó y như cái cảm giác làm việc không công vậy.
Thế nên mục tiêu đầu tiên của việc có được một nền tảng tài chính vững chắc đó là: hãy giải quyết hết nợ nần đi, ngay và luôn.

IV. LỜI KHUYÊN TỪ MỘT ĐỨA THẤT BẠI VỀ VIỆC SỬ DỤNG VÀ TIẾT KIỆM TIỀN.

1. Kiếm tiền tích cực.

Tất cả các yếu tố để kiếm tiền tích cực thời sinh viên và cả sau khi tốt nghiệp đều đã được mình chỉ ra ở phía trên, rút từ kinh nghiệm bản thân. Mình chúc bạn sẽ không như mình, biết cách kiếm tiền tích cực và trở nên dư dả hơn.

2. Tiêu tiền đúng chỗ.

Chỉ mua những thứ thật sự cần thiết, không phung phí. Nếu đang là một con nghiện mua sắm quên lối về, hãy ÉP bản thân thực hành lối sống tối giản, và khi có thể sống được như vậy, bạn mới thực sự biết giá trị của mình nằm ở đâu, và ai vẫn ở bên mình kể cả khi mình không có nhiều thứ đồ và thói quen phù phiếm.

3. Tiết kiệm thông minh.

Để thoát khỏi tình trạng khổ sở phải cân đo đong đếm từng đồng một mỗi khi nhận lương, bạn cần có một kế hoạch tài chính cụ thể và stick-to-it, nôm na là bám chắc vào nó lâu dài thì mới cho ra hiệu quả chất lượng.
Nếu bạn không biết cách tiết kiệm tiền như thế nào thì để mình chỉ cho một phương pháp có tên Phương pháp 4 xô mà tác giả Rachel đã đề xuất trong cuồn sách “7 bước để tự do tài chính”.
Đầu tiên, bạn cần có một dụng cụ để theo dõi tiền bạc của mình. Sổ sách hay gì cũng được, ai làm việc với máy tính cả ngày như mình thì có thể dùng excel đã chia sẵn ô cột rõ ràng và các hàm tính toán chính xác, hoặc bất kỳ app track tài chính bổ ích nào đó cũng ok.
Sau đó, bạn vẽ 4 cột tương ứng với 4 xô.
- Xô đầu tiên là xô tiết kiệm khẩn cấp, đại khái là số tiền mà bạn có thể rút ra xài ngay được nếu bất đắc dĩ gặp phải bất kì sự cố nào cần khắc phục ngay trong cuộc sống (như bệnh tật, hỏng máy tính, vỡ điện thoại chẳng hạn). Khoản tiền trong xô này cũng có thể coi là tiền nhàn rỗi tạm thời của bạn, vì bạn bắt buộc không được đụng vào nó trừ khi có những chuyện khẩn cấp thực sự xảy ra. Xô này cứ cho là cần có ít nhất 5 triệu đi (hoặc hơn). Vậy thì nhiệm vụ của bạn đầu tiên là phải lấp đầy xô này cái đã, rồi mới đủ điều kiện để lấp đầy những xô còn lại được.
- Xô thứ 2 là xô tiết kiệm trung hạn, hoặc có thể gọi là quỹ khẩn cấp thứ 2 cũng được. Xô này đảm bảo số tiền đủ để bạn sinh sống trong vòng 3-6 tháng khi chẳng may thất nghiệp, hoặc có đủ tiền cho những dự định của bạn trong tương lai gần (ví dụ đi du lịch, làm đám cưới, hay mua xe máy vào cuối năm). Để biết được xô này cần bao nhiêu, hãy tính toán tổng chi của bạn hằng tháng rồi sau đó nhân cho 6. Còn nếu chi phí cho những dự định khác của bạn cao hơn số tiền sinh sống trong vòng 6 tháng này, hãy lấy con số đó. Ví dụ, một tháng mình cần 5 triệu để sống vừa đủ, thì hãy viết 5x6 = 30 triệu trong xô thứ 2 này. Nhưng nếu mình có dự định mua một con xe tay ga với giá 40 triệu vào cuối năm, thì hãy viết 40 triệu thay vì 30 triệu. Sau đó, dành ra một khoản mỗi tháng để lấp đầy con số này.
- Xô thứ 3 là xô tiết kiệm dài hạn, là khoản tiền bạn để dành được cho tới khi nghỉ hưu, hoặc cho một sự kiện quan trọng nào đó nhưng còn lâu lắm nó mới xảy đến (ví dụ, khoản tiết kiệm cho con cái đi du học chẳng hạn). Xô này thì tiền cứ phải tính thuộc hàng trăm triệu chứ ít ỏi gì, hoặc lên hàng tỉ cũng được luôn. Cuộc đời không đánh thuế những giấc mơ, mà mơ mộng như vầy cũng chẳng hão huyền cho lắm. Ai lại dám khẳng định rằng trong vòng 2,3 chục năm nữa bạn không thể kiếm nổi tiền tỉ?
- Cuối cùng, xô thứ 4 là xô nghỉ hưu. Nếu là Gen Z thì ngày ấy vẫn còn xa xôi lắm, và khoản tiền bạn bỏ vào xô này sẽ không được đụng đến cho tới khi nghỉ hưu. Hãy cứ tưởng tượng cái cảnh vì không chịu lên kế hoạch tiết kiệm hưu trí nên khi hơn 50 tuổi bạn vẫn phải chật vật làm việc mỗi ngày chỉ vì chưa kiếm đủ số tiền đảm bảo cho việc nghỉ dài ngày tại gia. Lúc đấy tuổi cao sức yếu, lại bị thế hệ trẻ đào thải do chênh lệch năng suất lao động, bạn khó mà cạnh tranh được trong cái xã hội này. Đấy, thế nên lo mà lấp đầy xô 4 từ bây giờ đi.
Cách hoạt động 4 xô như sau: bạn phải làm đầy xô 1 đầu tiên. Xong xô 1, bạn nên nghĩ tới xô 4 cái đã, vì vốn dĩ nếu tiết kiệm hưu trí không được thực hiện bây giờ thì chẳng khi nào nó được thực hiện cả, tâm lý con người bao giờ cũng kiểu “còn lâu mới tới lượt mình”. Bạn luôn phải trích 1 khoản tiền nhỏ (ví dụ 10% tiền lương) để bỏ vào xô 4 này. Hãy bỏ vào ngay từ tháng sau luôn cũng được và bắt đầu theo dõi nó hàng tháng.
Sau đó là lấp đầy xô 2 rồi tới xô 3 theo chu kỳ là được (xô 2 có thể là hằng năm, xô 3 là mỗi 10 năm chẳng hạn).
Có thể hiểu đơn giản như sau: lấp đầy ba xô đầu tiên theo thứ tự SONG SONG với việc lấp đầy xô 4.
Mà để lấp đầy được 4 xô sao cho nhanh chóng tiến đến tự do tài chính thì bạn cần hãm mình lại, nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề vật chất hão huyền của mình và tìm cách cắt giảm chi tiêu rườm rà, chỉ bỏ tiền cho những thứ thật sự cần thiết.
Đừng lo về các mối quan hệ, khi tiến đến lối sống tối giản, chắt lọc, đó cũng là lúc bạn hoàn toàn có thể thanh lọc – detox lại vòng tròn mối quan hệ của mình. Liệu có cần đáng trân trọng một người chỉ đối xử tốt với bạn chỉ khi bạn được đắp lên toàn những thứ xa xỉ, thời thượng nhất thời hay không? Khi bạn là chính mình, đơn giản, tự nhiên, không tìm cách để nổi bật miễn cưỡng, ai vẫn còn ở với bạn thì mới xứng đáng là người bạn chất lượng đáng quý.
Nếu bạn không thích phương pháp 4 xô như trên, vẫn còn có hàng tá cách tiết kiệm tiền đáng để thử như: phương pháp 6 chiếc lọ, phương pháp 50/30/20 (cá nhân mình không thích phương pháp này lắm vì phần tiết kiệm chỉ chiếm 20%), phương pháp Kakeibo… (bạn có thể tự tìm hiểu các phương pháp này trên Google).

4. Đầu tư phù hợp.

Người giàu luôn biết cách làm cho tiền đẻ ra tiền. Và một trong số đó chính là đầu tư. Đầu tư thì có nhiều cách lắm, cá nhân mình thì không có kiến thức trong lĩnh vực này cũng như chưa thực hành, bạn có thể tìm tài liệu để tự học, mua sách đọc về Warren Buffet – người thầy xuất sắc về đầu tư của mọi thời đại, hoặc đăng ký một khóa học chất lượng về đầu tư cũng được. Mình thì thích tìm hiểu từ Youtube channel của Thành Công TC – một du học sinh Mỹ có nguồn kiến thức rất dồi dào, phong phú về đầu tư đáng để bạn tham khảo.

5. Sử dụng luật hấp dẫn với tiền bạc.

Thực sự chỉ có những người biết quý trọng đồng tiền thì mới nhanh trở nên giàu có.
Khi quý trọng ai đó, bạn sẽ luôn nâng niu, yêu thương, và chắc chắn không bao giờ có ý định từ bỏ họ đúng không?
Vậy thì quý trọng đồng tiền cũng vậy thôi. Bạn phải thực sự có tâm lý quý trọng tiền bạc, của cải mình kiếm được, và nhất định không bao giờ sẵn sàng từ bỏ nó một cách cực kì ngu ngốc mà lại cứ tưởng nó đang phục vụ cho cuộc sống chất lượng của mình (ôi bạn ơi, bỏ tiền mua một cái iphone 13 trong khi tiền ăn thì chưa đủ không định nghĩa bạn là người nổi bật nhất trong cộng đồng của bạn đâu).
Thế nên, mình có một lời khuyên dành cho các bạn đây:
- Tuyệt đối tỏ thái độ trân trọng tiền. Coi nó như hơi thở, sự sống, thời gian, công sức của bạn, để không phung phí thái quá.
- Luôn biết ơn tiền bạc. Lòng biết ơn giúp bạn thu hút những năng lượng tốt. Hãy biết ơn vì chí ít mình cũng không đến nỗi quá thiếu thốn, hoặc không rơi vào cảnh bần cùng như bao người vô gia cư ngoài kia. Hãy biết ơn tiền vì những điều tốt đẹp.
- Dùng luật hấp dẫn để thu hút tiền bạc. Mình có ấn tượng tốt với việc này (dù cũng nửa tin nửa ngờ). Vì mới đây thôi, mình từng mong muốn mãnh liệt có thêm tiền để tiêu, và thật không ngờ có một sự kiện xảy ra khiến mình phải tìm lại và mở ví tiền đã để xó trong hộc bao lâu nay, mình phát hiện một tờ 500 ngàn mà mình đã quên không đụng tới. Bạn có thể viết những câu khẳng định tốt đối với tiền bạc lên giấy, hoặc liên tục niệm trong đầu mỗi ngày. Ví dụ: Mình yêu tiền; Tiền bạc đối với mình rất quan trọng; Mình có thể có rất nhiều tiền
---
Tóm lại, mình muốn khẳng định một câu:
TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU CÓ TIỀM NĂNG GIÀU CÓ SUNG TÚC.
Với những gì mình đúc kết được từ thất bại trong việc quản lý tiền bạc của bản thân, mình hi vọng sẽ truyền tải cho bạn một chút bài học và thông điệp tích cực. Mình chúc bạn sẽ ngày một giàu có hơn, vì khi giàu có, bạn không chỉ hài lòng với cuộc sống của chính mình, mà còn có nhiều cơ hội hơn để giúp đỡ cộng đồng.