Agile Mindset: Có phải Agile lúc nào cũng tốt?
Trong 6 tháng đầu tiên làm việc ở công ty hiện tại, mình cũng không hiểu Agile lắm, ngoại trừ ý nghĩa dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: Agile là nhanh nhẹn, linh hoạt,...
Đây là học lớn nhất của mình ở công ty hiện tại.
Tính đến nay mình đã ở trong công ty hiện tại được hơn 1 năm. Mình đang làm Nhân sự trong một công ty IT, chuyên về mảng tư vấn chuyển đổi số, bao gồm luôn dịch vụ thiết kế UX/UI, phát triển phần mềm, web, app,...
Trước khi vào công ty này, mình vốn chỉ là một đứa cũng từng chạy một vài dự án, chương trình thời sinh viên cho 1 tổ chức thanh niên quốc tế, làm Marketing 8 tháng cho 1 cộng đồng về Nhân sự.
Tư duy của mình về việc chạy dự án lúc đó:
Theo kế hoạch là làm bước 1 rồi mới đến bước 2. Nếu chưa làm bước 1, thì khỏi làm tiếp bước 2, mình sẽ chạy tiếp qua làm dự án khác.
Tư duy này có 2 mặt tốt và không tốt:
Mặt tốt
Mình học được cách ưu tiên cho những việc quan trọng và đảm bảo được dự án theo tiến độ
Mặt không tốt
➤ Mình dễ “đổ lỗi”. Nếu bước 2 là bước mình cần làm, còn người khác làm bước 1, mà họ chưa làm, mình mặc nhiên “đổ lỗi” cho người đó.
➤ Đôi lúc mình phải phụ thuộc vào người khác, khi công việc trước đó không thuộc về trách nhiệm của mình.
Nếu họ có cùng mục tiêu với trong công việc, dự án, họ thấy được tầm quan trọng của bước 1, họ sẽ làm.
Nhưng thực tế đi làm, ai cũng bận với công việc của mình, đôi khi chúng ta phải làm nhiều dự án cùng 1 lúc và ưu tiên của mình không dành cho 1 dự án.
Trong trường hợp này, viễn cảnh lý tưởng kia thật ít khi xảy ra.
Trong ngành IT, người ta ra rả về các giá trị và nguyên tắc trong Agile.
Thú thật, trong 6 tháng đầu tiên làm việc ở công ty hiện tại, mình cũng không hiểu Agile lắm, ngoại trừ ý nghĩa dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt: Agile là nhanh nhẹn, linh hoạt,...
Sau đó, khi chạy 1 dự án lớn của công ty, đây là 1 cuộc thi dành cho sinh viên mà Core Team của BTC đều được chọn dựa trên thế mạnh của mỗi người, nhưng vẫn trong trạng thái “tự bơi” vì đây là dự án tụi mình làm lần đầu tiên.
Lúc đó, mình mới có hình dung rõ hơn về một số biểu hiện của “Agile”.
Agile nghĩa là “hoàn thành trước, hoàn thiện sau”
Khi được nhận 1 cái task nào đó, những người cầu toàn hay theo chủ nghĩa hoàn hảo, chắc chắn sẽ luôn muốn sản phẩm đầu ra của task đó phải là cái đã final, hoàn thành 100%. Suy nghĩ này không sai, nhưng nó sẽ rất dễ làm bạn cứ làm hoài 1 cái task cho đến khi đạt được 100% kỳ vọng.
Người có tư duy Agile sẽ là người muốn làm tốt nhất ở thời điểm mình làm. Dù họ biết nó chưa hoàn thiện, họ vẫn sẽ hoàn thành nó trước và tiếp tục kế hoạch của mình. Trong quá trình làm, họ sẽ cải thiện, làm nó dần dần tốt lên.
Agile nghĩa là chủ động và không chờ đợi
Chẳng hạn, trong dự án ấy, mình được chọn làm thành viên (Executive) của team Marketing. Trên mình là 1 bạn lead. Nhiệm vụ của mình là đảm bảo việc truyền thông cho người tham gia chương trình thông qua email. Tụi mình đã liệt kê ra tất cả nội dung, thông tin chính thức bắt buộc phải gửi qua email.
Nếu là mình lúc trước, mình sẽ đợi khi nào chương trình có thông tin kết quả chính thức từ team Chuyên môn rồi mới viết mail.
Thay vì vậy, lúc đó mình không đợi, mình viết:
➤ Phần nội dung chắc chắn sẽ có trong 1 email thông báo kết quả
➤ Nội dung email theo những thông tin mà mình nghĩ đối tượng nhận mail cần được nhận.
Sau đó, mình gửi cho bạn lead feedback. Bạn Marketing Lead sẽ gửi mẫu email ấy cho team Chuyên môn để team ấy bổ sung thông tin còn thiếu.
Khi đó, team mình đã hoàn thành task và push ngược lại team Chuyên môn phải nhanh chóng hoàn thành sớm, đưa ra nội dung, thông tin chính thức để chuẩn bị sẵn sàng cho chiếc mail này được gửi đi.
Trong trường hợp này, team mình đã vào thế chủ động và “manage up” ngược lại các team khác để task chung của dự án được hoàn thành đúng tiến độ team mình muốn.
Có phải lúc nào Agile cũng tốt không?
Câu trả lời chắc chắn là Không.
Đối với một số công việc đặc thù, cần phải theo quy trình, quy định thì Agile không phải là một cách làm hay.
Mình lấy ví dụ khi tụi mình muốn tổ chức 1 hoạt động gắn kết nhân viên trong công ty, thì tụi mình có muốn cũng không thể làm trước khi Sếp chưa duyệt kinh phí cho hoạt động :D
Cũng như một số công việc bắt buộc phải theo quy trình, quy định của luật.
Như vậy, khi làm việc, mình cũng cần nhận định dạng công việc, task mình đang làm mình có thể áp dụng “Agile” được hay không và mình sẽ linh hoạt điều chỉnh theo tính chất của công việc đó.
#WOTN5
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất