TỰ TI

Là một vấn đề mà mình nghĩ không ít người mắc phải. Nó là một tính từ diễn tả sự thiếu tự tin, không tin vào khả năng của bản thân, thu mình lại. Tự ti có thể khiến một người đánh mất cơ hội, cũng có thể khiến người đó rơi vào bệnh lý.
Thế Gian Đầy Rẫy Những Kẻ Tự Ti. Làm Sao Để Lọc Sạch Chất Độc Tự ...

Hãy nhớ lại nào, trong lớp bạn, có phải có những người chẳng bao giờ giơ tay phát biểu? Mình không nói những người không bao giờ chủ động phát biểu là tự ti. Nhưng nếu mỗi lần giáo viên đặt ra câu hỏi, bạn có câu trả lời nhưng lại không chắc về độ chính xác của câu trả lời đó, thế là bạn tự vấn rằng có nên giơ tay trả lời hay không. Để rồi khi có người khác đứng lên trả lời thay bạn, bạn lại ước lúc đó mình can đảm đứng lên. Hmm…đó là một ví dụ về tự ti.
Chẳng hạn như trong lúc hoạt động nhóm, bạn có ý kiến nào đó trong đầu nhưng chẳng bao giờ bạn dám nói ra vì bạn nghĩ mọi người sẽ cho rằng ý kiến đó thật ngu ngốc. Kết cục lúc nào bạn cũng nghe theo ý kiến của nhóm? Đây cũng là ví dụ về sự tự ti.
Mình tin rằng, dù không lấy ví dụ thì ai trong chúng ta cũng hiểu tự ti đem lại nhiều cảm giác vô cùng khó chịu, vô cùng khủng khiếp và giày vò chúng ta mỗi lần đứng trước một cơ hội.
Vậy con quỷ “tự ti” đó chui từ đâu ra?

Tiếp cận và lý giải nguồn gốc của “Tự ti”

Khi được hỏi vì sao bạn tự ti, vì sao bạn không tin vào bản thân mình, chúng ta có thể sẽ trả lời rằng: “Tại mình không có năng lực”, “Tại mình yếu kém”, “Tại mình từng thất bại nhiều lần”, “Tại chẳng ai tin mình”, vv…
Sự thực có nằm ở chỗ chúng ta không có năng lực, chúng ta yếu kém hay không?
Sẽ có một loạt các lý thuyết giúp chúng ta giải đáp câu hỏi này như:
- Tâm lý học Cá nhân (Individual Psychology) của Alfred Adler 
- Lý thuyết thang bậc nhu cầu (Hierachy of Needs) của Abraham Maslow
- Học tập hành vi: Điều kiện hóa thao tác (Operant Conditioning) của B.F. Skinner
- Ý niệm về bản thân trong bối cảnh xã hội (Self – Concept)Vv…
Trong bài viết hôm nay, mình sẽ cùng các bạn, tiếp cận sự “tự ti” từ góc nhìn của Alfred Adler theo Tâm lý học Cá nhân (Individual Psychology).

Đọc thêm:

Vài nét về Alfred Adler


Một người vĩ đại và đóng góp nhiều cho Tâm Lý Học như Alfred Adler chắc chắn phải là một thiên tài bẩm sinh, hoàn hảo về mọi mặt. Thực tế thì không phải vậy. Adler bắt đầu cuộc đời với một tuổi thơ đầy bệnh tật, ông ganh tị với sự mạnh khỏe và tài năng của anh trai, ông cảm thấy mình bị bỏ rơi kể từ khi đứa em trai ra đời. Nhưng bằng nỗ lực tuyệt vời không ngừng nghỉ, Alfred Adler đã trở thành Chủ tịch Hiệp hội Phân Tâm Học Vienna năm 1910 và vĩ đại cho tới ngày hôm nay.
Chính sự tự ti tồn tại trong cuộc đời Adler, đã thúc đẩy ông cho ra đời một lý thuyết bàn luận về tự ti như Tâm lý học Cá nhân.
Trước khi tiếp tục đọc, các bạn hãy tự phản hồi bản thân những câu hỏi này nhé:
Bạn tự ti về điều gì? Sự tự ti đó xuất phát từ đâu? Sự tự ti đó đã tác động như thế nào đến cuộc đời bạn? Bạn muốn chấm dứt sự tự ti đó chứ?
Được rồi, chúng ta bắt đầu tiếp.
Kết quả hình ảnh cho alfred adler


Đọc thêm:

Trong Tâm lý học Cá nhân, tác giả không dùng khái niệm “tự ti”, thay vào đó là khái niệm “cảm giác thấp kém” (cảm thấy thấp kém hơn những người lớn hơn, mạnh hơn mình). Có thể mọi người sẽ không cảm nhận được mùi vị tích cực từ cảm giác thấp kém, nhưng với Tâm lý học Cá nhân, thì đây là một trạng thái hết sức bình thường và là động lực chính thúc đẩy hành vi, thúc đẩy sự phát triển ở mỗi người. Ôi, quả là một tuyên bố không thể chấp nhận đúng không nào? Nhưng bạn đọc đừng hoang mang.

Cảm giác thấp kém

Sở dĩ Adler nói cảm giác thấp kém là bình thường ở tất cả mọi người bởi vì nó bắt nguồn từ lúc chúng ta mới sinh ra, phải phụ thuộc vào người chăm sóc. Khi đó chúng ta phải chờ được cho bú sữa, chờ được cho ăn cháo, chờ được đưa đi vệ sinh…vì chúng ta chưa đủ năng lực để thực hiện những hành vi ấy. Sự phụ thuộc ấy hình thành trong chúng ta cái gọi là cảm giác thấp kém. Có thể thấy cảm giác thấp kém không phải di truyền, mà do môi trường sống.
Khi có cảm giác thấp kém, chúng ta sẽ nỗ lực “bù trừ”, tức là làm mọi cách để xóa bỏ cảm giác thấp kém. Ví dụ, khi cảm thấy thừa cân thì chúng ta ra sức tập thể dục; Khi cảm thấy mình không được thông minh, chúng ta liền nỗ lực học thật chăm chỉ; Khi thấy mặc cảm về xuất thân của mình, chúng ta ra sức làm việc, kiếm thật nhiều tiền; Khi thấy mình mỏng manh yếu đuối, chúng ta liền tập luyện thể thao; vv…Cũng có thể với những vấn đề trên, mỗi người sẽ chọn cho mình những cách bù trừ khác, nhưng, dù bù trừ bằng cách nào thì đều nhằm mục đích lấp đi cảm giác thấp kém của bản thân, thông qua đó, khiến chúng ta mỗi ngày một phát triển.
Mặc dù sự bù trừ là động lực thúc đẩy sự phát triển của mọi người, nhưng nó chỉ giúp mọi người an toàn, khỏe mạnh khi sự bù trừ đó nằm ở mức vừa đủ. Nếu như bù trừ quá mức, chúng ta sẽ rơi vào “phức cảm tự tôn”, thổi phồng năng lực và thành tựu bản thân, khoe khoang, không cố gắng, cho rằng mình là trung tâm, hay hạ bệ người khác. Nếu như bù trừ quá ít, sẽ rơi vào “phức cảm tự ti”, nghĩa là không thể tự bù trừ cho cảm giác thấp kém của mình. Từ đây, ta luôn cảm thấy mình vô dụng, đánh giá thấp bản thân, không ứng phó được với những đòi hỏi của cuộc sống.

Đọc thêm:

Phức cảm tự ti

Phức cảm tự ti có màu sắc của sự tự ti, nhưng khi đi cùng với từ “phức cảm”, thì điều đó sẽ cản trở sự phát triển bình thường của mỗi người, mang màu sắc bệnh lý và không còn là động lực phát triển như cảm giác thấp kém. Mình muốn nhấn mạnh một lần nữa, cảm giác thấp kém theo Tâm lý học Cá nhân của Alfred Adler là một điều hết sức bình thường, là động lực thúc đẩy hành vi, chúng ta sẽ vượt qua nó, chúng ta sẽ phát triển bản thân, bởi sự bù trừ vừa phải.
Phức cảm tự ti nó có nguồn gốc từ việc bạn được nuông chiều quá mức, bị bỏ rơi, hoặc tự ti về cơ thể (những điều bạn không thể tự bù trừ).
Khi được nuông chiều quá mức, chúng ta sẽ ảo tưởng hoặc không nhận thức được năng lực thực sự của mình. Một lúc nào đó thử thách ập đến, chúng ta ngã ngựa, không thể đứng dậy do không có kinh nghiệm, chúng ta suy sụp và rồi đi đến phức cảm tự ti.
Bị bỏ rơi là một trạng thái bị động, nó khiến chúng ta không còn tin vào bất kì ai, thậm chí là chính bản thân mình.
Tự ti về cơ thể? Hẳn rồi. Chúng ta không hoàn hảo, sẽ có một điểm nào đó trên cơ thể khiến chúng ta không hài lòng và không ngừng che đi. Có thể là bẩm sinh, có thể là bệnh lý.
Một trong ba nguyên nhân trên, hoặc là hai, đôi khi là cả ba, sẽ khiến chúng ta mang phức cảm tự ti.
Hãy cùng mình quay lại với những câu hỏi mình đã đặt ra ở đầu bài nhé: Nguồn gốc của tự ti có nằm ở việc bạn yếu kém, bạn không có năng lực không?
Tâm lý học Cá nhân của Alfred Adler cho bạn câu trả lời là “Không”, nguyên nhân là những điều đã liệt kê bên trên. Thêm một bí mật nữa, những người mang phức cảm tự tôn là những người có “sự tự tin giả tạo”, tức, họ cũng là những người tự ti nhưng khéo che đậy hơn bằng cách khoe khoang, thổi phồng, hạ bệ người khác.
Nếu vậy những người được nuông chiều quá mức, bị bỏ rơi, tự ti về cơ thể đều sẽ mắc phức cảm tự ti?

Bản thể sáng tạo

Tâm lý học Cá nhân của Alfred Adler còn đề xuất một khái niệm gọi là “bản thể sáng tạo”. Bản thể sáng tạo là khả năng tự do tạo ra lối sống phù hợp với mình. Theo Adler, bất luận bối cảnh, không khí gia đình chúng ta thế nào, chúng ta tự ti về cơ thể, bị bỏ rơi, được nuông chiều thì điều cốt lõi khiến chúng ta tự ti hay không tự ti, bù trừ vừa đủ, bù trừ quá nhiều, bù trừ quá ít…đều nằm ở sự lựa chọn của chúng ta. Giống như Adler từng tuyên bố:
 “Điều quan trọng không phải anh được trao cho cái gì, mà là anh sử dụng cái đó như thế nào”. 
Yếu tố di truyền và môi trường sống có thể ảnh hưởng đến nhân cách nhưng quyết định chung cuộc nằm ở sự lựa chọn của mỗi người. Cuộc đời của Adler là một ví dụ vô cùng thiết thực.

Lời kết

Hãy luôn nhớ về “bản thể sáng tạo”, đó là lời gợi mở cho chúng ta tự tìm đường thoát khỏi tự ti.
Mình gửi đến bạn đọc của mình một câu nói: “Chọn lựa hay không chọn lựa cũng là một lựa chọn”. Chúc các bạn của mình sớm tìm ra câu trả lời cho bản thân, vui vẻ, hạnh phúc sống một đời an lành <3.
P.s: Tâm lý học Cá nhân là một học thuyết nhân cách, còn rất nhiều khái niệm mà Adler đề cập có thể giúp chúng ta hiểu hơn về bản thân. Vậy nên nếu các bạn hứng thú với việc tiếp cận nhân cách sâu hơn thì hãy để lại lời bình, mình sẽ cố gắng thực hiện. Một lần nữa, cảm ơn bạn đọc của mình <3.
Đọc thêm:
(*Một số tài liệu sẽ viết Adler là học trò của Freud, tuy nhiên Adler chưa từng thừa nhận điều này. Nhưng Freud rất coi trọng Adler và đã đưa Adler lên làm Chủ tịch Hiệp hội Phân tâm học Vienna năm 1910. Về sau, vì Adler có nhiều quan điểm phản biện về Phân Tâm Học của Freud nên mối quan hệ thân thiết giữa hai người trở thành thù địch. Adler tách ra, phát triển lý thuyết và hoạt động trị liệu của riêng mình)

Tài liệu tham khảo

1. “Slide bài giảng Tâm lý học Nhân cách”, ThS. Nguyễn Huỳnh Luân, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. HCM
2. “Dám bị ghét”, Kishimi Ichiro & Koga Fumitake
3. “Theories of Personality”, Duane P.Schultz, Sydney Ellen Schultz
4.https://www.tudiendanhngon.vn/danhnhan/dnct/itemid/8680/search/alfred-adler ©