Mặt trái của Tư duy tích cực
Có một điều mình phải thú nhận, rằng mình là một người đã đọc rất nhiều sách self-help. Mình đọc tù tì từ cấp 2 đến giờ ít nhất cũng...
Có một điều mình phải thú nhận, rằng mình là một người đã đọc rất nhiều sách self-help. Mình đọc tù tì từ cấp 2 đến giờ ít nhất cũng hơn 100 cuốn rồi, cả những cuốn best-seller khá gần đây trên Amazon luôn.
Nhưng rốt cuộc, sau những cơn phấn khích ngắn ngủi, và hàng trăm kế hoạch lỡ cỡ ấy, thì mình vẫn cảm thấy có gì đó chưa đúng lắm, dù nhìn chung đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Thế nên mình đã quyết định tự phản biện tất cả những kiến thức đã có, kết hợp trao đổi trực tiếp với một số bạn bè cả già lẫn bé, đồng thời quan sát kỹ hơn bản thân trong mối tương giao với cuộc sống xung quanh để đi đến một hiểu biết sâu sắc hơn về cách thức để hóa giải mối tơ vò hiện tại.
Và đương trong cái hành trình tìm tòi đó, với rất nhiều phát hiện mới thú vị, thì bỗng một hôm mình bắt gặp status của tác giả Tony Buổi Sáng, tựa đề là "những khoảnh khắc 4h", có tới 35000 likes, và được vài bạn facebook của mình chia sẻ. Bài viết đó đã tạo cảm hứng lớn để mình bắt tay luôn vào việc viết bài phản biện đối với nền văn hóa cổ vũ, truyền động lực của hiện tại, đồng thời gợi ý một lối tư duy khác căn cơ và vững bền hơn.
Nếu bạn đọc những bài kiểu của Tony Buổi Sáng, hay các sách self-help bán chạy trên thị trường hiện nay xong, và sống được cuộc sống như ý, thì xin chúc mừng bạn, bạn may mắn một cách khó tin. Còn nếu bạn như đa số mọi người, tìm đọc, để rồi sự phấn khích chỉ dùng hết trong vài ngày, thậm chí vài giờ, vài phút, xong đâu lại vào đấy, và bạn vẫn cảm thấy mắc kẹt với thứ gọi là Tư duy tích cực, thì bài viết này sẽ dành cho bạn.
Lưu ý:
+ Tựa đề là bàn về Tư duy tích cực, nhưng bởi cái tư duy đó rất thịnh, và hầu như là linh hồn trong các sách self-help, nên mình sẽ dùng chung một cách giản lược khái quát luôn.
+ Định nghĩa Tư duy tích cực trong bài sẽ dùng đúng với tinh thần của tác giả Tony, và các tác giả sách self-help bán chạy hiện thời (có trích dẫn ví dụ cụ thể).
+ Link bài viết "những khoảnh khắc 4h" của tác giả Tony: shorturl.at/lrKT7
TƯ DUY TÍCH CỰC
Trước tiên, là khái niệm Tư duy tích cực:
Tư duy tích cực là lối tư duy nhằm nhìn thấy cái tốt, cái đẹp, cái cơ hội của vấn đề. Và người tư duy tích cực luôn trong tâm thế tìm giải pháp cho vấn đề.
Bức ảnh dưới đây là những câu nói điển hình của lối tư duy tích cực, truyền động lực, đại loại như "hãy nhìn vào mặt tốt của vấn đề", "nói không với những suy nghĩ tiêu cực", "hãy làm điều khiến bạn hạnh phúc", "hãy tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống".
Thật ra tư duy tích cực còn có nhiều biểu hiện phong phú hơn chứ không gói gọn trong những câu này, và mình cũng rất ý thức chuyện mỗi câu châm ngôn còn cần xét ngữ cảnh của nó nữa, nhưng qua đây chúng ta đã có thể nắm được một cách khái quát cái tinh thần chung của chủ nghĩa tích cực. Và mình sẽ tập trung vào cái ý tưởng lớn này của nó.
Đầu tiên là, tại sao chúng ta lại cần tới tư duy tích cực?
Trước đây, xã hội chúng ta đã từng được cấu tạo và vận hành đơn giản hơn nhiều. Thời ông bà ta, vốn chủ yếu kinh tế nông nghiệp, thì tuy công việc và cuộc sống của mỗi cá nhân có phần đơn điệu, lặp đi lặp lại mỗi ngày như mọi ngày, nhưng ít ra họ vẫn còn được khích lệ bởi một cái ý nghĩa được xã hội, gia đình gán cho họ. Nếu là con, thì răm rắp vâng lời lo báo hiếu. Nếu ba mẹ làm nông, thì con làm nông. Nếu muốn ăn, thì phải nấu ăn. Nếu lấy chồng lấy vợ, thì bố mẹ sẽ là người quyết định, có khi từ lúc con còn chưa được sinh ra. Mỗi cá nhân, từ đó, đều có đáp án sẵn cho mọi câu hỏi (nếu có).
Và lướt nhanh đến hiện tại, hiện nay chúng ta có gì?
Chúng ta có toàn cầu hóa, chủ nghĩa tiêu thụ, internet, tự do cá nhân,... ta có hầu hết những thứ mà lứa ông bà chỉ hằng mơ ước, thậm chí vượt quá khả năng tưởng tượng của họ. Nay ta có những đứa trẻ sinh ra với chiếc smartphone. Ta lên Youtube chém gió một hồi, rồi bàng hoàng thảng thốt khi đương sự bình luận là "con mới 8 tuổi thui nha, đm chú, lol". Và đặc biệt, chúng ta nay dành nhiều thời giờ để sống trên mạng xã hội ảo thật lẫn lộn, hơn là giao tiếp với nhau ngoài đời.
Và trong cái tình trạng kể trên, nay chúng ta đã không còn tin vào một số những giá trị cũ kỹ mà ta cho là cổ hủ nữa. Chúng ta giờ đã có quá nhiều tự do, quá nhiều sự lựa chọn. Chỉ nói tới chuyện ăn uống thôi, thì ta luôn trong tâm thế đắn đo: nên nấu ăn, hay order đồ ăn; order món này, hay món nọ; ăn xong thì lại hối hận; hối hận thì ta lại đắn đo là tập gym, thể dục tại nhà, chơi thể thao, hay nhịn đói.
Đó là chưa nói tới chuyện yêu đương, công việc, đức tin, sở thích, ước vọng...
Thế là, quá nhiều tự do, quá nhiều sự lựa chọn, khiến ta cảm thấy bơ vơ không nơi nương tựa về tâm hồn; mỗi cá nhân, do đó, hầu như không có đáp án nào cho rất nhiều câu hỏi. Và để trốn tránh thực tại bơ vơ đó, ta dễ dàng chìm đắm trong những sự thỏa mãn nhất thời như game, nhạc, phim ảnh, manga, lướt mạng xã hội, hóng hớt drama lộ hàng, sex sốc sến,...
Cuối cùng, khi những sự thỏa mãn đó kết thúc, thì ta lại phải đối diện với chính ta, với sự bất mãn, sự cô độc này đây của ta.
Chúng ta như những con ốc, chỉ chực chờ bị ráp vào bộ máy rộng lớn của xã hội - mang tên trách nhiệm, đạo đức, văn hóa; đồng thời ta lại muốn thoát khỏi cái guồng máy đó, nhưng những sự thỏa mãn nhất thời đã không giải quyết được sự bất mãn này đây của ta. Thế là trong cái nỗi cám cảnh đó, ta đi tìm những giải pháp khác.
Tư duy tích cực, cùng với những triết lý sống của nó đại loại như hãy tin vào bản thân, hãy là chính mình, hãy nói điều thiện, đời thay đổi khi ta đổi thay... xuất hiện như đấng cứu nhân độ thế; nó nói ngọt, bợ đỡ ta, tiếp cho ta nguồn khích lệ lớn lao, âu cũng giúp ta thoát khỏi sự bất mãn một lúc đấy, nhưng cuối cùng thì ta vẫn lại thất vọng như đã từng.
Vậy tại sao tư duy tích cực lại không đem đến sự thay đổi như ta kỳ vọng?
Bởi vì, ta làm sao mà bấu víu vào những thứ không có thật?
Tư duy tích cực có những mặt trái, mà mình sẽ diễn giải dần qua phần kế tiếp sau đây.
Tư duy tích cực thường chỉ tập trung vào những giải pháp
Và xã hội chúng ta thích điều đó.
Bạn cứ xem số lượng in của các sách kỹ năng sống, học làm người là sẽ thấy, luôn luôn trong hàng sách bán chạy nhất.
Đưa ra giải pháp, là công việc dễ dàng, trong khi việc khó khăn hơn, việc căn cơ và mang đến hiệu quả bền vững hơn, đó là đi sâu vào bản thân vấn đề thì không được mấy ai dành thời gian và công sức. Ngay cả các sách có phần giải thích nguyên nhân của vấn đề thì cũng giải thích rất hời hợt, tạo ảo tưởng rằng vấn đề rất dễ giải quyết, để từ đó sách cũng bán chạy hơn.
Bạn có thể search thử từ khóa "Hạnh phúc" trên Youtube và xem đa số các video là "bí quyết hạnh phúc", "những điều cần làm để hạnh phúc", "5 bước đến hạnh phúc", chứ chẳng mấy video diễn giải hạnh phúc thực chất là gì, hay tại sao ta lại cảm thấy bất hạnh cả. Còn nếu bạn search "bất hạnh" thì sẽ ra... "liều thuốc chữa bất hạnh", vốn lại là một giải pháp khác.
Mình sẽ đi vô một vấn đề cụ thể, để các bạn có thể mường tượng việc dấn thân đi tìm nguyên nhân nó khó khăn đến thế nào.
Một ví dụ điển hình xung quanh việc đưa ra giải pháp, đó là chuyện học tiếng Anh (hay ngoại ngữ) - thứ bị học sinh sinh viên Việt Nam chúng ta ám ảnh và trì hoãn nhiều nhất.
Chúng ta luôn đi tìm hoặc luôn nhận được toàn rặt những giải pháp, những bí quyết học tiếng Anh siêu việt nhất quả đất. Thế nhưng phải chăng chúng ta vẫn mãi lẹt đẹt, và cảm thấy rất cực nhọc với cái công cuộc này? Và bạn đã bao giờ đặt câu hỏi và tìm hiểu lý do một cách sâu sắc tại sao ta lại cần học tiếng Anh chưa?
Nếu hỏi lý do học tiếng Anh, các bạn có thể thấy là đa số mọi người học tiếng Anh vì những mục đích rất bề ngoài như: tốt nghiệp loại ưu, học bổng, làm màu với bạn bè, trở thành công dân thế giới, thăng chức, lương cao, bồ xịn, báo hiếu ba mẹ, được xã hội trọng vọng,... dù là gì, rốt cuộc cũng chỉ để đem lại cảm giác thỏa mãn thôi.
Với cái mục đích trọng hình thức như vậy, thì để học tốt tiếng Anh cần rất nhiều ý chí. Mà cứ tạm cho là bạn dùng ý chí, chăm chỉ siêng năng học được tiếng Anh đi; thì bạn sẽ còn dùng ý chí cho rất nhiều chuyện bề ngoài vật chất khác nữa như: kỹ năng mềm, hình thành thói quen tốt, hiệu quả tối ưu, ngoại hình đẹp, gu thời trang hợp thời, trách nhiệm với gia đình... đại loại các thứ. Điều này khiến ý chí bạn hao mòn rất nhanh vì phải tản mác cho quá nhiều lựa chọn; bạn cảm thấy nhiều ngày trôi qua rất mệt mỏi, áp lực.
Đó chính là lý do khiến bạn mãi không có động lực học, vì cơ bản là nó vô nghĩa đối với con tim bạn. Lý trí bạn tự thuyết phục rằng nên học tiếng Anh, nhưng con tim bạn lại muốn điều khác.
Nếu có thể khái quát cái cùng đích của việc học tiếng Anh, thì cần xét đến vai trò ngôn ngữ của nó, không cần từ ngữ khái niệm chuyên môn gì cả, mà tự bạn có thể cảm nhận được: để giao tiếp kết nối người với người (trò chuyện với bạn bè quốc tế), để tò mò khám phá tri thức (đọc sách, báo), để vui vẻ giải trí trong hiện tại (coi phim, ca hát, lải nhải một mình). Đây mới là cái cùng đích có nghĩa, làm cho con tim bạn sôi nổi. Bạn có thể thấy những lúc ra ngoài thử nói chuyện với bạn bè quốc tế bạn thấy vui và động lực thế nào, nếu bạn là người thích giao tiếp.
Khi bạn đã muốn một thứ gì thực sự, thì bạn làm nó luôn; chuyện bí quyết, do vậy, chỉ là chuyện phụ. Nếu bạn thực sự thích học tiếng Anh, thì tự động lý trí bạn sẽ biết những điều cần làm vì niềm vui bản nguyên ấy, ví dụ như lên Google tìm bí kíp siêu việt nhất thế giới chẳng hạn.
Khi bạn học tiếng Anh với toàn bộ trái tim và khối óc như vậy thì phải nói là siêu hiệu quả. Bạn có thể thấy là con nít chúng nó học ngoại ngữ nhanh như thế nào, chúng học được bao nhiêu là xài luôn, sôi nổi líu lo suốt cả ngày, chẳng cần bí quyết gì cả. Chúng không học vì những lý do thuần lý trí như ta, mà chúng học vì niềm vui, học bằng cả con tim, một cách đầy tự nhiên.
Rốt cuộc, bạn biết rằng học tiếng Anh cuối cùng cũng chỉ để có cảm giác thỏa mãn, hoan hỉ thôi, mà hiểu vậy xong thì có khi cách tốt nhất là... đừng học tiếng Anh nữa, bởi để hạnh phúc thì còn nhiều lựa chọn khác bớt phức tạp hơn. Nhưng đấy, nền văn minh, xã hội, gia đình, và cả lý trí bạn, đòi hỏi bạn phải hoàn thành trách nhiệm, phải giỏi giang thành đạt, thế là bạn lại tự ép mình học tiếng Anh vì nỗi sợ, lẫn lòng tham, hơn là vì niềm vui đơn sơ...
Chỉ một chuyện học tiếng Anh, mà bạn có thể thấy nguyên nhân đằng sau nó phức tạp và khó khăn đến thế nào.
Để đi sâu vào bản thân vấn đề, thì nó mang tính cá nhân rất lớn. Bởi hoàn cảnh, tính cách của mỗi người là rất đặc biệt, và vượt thoát khỏi những con số thống kê, những quy tắc trung bình cộng của các nhà khoa học. Việc tìm nguyên nhân rốt ráo cho vấn đề bạn gặp phải, do vậy, là hầu như không thể.
Thế nên các sách self-help rất thích tư duy tích cực, ngại giải thích nguyên nhân là vậy, cứ chăm chăm đưa ra giải pháp thì gọn nhẹ hơn, thỏa mãn nhu cầu ngon bổ rẻ của độc giả; thành ra chúng ta mãi đi dập lửa, mà không chịu tìm hiểu cho sâu sắc tại sao đám cháy lại cứ mãi bùng lên.
Tư duy tích cực khiến tâm lý ta yếu đuối
Bạn chắc hẳn biết khái niệm Nghiện là gì, tức là những thứ đem lại cho bạn cảm giác hưng phấn, mà thiếu nó thì bạn không chịu được.
Nghiện về mặt thể lý thì chúng ta đều rõ (thuốc lá, rượu bia, chất kích thích). Và có cái nghiện về mặt tâm lý, mà một trong số đó chính là “tư duy tích cực”.
Thường những tư duy như vậy sẽ khiến ta hưng phấn, đồng thời áp chế được những suy nghĩ tiêu cực, ví dụ chỉ tư duy tích cực (tin vào chiến thắng) cũng đủ sản sinh endorphine trong não giúp một người lính bị thương nặng không còn cảm thấy đau ở hiện tại.
Nếu là dân thích đọc sách self-help, hoặc những trang như Tâm lý học tội phạm, Trạm Đọc, Spiderum,... thì hẳn bạn sẽ thấy rằng đọc các bài viết truyền động lực sẽ khiến bạn vui vẻ hẳn lên, bởi nó tạo cảm giác rằng bạn trong tương lai sẽ làm được, sẽ thành công, và mỗi cái ý tưởng đó thôi cũng đủ thỏa mãn rồi.
Và thứ thỏa mãn tâm lý đó khiến ta cứ quay lại với những kiến thức đó, những sự lên kế hoạch đó suốt, đến mức chúng trở thành liều thuốc kích thích tâm thần (hưng thần) mỗi khi bạn thấy buồn chán, thất vọng với bản thân.
Và nghiện như vậy thì hệ quả sẽ là gì?
Nó khiến sức đề kháng của tâm lý bạn giảm sút qua thời gian.
Những tư duy tích cực, những niềm tin không dựa trên sự thật (ví dụ luôn tin rằng mình sẽ làm được, vợ/chồng mình luôn chung thủy, đời thay đổi khi ta đổi thay) khi va chạm với sự thật khách quan (ví dụ “xin lỗi anh, thật ra nó là con anh hàng xóm”), thì tâm trí sẽ không thể chịu nổi, do sức chịu đựng không được tôi luyện thường xuyên qua những sự va chạm từ nhỏ tới lớn của tâm trí bằng cách đối diện với sự thật.
Mỗi khi bạn đối diện với sự khó khăn trong đời sống, những sự thất vọng, lạc lối, chán chường,... mà bạn cứ đi tìm sự giải thoát và thỏa mãn trong những sách self-help, bài viết tâm lý học pop-science, video truyền động lực, thì làm sao bạn có thể rèn luyện được thói quen đối diện với cuộc sống?
Tư duy tích cực dán nhãn "xấu - tốt", "tiêu cực - tích cực", "thất bại - thành công"
Theo bạn thì những sự ganh tỵ, trì hoãn, tâm trạng buồn chán, nằm lười ôm mèo cả ngày, có xấu xa không?
Hẳn là xấu, bởi chúng bị coi là tiêu cực trong con mắt của tư duy tích cực. Nếu không phải là xấu thì hà cớ gì phải tư duy tích cực, phải tiến bộ, phải thay đổi?
Bạn thường nghe các blogger, tác giả sách khuyên rằng "hãy đối xử tốt với với mọi người, hãy làm việc thiện". Thoạt nhiên thì có vẻ ổn đấy, hướng thiện là tốt. Cơ mà có phải niệm vậy xong bạn vẫn cứ làm khác đi, mà thường sẽ là "đối xử tệ" và "làm việc xấu" không? Và mỗi lần như vậy, hẳn bạn sẽ tự đày đọa bản thân vì bạn tệ, và bạn xấu.
Chừng nào còn ca tụng cái tốt, cái thành công, cái tích cực, thì trong tiềm thức bạn sẽ còn nhận biết cái xấu, cái thất bại, cái tiêu cực. Và bạn ngày càng đày đọa bản thân hơn.
Chừng nào còn ca tụng cái tốt, cái thành công, cái tích cực, thì trong tiềm thức bạn sẽ còn nhận biết cái xấu, cái thất bại, cái tiêu cực. Và bạn ngày càng đày đọa bản thân hơn.
Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, những hành vi đó của bạn không phải là "tốt" hay "xấu" chưa, rằng chúng chưa bao giờ là đúng, hay sai cả?
Ganh tỵ, tự mãn, nói xấu, xúc phạm người khác... đều là những cảm xúc, sự phản ứng bình thường mà đa số chúng ta ai cũng có. Đó đã là một phần bản năng con người có sẵn trong ta rồi.
Cái vấn đề ở đây, đó là chúng ta cho rằng chúng là xấu, là kẻ thù cần được tiêu diệt bằng những giải pháp, chứ không phải là cái gì thuộc về ta và cần ta đối diện, lắng nghe và hiểu chúng.
Bạn đã bao giờ hiểu một thứ mà bạn cho nó là kẻ thù chưa? Những thứ mà bạn cho rằng cần chữa trị, loại bỏ, đánh bại? Đây là điểm mấu chốt. (xem ảnh dưới)
Việc dán nhãn như vậy sẽ khiến chúng ta bị lậm một lỗi tư duy nặng đó là lối tư duy nhị nguyên cho rằng một thứ sẽ chỉ là xấu hoặc tốt, đúng hoặc sai, tiêu cực hoặc tích cực, ác hoặc thiện... chúng ta thích đi diệt trừ cái xấu, đồng thời nhận thức rằng bản thân ta cũng xấu xa.
Do vậy, những sự dán nhãn "xấu - tốt", "thất bại - thành công", "tiêu cực - tích cực", cùng lối tư duy nhị nguyên sẽ chỉ khiến ta tự trù dập, trách móc, làm bản thân khổ sở hơn thôi.
Cũng cần lưu ý rằng, chúng ta vẫn sẽ sử dụng những ngôn từ như vui - buồn, tốt - xấu, ngu dốt - hiểu biết,... điều đó là bình thường, bởi vì chúng cũng chỉ là chức năng của ngôn ngữ để giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp hơn thôi. Quan trọng là cần ý thức được rằng ngôn ngữ có rất nhiều hạn chế trong việc mô tả lại cuộc sống, ví dụ trong xấu có tốt, trong buồn có vui, và ngược lại. Và nếu tập thói quen nhìn thẳng vào sự vật sự việc, tịnh hạn chế sự đánh giá, định kiến, thì dần dà bạn sẽ ít dùng và ít bị ảnh hưởng những từ mang tính nhị nguyên như vậy.
Tư duy tích cực dễ khiến ta xa rời thực tế
Trong status của Tony, có đoạn thế này, mình trích nguyên văn:
Có lần Tony thử đi 1 tour ở châu Âu với khách Âu, chỉ có mình và 1 gia đình người Việt kia, thấy khác hẳn. Máy bay delay, họ lấy sách ra đọc. Tài xế đi sai đường, họ nói wow, nhờ đi sai mà tao thấy được nhiều cái hay và lạ trên đường, tao rất thích. Đồ ăn không hợp khẩu vị, họ nói để tao challenge, cả nhà cùng nhau thử thách ai ăn hết được 10 điểm, cười vui rộn ràng. Đi cơ quan công quyền ở đâu cũng quan liêu hết, thấy cô nhân viên hành chính nhăn nhó, quay quả bảo nhau "chắc hôm nay cô ấy đèn đỏ, đau bụng nên thông cảm, hỏi thăm giúp cô ấy vui vẻ lên đi". Họ luôn miệng xin lỗi, cám ơn, chúc 1 ngày vui vẻ, tôn trọng cảm xúc của nhau để giúp nhau có được "1 good day". Họ giải thích mọi thứ theo hướng tích cực, nên tự động có chất lượng cuộc sống rất tốt.
Thoạt nhiên, khi đọc thì mình cũng thấy hợp lý, ví dụ như máy bay delay thì lấy sách ra đọc là ý tưởng tốt, vì thời gian trống không để làm gì cơ chứ? Thế nhưng đến mấy câu sau, thì mình thấy là tác giả đang cố tình sống trong một thế giới tưởng tượng:
"Tài xế đi sai đường, họ nói wow, nhờ đi sai mà tao thấy được nhiều cái hay và lạ trên đường, tao rất thích."
Thực tế nếu tài xế sai đường thì bao nhiêu bạn sẽ "wow,...tao rất thích."?
Wow, tao rất thích; wow, tao trễ máy bay mẹ nó rồi.
Rồi khi đồ ăn không hợp khẩu vị, bạn sẽ tùy tình hình mà cần cân nhắc rằng nên ăn thử cho biết, hoặc có thể tránh vì nó có thể gây ngộ độc thực phẩm, hơn là cố gắng thử thách bản thân ăn cái món ăn đó.
Còn nếu ai đó bực mình với bạn, và bạn quy chụp, võ đoán rằng "chắc hôm nay cô ấy bị đèn đỏ", thì bạn dễ bỏ qua thực tế là có khi bạn có hành vi thiếu chuẩn mực nào chẳng hạn. Mà cho dù không phải do bạn, thì bạn cũng bỏ lỡ nốt cơ hội để quan sát cái cảm giác của bản thân trong sự tương giao với cái con người đang bực mình đó. Đấy cũng là một dịp để bạn quan sát những sự phản ứng của bạn, để bạn hiểu bản thân hơn. Nhưng bạn đã từ chối nó bằng cách "wow, chắc cô ấy bị đèn đỏ".
Hãy gác qua chuyện của Tony, mà xét thêm một câu chuyện thực tế sau:
Một người bạn của mình ở Hà Nội, có một khoảng thời gian từng bị mắc bệnh trầm cảm nặng. Bạn ấy đã quyết định đến thăm khám tại bệnh viện. Và sau khi nghe bạn ấy trút hết tâm can, bác sĩ kê đơn đã nói thế này: "Có mấy người hoàn cảnh khổ hơn cháu mà còn vượt qua được, cháu cố lên nhé".Bạn ấy đã bỏ luôn không theo đuổi lộ trình điều trị đó nữa.
Này giống như câu truyền động lực "tôi tài giỏi, bạn cũng thế" vậy, thiếu sự cân nhắc, quan sát và thấu hiểu. Khi bạn đã ở vực thẳm hố sâu, đã dũng cảm viện đến sự trợ giúp rồi, thì bạn không cần thêm sự so sánh với những người khác như vậy. Nói vậy chẳng khác gì tạo áp lực rằng nếu bạn không vượt qua được, đồng nghĩa với bạn tệ hơn những người còn gặp cảnh tệ hơn bạn - điều vốn khiến bạn cảm thấy thất bại và vô dụng hơn bao giờ hết.
Người bác sĩ đó, cùng với những ví dụ trong bài của Tony, rất giống nhiều người lậm tư duy tích cực khác, cũng có lối suy nghĩ nhẹ nhàng và đơn giản như thế.
Càng phân tích thì bạn sẽ càng thấy cái lối nhìn thế giới bằng con mắt "tích cực" một cách thái quá nó xa rời thực tế thế nào. Với cái lối tư duy đó, bạn sẽ có sẵn giải đáp cho rất nhiều tình huống, trong khi đời thì không có giải đáp cuối cùng nào cả; chỉ có những thứ máy móc, đồ vật, mới có đáp án.
Lời kết
Khi mình nhìn lại quãng thời gian dài đã qua của tuổi trẻ, lúc mà các cuốn sách self-help, cũng như những câu nói tư duy tích cực, đã giúp tiếp thêm sức mạnh để mình vượt qua những lúc khó khăn, vấp ngã, thì mình nghĩ rằng việc phê phán, hạ thấp nó là có phần hơi cực đoan và thiếu sự cảm thông với lớp bạn đọc (thường khá trẻ) yêu thích dòng sách này, và với cả cậu nhóc mình năm xưa nữa.
Thế nên mục đích chính của bài này, nếu có thể gọi là gửi gắm đến bạn đọc, thì mình chỉ muốn đây sẽ là lời chia sẻ đối với những ai vẫn đang cảm thấy mắc kẹt trong hàng đống sách self-help; để các bạn ý thức hơn cái sự vui, sự buồn, những kỳ vọng, thất vọng của bản thân trong cái gọi là nền văn hóa cổ vũ tư duy tích cực đấy. Các bạn vẫn có thể suy nghĩ tích cực nếu cần, đồng thời hãy ý thức được những mặt trái, và hạn chế của nó.
Cuối cùng, phê bình, đặt vấn đề là một chuyện, đưa ra giải pháp khả dĩ lại là chuyện khác. Và qua đây mình muốn đưa đến một gợi ý, rằng đằng sau lối tư duy tích cực đấy, còn lối tư duy khác nữa - một lối tư duy sống động, mang màu sắc của riêng ta; một lối tư duy không tiêu cực, lẫn tích cực; đó sẽ là lối tư duy dấn thân, chỉ nhìn thẳng, quan sát, chấp nhận, rồi dần dà hiểu cuộc sống: lối tư duy mạch lạc.
Và hẹn các bạn vào bài viết tiếp theo, cùng những minh giải rõ ràng hơn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
Trà Kha
P/s:
Bạn có thể thấy, status của Tony là nguồn cảm hứng cho bài viết, mà mình lại chỉ nhắc tới ít vậy, đó là vì mình không đánh giá cao sự nghiêm túc của tác giả này.
Nếu để ý, trên cover của page, tác giả đã đánh phủ đầu là page chỉ để giải trí, bông lơn, bốc phét. Tác giả chắc hẳn biết là nội dung mình không có nhiều giá trị bề sâu, dễ bị phản biện; nhưng ý định của tác giả vẫn là rất nghiêm túc để bán lời khuyên, page 1tr like, và sách bán best seller đàng hoàng, né tránh tất cả sự đối thoại, block comment. Cho nên mình ở đây chỉ phản biện tác giả một chút, và tập trung vào tư duy tích cực hơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất