[WALL OF TEXT - as always]
Rất nhiều người trong chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc tăng cường cảm giác có giá trị của bản thân. Khi sự tự tin của chúng ta đủ cao, chúng ta không chỉ cảm thấy bản thân tốt hơn, chúng ta còn trở nên kiên cường hơn nữa. Những nghiên cứu từ bản quét não bộ cho thấy khi sự tự tin của chúng ta cao hơn, những chấn thương về mặt cảm xúc đến từ việc thất bại hoặc bị phủ nhận sẽ ít đớn đau hơn, giúp chúng ta có thể vượt qua chúng một cách nhanh chóng hơn. Khi sự tự tin cao hơn, chúng ta cũng ít rơi vào trạng thái căng thẳng hơn, giải phóng ít hormone có hại hơn, chấm dứt trạng thái tiêu cực nhanh hơn.
Thật tuyệt khi có sự tự tin, nhưng tăng cường và giữ gìn sự tin lại chẳng hề dễ dàng. Có hàng trăm bài báo, chương trình, sản phẩm hứa hẹn sẽ đem đến sự tự tin nhưng cuối cùng lại thất bại, thậm chí còn làm chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn.
Một phần của vấn đề này nằm ở tính bất ổn của sự tự tin - nó thay đổi hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Phức tạp hơn, sự tự tin được cấu thành bởi cảm xúc của chúng ta về bản thân, cả trong góc nhìn khái quát và góc nhìn chi tiết với mỗi vai trò khác nhau mà mình nắm giữ - một người cha, một y tá, một vận động viên, v.v… Vai trò càng ý nghĩa thì ảnh hưởng của nó đối với sự tự tin lại càng lớn. Một ví dụ dễ hiểu: Một cái nhăn mặt của ai đó trước bữa ăn không-được-ngon-lắm sẽ làm một đầu bếp tổn thương hơn rất nhiều so với người bình thường.
Thêm nữa, có sự tự tin đúng là một điều tốt, nhưng chỉ khi nó có chừng mực. Sự tự tin quá cao, hay sự kiêu ngạo, lại là một điểm yếu. Những người cảm thấy bản thân quá tuyệt vời thường có xu hướng dễ bị tổn thương bởi sự chỉ trích hoặc những góp ý tiêu cực, từ đó phản ứng lại một cách cực kì có hại đối với sự phát triển về mặt tinh thần của mình.

Đọc thêm:

Lảm nhảm đủ rồi, dưới đây là 5 cách tham khảo để tăng sự tự tin của bản thân một cách healthy và balance:

1. Tự tin một cách thực tế - Sử dụng những lời động viên đúng đắn.

Những lời động viên tích cực như ‘Mình sẽ trở nên THẬT thành công!’ cực kì phổ biển - nhưng nó lại có một vấn đề nghiêm trọng - nó thường làm cho những người có mức độ tự tin thấp càng cảm thấy  tệ hơn. Tại sao? Vì đối với những người tự ti, những tuyên bố như vậy quá đối lập với niềm tin có sẵn của họ về bản thân. Khi mức độ tự tin của bạn thấp, hãy giúp những lời tự động viên trở nên có ích hơn bằng việc làm chúng thực tế và cụ thể. Ví dụ như, thay vì ‘Mình sẽ trở nên THẬT thành công!’, hãy thử ‘Mình sẽ kiên cường cho tới khi mình thành công!’. Đối với mình, chúng đều có nghĩa là mình sẽ thành công, nhưng cái thứ 2 dường như nằm trong sự kiểm soát của mình hơn, vì thế cũng đem lại cho mình niềm tin vững vàng hơn.

2. Tự tin một cách độc lập - Xác định điểm mạnh của bản thân và phát triển chúng.

Sự tự tin bền vững được xây dựng bằng cách xác định những khả năng thật sự và những thành quả trong những lĩnh vực yêu thích của mình. Nếu bạn tự hào về khả năng nấu nướng, hãy nấu thật nhiều bữa tối ngon và để mọi người thưởng thức. Nếu bạn chạy nhanh, hãy đăng kí một cuộc đua và rèn luyện bản thân để chuẩn bị cho nó.
Là một đứa khá hướng nội, mình luôn cảm thấy bản thân thích và giỏi trong việc lắng nghe người khác hơn là nói cho người khác nghe, nên mình học xem Tarot như một công cụ để tập luyện khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc. Mình diễn đạt qua văn viết giỏi hơn là văn nói, nên đăng kí làm content writter cho một startup, thỉnh thoảng viết bài gửi báo, và viết linh tinh ở góc nhỏ này. Đây đều là những việc nhỏ, nhưng mỗi một lần ai đó tìm đến mình để được lắng nghe, mỗi một lần ai đó mới ghé thăm blog, hoặc mỗi một lần đọc lại bài mình đã viết, mình đều cảm thấy vui hơn, tự tin hơn để tiếp tục cố gắng. (Nhân tiện, xem thêm và trò chuyện với mình ở đây nhé: https://www.facebook.com/corner492/)
‘Knowledge is the most valuable asset in the world, because no one can rob it from you' - 'Kiến thức là tài sản giá trị nhất trên đời, vì không ai có thể cướp nó đi từ bạn cả'. 

Đọc thêm:

Việc xây dựng sự tự tin dựa trên kiến thức và tác phẩm của mình rất có ích, vì chúng sẽ luôn ở đó, giúp bạn tự tin một cách độc lập chứ không phải lệ thuộc vào một thước đo hay sự công nhận từ ai đó.
Tóm lại, hãy tìm những điểm mạnh mang tính nền tảng của mình và tìm những cơ hội, những công việc có thể phát triển chúng nhé.

3. Tự tin một cách chấp nhận - Học cách chấp nhận những lời nhận xét.

Một trong những khía cạnh nan giải nhất của hành trình xây dựng sự tự tin là khi chúng ta cảm thấy tệ về bản thân, chúng ta càng dễ khước từ những lời nhận xét hơn - ngay cả khi chúng ta cần nó nhất. Bởi vậy, hãy đặt ra một giới hạn để chấp nhận lời nhận xét, ngay cả khi chúng làm bạn khó chịu (tin mình đi, chúng sẽ làm bạn khó chịu).
Cách 1: Một giáo sư trong Hội thảo nghiên cứu khoa học của trường mình đã nói: “Separate yourself with your work” - Hãy phân định rõ: bản thân bạn và những gì bạn đạt được trong đời là hai cá thể riêng biệt. Bạn thất bại vài lần không có nghĩa bạn là một thất bại, nghiên cứu của bạn như một trò đùa không có nghĩa bạn là trò đùa. Tất nhiên, chúng ta vẫn sẽ hết mình để chỉn chu trong công việc, nhưng khi nhìn nhận như vậy, việc đón nhận những góp ý trong công việc cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Cách 2: Để những phản ứng bản năng không làm bạn gạt phăng đi những lời nhận xét, hãy chuẩn bị sẵn một câu trả lời đơn giản cho chúng - ‘Cảm ơn vì đã cho mình biết', ‘Cảm ơn vì đã nói, mình sẽ suy nghĩ về nó’. Dần dẫn, những câu trả lời này sẽ trở thành một phần bản năng của mình, sự khước từ hay phản ứng tiêu cực trước những lời nhận xét sẽ biến mất - và đây cũng là một biểu hiện tích cực của sự tự tin.

4. Tự tin một cách tự chủ - Tạm biệt việc nghi ngờ bản thân, bắt đầu xây dựng lòng trắc ẩn

Không may thay, khi mức độ tự tin thấp, chúng ta có xu hướng huỷ hoại thêm bằng việc phê phán bản thân. Để tăng sự tự tin, chúng ta cần thay thế việc nghi ngờ bản thân (self-criticism) bằng lòng trắc ẩn đối với bản thân (Self-compassion).
Bạn đã bao giờ nói với BẠN THÂN của mình ‘Không sao đâu, con người có lúc này lúc khác’, 'Mày đã cố gắng rất nhiều rồi, như vậy đã là giỏi lắm', nhưng lại nói ‘Mày thật kém cỏi'/ ‘Mày vô dụng quá' khi BẢN THÂN làm điều tương tự chưa?
Mình đã từng nhiều lần như vậy. Thật buồn cười là chúng ta luôn cố gắng yêu thương và thông cảm cho người khác, nhưng lại quá khắt khe với bản thân mình.
Lần tới, hãy thử tưởng tượng bạn sẽ nói gì với bạn thân của mình nếu họ mắc sai lầm tương tự, để tự yêu thương bản thân mình như vậy nhé. Bằng cách đó, bạn sẽ tránh được việc huỷ hoại lòng tự tin của mình, thay vào đó là bắt đầu xây dựng nó.

Đọc thêm:

5. Tự tin một cách công bằng - Công nhận những giá trị thật của bản thân

Đây là một cách vực dậy bản thân sau một thất bại kinh khủng
- Viết ra một danh sách những phẩm chất của mình - trong những trường hợp cụ thể.
Ví dụ, nếu bạn vừa thất bại trong việc tỏ tình, hãy viết ra những điều chứng minh bạn là một người bạn trai/ bạn gái tốt: chung thuỷ, biết lắng nghe. Nếu bạn vừa trượt phỏng vấn xin việc, viết ra những điều chứng minh bạn là một nhân viên tốt: Trách nhiệm, chăm chỉ.
- Chọn 1 từ trong danh sách đó và viết một văn bản ngắn giải thích vì sao phẩm chất ấy lại quan trọng, và nó có thể được người khác công nhận như thế nào trong tương lai.
- Giữ nó cho bản thân mình :>
Lời cuối:
Năm nay, mình chuẩn bị cho một chương trình đào tạo lãnh đạo của trường, nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, bỏ rất nhiều công sức. Mình trượt vòng thứ hai, và không thể thi lại lần nữa. Cơ hội một đi không trở lại này đã khiến mình rất buồn và thất vọng. Sau đó mình đã thử những cách này, và nó giúp mình nhìn nhận lại bản thân một cách công bằng hơn, cũng giúp sự tự tin của mình hồi phục dần dần.
Tặng mọi người thêm một bài học mình học được khi chuẩn bị phỏng vấn:
 ‘When failed, you are not rejected, you are redirected' - Khi thất bại, bạn không bị chối từ, bạn được định hướng.
Hãy luôn mở rộng những cánh cửa cơ hội, và hãy yêu bản thân mình thật nhiều nhé.
Thân,
Pu.
Xem thêm và trò chuyện với mình ở đây nhé: https://www.facebook.com/corner492/