1. Một tình huống oái oăm

Trước khi thi đại học, tôi ngồi nói chuyện với bố mẹ về các dự định tương lai mà mình muốn theo đuổi. Sự thật là tôi không biết mình thích gì hết, cũng không rõ nên theo ngành gì nên trong buổi trò chuyện gia đình đó, tôi bịa vài ngành nghề nghe hay ho có tìm hiểu trước qua Google trong khối Xã Hội và Nhân Văn như Quan Hệ Công Chúng, Tâm Lý Học,... để cho bố mẹ an tâm. Giống như rất nhiều phụ huynh khác ở Việt Nam, bố mẹ tôi (thậm chí cả tôi) cũng không biết nhiều về mấy cái ngành mà tôi kể ở trên. Thấy tình hình lựa chọn nghề nghiệp của ông con có vẻ đang đi vào đường cụt, mẹ tôi đưa ra phương án mang tính tương lai hơn:
- Những ngành con kể, bố mẹ không có khả năng xin việc cho con sau khi con ra trường. Mối quan hệ của bố mẹ chỉ dừng ở hai lĩnh vực là Công An và Y Dược. Nếu muốn theo đuổi những khối ngành con nêu ra, tất cả phụ thuộc vào khả năng của con, bố mẹ sẽ chỉ giúp đỡ về mặt tiền bạc khi đi xin việc.
Tôi chả biết mình muốn theo học gì tại thời điểm đó. Tôi còn nghĩ rằng hay đi học nghề cho đỡ mệt đầu, mình có niềm yêu thích khá lớn với mấy thứ về điện máy mà. Chưa kể việc đi học nghề, ra trường đôi khi còn dễ xin việc hơn, bố mẹ đỡ tốn mấy trăm triệu hiện kim để "chạy" cho tôi vào một cơ quan nhà nước.
Kết quả cuối cùng, tôi chọn, thi và theo học ngành Báo Chí vì lý do rất khó hiểu và đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao ý nghĩ đấy xảy đến: "Tôi muốn làm Báo Mạng để hủy diệt và khiến Báo In tuyệt chủng."
Câu chuyện 4 năm đại học và theo đuổi ngành Báo Chí thực sự khá tệ. Bố mẹ tôi cũng không quan tâm, cứ bảo tôi học đi đã ra trường rồi tính tiếp. Các ông thầy dạy trong trường thì toàn khoe chiến tích chơi ma tóe, cắn kẹo,... khi đi làm phóng sự điều tra chứ không thấy được mấy kiến thức hữu ích. Tôi còn có dịp ngồi nghe Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể chuyện bị "hội đồng" vì đăng các bài viết động chạm tới lợi ích của các tổ chức, cá nhân. Sau đó, ông vươn tới đỉnh cao với mức nhuận bút mấy nghìn Biden tệ cho mỗi loạt bài viết.
Người thầy duy nhất tôi không nghỉ một tiết học nào và truyền cảm hứng tiếp tục học tập ở cái ngành này mà không bỏ ngang hiện đang giữ chức vụ Thư Ký Tòa Soạn ở một tờ báo lớn Hà Nội. Thầy chỉ cho cả lớp cơ cấu, bộ máy tổ chức của một tòa báo, cách viết bài,... và sự hiện đại trong báo chí Việt Nam ở các tờ báo "top tier" như Zing, VnExpress... Thế đó, 4 năm học Báo Chí = 45 tiết dạy trong bộ môn chả liên quan lắm: "Thiết kế trình bày báo in và báo mạng điện tử." Các kỹ năng về làm báo, tôi toàn học từ anh chị đi trước và Internet.

2. Từ ý định sưu tầm bìa cứng lại tóm được một cuốn sách hay.

Ảnh tôi tự chụp thật mà nhìn cứ như mockup
Ảnh tôi tự chụp thật mà nhìn cứ như mockup
Đã qua thời điểm đứng trước các sự lưa chọn ngành nghề nên tôi đặt mua cuốn sách mới của Spiderum bản đặc biệt với mục đích sưu tầm và ngắm nghĩa chữ ký của CEO Spiderum xem nó xấu đẹp ra sao. Đọc qua mục lục, thấy có bài viết về ngành Báo Chí của Nhà báo Phạm Gia Hiền (Admin page Facebook Đ*o Hiền thì phải) tôi cũng ngó qua xem thế nào. Bất ngờ, điều khiến tôi thất vọng hơn cả việc làm fan MU chính là bài viết khoảng 8 trang giấy nhưng theo cảm nhận cá nhân, nó bằng thậm chí là hơn số kiến thức mà tôi nhận được trong 4 năm đại học. Bài viết nhắc đến nhiều khía cạnh của ngành Báo Chí, từ cơ cấu bộ máy hoạt động, định kiến ngành nghề, cơ hội nghề nghiệp,... cho tới một vấn đề mà trường đại học của tôi không thầy cô nào nhắc đến - Tự do báo chí.
Dù bây giờ tôi đã bước ra khỏi môi trường đại học, tham gia thị trường lao động Việt Nam ở lĩnh vực viết lách đến giờ đã được hai năm, tôi vẫn thấy rằng bài viết về ngành Báo Chí trong cuốn sách hướng nghiệp mới của Spiderum mở ra được những góc nhìn thú vị hơn cho tôi. Xin phép được trích dẫn một đoạn trong bài viết "Nghề Báo Chí: Giữ tâm tử tế, tự tôn với nghề" mà tôi tâm đắc:
Con người đã sáng tạo ra bao công cụ kết nối, từ điện thoại, tin nhắn đến mạng xã hội, nhưng thế giới chúng ta sống vẫn lạnh lẽo và rời rạc quá. Những quốc gia rời rạc. Những con người rời rạc. Chúng ta cần những người kết nối, những người kể chuyện, những người kể cho chính quyền rằng dân sống khổ ra sao, thuyết phục nhân dân rằng làm chính trị khó thế nào, nói cho bạn bè quốc tế về một Việt Nam đích thực, và hiện thực hóa những giấc mơ trời Tây vốn xa hoa. Đó là vẻ đẹp của nghề làm báo, là trái ngọt bạn thu lượm được sau toàn bộ công sức và thời gian dùng ngòi bút kết nối thế giới này.
Dàn trang và design sách cũng khá thú vị
Dàn trang và design sách cũng khá thú vị
Với các nội dung khác trong cuốn sách như Phiên Dịch, Ngoại Giao, Nghiên Cứu Lịch Sử, Coaching (nghề này tôi thấy khá lạ),... của khối Xã Hội và Nhân Văn, tôi không dám đưa ra nhận xét vì tôi không quá am hiểu những lĩnh vực còn lại. Nhưng nếu bạn là những người trẻ vẫn đang học cấp 3 và mới bước vào năm đầu đại học, còn e dè và đắn đo không biết mình đã chọn đúng ngành học hay chưa thì "Người Trong Muôn Nghề: Ngành Xã Hội & Nhân Văn có gì?" sẽ rất phù hợp với bạn.

3. Một số ưu điểm về nội dung mà tôi thích ở cuốn sách này:

- Tất cả các ngành nghề đều có bộ kỹ năng riêng giúp bạn đọc cảm nhận được một số "insight" nhất định.
- Những câu chuyện truyền cảm hứng đều là những chia sẻ thật và rất "chất". Trong bài viết "Hoang mang? Đừng sợ!" của tác giả Trần Hồng Quang, anh chia sẻ mình đã từng đi làm DJ trong Sài Gòn (khả năng cao là một trong những DJ đầu tiên) để học thêm ngoại ngữ trước khi tìm ra được con đường mà mình mong muốn.
- Những câu quotes được thiết kế đặc biệt đều mang nội dung ấn tượng dẫn tôi đến những tầng suy nghĩ mới.
Từng độ tuổi nhất định sẽ cảm nhận được từng góc nhìn riêng của cuốn sách. Nếu bạn là học sinh THPT hay sinh viên năm đầu đại học và cần định hướng nghề nghiệp thì tất cả nội dung trong sách sẽ rất hấp dẫn với bạn. Với người đã đi làm như tôi, tôi thấy sự đồng cảm và thấu hiểu trong các câu chuyện mà một số tác giả đem lại.
Đọc thêm: