Vén màn bí mật nghề phiên dịch
Xin chào! Mình là một phiên dịch viên đã vài năm. Mặc dù không dám tự nhận là chuyên gia, thỉnh thoảng tự gọi bản thân là gà, mình...

Xin chào! Mình là một phiên dịch viên đã vài năm. Mặc dù không dám tự nhận là chuyên gia, thỉnh thoảng tự gọi bản thân là gà, mình vẫn có một chút kinh nghiệm trong ngành và muốn chia sẻ với những bạn quan tâm.
Ngành dịch thuật được chia làm hai mảng chính là dịch viết (biên dịch) và dịch nói (phiên dịch). Mình làm cả hai mảng. Tuy nhiên mình sẽ viết về biên dịch ở một bài sau, còn ở bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về ngành phiên dịch nhé.
Có rất nhiều con đường để trở thành một phiên dịch. Con đường chính thống là học một tấm bằng cử nhân ngôn ngữ và đi làm. Con đường phi chính thống là học một chuyên ngành nhất định và học thêm ngoại ngữ. Cả hai con đường này đều có những ưu khuyết điểm khác nhau.
Nếu theo chính thống bạn sẽ có một nền tảng ngôn ngữ tốt, biết cách giao tiếp và truyền đạt bằng ngoại ngữ nhưng thiếu kiến thức chuyên ngành. Do đó, khi mới tốt nghiệp bạn chỉ có thể dịch những chủ đề thường ngày chứ không dám tự tin dịch chuyên ngành. Thực ra cũng có vài phiên dịch trẻ tự tin dù không có kiến thức chuyên ngành. Thế rồi, cuộc đời đã dạy cho họ những bài học bẽ bàng trong các hoàn cảnh mà họ không mảy may hiểu được khách đang nói gì. Ý mình nói không hiểu tức là cả trong ngoại ngữ và tiếng Việt. Ví dụ, các bạn có hiểu một số thuật ngữ tiếng Việt như “hộ lan”, “cửa nhận nước”, hoặc “dao cách ly” là gì không? Khi đã không hiểu thì bạn sẽ không dịch được. Trong khi đó, những đôi mắt của khách hàng vẫn nhìn chằm chằm, chờ bạn dịch để họ tiếp tục trao đổi. Tình huống đó là một dạng thử thách tâm lý khốc liệt hơn cả một bộ phim kinh dị dạng siêu phẩm. Như vậy, kiến thức chuyên ngành là điều vô cùng quan trọng trong dịch thuật. Phần lớn những công việc dịch đều liên quan tới chuyên ngành. Bất lợi là để nắm được kiến thức chuyên ngành, bạn phải mất kha khá thời gian.
Nếu theo con đường phi chính thống, bạn sẽ có lợi thế về kiến thức chuyên ngành. Nhưng ngược lại bạn không biết cách truyền đạt lại cho người nước ngoài hiểu. Do đó, bạn sẽ mất thêm một thời gian để học thêm tiếng nước ngoài. Quãng thời gian này dài hay ngắn là do độ khó của ngôn ngữ, năng khiếu và sự chăm chỉ của bạn.
Mọi con đường đều hướng về thành Rome và bạn sẽ có nhiều hướng đi để hiện thực hoá ước mơ trở thành một phiên dịch. Nếu theo hướng chính thống thì hãy tìm hiểu một chuyên ngành nào đó khi bạn còn ở nhà trường. Nếu phi chính thống là lựa chọn của bạn thì hãy học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Nhưng dù theo hướng nào cũng đừng quên một điều, làm phiên dịch là không ngừng học hỏi, không ngừng tìm tòi.
Làm phiên dịch có sung sướng không? Có lẽ giống như mọi ngành khác, nghề phiên dịch có những lúc bạn rất sướng và rất khổ, có lúc rãnh rỗi và rất bận, có cả những vinh quang và tủi nhục. Khổ là khi bạn gặp những từ ngữ quá mới hoặc quá độc mà bạn không tìm được từ tương ứng ở ngôn ngữ kia. Có nhiều khi khách hàng nói quá dài, quá khó hiểu mà bạn chẳng biết phải dịch ra sao. Làm nghề phiên dịch không có nghĩa là ngồi bàn giấy phòng máy lạnh. Có những phiên dịch hiện trường phải chui vào hầm, leo lên đồi, đứng dưới nắng để tác nghiệp. Nhiều lúc trên công trường, công nhân chia ca nghỉ còn người phiên dịch làm từ sáng sớm tới nửa đêm. Tuy nhiên, những niềm vui của nghề phiên dịch vô cùng đáng giá. Công việc của phiên dịch giống như xây một cây cầu nối giữa hai nền văn hóa. Khi bạn giúp khách hàng hiểu được nhau và hoàn thành công việc, bạn đã hoàn thành cây cầu nối ấy và niềm hạnh phúc mà thành quả này mang lại không gì sánh được.
Nghề phiên dịch có vinh quang là những khi khi khách hàng hài lòng, nhìn bạn với đôi mắt kính trọng. Mỗi khi phiên dịch viên cất tiếng thì mọi người đều phải lắng nghe, từ nhân viên bình thường đến các giám đốc hay chủ tịcch. Nhưng nghề có những lúc rất bạc bẽo. Khi được việc rồi thì chẳng ai quan tâm tới người phiên dịch nữa. Có lần mình dịch cả ngày cho một công ty đến mệt nhoài, nhưng khi đạt được thành công thì mọi người rủ nhau ăn mừng nhưng còn người phiên dịch lặng lẽ về phòng ngủ. Trong một công ty, người ta thường chỉ vinh danh những người làm chuyên môn chính, còn bộ phận dịch thuật thường được được cho là bộ phần hỗ trợ nên cũng không được tri ân nhiều. Còn nếu bạn làm sai ấy à, hãy chuẩn bị tinh thần nghe những phàn nàn đứa này dịch ngu dịch giở!
Hình thức phiên dịch cũng ảnh hưởng đến thu nhập. Trong phiên dịch có hình thức dịch nối tiếp, người nói phát biểu một câu và bạn sẽ dịch lại. Dịch song song, dịch thầm hay dịch ca-bin là phiên dịch dịch ngay khi người nói đang phát biểu. Dịch song song thường diễn ra trong các hội nghị lớn. Người phiên dịch sẽ ngồi trong một ca-bin nói vào mic truyền đến khán giả đang đeo tai nghe. Hoặc phiên dịch sẽ ngồi sau lưng thầm thì vào tai người nghe nếu số lượng người cần được dịch ít. Dịch ca-bin được gọi là đỉnh cao phiên dịch vì người dịch phải vừa nghe vừa nói, trong nhiều trường hợp phải dự đoán ý tiếp theo của người nói. Đây thực tế là hoạt động “phi tự nhiên”. Dịch kiểu này rất mệt mỏi và không có nhiều người làm được. Tuy nhiên, thu nhập của công việc này rất cao, 6-10tr/ngày. Nếu là cố định có thể lên đến hơn 50tr/tháng.
Nói chung, theo kinh nghiệm của bản thân mình thì mức lương của phiên dịch thường cao hơn so với mặt bằng chung. Điều này một phần có lẽ vì một công ty không cần nhiều phiên dịch. Phần lớn những chỗ mà mình làm trước đây dù có hơn trăm người, cũng chỉ có một vị trí phiên dịch. Quỹ lương cho bộ phận này sẽ không bị chia sẻ như đối với những bộ phần khác. Người phiên dịch nghiễm nhiên trở thành “trường phòng phiên dịch một thành viên" và được mức lương khá hơn một chút.
Tương lai của nghề phiên dịch? Ở thời điểm hiện tại, nghề phiên dịch đang bị cạnh tranh khá gay gắt. Thế giới đang xích lại gần nhau và rất nhiều người được học ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Do vậy, càng ngày càng nhiều người có thể giao tiếp với người nước khác mà không cần tới phiên dịch. Ngành dịch thuật nói chung và phiên dịch nói riêng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự phát triển của công nghệ. Có những ứng dụng có thể nhận biết giọng nói con người và dịch tức thời với độ chuẩn xác khá tốt. Đặc biệt các phần mềm ứng dụng này sử dụng các công nghệ như AI và big data nên chúng có thể học tập và tiến hoắ với tốc độ cấp số nhân. Công nghệ chưa thể thay thế con người trong thời điểm hiện tại nhưng chính mình cũng không biết được rằng khi nào chúng sẽ bắt kịp con người. Do đó, theo mình thấy, xu hướng của ngành phiên dịch trong tương lai sẽ là ít việc làm hơn nhưng yêu cầu phải giỏi chuyên sâu hơn và có thể áp dụng công nghệ.
Đến đây, hi vọng các bạn đã có được một cái nhìn khái quát về nghề phiên dịch. Có rất nhiều tình huống giở khóc giở cười trong ngành và mình sẽ chia sẻ ở một bài viết sau. Một lời cuối, hãy đồng cảm vào yêu thương những người làm nghề phiên dịch nhé, họ là những người có trái tim dũng cảm đấy...
Đọc thêm:
Ngành Xã Hội Nhân Văn có gì?
Khoa học xã hội và nhân văn là một trong những tổ hợp môn đã không còn xa lạ đối với các bạn học sinh, sinh viên bên cạnh các tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Nếu khoa học tự nhiên thiên về các con số, sự logic, tính toán thì khoa học xã hội và nhân văn lại nghiên cứu chủ yếu về văn hoá, con người, giáo dục…shop.spiderum.com
Khoa học xã hội và nhân văn là một trong những tổ hợp môn đã không còn xa lạ đối với các bạn học sinh, sinh viên bên cạnh các tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Nếu khoa học tự nhiên thiên về các con số, sự logic, tính toán thì khoa học xã hội và nhân văn lại nghiên cứu chủ yếu về văn hoá, con người, giáo dục…shop.spiderum.com

Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

july.xii
Bài viết rất hay, nhưng để chỉn chu hơn nữa thì *dở chứ không phải *giở ạ
- Báo cáo

nghelak
Cảm ơn bạn đã chỉ ra lỗi sai. Mình sẽ lưu ý trong những bài viết sau.
- Báo cáo

Trương Hồng Đức
Không làm nghề này những có tham gia mấy hội thảo và ngó nghiêng chỗ các bạn ấy tác nghiệp thì thấy không hề dễ thở dễ làm tí nào. Quan điểm cá nhân là thu nhập cao cho các bạn là xứng đáng.
- Báo cáo

LuuTHai
Một bài viết rất hay, cảm ơn bạn

- Báo cáo

Nguyễn Thọ
Cảm ơn bạn nhiều về bài viết ^^. Mình thì học trái ngành, làm biên dịch được 3 năm r và hiện giờ thì đang mong muốn chuyển sang phiên dịch, 1 phần là vì lý do thu nhập nhưng một phần cũng là vì mình thực sự rất muốn được sử dụng cả khả năng nghe và nói của mình nữa. Không biết bạn có thể chỉ giúp mình nên bắt đầu từ đâu k?
- Báo cáo

nghelak
Mình nghĩ rằng nếu thích thì hãy làm ngay. "Just do it". Bạn có thể tìm các job dịch chủ đề mà bạn biết và không quá khó như dịch cho các buổi gặp ít người, dịch cho người đi du lịch,... Cứ vừa làm vừa học thì bạn sẽ từng ngày tốt hơn và tự tin hơn.
- Báo cáo

Nguyễn Thọ
Bạn có thể chỉ giúp mình có thể tìm các job như v qua các kênh nào k?
- Báo cáo

Nguyễn Đức Bằng
Theo như mình được dạy, trước khi đi phiên dịch, bạn luôn cần được cung cấp tài liệu chuyên ngành để nghiên cứu trước chứ chẳng ai nhảy bổ vào dịch luôn được. Ngay cả dân chuyên ngành cũng không dám chắc dùng đúng từ 100%. Ý kiến của một người học chính thống nhưng không theo nổi ngành dịch thuật 😅
- Báo cáo

nghelak
Cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn. Comment này cho thấy bạn có hiểu biết về ngành phiên dịch. Trên thực tế, luôn có những lúc mà bạn không được cung cấp tài liệu, hoặc được cung cấp tài liệu trong thời gian rất ngắn trước khi tham gia dịch. Ngoài ra, kiến thức nền không dễ gì được xây dựng trong thời gian ngắn. Do vậy cách an toàn nhất vẫn là tìm hiểu thật sâu về chuyên ngành.
- Báo cáo