Cuộc đời là một thứ gì đấy hỗn loạn, lộn xộn và rối tung lên hết cả. 

Thế nhưng không thể khẳng định rằng nó xấu hay đẹp. Có thể nó mang một vẻ đẹp kì bí xen lẫn một sức hút bí ẩn nào đấy đối với người này. Có thể nó lại là một mớ hổ lốn những thứ bòng bong, quấn quanh và chỉ chực chờ bóp nghẹt sức sống đối với người kia.
Lại nói về chuyện người này, người kia. Mọi thứ có vẻ đều tương đối khi đặt giữa "người này" và "người kia". Nhưng nếu mọi thứ đều tương đối thế thì còn gì mà bàn nữa? Đúng với người này, sai với người kia. Thế nó là cái loại gì?
Cuốn sách này hay với người này nhưng dở với người kia. Thế thì có lẽ tất cả các cuốn sách Đông Tây kim cổ đến nay đều nửa hay, nửa dở? Vậy thì khái niệm hay dở sao lại có thể xuất hiện được?
Thế rồi phim, nhạc, họa, ẩm thực... đều nửa hay nửa dở. Ngay cả đến những quan niệm đạo đức, triết lí cuộc đời,... nay cũng nửa nạc nửa mỡ theo cách định nghĩa của ai đấy. Có lẽ vì thế mà ngày nay người ta thường lạc lối, đứng giữa ngã ba mà chẳng biết phải đi đâu, không biết đường nào là đúng, đường nào là sai. Đường nào đúng với mình, sai với người? Mình là sao, mà người là sao? Thế nên đành đứng im đấy, chờ đợi. 

Bài viết cùng tác giả:


Người ta chờ đợi một ai đó vượt mặt mình, nhìn xem họ đi đường nào để mà "tham khảo". Nhưng rồi lại có quá nhiều người vượt mặt mình, và họ lại mỗi người một ý, chẳng khác gì đẽo cày giữa đường. Jack Ma bảo thế này, Bill Gates nói thế nọ. Jack Ma và Bill Gates lại nói khác với Xuân Trường và Công Phượng. Xuân Trường và Công Phượng lại nói khác với Sơn Tùng và Karik. Karik và Công Phượng lại nói khác với thằng Át Bích và Hạ Vũ. Hai thằng đấy lại nói khác với cô giáo ở trường, mẹ hiền ở nhà. Và có khi, tất cả những người trên đều nói khác với Aristotle và Plato. Thế rồi ta đành ngậm ngùi, nhận ra rằng tất cả mọi người trên đều vượt qua mình, và cũng chỉ nhận ra mỗi thế. Đều hơn mình, nhưng nhà văn nghệ sĩ lại có quan niệm khác với nhà khoa học, triết gia lại có quan niệm khác với các doanh nhân, người trong gia đình lại không nghĩ giống bọn nổi tiếng trên internet. Thế thì nên đi theo ai?
Thôi, lại chờ vậy. 

Chờ đợi để mong có thể tìm được chính mình, như người khác hay bảo. Vì người ta nghĩ, khi tìm được chính mình rồi, sẽ biết mình thuộc nhóm "người này" hay "người kia". Và người ta cũng nghĩ, khi biết mình là "this" hay "that" rồi, người ta mới lại có thể biết cuốn sách này hay hay dở, món này ngon hay chưa ngon. Người ta nghĩ, người ta sẽ biết nên đi đường nào.
Để tránh phải lạc lối như thế, hãy biết rằng có một số điều là tuyệt đối, một số điều là tương đối.

Ví dụ, tôn trọng người khác là một điều tuyệt đối.

Có thể đôi khi chúng ta gặp những người "không đáng để tôn trọng" nhưng không có nghĩa rằng chúng ta được phép cư xử thiếu tôn trọng đối với họ. Vì như thế là không tôn trọng bản thân, mà đã không tôn trọng bản thân thì người khác cũng sẽ không tôn trọng mình. Bạn vẫn luôn có quyền lựa chọn, dễ dàng cư xử lỗ mãng theo cảm tính hoặc kiềm chế để thể hiện sự tự chủ về mặt cảm xúc của mình. Và tất nhiên người khác sẽ nhìn bạn theo đúng cái cách mà bạn chọn để cư xử ấy.

Tuân thủ các giá trị đạo đức, đó là điều tuyệt đối.

Hãy cư xử có trước, có sau. Hãy sống tình nghĩa. Hãy là một người có trách nhiệm, với mọi người và với bản thân. Hãy tuân theo những quy tắc chung để tránh ảnh hưởng đến người khác, và để tránh họ ảnh hưởng ngược trở lại mình... etc. Có thể người khác không đối tốt với mình như thế, nhưng đấy là chuyện của họ, phải không?
Hãy nhớ rằng, chúng ta sống dựa trên lí tưởng của bản thân, và việc một thằng nào đấy cư xử vớ vẩn chả liên quan gì đến cách cư xử của ta cả. Và chả thể nào liên quan được cả.
Nguồn: Yenchee07
Bạn là người ngoan hiền hay kẻ nổi loạn, không quan trọng. Bạn cũng chẳng bị đánh giá vì tính cách như thế, mà vì bạn đã cư xử như thế nào. Bạn thuộc giới tính nào không quan trọng. Bạn cũng chẳng bị đánh giá vì như thế, mà vì bạn đã cư xử như thế nào. Bạn là người ở yên một chỗ hay tôn thờ sự xê dịch không quan trọng. Quan trọng là bạn có vui với điều đó hay không, có thú vị không, và điều thú vị nơi bạn có tạo nên cảm tình với những người bạn muốn tạo ấn tượng hay không.

Những điều tuân theo tư duy tuyến tính, là tuyệt đối.

- Thức khuya thường xuyên thì suy giảm sức khỏe.
- Ngồi nhiều thì dễ sinh bệnh.
- Không ăn thì đói, ăn nhiều thì no.
- Và ăn vớ vẩn thì ị vớ vẩn.
- Ăn đúng thì khỏe, ăn tốt thì đẹp.
...
Đó là những điều tuyệt đối, chẳng sai đi đâu được. Và đây là những điều (mà tôi nghĩ là) mọi người nên khuyên bảo nhau. Và chỉ nên khuyên những điều này thôi.
Thế thì những điều gì thì không nên khuyên bảo?
- Quyết định cá nhân: nên học gì, nên cưới ai, nên chia tay hay không, nên tỏ tình hay không,...
- Chuyện cá nhân: vợ chồng, con cái, việc làm, lương lậu, lý tưởng sống,...
- Chuyện phức tạp: là những chuyện phía trên đấy.
Vì những điều này, nó phức tạp và ta có nói gì đi chăng nữa cũng chỉ là cảm tính. Chị A tính cách thế này, gặp anh B tính thế kia, sống trong hoàn cảnh thế nọ, gặp chuyện lọ chuyện chai, sinh ra điều này điều kia, dẫn đến abc xyz,... Nó chung là nó phức tạp, và chúng ta nói thẳng ra là đ biết gì cả.
Chúng ta chẳng biết gì ngoài một số cảm xúc cá nhân cộng với một vài thuyết âm mưu vớ vẩn mà kinh nghiệm cuộc đời ngắn cũn cỡn của bản thân đã dạy cho ta. Và ta cũng chẳng có quyền gì mà đưa ra quyết định hộ người khác hay tác động tới quyết định của họ.
Mà tốt nhất là ta không nên như thế. Nếu được chia sẻ, hãy lắng nghe, nếu được hỏi, hãy gợi ý. Ví dụ thằng bạn bảo "tao muốn có bạn gái". Ok thôi, hãy gợi ý hết tất cả mọi cô gái trên thế giới này chứ đừng chọn những cô gái "bạn cảm thấy ok" hay những cô "tao nghĩ là hợp với mày" cho nó.

Bài viết cùng tác giả:

Ta lại quay lại chuyện sách vở.
Các bạn biết đấy, có những điều tương đối và những điều tuyệt đối, trong đánh giá cũng thế. Bất kì đánh giá gì: con người, sách, phim, nhạc,...
Như ở sách, sách hay phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định: có truyền tải thông tin, thông tin phải có giá trị, giá trị đó có thể áp dụng được,...
(theo mình thôi)
Ví dụ một cuốn sách khoa học hàn lâm bên trong một thư viện cổ kính có thể là "dở" đối với một cậu nhóc đang tuổi mới lớn chỉ thích sách lãng mạn, nhưng nó vẫn là một cuốn sách hay vì những giá trị nó mang theo. Nhưng một trăm ngàn trang giấy in từ wikipedia mang những thông tin có giá trị lại không thể là sách, lại càng chẳng thể là một cuốn sách hay.
Một cuốn sách khác trở thành best-seller, được nhiều người đón nhận nhưng nếu nó rỗng tuếch và nhạt toẹt, nông cạn và cảm tính thì cũng chỉ là một đống giấy lộn không hơn không kém. Một đống giấy lộn được một đám lóc chóc loi choi những kẻ rởm đời tôn thờ tất nhiên chẳng thể nào trở thành tuyệt phẩm được.
Tương tự với món ăn, món bạn không ăn được là do khẩu vị sẽ khác với một món không-thể-ăn-được.
Một bản nhạc nhiều người nghe chưa chắc đã là một bản nhạc hay. Và một bản nhạc hay sẽ luôn được nhớ mãi với một thái độ rất khác.

Vì sao kim cương lại đắt chứ không phải phải bất kì viên sỏi nào khác? Và vì sao trong mắt nhiều người Ruby đẹp hơn nhưng giá trị của chúng vẫn thấp hơn kim cương rất nhiều? Vì kim cương là một tạo vật tuyệt mỹ. Tuyệt mỹ từ hình thái bên ngoài đến cấu trúc bên trong. Tuyệt mỹ từ cả cái cách mà nó hình thành: 1050 độ C ở độ sâu 150km và cả độ tuổi tỉ năm của chúng. 
Thế nên dù người này có nghĩ thế nào, người kia có thấy ra sao, siêu phẩm vẫn sẽ-mãi-luôn-là siêu phẩm. Vì nó là như thế, không thể khác đi được.
Nó giống như một quy tắc ngầm của vô thức tập thể vậy.
Và đây là lí do chúng ta có các giá trị văn hóa. Đây cũng là lí do vì sao những kẻ bài xích văn hóa, xem thường những giá trị cốt lõi luôn là những kẻ ất ơ, ỡm ờ và nông cạn.

Bonus:

"Thực ra giá trị của con người nằm ở rất nhiều phương diện. Hai phần ba thế giới cúi đầu trước Bill Gates và Phạm Nhật Vượng vì tiền bạc nhưng ta cũng cúi đầu trước thầy Thích Nhất Hạnh, một người không bao giờ có tài khoản ngân hàng và không có một xu nào trong túi ngoài 2 bộ quần áo nâu rẻ tiền. Còn nữa, Mẹ Teresa ở Ấn Độ không biết chữ với hai bàn tay trắng. Mẹ cũng chẳng biết nói lý luận và triết học như thầy Thích Nhất Hạnh. Mẹ Teresa chỉ có tình yêu thương nhân loại vô bờ. Và mẹ đã thành vĩ nhân được giải Nobel hòa bình. Cả thế giới cúi đầu trước mẹ. Khi mẹ bước vào hội trường LHQ, tất cả các nguyên thủ và các thống chế đều chết lặng vì ngưỡng mộ và cảm phục. Có người òa khóc ôm lấy chân mẹ." [1]
Nhưng điều tuyệt đối là, tất cả những con người trên, họ vĩ đại vì họ tử tế, làm những điều tử tế và tạo ra được giá trị cho nhân loại.
Cuộc đời là một thứ gì đấy hỗn loạn, lộn xộn và rối tung lên hết cả. 

Tham khảo:
[1] Trích từ dòng trạng thái của anh Đỗ Cao Sang