3 nguyên tắc quản lý chi tiêu cá nhân cho người mới bắt đầu
Đây là cách mình xài tiền trước khi học cách quản lý chi tiêu...
Đây là cách mình xài tiền trước khi học cách quản lý chi tiêu
Thời đó mỗi tháng ba mẹ vẫn cho mình 1 số tiền, vừa đủ cho 1 tháng.
Vì gia đình không khá giả, nên mình vẫn phải học cách tiết kiệm và ý thức việc xài tiền có chừng mực.
Cách mình sử dụng tiền lúc đó chỉ đơn giản là: Mỗi tháng mình chỉ chia số tiền ấy thành 4 phần để sử dụng cho mỗi tuần.
Đây là những khó khăn mình gặp phải:
➤ Có ít tiền nhưng muốn mua nhiều thứ
➤ Trừ việc chia tiền làm 4, mình chẳng có kế hoạch chi tiêu cụ thể hơn, dẫn đến chi tiền theo cảm xúc (thích thì mua, buồn thì mua, thuận mắt cũng mua,...)
➤ Không biết mình đã mua gì mà thấy tiền hết nhanh quá
Có lúc mình mua 1 thứ gì đó đắt tiền 1 cách bất thường (vẫn là thứ cần thiết cho bản thân, như 1 dầu gội đầu size lớn,...). Chẳng cần hiểu lý do, mình chỉ thấy tiền vơi đi nhiều.
Đôi lúc đến tuần thứ 3 hay thứ 4 trong tháng đã thấy hết tiền.
…
Hành trình quản lý chi tiêu của mình bắt đầu từ đó và đây là 3 nguyên tắc, nếu bạn là người mới bắt đầu có thể làm được ngay.
1️⃣Ghi chú lại tất cả khoản chi
Đây là việc mình thấy rất nhiều người làm.
Muốn quản lý được chi tiêu thì phải biết: tiền ra khỏi túi mình vì mình đã chi gì. Đây là lý do cơ bản nhất.
💡Nắm được chỗ này bạn sẽ nhận thức được mỗi khi quyết định chi cho 1 thứ gì đó. Ít nhất là khi nhìn lại việc thu chi trong 1 ngày của mình thế nào.
👉Cách làm: ghi lại tất cả những gì bạn đã chi cho dù là thứ nhỏ nhất như tiền gửi xe, tiền đi xe buýt,...
Có những khoản tưởng chừng là “vô tri”, nhưng nếu gộp lại, nó là một khoản tiền lớn.
Câu chuyện của mình: Thời mình còn học đại học (khoảng năm 2), mỗi tháng mình được cho 1 triệu đồng. (Vì nhà ở Sài Gòn, nên không tốn tiền nhà và tiền cơm)
Nhà mình cách trường tầm hơn 13km, mình thì chưa có xe máy, nên mỗi ngày phải đạp xe ra chỗ gửi xe, sau đó mới có tuyến xe buýt lên trường.
Như vậy, 1 ngày đi học mình sẽ mặc định tốn: 2k gửi xe + 4k đi bus (cho 2 chiều đi - về) = 6k.
Nếu 1 tháng đi học đầy đủ, mình sẽ tốn tối thiểu: 6k x 26 ngày = 156k
1 tháng chưa làm gì, khi nhận 1 triệu thì thật chất mình chỉ được xài tối đa 844k.
Đấy, tiền di chuyển thôi, tưởng ít mà nhiều.
Bạn có thể ghi lại chi tiêu bằng nhiều cách khác nhau: Dùng note trên điện thoại, app (Money Lover,...), dùng sổ/tập (cách mình làm)
❗Miễn sao là: bạn có thể:
➤ Xem lại được chi tiêu hằng ngày
➤ Tổng hợp dược dữ liệu chi tiêu trong tháng
2️⃣Tổng hợp dữ liệu
Theo mình, người ta có tiếp tục quản lý chi tiêu hiệu quả hay không là ở bước này.
Dữ liệu tổng hợp này để làm gì?
➤ Xác định được những khoản tiền bạn sử dụng trong 1 tháng (Ăn uống, đổ xăng, học tập, đi du lịch, mua thêm cái này cái kia,...).
Các khoản này chia thành 3 loại chính:
> Các khoản bắt buộc: Đây là khoản tối thiểu, chắc chắn bạn phải trả để duy trì sinh hoạt của mình. Tiền xe buýt như ví dụ trên là 1 khoản bắt buộc
> Các khoản phát sinh, đã lên kế hoạch: Không phải trả mỗi tháng như khoản bắt buộc, nhưng mình sẽ chi tùy nhu cầu (VD: 1 cuốn sổ mình xài được 3 tháng, thì không phải mỗi tháng trả tiền mua sổ)
> Các khoản phát sinh, chưa lên kế hoạch: chi vì thời điểm chi mới xuất hiện nhu cầu (VD: tự dưng trong tháng bị bệnh)
➤ Biết được tỉ lệ phân bổ các khoản tiền trong 1 tháng → Khi có dữ liệu của nhiều tháng (từ 3 tháng trở lên), mình có thể lên kế hoạch chi tiêu từng tháng theo dữ liệu này.
Nếu là người mới bắt đầu quản lý chi tiêu thì đây là 2 tác dụng chính.
Ngoài ra, nếu làm lâu hơn hoặc bạn xây dựng sẵn 1 hệ thống (như mình, hiện tại vừa xài tập - ghi theo ngày, vừa xài Google Sheet - tổng hợp theo tuần và tháng), thì mình còn:
➤ Xem được bản thân đã xài nhiều hơn số tiền đã lên kế hoạch từ đầu chưa.
➤ Đánh giá điểm tốt và chưa tốt của việc chi tiêu trong tháng.
➤ ...
3️⃣Lên kế hoạch hàng tháng
Khi mới bắt đầu, hãy ghi chép lại từng chi tiêu trong 3 tháng. Ba tháng này hãy cho bạn xài 1 cách tự nhiên.
Khi ghi lại như thế, sau mỗi ngày, tự bản thân bạn sẽ thấy khoản nào phù hợp và chưa phù hợp. (Thử xem)
Sau 3 tháng ấy, hãy tổng hợp lại 3 dữ liệu sau:
Bước 1️⃣: Từ những khoản chi thực tế, hãy gọi tên chung của các khoản chi điển hình trong 1 tháng (Ăn uống, Đi lại,...) → Phân loại thành loại Các khoản bắt buộc và Các khoản phát sinh.
Bước 2️⃣: Chia tỉ lệ % của từng loại so với tổng số tiền chi tiêu của 1 tháng (đừng cố gắng tính con số chính xác, tính số tương đối là được).
Bước 3️⃣: Dựa theo tiền bạn có trong mỗi tháng và tỉ lệ % ấy, tính số tiền bạn sẽ chi cho mỗi khoản đã xác định ở Bước 1️⃣.
Bước 4️⃣:
➤ Nếu là các khoản bắt buộc: hãy chia thành 4 phần cho 4 tuần trong tháng tiếp theo. Quy định mỗi tuần cố gắng chỉ xài trong khoản đó (nếu không đủ thì tự mình điều chỉnh bản thân, học cách từ chối nhiều hơn)
➤ Nếu là các khoản phát sinh: hãy nghĩ trước và liệt kê chi tiết những thứ bạn sẽ cần mua trong tháng tiếp theo (để tránh phát sinh không có kế hoạch)
💡Mẹo là: Nếu thấy có nhiều thứ muốn chi quá, thì hãy ưu tiên cho thứ bạn CẦN trước, MUỐN sau.
(Nếu đã hiểu khác biệt giữa CẦN và MUỐN → bỏ qua ví dụ bên dưới
Ví dụ: Xà bông giặt đồ là 1 thứ CẦN → Vì không có, bạn sẽ không có đồ sạch để mặc
Thay 1 chiếc xe máy cho 1 chiếc xe đạp vẫn chạy được, và bạn không phải đi quá xa đến chỗ làm → Chiếc xe máy là 1 thứ bạn MUỐN, vì đạp xe đi làm vẫn được)
Đây là cách mình đã làm khi mới bắt đầu
Mình bắt đầu từ việc ghi chú lại chi tiêu trong 1 cuốn tập
Làm được tầm 2-3 tháng, mình bắt đầu thấy nhận thức mỗi lần chi tiêu cải thiện hẳn. Nhưng để lên kế hoạch cho tháng sau, thì mình chẳng có cơ sở nào để làm điều đó.
Sau đó, mình quyết định tổng hợp dữ liệu như cách trên (tính bằng tay).
Kết quả là:
➤ Mình tá hỏa vì tiền cho việc ăn uống (ăn vặt và đi cà phê) chiếm 50% tổng tiền chi tiêu trong tháng
➤ Các con số tỉ lệ giữa 3 tháng khá là tương đương nhau cho từng khoản
Từ đó mình lên kế hoạch cho tháng sau, và dần điều chỉnh tỉ lệ của từng khoản và phân bổ tiền cho hợp lí.
Mình tốn:
➤ 3 tháng đầu để ghi lại từng chi tiêu
➤ 3 tháng sau để dựa vào dữ liệu đó để lên kế hoạch và chi tiêu theo kế hoạch.
👉 Cuối cùng mình giảm được 1/3 số tiền so với những tháng đầu (về cách chi tiêu hiện tại).
Khi bắt đầu “dư tiền” so với ban đầu 1 chút, mình không chỉ để nó dư (vì lúc đó chưa có mục tiêu tài chính nào), nên nếu để dư, mình sẽ đi vào lại con đường “chi xài theo cảm xúc”.
Vì thế mình đã quyết định thêm các khoản đầu tư cho bản thân bằng cách mua sách,... → mua những thứ khác có mục đích và tạo giá trị cho bản thân nhiều hơn (mình gọi đây là sự “đầu tư”).
Tạm kết tại đây
Học cách quản lý chi tiêu là cả 1 quá trình dài. (Mình đã làm đến nay là năm thứ 6)
Trước khi nghĩ đến đầu tư, tiết kiệm thì hãy quản lý bản thân và quản lý việc chi tiêu của mình trước.
Mong mình có thể viết những bài sau về hành trình quản lý chi tiêu cá nhân này.
#WOTN5
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất