HÃY SỐNG NHƯ NGÀY MAI BẠN VẪN... CÒN SỐNG (có hiển nhiên quá không?)
Ảnh: After Death, Wadim Kashin, ArtStation. Tôi không biết ai đã nghĩ ra câu "hãy sống như ngày mai sẽ chết", lại càng không...
Tôi không biết ai đã nghĩ ra câu "hãy sống như ngày mai sẽ chết", lại càng không hiểu vì sao nhiều người có vẻ tâm đắc câu này đến vậy.
Ý tưởng rằng sống vì sợ chết, có gì hay đến thế nhỉ, tôi luôn tự hỏi như thế.
Lại nhớ về hồi nhỏ, tôi có tật muốn mọi thứ ngay lập tức. Như tôi đòi ăn chè, tức là phải có chè ăn ngay trong buổi. Đi chơi, nghĩa là đi ngay. Nghía thấy có món đồ hay hay, thì nó chỉ hay nếu tẹo nữa có thể cầm trên tay luôn. Vẫn là chè, vẫn những chuyến đi, vẫn món đồ chơi ấy, nếu để hôm sau hoặc "dịp khác", thì đó không phải thứ chè, trải nghiệm hay món đồ tôi muốn nữa.
Tôi muốn thứ đó, nhưng không phải thứ đó, mà là thứ đó - ngay lập tức.
Cũng may là nhà tôi nghèo, nên làm đếch gì có chuyện đòi là được. Thế nên rồi cái tính ăn xổi ở thì này cũng được rèn dũa và dần biến mất theo thời gian. Nhưng có lẽ một phần cũng vì khi đã bắt đầu tự lập, tôi nhận ra "ngay lập tức" không thú vị đến vậy. Đến tầm những năm cấp 3, tôi vẫn giữ cái thói hứng lên lại xách xe chạy qua thành phố khác, hay ngắm nghía điện thoại thấy cái nào ưng chạy đi mua ngay. Để rồi nhận ra rằng mọi mong muốn của mình, ngay cả khi nó thành hiện thực ngay lập tức, thực ra chẳng vui hay thú vị như mình nghĩ.
Khi đã lớn hơn một chút, những mong muốn cũng bắt đầu phình to ra, và ngày càng vĩ đại đến mức bất khả thi và không thể "ngay lập tức" được. Mong muốn không còn đơn giản là đôi giày hay chiếc điện thoại nữa, đó là một cơ thể khỏe mạnh, kỹ năng viết lách thượng thừa, tư duy sắc bén, sự công nhận từ cộng đồng, một mối quan hệ bền vững, một tổ chức lý tưởng... và những thứ kiểu kiểu vậy. Ở cái tuổi này rồi, khi đã đứng trước những ước muốn như thế, vẫn hi vọng có được ngay lập tức, chỉ có cách duy nhất là tin vào Chúa mà thôi.
Nhưng ngay cả những tín đồ trung thành nhất của Đấng Sáng Tạo, có lẽ cũng nhận thức được rằng mọi thứ luôn cần thời gian - và sự chậm trễ này chẳng phải điều gì quá tiêu cực.
Thế nhưng có nhiều bạn trẻ, nhiệt huyết, thông minh và đầy sáng tạo, lại đi tin vào những lời động viên sáo rỗng dạng "hãy sống như ngày mai sẽ chết".
Không, bạn phải sống như ngày mai bạn vẫn tiếp tục sống chứ? Có lẽ tôi không phải thằng quá sợ chết, nhưng nếu biết ngày mai mình sẽ chết, tôi chẳng tìm thấy bất kỳ ý nghĩa nào của ngày hôm nay nữa.
Tôi đã chuẩn bị một kế hoạch tuyệt vời cho những ngày cuối đời của mình. Nếu tôi biết mai mình chết, chắc chắn hôm nay sẽ là ngày tôi thử qua đủ thứ loại ma túy, từ loại mạnh nhất đến loại mạnh nhất nhất nhất. Vì dù gì mai cũng chết, còn thứ gì tuyệt vời hơn chết trong cơn sốc thuốc - một cái chết có khả năng kéo dài vĩnh cửu như thể ta rơi vào lỗ đen và sống mãi trong đường chân trời sự kiện?
Nhưng tất cả những mong muốn hoang dại ấy đều bị cản lại, vì tôi biết rằng mai mình vẫn còn sống. Vì ngày mai, ngày mốt, ngày kia mình vẫn sống, nên luôn phải sống một cách tử tế.
Tôi biết rằng mai mình vẫn sống, thế nên phải hoàn thành xong công việc để còn nhìn mặt đồng nghiệp, cấp trên và độc giả. Tôi biết ngày mai mình vẫn sống, nên mới tiếp tục chăm sóc cho bản thân. Vì ngày mai mình còn sống, chứ không phải ai khác, nên bất kể rắc rối nào hôm nay mình tạo ra, mai mình cũng phải chịu. Cơ thể có rệu rã vì ngồi một chỗ, hoặc trầm cảm do chẳng làm được việc gì, chính mình cũng phải chịu, chứ không phải ai khác. Chưa kể đến cảnh đói nghèo, và ánh mắt khinh bỉ thương hại những người thân yêu dành cho mình. Tôi rất sợ những thứ đó trong tương lai, và vì mai tôi vẫn sống, nên hôm nay luôn phải cố gắng vậy.
Việc biết rằng ngày mai mình vẫn còn sống thực chất chả liên quan gì đến nhiệt huyết hay sự lười biếng, thậm chí còn ngược lại.
Ngoài biết rằng bản thân ngày mai đéo chết được, vẫn sống và vẫn chịu đựng toàn bộ những thứ do mình (và không do mình) gây ra nên cố mà sống tốt như tôi đã nói ở trên, việc biết rằng ngày mai ta vẫn còn sống cũng là một cách để ta làm việc có kế hoạch, cũng như tha thứ cho bản thân nhiều hơn.
Như bạn tập chơi đàn, nếu bạn nghĩ rằng mai bạn sẽ chết, thì chắc chắn bạn đếch bao giờ tập được đàn. Vì làm đếch gì có loại đàn nào tập trong 1 ngày? Và mai chết rồi nên còn cố làm chi nữa?
Bạn phải biết rằng mình vẫn sẽ sống, không chỉ một, hai mà còn rất nhiều ngày nữa, thế nên việc tập đàn rồi cũng sẽ đâu vào đấy ngay cả khi khởi đầu thật tệ hại.
Tất nhiên kiểu người "thôi để mai cũng được, vì mai còn sống mà" không nhắc đến ở đây làm gì. Vì vốn họ có quan tâm đến sự sống của mình đếch đâu? Họ biết mai họ vẫn còn sống, và hôm nay vẫn cư xử như một thằng tệ hại, tức là vốn đã chẳng xem trọng gì cuộc đời trong tương lai của chính bản thân. Kiểu này thực ra giống kiểu "thôi kiểu gì mai cũng chết, biết đàn cũng chả làm gì" hơn.
Việc biết rằng bạn còn nhiều ngày trong tương lai giúp bạn đặt ra được những kế hoạch cụ thể, rõ ràng và khả thi hơn. Chuyện học cách đặt kế hoạch ra sao thì lại phức tạp, có thể sẽ nói đến ở một bài khác (hoặc không, vì tôi vốn chẳng giỏi lĩnh vực này đến vậy, bạn có thể học những người khác). Tôi muốn nói nhiều hơn đến tâm thế khi làm bất kỳ điều gì.
Tôi đang lead một team be bé toàn những người đầy tiềm năng và nhiệt huyết. Họ vốn rất yêu công việc, yêu công ty, có lẽ vì vậy nên cũng khá sốt ruột. Họ muốn mình phải tốt lên trong hôm nay, muốn công ty phải thành công trong tháng sau, hay ít nhất là trong năm sau. Họ tự đặt bản thân vào một mục tiêu không thực tế, để rồi struggle chỉ vì đặt sai sự tử tế và lòng nhiệt thành của mình vào một tâm thế bị bóp méo bởi quá nhiều kỳ vọng và áp lực từ xã hội.
Tôi đã rất nhiều lần, nói với rất nhiều người trong team, rằng hãy kiên nhẫn. Một công ty để có chút danh tiếng thường mất đến cả 10 năm, công ty mình mới được 3 năm (và tôi về đây lập team này mới 1 năm). Mục tiêu càng lớn, thời gian càng cần phải dài. Thứ cần phải có là một bản kế hoạch thông minh cùng sự nhẫn nại, chứ không phải sốt sắng bất kể sự sốt sắng này đến từ good faith.
(Thực ra tôi cũng học được điều này từ hai người anh, hai bậc tiền bối của mình).
Ngày mai chúng ta không chết, và vì vậy, mọi thứ cần được thực hiện dựa trên một kế hoạch dài hơi. Chịu trách nhiệm cho nó, và sống cùng với nó không chỉ một ngày, một tuần hay một tháng, mà cho đến khi mọi thứ đã hoàn thành.
Mọi người hãy vứt câu "ngày mai sẽ chết" vào thùng rác sớm nhất có thể, như một cách để giải phóng bản thân. Có thể nhiều người sẽ bảo rằng tôi nâng cao quan điểm, rằng câu này chỉ có ý tích cực khuyên mọi người hãy tận hưởng cuộc sống khi còn có thể.
Nhưng như thế nào là tận hưởng cuộc sống?
Mọi người lúc nào cũng suy nghĩ dựa trên một lý tưởng không thực tế. Như thể bạn có thời gian vô hạn, sức chịu đựng vô hạn và xúc cảm vô hạn, cũng như xã hội bản thân nó thật tuyệt. Rằng trong một ngày bạn vừa có thể gọi về cho bố mẹ ở xa, vừa dành ra thời gian nói chuyện với người yêu, vừa hoàn thành công việc, vừa đi tập thể thao, vừa đọc sách, vừa chơi đàn, vừa viết lách, vừa dẫn chó mèo đi dạo, vừa gặp gỡ bạn bè và duy trì các mối quan hệ... vậy. Rằng như thể bạn làm tất cả những điều trên, và xã hội sẽ trả cho bạn một cái giá tương xứng.
Thực ra tôi cũng làm được hết những việc vừa liệt kê ở trên đấy, nhưng dựa trên một kế hoạch cụ thể. Tôi thỉnh thoảng mới gọi về cho bố mẹ, thời gian còn lại chủ yếu tập trung phát triển cuộc sống cá nhân, để sao cho mỗi lần gọi về là báo được tin vui gì đấy, hoặc ít cũng có vài chuyện mới mẻ để trao đổi qua lại, chứ không phải hôm nào cũng "bố mẹ ăn cơm chưa, con ăn cơm rồi". Những việc khác cũng thế.
Mọi người cứ kiểu sống như chạy deadline, để rồi thời gian còn lại ít ỏi đến mức chỉ đủ để tự nhét rác vào đầu. Rồi hoặc là tự thấy cuộc đời thật đau khổ, hoặc là rơi vào huyễn hoặc như thể mình đang hạnh phúc lắm. Họ sống như thể ngày mai mình sẽ chết, và cứ kiểu thế, có khi ngày mai sẽ chết thật.
Thế rồi giả như chết thật, lên thiên đường, Chúa hỏi hôm qua làm được gì, bạn định trả lời như thế nào?
Bảo rằng hôm qua con đã kịp gọi về cho bố mẹ để hỏi thăm chuyện cơm nước, kịp chạy giữa con phố chật ních xe cộ hít đầy khói để đi tập gym, hoàn thành xong deadline vô nghĩa được giao cho một dự án vô nghĩa, kịp ăn đĩa cơm gà thịt xơ như rác, xem vài video vô bổ trên mạng, gặp gỡ vài thằng bạn để cùng ngồi chơi game và phiếm chuyện linh tinh?
Nghe cũng hay đấy chứ, một cuộc đời vừa không đủ bất cần, cũng chẳng đủ khuôn mẫu. Xem ra trải nghiệm sống đã được đánh giá quá thấp.
Cá nhân tôi luôn cho rằng mình phải trả ơn cho bố mẹ nhiều hơn những cuộc gọi thông thường, làm những thứ hay ho thú vị hơn các tác vụ đổi sức lấy tiền, ăn những món đáng để mở miệng ra đưa vào, đọc và xem những thứ thực sự hay ho thú vị đến mức phải ngẩn người ra suy nghĩ, chỉ gặp bạn bè khi có thể cùng chill và nói cho nhau nghe những câu chuyện chưa bao giờ cũ. Những thứ kiểu kiểu thế. Và vì vậy, sẽ cần những mục tiêu lớn hơn, kế hoạch chi tiết hơn và nhiều thời gian hơn. Phải biết rằng, ngày mai mình vẫn còn sống để hoàn thành nó.
Và cũng bởi vì ngay mai mình vẫn còn sống, nên chính mình sẽ là đứa trải qua tất cả mọi thứ, chứ không phải bất kỳ ai khác.
Bạn sẽ phải trải nghiệm chính cuộc đời mình trong xã hội chưa hoàn hảo này, và nhìn thấy bản thân trở nên thua thiệt bất kể bạn đã làm tất cả mọi điều mọi người bảo rằng bạn phải làm. Chính bạn, chứ không phải ai khác.
Chứ nếu chết thì đơn giản quá.
Disclaimer: bài viết không liên quan gì đến câu của Gandhi “Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever.” vì câu này nhìn chung giống với nội dung bài viết. Tôi muốn bàn luận đến vế đầu tiên vẫn được dùng đi dùng lại như một câu selfhelp.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất