Không tin được là mình vừa trải qua tuần đầu tiên dạy học với học sinh đầu tiên của mình. Hồi hộp có, mong chờ có, lo lắng cũng không ít và niềm vui thì cũng rất nhiều. Mình thấy biết ơn vì vị phụ huynh kia tin tưởng giao phó con họ cho mình dạy, dẫu mình không hề có kinh nghiệm giảng dạy trước đó mà chỉ làm trợ giảng cho các lớp tiếng anh trong ba năm. 
Quyết định bắt đầu dạy học cho ai đó đối với mình là một điều rất quan trọng, bởi vì giáo dục thực sự mang một ý nghĩa rất lớn, nó ảnh hưởng sâu đậm tới sự phát triển của một con người, nó có thể giúp họ trở nên tốt hơn, cũng có thể hủy hoại họ. Mình đã tự hỏi bản thân rất nhiều lần rằng mình có sẵn sàng để bắt đầu dạy một ai đó chưa. Mình muốn học sinh của mình cảm nhận được điều tuyệt vời của việc học, khiến chúng yêu thích bộ môn tiếng Anh. 
Nhưng rồi ngày đó cũng đến, mình có học sinh đầu tiên, một cách rất tình cờ, là một cậu bé lớp 1 đáng yêu. Nếu mình lo lắng 1 thì gia đình mình còn lo lắng 10, họ sợ mình chuẩn bị không đủ tốt để đón học sinh đầu tiên. Nhưng một tuần trôi qua tốt đẹp ngoài sự mong đợi của mình. Lần "khởi nghiệp" đầu tiên trong giáo dục của mình đã để lại dấu ấn rất lớn, nó giúp mình nhận ra rất nhiều điều tốt đẹp mà nếu không bắt đầu mình sẽ không bao giờ nhận ra được.

Đọc thêm:

1. Luôn có những người sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của họ với bạn

Mình biết có rất nhiều các tài liệu và phương pháp giảng dạy miễn phí trên mạng Internet, nhưng mình vẫn muốn gặp trực tiếp những người đã và đang làm công việc dạy học cho trẻ em để nghe lời khuyên. Đó là cô giáo người Philippines mà mình làm trợ giảng, là bạn sinh viên bằng tuổi mình nhưng đã đi dạy gia sư cho trung tâm được 1 năm. Lúc xin lời khuyên, mình cũng không có kì vọng gì nhiều, mình coi đó đơn thuần chỉ là một buổi trao đổi ngắn thôi. Nhưng sự nhiệt tình chia sẻ và góp ý của họ khiến mình rất cảm động. Mình cũng chân thành nói ra các lo sợ của mình và từng cái một đều được giải đáp rất chi tiết. 
Họ khuyên mình rằng trẻ lớp 1 tuy kiến thức không khó, nhưng khả năng tập trung của chúng rất ngắn, rất mau chán, và lượng kiến thức chúng có thể tiếp nhận trong một buổi học là không nhiều. Dạy 1-1 rất khác so với dạy một lớp nhiều học sinh, vì tất cả tương tác đều diễn ra giữa 1 cô và 1 trò, cô giáo sẽ phải trực tiếp dạy và chơi với bé. Chưa kể, một buổi dạy của mình kéo dài 2 tiếng đồng hồ, có thể giữ được sự hứng thú học tập của một đứa trẻ 6 tuổi suốt hai tiếng ấy thực sự là một thử thách. Và họ cũng khuyên mình rằng, mình phải chấp nhận rằng chúng sẽ rất mau quên, có thể phút trước cô vừa nói xong phút sau hỏi lại đã không còn nhớ nữa rồi, nên giáo viên rất cần sự kiên nhẫn. Mình nghiêm túc lắng nghe và ghi nhớ.
Kết thúc buổi trò chuyện, họ cũng không quên gửi các lời động viên tới mình, họ tin rằng nếu mình làm tốt sẽ ngày càng có nhiều học sinh hơn. Nói thật mình chưa nghĩ rằng mình sẽ nhận thêm nhiều học sinh, vì năng lực và thời gian của mình vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng lời động viên về một tương lai tươi sáng như vậy cũng bất giác làm mình thấy ấm lòng.
Đây cũng là bài học đầu tiên của mình trong việc dạy học, đó là mình luôn cần sự hỗ trợ dù ít dù nhiều của những người xung quanh. Đó có thể là một lời động viên, một lời khuyên, một sự quan tâm hỏi han xem tình hình thế nào, hoặc lớn hơn nữa là cung cấp tài liệu, sách vở và các dụng cụ dạy học cần thiết. 
Nếu hỏi mình có lo sợ khi nhận phải các lời khuyên sai lệch hoặc không đúng không? Nói thật là không. Vì trước khi hỏi mình cũng đã tự tìm hiểu kha khá, và kinh nghiệm làm trợ giảng cũng đã xây dựng lên cho mình các nền tảng cơ bản của nghề này, nên không khó khăn để mình có thể chọn lọc lời khuyên. Nhưng suy cho cùng, làm gì có lời khuyên nào là đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn đâu, phải không? Tình huống thực tế sẽ còn khác biệt rất nhiều. 

Đọc thêm:

2. Kinh nghiệm làm trợ giảng của mình giúp ích rất nhiều

Đây là điều nhận biết rõ nét nhất khi mình bắt đầu tự dạy học. Khoảng thời gian vài năm làm trợ giảng mình đã chứng kiến hầu như tất cả những mặt tối và tốt của giáo dục. Mình đã từng gặp giáo viên tràn đầy nhiệt huyết, sự tử tế, đam mê dạy học, nhưng cũng gặp giáo viên có thái độ không tốt với học trò. Rồi nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực lên các đứa trẻ, điều làm mình rất buồn. Mình cũng tiếp xúc với đa dạng tính cách của học trò, từ ít nói, lầm lì, kém giao tiếp tới ngỗ nghịch, lanh lẹ, thông minh. Vì giáo viên là người nước ngoài nên hầu như mình là người giao tiếp nhiều nhất với học sinh, từ đó khả năng giao tiếp với học trò cũng khá là tốt.
Để có thể tổng hợp mà viết cho đầy đủ thì sẽ rất khó. Mình cứ làm cứ cố gắng, thời gian trôi qua các khả năng cần thiết sẽ tự cải thiện để thích nghi. Rồi dần dần chúng sẽ tạo nên con người bạn và cứ tồn tại ở đó. Mình tin điều này cũng xảy ra ở hầu hết tất cả các ngành nghề, khi mà bạn đạt tới một độ thành thạo nhất định nào đó thì các ứng xử và xử lí của bạn gần như là bản năng. Nên khi một mình dạy cậu bé kia, mình cảm thấy việc điều tiết nội dung dạy, các hoạt động cũng như giao tiếp giữa cô trò diễn ra khá tự nhiên và vừa vặn. 
Điều mình học được nhiều nhất từ việc làm trợ giảng có lẽ là ứng dụng trò chơi vào việc dạy học. Đây là những trò chơi có thể dùng nội dung bài học với các mục đích như nhớ từ, luyện phát âm, phản xạ,...Nên tuần trước khi dạy học mình đã tự tìm hiểu một số trò chơi, và thử áp dụng một số trò vào buổi học đầu tiên. Và ngạc nhiên là cậu bé biểu hiện sự thích thú ngay từ trò chơi đầu tiên có tên gọi là Tic Tac Toe và một tuần trôi qua mà mình vẫn không cần tới trò thứ hai, vì cậu bé thích mê trò này. 

3. Không phải trẻ nhỏ nào cũng thích các bài hát vui nhộn học tiếng Anh

Đây là lần rút kinh nghiệm sâu sắc của mình luôn. Vì mình cứ cho rằng trẻ con lớp 1 sẽ thích những video hoạt hình nhảy vui nhộn lồng ghép các từ vựng tiếng Anh hoặc các lời bài hát kiểu catchy dễ thuộc dễ bắt chước. Nhưng không, mỗi trẻ tính cách sẽ rất khác nhau, nên sau khi cho cậu bé xem một video kiểu này và thấy biểu hiện không thích thú cho lắm của cậu bé mình hỏi ngay rằng con có thích coi mấy cái này không, rất may là cậu bé đã trả lời thật lòng là không. Vậy là mình dẹp luôn cái laptop qua một bên, và không có chiếu cái video nào nữa. 
Hóa ra tạo hứng thú học cho học trò không nhất thiết lúc nào cũng phải là mấy cái vui nhộn kia, đôi khi chỉ cần một vài câu bông đùa, động viên, ghi nhận sự cố gắng đối với một số bé đã cảm thấy rất thích rồi. Mình luôn cho rằng mình là bạn "người lớn" của bé, tức là có độ thân thiết gần gũi ở một mức độ nhất định và trong tầm kiểm soát. Cậu bé có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc và ý kiến của mình, nhưng nếu quá đáng hoặc hơi vô lễ thì mình lập tức nhắc nhở. 
Sau lần này mình đã phải định nghĩa lại thế nào gọi là tạo hứng thú trong học tập cho người khác. Đó phải khiến cho họ cảm thấy môi trường học tập này gần gũi, an toàn, có thể nêu lên ý kiến và nhu cầu của bản thân, được bộc lộ yêu ghét rõ ràng. Mình rất vui vì cậu bé càng ngày càng bộc lộ cảm xúc, thể hiện chính kiến của mình một cách lịch sự rõ ràng. 
Mình đã từng chứng kiến các giáo viên trước khi vào lớp thường luôn cố gắng tạo lên không khí vui nhộn đầy hứng khởi rồi bật các bài hát tiếng Anh vui tươi để các bé nhảy theo. Đúng là hiệu ứng lúc đầu rất tích cực, nhưng trong quá trình dạy học không thể lúc nào cũng nhảy nhảy vui vẻ như vậy được nên dần dần các bé chuyển qua chán nản và không muốn học nữa. Chỉ muốn cô bật nhạc cho nhảy hoặc chơi trò chơi mà thôi. Điều này gây ra rất nhiều áp lực mệt mỏi cho giáo viên mà chất lượng học tập thì cũng không đạt được cao nhất.
colored pencils in top view photography
Nguồn ảnh: Unplash

4. Thiết kế lớp học thân thiện vừa đủ

Lúc dọn phòng để thiết kế thành không gian dạy học với bàn và bảng trắng, mình đã dọn hết mọi đồ vật linh tinh đi chừa chỗ cho bé di chuyển thoải mái. Nhưng mình đặc biệt cố tình để rải rác mỗi ngóc ngách một vài con vật ngộ nghĩnh từ bé đến lớn, mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là nhìn những con vật này rất đáng yêu và có lẽ cậu bé cũng nghĩ như vậy. Ngoài ra mình không trang trí thêm bất kì cái gì khác, bảng và bàn học đều tối giản.
Ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ thì cậu bé cũng không di chuyển gì nhiều, bảo ngồi đâu là ở yên đó. sang những ngày sau thì trong lúc mình đang viết bảng, cậu bé đi dạo một vòng quanh phòng và phát hiện những con vật ngộ nghĩnh kia :)))). Vậy là hai mắt sáng lên, mải mê chơi cùng chúng. Mình nhìn thấy nhưng vẫn giả vờ không quan tâm. Cậu bé thấy mình không có phản ứng gì thì cũng hơi sợ sợ, vì suy cho cùng đây cũng là phòng của người lạ, không phải ở nhà bé nên chắc bé thấy hơi tùy tiện nên đã hỏi mình là con mượn chơi chút nha. Tất nhiên là mình cho rồi. 
Sau đó mình nhẹ nhàng gọi cậu bé quay trở lại học thì thấy mức độ hứng thú học tập còn tăng cao hơn rất nhiều. Mình đoán là cậu bé muốn xin mình một con về nên đã cố gắng học ngoan để mình cho. Sau buổi học đúng là bé xin mình một con thật :))). Và tất nhiên là mình cũng cho. Sau đó thì mình dặn dò một vài việc rồi cậu bé vui vẻ đi về. 
Mình đã được khuyên là nên thưởng cho bé một cái gì đó để bé có động lực học hơn. Mình cũng đã nghĩ đến nhưng không áp dụng vội vì mình thấy việc này còn có thể đi kèm theo một số tác dụng phụ. Mình tự hỏi liệu mình có thể buổi học nào cũng đều tặng thưởng không? Mình có thể duy trì điều đó quanh năm suốt tháng không? Rõ ràng là không. Và mình có muốn học sinh của mình cố gắng học chỉ vì muốn được thưởng không? Tất nhiên là không. Việc hứng thú học tập phải xuất phát từ bản chất việc học, những cái khác chỉ có thể kéo dài trong một thời gian ngắn. Mình luôn quan niệm tạo một môi trường học tập gần gũi nơi bé cảm thấy được tôn trọng và ghi nhận mới là điều quan trọng.
brown bear plush toy
Nguồn ảnh: Unplash

5. Câu chuyện nên hay không nên cho bài tập về nhà

Sau rất nhiều lần chứng kiến ở nhiều nơi rằng dường như bài tập về nhà chỉ được học sinh xem như một nghĩa vụ cần hoàn thành không hơn không kém, thì mình đã phải nhìn nhận lại vấn đề này. Và ngoài ra thái độ khác nhau của mỗi bé với bài tập về nhà cũng khiến mình phải suy nghĩ lại. Mình đã từng gặp các bé cực kì thích làm bài tập về nhà, làm với tốc độ chóng mặt và gần như hoàn toàn đúng hết. Nhưng cậu bé mà mình dạy không thích bài tập về nhà. Bù lại lúc học rất tập trung cùng với mình và mình nhận thấy khả năng tiếp thu của bé khá cao. Trong quá trình dạy mình ghi chú những từ và cấu trúc bé dễ sai hoặc nhầm lẫn để rồi cuối giờ lồng ghép chúng thành một trò chơi củng cố. 
Nên mình đã không cho bé bài tập về nhà, mà chỉ nhắc nhở bé ôn bài rất có thể buổi học tới cô sẽ kiểm tra. Nhưng điều mình rất vui là mình đã thành công tạo ra hứng thú học tập cho bé và mình tin rằng một khi đã hứng thú bé sẽ tự tìm tòi và dành thời gian thêm cho nó.
Mình không biết trong thời gian sắp tới vẫn có thể duy trì như vậy hay không, nhưng mình luôn rèn bản thân tính linh hoạt, mình hoàn toàn có thể chuyển đổi cách dạy khi cần thiết. Nên câu trả lời nên hay không nên cho bài tâp về nhà có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, đối với mình thì là tùy trường hợp. Vẫn nên hiểu tính cách học trò mình để áp dụng cho phù hợp.