Một ngày nọ mình bất chợt tự hỏi “ơ sao mình lại thích xem một người đang xem một cái video mình đã từng xem nhỉ, tại sao mình lại thích thú khi người này ồ, à hay có những biểu lộ cảm xúc khác nhỉ”. Chắc bạn cũng có câu hỏi tương tự.
*Mình tạm gọi “người làm video reactions” là “streamer” cho dễ nhé, tuy “streamer” bao hàm nghĩa rộng hơn, nhưng trong bài này mình giới hạn ý nghĩa trong mảng video reactions thôi.

Nguyên lý chung là nằm ở “sự đồng cảm” (“empathy”)

Một trong các nỗ lực giải thích nguyên nhân cho “sự đồng cảm” này là giả thuyết về “tế bào thần kinh gương” ("mirror neurons"). Trong những năm 90, một nhóm các nhà nghiên cứu người Ý đã khám phá ra rằng, khi một con khỉ với lấy đồ ăn, một số tế bào thần kinh trong não nó được kích hoạt. Các tế bào này cũng được kích hoạt tương tự khi con khỉ nhìn thấy một con người với lấy đồ ăn. Một số nghiên cứu cho rằng con người cũng có những tế bào này và cơ chế này, nhưng một số khác thì không. Giả thuyết “tế bào thần kinh gương” ở não người vẫn đang là đề tài tranh luận.
Nhưng nếu đúng là tế bào thần kinh gương có tồn tại và có tác động lên cảm xúc của chúng ta, thì ta có thể giải thích được vì sao con người ta có phản ứng “đồng cảm”, ví dụ như thấy người khác vui thì ta cũng vui, thấy người khác lo lắng thì ta cũng lo lắng.
Ngoài ra còn có nhiều cách giải thích khác về cơ chế “đồng cảm” ở con người.

Vậy sự đồng cảm giúp ta thỏa mãn hay đạt được những cảm xúc gì khi xem các video reaction?

1. Tìm lại phấn khích của lần đầu
Bạn đã bao giờ có cảm giác hụt hẫng sau khi “cày” hết một bộ phim dài tập hay tuyệt vời, như Harry Porter, Once Upon A Time, Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, Đô-Rê-Mon, vân vân chưa? Sau một, hai tháng cho cảm xúc no nê với các cảm giác phấn khích, hồi hộp, bất ngờ, đùng một cái bạn buộc phải quay trở về cuộc sống thường ngày nhàm chán. Bạn rất thèm thuồng muốn lặn ngụp vào đó một lần nữa, bạn muốn cảm giác phấn khích ấy kéo dài càng lâu càng tốt, nhưng không thể ngồi “cày” lại chúng một lần nữa, ít nhất là ngay lập tức. Không còn sự bất ngờ, không còn sự phấn khích vì bạn đã biết hết nội dung rồi còn đâu. Muốn tìm lại sự phấn khích ấy, bạn phải chờ sáu tháng, nửa năm nữa cho ký ức nhạt mất rồi mới cày lại được.
Điều này cũng tương tự như với các MV, trò chơi, video TikTok, mặc dù chúng ngắn, nhưng cũng mang lại những cảm giác đặc thù sau khi bạn xem lần đầu mà các lần sau chưa chắc đã gặp lại. Và thế là, bạn xem video reaction để được nhìn lại lần nữa cảm giác phấn khích của lần đầu thể hiện trên gương mặt của streamer, để rồi mong khơi gợi được chút phấn khích cho bản thân.
2. Có cảm giác “không cô đơn”
Con người chúng ta về mặt bề ngoài thì luôn muốn mình nổi trội, khác biệt, độc đáo, nhưng sâu bên trong lại mong muốn được “tương đồng”. Có thể vì sự “tương đồng” mang lại cảm giác an toàn hơn chăng? Sự tương đồng cho ta thấy ta đang đi cùng một con đường với đám đông, và như thế khó bị lạc hơn, hoặc nếu có lạc thì cũng có bạn và đỡ sợ.
Bạn có nhớ những lần bạn túm tụm với bạn bè để cùng chém gió về một bộ phim hay một drama với nhóm bạn không? “Ui đoạn đấy hay nhỉ”, “Ừ đấy đấy đúng rồi tao cũng thấy thế!” Khi xem video reactions, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu vì sẽ có rất nhiều đoạn streamer có phản ứng giống bạn. Đến một đoạn cảnh quay rất ấn tượng trong MV, bạn nhớ mãi, và khi streamer cũng trầm trồ trước cảnh quay đó, bạn thích thú vì “a ha, bạn này nghĩ giống mình ghê nè”. Đến một cảnh gây bức xúc, stremer cau mày, bạn cảm thấy như có người nói lên nỗi lòng hộ bạn trước số đông công chúng. Nó gần như là kiểu bạn được chia sẻ cảm xúc, “chém gió” với một cộng đồng, mỗi tội không phải trực tiếp thôi. Chỉ cần cùng “like”, cùng “share”, thế đã là đủ nói với cả thế giới quan điểm của bạn rồi.
3. Cảm giác thỏa mãn vì mình “đúng”
Bạn có nhớ những lần bạn rủ bạn bè, người thân đi xem một bộ phim mà bạn thích, đi ăn một món ăn mà bạn mê. Khi người đó cũng gật gù tán thưởng thì bạn hãnh diện nói “đấy, tao đã chọn là chỉ có ngon/hay”. Còn nếu người đó không thích thì bạn rất thất vọng không? Cái tôi của bạn được thỏa mãn, vì người bạn đó đã tái khẳng định lại quan điểm, nhận định của bạn, và như thế thì bạn cảm thấy tự hào vì mình đã có quan điểm đúng.
Xem video reaction cũng vậy, phần nhiều các phản ứng và bình luận từ streamer tái khẳng định quan điểm của bạn. Ví dụ như ca sĩ C có MV rất đẹp nhưng hát không hay, một người react chê lên chê xuống cái MV đó, bạn cảm thấy quan điểm của mình đúng, kiểu “Đấy, anh/chị streamer này nói thế thì nó phải chuẩn, thế thôi!”
Thế nên, khi người ta comment “Anh ơi, react về MV X đi”, “Chị ơi, chị làm về drama Y đi”, họ thực chất không mong đợi những “reactions” mang tính khách quan, trung tính hay khác biệt với mình. Thẳm sâu, điều họ muốn là “Anh ơi, em hy vọng anh cũng thấy MV X dở ẹc, anh chê cô ta đi”, “Chị ơi, drama này em thấy anh Y đúng, chị khen giùm em đi”.
Chúng ta cũng đặc biệt thích thú khi xem các video reaction của người nước ngoài về một cái gì đó của đất nước chúng ta. Một phần là chúng ta tò mò không biết họ có suy nghĩ giống chúng ta không, và một phần khác là chúng ta… kỳ vọng họ giống chúng ta, cũng thích bún mắm tôm giống chúng ta, cũng thích thuốc lào như chúng ta. Nói chung là cảm thấy tự hào vì những thứ thuộc về “chúng ta” được “họ” trân trọng.
4. Cảm giác dễ tiếp thu và được kết nối
Các video reaction dễ được tiếp thu vì nó thể hiện các loại cảm xúc dễ nhận biết.
Nhà tâm lý học Andrea Weinstein tại Trung Tâm Y Tế San Francisco VA cho rằng, con người thích hướng tới những cảm xúc dễ hiểu vì nó giúp người với người kết nối với nhau dễ hơn. Biểu cảm gương mặt của một người react hay thường rất rõ ràng (đôi khi hơi “lố”), ví dụ vỗ đùi, chửi thề, hú hét, làm mặt cười, làm mặt khóc, vỗ trán, vân vân, khán giả hiểu rõ cảm xúc họ đang truyền đạt, nên rất dễ đồng cảm.
Chúng ta khó gần được với những người giận cá chém thớt hay “thảo mai” vì chúng ta không đọc vị được cảm xúc của họ. Nhưng những cảm xúc bộc lộ mạnh mẽ lại giúp chúng ta kết nối với người khác dễ dàng hơn, kể cả với người lạ qua màn hình.

Ngoài ra còn nhiều lý do khác, ví dụ như streamer còn kết hợp các binh luận hài hước, các phân tích có chiều sâu mang lại những kiến thức mới mẻ, hay đơn giản là streamer xinh trai, đẹp gái. Nhưng tự chung, “đồng cảm” là chìa khóa giải thích được khá nhiều thứ.
-----------
Nếu bạn không đồng tình với tôi, hãy phản hồi theo cách phù hợp với "netiquette". Xin cảm ơn!
Khi sao chép xin vui lòng ghi rõ nguồn hoặc hashtag #theant